Cố nhạc sĩ Phạm Duy và con rể Tuấn Ngọc.
“Làm con rể Phạm Duy tôi không phải trả tiền bản quyền…” – Sau khi nhạc sĩ Phạm Duy qua đời, Tuấn Ngọc ít xuất hiện trên các sân khấu âm nhạc tại Việt Nam. Có phải anh vẫn chưa hết đau buồn trước sự ra đi của bố vợ? Đối với tôi không có một người nghệ sĩ nào vĩ đại bằng nhạc sĩ Phạm Duy hết. Ông ra đi không chỉ để lại sự mất mát với riêng tôi mà rất nhiều người yêu mến nhạc ông cũng sẽ cảm thấy đau buồn. Nhưng thật ra sự mất mát đó chỉ là về vấn đề tình cảm thôi còn vấn đề nghệ thuật thì không có sự thay đổi nhiều vì Phạm Duy đã để lại một kho tàng âm nhạc quá lớn. Thời gian vừa qua tôi ít về nước hát vì bận nhiều công chuyện nên không sắp xếp được thôi. – Mặc dù nhạc sĩ “Kiếp nào có yêu nhau” không còn nữa nhưng nhiều người vẫn ngưỡng mộ trước mối quan hệ thân thiết giữa Tuấn Ngọc và Phạm Duy. Anh làm thế nào để được bố vợ yêu mến như vậy? Có thể vì chúng tôi đều là nghệ sĩ nên sống phóng khoáng hơn. Bên cạnh đó, xã hội cũng bớt lễ nghi hơn so với hồi xưa nên các vị trí thứ bậc trong gia đình không còn bị gò bó nữa. Tính tôi lại khôi hài mà ông Phạm Duy thì thích người khôi hài. Trong âm nhạc tôi và bố vợ hiểu nhau lắm nên tôi nghĩ cứ sống sao cho vui thôi là được. Mà cũng có nhiều người hỏi tôi một cách nghiêm trang rằng, anh đến với gia đình một nhân tài như Phạm Duy, anh thấy như thế nào? Tôi bảo, tôi rất thích làm con rể nhạc sĩ Phạm Duy bởi từ ngày tôi làm con rể ông, tôi không phải trả tiền bản quyền âm nhạc. – Vậy mà có người nói Tuấn Ngọc rất khéo nịnh bố vợ nên mới được ông thương nhiều thế? Tôi đã lấy con gái của bố rồi thì cần gì phải nịnh nữa.
“Bố vợ tôi rất yêu tiếng hát của tôi”.
– Người ta hay nói nhạc Phạm Duy rất trừu tượng và không phải ai cũng cảm nhận hết được những ca từ ông viết nên số người hát hay nhạc của ông thật sự chỉ đếm trên đầu ngón tay. Anh nghĩ sao về nhận định này? Thời xưa mọi người sống văn vẻ và lãng mạn hơn bây giờ nên cách đặt lời trong âm nhạc cũng khác. Bây giờ nó thực tế quá mà không phải chỉ trong âm nhạc đâu, cả trong tình cảm cũng vậy. Đó là điều tôi thấy rất buồn, có thể vì tôi là người sống trong thời đại coi trọng tình cảm gia đình, lễ nghi trên dưới. Ví dụ như vào bàn cơm con cái phải mời bố mẹ ăn nhưng bây giờ tục lệ đó cũng dần mất đi rồi, ngồi xuống bàn là mạnh ai nấy ăn. Quay lại chuyện âm nhạc Phạm Duy thì tôi thấy nó không khó hiểu chút nào. Câu hỏi này cũng giải thích lý do vì sao tôi học nhạc nhiều, tôi học để hiểu rõ tại sao cái nốt này lên, cái nốt kia xuống và cái lời bài hát sao nó đẹp như thế. Mình phải hiểu tường tận một ca khúc thì sẽ thấy hạnh phúc hơn giống như các môn học vậy càng hiểu càng đam mê và yêu thích. – Tuấn Ngọc được khán giả khen hát nhạc Phạm Duy hay nhưng đã bao giờ anh bị ông chê chưa? Không phải làm ca sĩ là bài hát nào cũng hát được nên thật ra tôi phải biết chọn bài cho mình xem có hợp hay không. Nhiều người khen tôi là, “sao anh Tuấn Ngọc hát bài nào cũng hay?” tôi bảo, “phải chọn bài cho hợp chứ giờ tôi hát bài không hợp mọi người nghe sẽ chán tôi ngay”. Với lại bố vợ tôi thật sự rất yêu tiếng hát của tôi thành ra tôi cũng không bị ông chê, hoặc là chê sau lưng tôi không biết (cười). – Chọn lựa ca khúc phù hợp mới hát nhưng nếu bố vợ nhờ những bài mình không thích, anh có từ chối không? Có chứ nhưng có lúc tôi cũng nể ví dụ như trong CD Hàn Mạc Tử có mấy bài hơi khó mà tôi vẫn phải cố gắng hát, chứ nếu để tự chọn tôi sẽ không hát. Nói chung là tôi chiều ông nhưng chỉ ở mức nào thôi. – Ngoài những sáng tác để đời, Phạm Duy còn được biết là thích thử sức với thể loại nhạc “tục ca”. Đã bao giờ Tuấn Ngọc hát những ca khúc thuộc dòng nhạc này chưa? Đó là nhạc mà tôi từ chối hát. Tôi không dám hát vì có thể đầu óc tôi chưa phóng khoáng bằng bố vợ tôi. Phạm Duy là người không thích ngồi yên với những gì mình đã có mà thích khai sáng những gì mới lạ vì như vậy mới là nghệ sĩ còn đi theo sở thích của khán giả thì không phải là nghệ sĩ. – Ngoài âm nhạc, Phạm Duy có bao giờ can thiệp vào cuộc sống vợ chồng anh không? Bố vợ tôi rất thoải mái chỉ khi nào chúng tôi giận dỗi thì ông mới bắt làm hòa. Ông không muốn nhìn chúng tôi giận nhau. Ông chẳng mắng ai hết chỉ nói phải biết nhường nhịn nhau. “Tôi dạy con đừng hại ai” – Thời gian gần đây ca sĩ hải ngoại như Chế Linh, Phi Nhung, Quang Lê…thường xuyên về Việt Nam hát, có thông tin cho rằng vì ở Việt Nam cat-sê cao hơn, nhiều sô hơn. Anh có thấy đúng không? Theo tôi không có ca sĩ nào là người Việt Nam mà lại không thích hát ở Việt Nam cả. Lúc đầu về tôi cũng định hát ít thôi nhưng thấy vui nên hát nhiều. Cuộc đời tôi không có tính trước gì hết mà vui đâu chầu đấy, ví dụ như năm nay nếu không bận tôi cũng có thể về hát lâu hơn. Đối với một vài ca sĩ hải ngoại khi về Việt Nam rất dễ hát. Nhiều lúc thấy tội lắm, họ mời mình đi hát mà như năn nỉ vậy trong khi đâu cần thế vì chúng tôi cũng cần đi hát mà. Ý tôi muốn nói là nhu cầu thưởng thức âm nhạc ở Việt Nam rất lớn.
“Thà con tôi bị người ta lừa còn hơn con tôi đi lừa người ta”
– Nhu cầu lớn nên chắc cát-sê của Tuấn Ngọc tại Việt Nam hẳn cũng lớn? Mình cũng phải làm sao để mình sống người ta cũng phải sống chứ, nên cát-sê tôi không có lớn như người ta nghĩ đâu vì đâu phải đêm nào cũng đông. Thí dụ đêm nào vắng là tôi tự bớt tiền cho bầu sô. – Ở tuổi U70, Tuấn Ngọc dự định sẽ về Việt Nam hát trong bao lâu nữa? Tôi tính về hưu sớm lắm nhưng tôi mới đi coi Tony Bennett hát, ông ấy năm nay 88 tuổi rồi nhưng vẫn rất thành công nên tôi nghĩ sẽ cố theo xem ra sao. Tôi sẽ đi hát cho đến ngày khán giả nói, “nghe ông hát tôi rất thích nhưng nếu ông không hát tôi thích hơn”. – Nhưng suốt ngày bay nửa vòng trái đất để đi hát, vợ anh có xót chồng mà khuyên anh nghỉ ngơi không? Vợ chồng nào chẳng xót cho nhau nhưng với tôi người đàn ông phải hoàn thành trách nhiệm, bổn phận của mình nên việc gì phải làm thì làm thôi. Nhiều người khen tôi hát hay nhưng tôi chẳng hãnh diện đâu vì nhiều người tài năng hơn mình. Nhưng người đàn ông có đủ tư cách trách nhiệm với gia đình thì không có nhiều, tôi đã tạo ra cái gì rồi thì phải lo tròn cho nó dù rất khó. – Bận rộn như vậy, anh có chia sẻ công việc nhà với vợ không? Có. Vợ tôi nấu ăn thì tôi ăn giúp, tôi khen để vợ tôi không mặc cảm. Tôi thấy có nhiều người vợ cho ăn còn chê đấy. – Anh là người coi trọng lễ nghĩa trong gia đình, anh dạy con cái mình như thế nào? Tôi dậy con phải là người tốt đừng có hại ai, đừng có làm ai buồn. Thà con tôi bị người ta lừa còn hơn con tôi đi lừa người ta. Tôi thấy mình may mắn vì con tôi cũng nghe tôi ít nhiều. – Cảm ơn chia sẻ của anh!