– Cá tính trên sân khấu, Vũ Cát Tường còn là một người luôn tin vào lựa chọn của bản thân và giữ cho mình tinh thần học hỏi.
Vũ Cát Tường đang tất bật cho những công đoạn cuối cùng trước thềm concert Stardom hoành tráng diễn ra vào ngày 10/11. Nữ ca sĩ chia sẻ, cô hồi hộp và lo lắng nhưng cũng rất hào hứng khi thấy “đứa con tinh thần” của mình sắp được trình làng với khán giả.
Trong quá trình thực hiện chuỗi dự án cuối năm, Vũ Cát Tường từng vấp phải sự phản đối nhưng cuối cùng, nữ ca sĩ vẫn tin vào lựa chọn của mình và làm bằng tất cả tâm huyết.
Tin vào lựa chọn của chính bản thân
– Bạn từng chia sẻ, bản thân muốn buông bỏ trong quá trình chuẩn bị cho chuỗi dự án cuối năm 2018?
Thật ra, trong quá trình sản xuất album, tôi từng gặp nhiều áp lực đến mức muốn buông bỏ tất cả, thôi không làm gì nữa. Tôi còn nhớ, khi đó album Stardom đã gần như hoàn thiện, chỉ cần một chút xíu nữa thôi thì tôi nhận được lời mời sang Hàn Quốc dự Asia Song Festival 2018.
Tôi hào hứng lắm vì đó là cơ hội để lan tỏa âm nhạc của Việt Nam nhưng không lâu sau đó, các khâu sản xuất gặp trục trặc, rồi những chỉ trích nhắm vào tôi vì ca khúc Leader là giọt nước tràn ly khiến tôi muốn hủy chuyến đi Hàn lưu diễn, ngừng luôn concert cuối năm.
Tôi cũng chỉ là con người, cũng thấu được nỗi đau khi những cống hiến bị bác bỏ. Thế nhưng, tôi lại suy nghĩ rồi nhận ra, âm nhạc đã chọn Vũ Cát Tường thì dù chuyện gì xảy đến, mình vẫn phải đón nhận, phải tin vào lựa chọn của mình.
– Thời gian qua, khán giả được thấy một Vũ Cát Tường sôi nổi, cởi mở hơn trên sân khấu. Thế nhưng, khi xem series The Stardom Secrets, người ta lại cảm nhận bạn dường như rất cô đơn?
Như tôi vừa nói, mình phải đón nhận tất cả. Những kinh nghiệm đó sẽ giúp bản thân có được những vốn sống, và những vốn sống cùng kỷ niệm sẽ trở thành cảm hứng cho tôi trong âm nhạc.
Bạn thấy tôi cô đơn trong The Stardom Secrets nhưng đó là những vốn sống của tôi, những lần vấp ngã, đổ mồ hôi, nước mắt và có cả máu để có thể được như hiện tại. Nói thật, không ai có được thành công mà không trả giá.
Tinh thần học hỏi “ăn” vào máu
– Bình thường, trong showbiz xảy ra chuyện gì đó nhưng khi hỏi Vũ Cát Tường lại không biết gì cả?
Thật sự tôi không biết thật, tôi không thường lướt facebook hay đọc tin tức quá nhiều. Quỹ thời gian của tôi chủ yếu dành cho âm nhạc. Nghe qua có vẻ hơi nhàm chán với người khác nhưng với tôi lại là cả một bầu trời.
Sáng thức dậy, tôi ăn sáng rồi đi tập gym, xong lại về ăn trưa rồi làm việc, lên máy để tìm ý tưởng. Tôi cảm giác mình thuộc về những âm thanh.
Mỗi lần tìm được âm thanh hoặc giai điệu mới, tôi tự thấy bản thân mình không cần gì hết, giống như người ta cần chất kích thích còn tôi thì không. Chiều tôi sẽ nhắn tin, trò chuyện với bạn bè rồi lại làm nhạc tiếp.
– Bạn từng chia sẻ bản thân theo học một khóa học. Có khán giả thắc mắc, ở vị trí như hiện tại, lý do gì khiến Vũ Cát Tường vẫn tiếp tục việc học?
Tôi nghĩ, vị trí không định nghĩa được chuyện một người có nên học tiếp hay không. Tôi chưa bao giờ nghĩ mình ở vị trí này rồi sẽ không cần học nữa.
Tinh thần học hỏi như “ăn” vào máu của tôi rồi và dù ở bất kỳ lĩnh vực nào, tôi cũng có sự tò mò rất lớn từ chuyên môn cho đến mọi thứ xung quanh lĩnh vực đó. Vì vậy, tôi không có suy nghĩ “đủ rồi”, mỗi ngày thức dậy đều có sự tò mò mới.
Bây giờ nhìn lại, tôi cảm giác bản thân mình luôn làm song song 2 điều gì đó. Ngày xưa tôi vừa học nhạc vừa học văn hóa, bây giờ vừa đi học vừa đi làm. Chuyện học luôn xuất hiện và nếu hỏi vì sao thì do tôi thích thôi.
– Vũ Cát Tường sắp xếp ra sao để cân bằng giữa việc học và đam mê âm nhạc của mình?
Đầu tôi như có công tắc trong đó. Để chu toàn cả hai công việc cùng một lúc đòi hỏi bạn phải rất kỷ luật, kỷ luật là thứ hàng đầu tôi phải học.
Dĩ nhiên, tôi không tránh khỏi thời gian gọi là “phải gồng” vì mình không phải người máy, đúng giờ đó là phải dậy và mình phải dành 2-3 tiếng để học xong bài văn hoá rồi đến tối có mặt ở chỗ diễn. Mọi thứ phải thật chính xác thời gian.
Ví dụ buổi sáng, từ 9h – 12h đầu óc phải thật tập trung, không được xao nhãng. Muốn phân bổ thời gian, tôi nghĩ điều đầu tiên là tính kỷ luật. Thêm vào đó là sự tập trung cao độ bởi không thể nào học liên tục 3 tiếng đồng hồ.
Tôi không phải người thích học theo những gì thầy cô dạy, tôi thích tự đọc và tự khai sáng ra điều mình muốn học, nên thời gian học sẽ dài hơn người khác. Muốn học nhanh sẽ tìm đến thầy cô vì đó là cách nhanh gọn nhất nhưng tôi thích tự làm hết cho đến khi hiểu được vấn đề đó.
– Nghe nói, thời đi học bạn rất quyết tâm để giành học bổng. Vì sao vậy?
Thứ nhất, đó là tính cách của tôi, thứ 2 vì ngày xưa áp lực tài chính đối với tôi rất nhiều. Tôi cảm giác việc mình xin mẹ học trường quốc tế là một tội lỗi vì nhà không giàu, không đến mức quá nghèo nhưng chỉ đủ để học bình dân thôi chứ không thể 1 học kì đóng mấy chục triệu đồng do trường tôi là trường quốc tế nhà nước.
Tôi nghĩ mình không thể vì giấc mơ của bản thân rồi đặt gánh nặng lên vai mẹ, nhiều khi đó cũng là thiệt thòi về mặt đầu tư cho 2 đứa em của tôi nữa. Tôi nghĩ mình phải nỗ lực làm sao để tự đóng học phí cho mình, như vậy chỉ có đường học bổng thôi, không có con đường khác.
– Khi đó, bạn quyết tâm như thế nào bởi giành học bổng cũng gặp khá nhiều khó khăn?
Tôi phải quyết tâm cao chứ, thậm chí bây giờ 26 tuổi kể về lúc đó, tôi không còn thấy nó là khó khăn nữa vì điều đó quá nhỏ. Khó khăn lớn nhất của tôi có lẽ là quen với môi trường quốc tế vì tài liệu tiếng Anh rất nhiều.
Tôi nhớ trong nửa học kì đầu, tôi sốc vì chuyện đọc tài liệu bằng tiếng Anh. Sách giáo khoa dày như từ điển và thầy chỉ giảng bằng slide, nếu chỉ có slide đó không thể nào thi được.
Mỗi ngày, tôi phải dành từ 4-5 tiếng ở thư viện để học cách đọc tài liệu, có những hôm không có tiết học, tôi dành hết thời gian ở thư viện và trưa ăn cơm xong, chiều lại vô đó tiếp.
Từ từ, tôi quen và đọc nhanh hơn, khi đọc vào sẽ có thông tin và bắt đầu quen với những cụm từ cũng như cường độ làm việc. Tôi nghĩ đó là cú sốc chung của tất cả sinh viên trước đó học trường tiếng Việt và sau đó học trường quốc tế.
– Bạn có thể chia sẻ về quá trình học hát hay mục tiêu trong âm nhạc của mình không?
Tôi nghĩ một trong những thứ giúp mình được ngày hôm nay là sự tìm tòi trong sáng và ngây thơ, chính xác là như vậy. Tôi học không có mục đích gì mà chỉ đơn giản là bản thân thật sự muốn học.
Nhiều người nói nhìn Vũ Cát Tường mới bao nhiêu năm mà được vị trí đó có lẽ không đơn giản, nhưng thực ra mọi thứ ngược lại. Có lúc, khi nghe thầy Thanh Bùi hay cô Phương Uyên hát có gì đó mới lạ, tôi vẫn sẵn sàng xin thầy cô dạy mà không cần biết học xong sẽ làm gì.
Không phải tôi muốn học điều này để trở thành như thế kia hay vì muốn vượt mặt người này người nọ, tôi không bao giờ có suy nghĩ đó. Chính vì mình tự do trong đầu óc của bản thân nên kiến thức không bị áp lực, không bị ảnh hưởng bởi một điều gì.
– Có phải do mục tiêu ban đầu bạn đặt ra là trở thành một nghệ sĩ chứ không phải một ngôi sao nổi lên rồi chìm đi theo thời gian nên mới học nhiều như vậy?
Tôi nghĩ 2 chữ “nghệ sĩ” có vẻ hơi xa, tôi chỉ muốn bất kì một điều gì tôi làm đều phải đâu ra đấy, ví dụ nói mình là ca sĩ mà không lẽ nốt nhạc bẻ đôi không hiểu, hoặc người ta nói mình là ca sĩ mà không lẽ không hát lên được nốt đó.
Nói chung, mọi thứ xuất phát từ chuyện tôi làm gì cũng muốn người ta công nhận chứ không phải làm cho vui hay cho có tiếng, tôi muốn người ngoài nhìn vào thấy mình đáng tin cậy, vì uy tín là thứ quan trọng nhất trong cuộc đời tôi.
Dù làm nhạc hay một công việc nào, uy tín vẫn là hàng đầu, đừng nghĩ scandal người ngoài kia họ không biết, khán giả biết ai đang làm gì chỉ là họ không nói ra thôi. Uy tín của một người phải đặt lên hàng đầu, tôi làm gì cũng phải làm cho ra chứ không phải “múa rìu qua mắt thợ”.
– Thực ra, khả năng của Vũ Cát Tường vẫn đủ sức cho ra một ca khúc theo thị trường, tại sao bạn lại không làm?
Có lúc tôi nghĩ mình cô độc nhưng hiện tại, tôi không còn cô độc nữa bởi tôi chọn điều đó. Thật ra, tôi vẫn mong sau này có nhiều người làm như vậy chứ tôi không bao giờ muốn bản thân thành công một mình.
Khi nhìn vào nền công nghiệp âm nhạc của một nước, người ta nhìn vào nhiều người chứ không phải một cái tên Vũ Cát Tường. Còn chuyện thị trường hay không, tôi nghĩ âm nhạc cuối cùng cũng giống như món ăn người ta chọn mua để ăn, mình phải làm sao cho người ta ăn được.
Tôi không nghĩ rằng “tôi rất nghệ thuật, tôi không thuộc về đám đông”. Nhưng tôi nghĩ “tôi có sự khác biệt và làm sao để tôi đem sự khác biệt đó cống hiến cho cuộc đời này, nó khác với chuyện tôi gạt mình ra khỏi đám đông”.
Tôi vẫn muốn làm sao để có thể cống hiến, nhạc mình sống được mà vẫn giữ cái tôi của bản thân.
Xuất phát điểm không đánh giá con người
– Vũ Cát Tường nghĩ sao khi có ý kiến cho rằng người miền Tây không nổi tiếng được?
Tôi nghĩ, khác biệt lớn nhất của Vũ Cát Tường là không gắn nhãn mình với ai hết. Tôi cũng là người miền Tây nhưng không nghĩ “tôi dân miền Tây nên tôi chỉ làm được tới đây thôi” hay “vì tôi dân miền Tây nên tôi xuất phát khác người ta”.
Tôi chưa bao giờ nghĩ xuất phát điểm của một người sẽ đánh giá được người đó sau này như thế nào. Quan trọng là thái độ, con người và tư duy của người đó ra sao thì sau này người đó sẽ định hình được địa vị của mình.
– 5 năm hoạt động nghệ thuật và để bước đến được vị trí như hôm nay, bạn có bao giờ bị người khác lừa?
Âm nhạc đã chọn Vũ Cát Tường thì dù chuyện gì xảy đến, mình vẫn phải đón nhận.
Vũ Cát Tường
Bây giờ, tôi may mắn vì có khán giả, đặc biệt là fan đã chấp nhận cá tính âm nhạc của tôi và một ê kíp ủng hộ tôi trong mọi hoạt động. Tôi nghĩ lừa thì không có, nhưng yêu và hận đến mức trả thù tôi thì có. Tôi không nói đến tình yêu mà là niềm tin.
Trước đây, tôi có một ê kíp cũ -họ rất yêu thương và đồng hành với tôi từ khi tôi không có gì cả.Chính vì sự chú tâm vào công việc, tôi không biết đối xử hay quan tâm người này, người kia như thế nào dẫn đến chuyện thấy họ thương và tin mình quá nên tôi trao hết quyền cho họ.
Đến khi bản thân trưởng thành, tôi muốn tự đi tìm bước tiến mới thì họ không muốn cho mình đi nữa.
– Vậy Vũ Cát Tường đã từng vấp ngã và trưởng thành từ cú ngã đó ra sao?
Tôi từng làm việc chung với một ê kíp, thời điểm đó tôi không có ai giúp đỡ nên có ai cho mình thứ gì, tôi nhận cái đó. Đến khi xảy ra chuyện, tôi mới biết họ đã nắm hết điểm yếu của mình và chỉ đợi tôi trượt chân là đá xuống ngay.
Đó là bài học nhớ đời khi tôi bước chân vào showbiz, không bao giờ nhận không của ai bất cứ cái gì bởi người ta cho được sẽ lấy lại đươc. Chỉ có những cái mình tạo ra và muốn có, ví dụ như muốn có vị trí đó thì không còn gì khác ngoài việc phải lao động, phải nỗ lực.
Bạn muốn tìm một quản lí tốt, bạn phải vấp ngã mới biết tố chất một người quản lí hợp với bạn là gì, bạn phải đi đây đi đó để làm quen người này người kia.
Tôi cũng nghĩ mình cô độc quá. Vào công ty, mình được bao bọc, rất nhiều người sau lưng mình nhưng trong lòng rất cô độc bởi sự sáng tạo của bản thân không ai hiểu và không công nhận.
Họ sẽ nói “bài này không hit đâu” nhưng tôi không quan tâm, đối với tôi chuyện hit hay không hit không phải một sớm một chiều.
Một người nghệ sĩ có tên tuổi lớn sẽ không có hit nào che được tên của họ, có thể ban đầu khán giả biết đến họ nhờ bài hit, nhưng một người nghệ sĩ đứng được 30, 40 năm trên sân khấu không phải là do bài hit mà là tên tuổi, để làm được chuyện đó cần nhiều thứ hơn chuyện bài hit và views.
Lúc tôi ngây thơ nhất, tôi lại bị chơi một cú sấp mặt nên tôi nghĩ cần công ty để bảo vệ bản thân nhưng lại cực kì cô đơn trong thế giới sáng tạo của mình. Bây giờ tôi có ê kíp tin tưởng mình, “làm đi sáng tạo đi, luôn có anh em ở phía sau”. Còn khi bạn sáng tạo ra người ta nói “chờ đi, chờ đi chưa ra được” nên tôi rời đi, không phải lỗi của ai nhưng do mình quá cô đơn.
Có một thời gian, tôi suy nghĩ: “Chẳng lẽ mình phải chấp nhận đi một mình suốt con đường này sao” bởi không ai hiểu hình ảnh của tôi và cũng không ai biết cách khai thác nó. Chuyên môn của tôi là âm nhạc, tôi biết mình cần gì nhưng tôi không thể ôm đồm được.
Thời gian đó là cuối năm 2015, tôi nghĩ thôi mình không làm gì nữa, nghỉ ngơi tập trung lo tốt nghiệp. Sau đó là Giọng hát Việt nhí đến, lúc đó cuộc sống ném mình vào một vòng xoáy bắt buộc phải làm, phải nhận cơ hội đó để trưởng thành hơn.
– Có vài ý kiến cho rằng, Vũ Cát Tường đã nổi tiếng từ lâu nếu không cứng đầu?
Quan trọng là nổi tiếng như thế nào, tôi cứng đầu vì muốn nổi tiếng theo cách của bản thân mình. Nổi tiếng theo cách người ta là Vũ Cát Tường vẫn hát hay, mặc vài cái đầm, giữ tóc dài và thướt tha nhưng đó có phải điều mình muốn hay không?
Hoặc bây giờ sáng tác, Vũ Cát Tường vẫn nổi tiếng, cho viết 100 bài ballad y chang như vậy thì trở thành công chúa ballad, Vũ Cát Tường có thích không – không. Vậy nên quan trọng là nổi tiếng theo cách nào, nổi tiếng theo cái mình muốn thì mình phải đánh đổi.
– Xin cám ơn Vũ Cát Tường về những chia sẻ trên!
Theo VTC