Tuấn Ngọc: ‘Càng học càng thấy mình hát dở’

Danh ca chia sẻ ngày còn trẻ, anh từng cho mình hát hay, rằng khó có ai so sánh bằng. Nhưng càng học, anh nhận ra mình dở.

10 năm kể từ ngày về nước hoạt động, danh ca Tuấn Ngọc lần đầu tiên nhận lời làm giám khảo một cuộc thi hát là Tiếng hát mãi xanh. Tuấn Ngọc nổi tiếng ít nói, nhưng anh cũng được nhiều người biết đến bởi sự dí dỏm và duyên dáng. Điều này được thể hiện khá rõ trên ghế nóng cũng như khi chia sẻ về những vấn đề khác liên quan đến âm nhạc.

Tuan Ngoc: '“Cang hoc cang thay minh hat do” hinh anh 1

Danh ca Tuấn Ngọc. Ảnh: NVCC

“Tôi thấy mình hát chưa hay, chỉ ở mức được”

– Vì sao anh nhận lời làm giám khảo chương trình Tiếng hát mãi xanh?

– Tôi rất ngại làm giám khảo, vì bản tính vốn không thích nói nhiều. Nhưng chương trình này có điều rất đặc biệt và dễ thương. Các thí sinh đi thi đều có tuổi, mộng của họ chỉ là được hát chứ không tham vọng. Do đó, họ cũng thành thật lắm. Bản thân tôi là người yêu nhạc, nên thấy ai yêu nhạc rất quý trọng.

Đến giờ, tôi không dám nhận mình hát hay thì thì đâu dám phê bình, nhận xét gì ai. Tuy nhiên, hàng chục năm đi hát, tôi nghĩ mình có rất nhiều kinh nghiệm trình diễn. Trên ghế nóng, tôi sẵn sàng chia sẻ điều này.

– Khi ngồi ghế nóng, anh chú trọng điều gì nhất?

– Có nhiều giám khảo cho rằng thí sinh hát phải theo đúng cảm xúc, thông điệp của tác giả. Tôi lại không nghĩ như vậy, bởi 10 người ai cũng hát theo một câu chuyện đấy thì cần gì phải nghe 10 người. Ví dụ như cùng một chủ đề, tác giả và ca sĩ cũng có những xúc cảm khác nhau, lúc đó người nghệ sĩ cũng nên tôn trọng cảm giác của mình.

Người Mỹ có tinh thần và óc sáng tạo rất hay. Một ca sĩ hát tốt, đồng nghiệp sẽ tôn trọng người đó nhưng sẽ tìm ra một hướng đi khác. Còn người Việt mình lại chọn cách cứ đi theo một lối mòn.

Tuan Ngoc: '“Cang hoc cang thay minh hat do” hinh anh 2
Ca sĩ Tuấn Ngọc, BTV Quỳnh Hương và nhạc sĩ Trần Long Ẩn làm giám khảo Tiếng hát mãi xanh 2016. Ảnh: MayQ

– Anh tự nhận mình  “hát chưa hay” dù được công nhận là danh ca?

– Tôi thấy mình chỉ ở mức được thôi. Ngày xưa khi vừa học hát, tôi tự phụ lắm, cho là mình hát hay lắm, rằng khó có ai so sánh bằng. Nhưng càng học, tôi càng nhận ra mình dở. Do đó, tôi nhận ra thêm một điều, người ta khen mình, không có nghĩa giá trị sẽ tăng theo lời khen đó. Quan trọng vẫn là nhận thức của bản thân, còn lời khen lời chê không ảnh hưởng nhiều lắm.

Tôi từng thấy bạn mình hát không hay, nhưng rất nhiều người khen đấy.

– Nhiều chương trình, các huấn luyện viên ra sức khen ngợi thí sinh để mời họ về đội của mình. Anh nghĩ đây là cách làm hợp lý?

– Có thể người huấn luyện viên đó thấy thí sinh có khả năng, chứ không phải họ nói dối đâu. Nhưng dù sao đó cũng là quan niệm của họ, cũng chưa chắc cách nhìn của tôi là đúng. Tôi thì không mời, không giành thí sinh với người khác được.

“Có khi Hà Hồ phải nương tôi khi song ca”

– Nhận lời làm khách mời đêm nhạc Love Song của Hồ Ngọc Hà, nhiều người cho rằng nữ ca sĩ này chưa đủ “tầm” để có thể song ca cùng một danh ca như anh?

– Tôi quen Hà từ lâu, cách đây hơn 10 năm thông qua lời giới thiệu của Đức Trí. Với tôi, nghệ sĩ đều giống nhau, già hay trẻ cũng đều là bạn của mình, không phải chỉ hát với người này mà từ chối người kia hay một mực ra sân khấu với những người được cho là cùng đẳng cấp.

Trước đây tôi từng tham gia làm khách mời cho nhiều chương trình, nhưng đêm nhạc sắp tới của Hồ Ngọc Hà là lần đầu tiên tôi kết hợp cùng một ca sĩ trẻ. Làn đầu làm việc, tôi thấy cô ấy dù là ca sĩ trẻ nhưng rất nghiêm chỉnh, dễ thấy nhất là việc cô ấy mời ban nhạc Hoài Sa – ban nhạc hay và có giá trị nhất Việt Nam hiện tại để làm việc. Nếu muốn, cô hoàn toàn có thể mời bất cứ ban nhạc nào, nhưng lại không làm như thế.

– Hát với Hà, anh sẽ có cách nào để không lấn át cô ấy?

– Đừng nghĩ tôi phải nương. Tôi hát nhạc của Hà, tức tôi bước vào lĩnh vực của cô ấy chứ không phải sở trường của mình. E là Hà phải nương tôi mới đúng.

Tuan Ngoc: '“Cang hoc cang thay minh hat do” hinh anh 3
Tuấn Ngọc tập luyện cùng Hồ Ngọc Hà và nhạc sĩ Hoài Sa. Ảnh: T.T

Nhạc mới bây giờ, càng diễn tả tâm trạng hay lấy kinh nghiệm ra để hát là thua bởi không còn phù hợp, thay vào đó cần sự nhẹ nhàng, dứt khoát. Nhìn chung, hai người hát với nhau phải làm sao để thật hòa quyện, tìm ra tiếng nói chung để hai phía cảm thấy thoải mái cũng như đưa đến kết quả tốt nhất.

Khi làm khách mời, có thể hiểu nôm na rằng bạn được mời vào nhà người khác, nên nhập gia phải tùy tục.

– Nhiều danh ca, vì cái tôi lớn khiến họ ít khi chịu tiếp nhận, thậm chí có cái nhìn gắt gao về những cái mới. Còn anh có vẻ là số ít?

– Cách nhìn của tôi về âm nhạc là: có rất nhiều đường để đến La Mã, không phải cứ giữ khư khư một quan điểm và cho rằng những thứ còn lại la không thích hợp. Nghệ thuật là sáng tạo, phải có trào lưu để thay đổi, chứ giữ một vẻ hoài thi rất chán. Có người thích giữ nét riêng, còn tôi là người hát được nhiều loại. Nhạc xưa và nhạc hiện nay, không thể nói cái nào hay hơn, quan trọng là người nghe thích cái gì mà thôi.

– Điều gì giúp anh có tư duy cởi mở, hiện đại này?

– Tôi học nhạc như một cách mở mang tầm nhìn. Nhiều bài nhạc phần hòa âm được viết theo ý của tôi, có như vậy tôi mới là tôi. Còn nếu nhờ người khác làm, tức tôi phải hát tình cảm của người khác. Nếu có hay đi chăng nữa thì đó cũng không phải là tôi nữa.

Âm nhạc rất bao la, càng ngày càng đủ vẻ, muốn học thì học mãi không hết. Thời đại này, con người chỉ thiếu ý chí chứ muốn học gì cũng có rất nhiều điều kiện. Đừng viện lý do thế này thế kia mà không học, còn “ngu” là do mình “ngu” mà “lười” là do “lười”.

Bỏ rượu, tập yoga để giữ phong độ

– Anh là người khó tính trong âm nhạc?

– Tôi mang tiếng khó tính, nhưng như thế tốt hơn là dễ dãi. Khó tính nhưng cũng phải sáng suốt, chứ không phải đăm đăm khó chịu. Không phải trong nghệ thuật, làm nghề gì cũng nên khó một chút, tôi nghĩ là vậy.

– “Tài gắn liền với tật” – điều này có đúng với danh ca Tuấn Ngọc?

– Tôi nghĩ tài của mình cũng vừa phải nên cũng không có tật gì nhiều.

– Hiện tại, sinh hoạt của anh tại Việt Nam diễn ra như thế nào?

– Sau live show cách đây 10 năm, tôi chủ yếu trình diễn ở phòng trà và các đêm nhạc event. Không biết người khác ra sao, nhưng tôi thích diễn tại phòng trà nhất vì không gian nhỏ, gần gũi và có thể giao lưu với khán giả. Như vậy tôi thấy vui hơn. Còn các sân khấu lớn, coi vậy chứ xa cách lắm.

Tôi bay liên tục giữa Việt Nam và Mỹ. Sau đêm nhạc của Hồ Ngọc Hà, tôi quay về với vợ con. Nhưng tôi nghĩ đây là hạnh phúc vì ở tuổi này vẫn còn nhiều công việc để làm.

Tuan Ngoc: '“Cang hoc cang thay minh hat do” hinh anh 4
Vẻ phong độ của nam danh ca dù sắp bước qua tuổi 70. Ảnh: NVCC

– Gần chạm mốc 70 tuổi, nhưng giọng hát của Tuấn Ngọc không có dấu hiệu xuống sức, vẻ ngoài của anh cũng còn rất bảnh bao. Anh giữ phong độ bằng cách nào?

-Cách hát của tôi rất cần sức khỏe, mà muốn có điều này phải biết giữ gìn và kiềm chế rất nhiều thứ. Tôi thích ăn dầu mỡ, uống rượu bia nhưng phải bỏ hẳn vì dễ gây khan tiếng cũng như dễ gây ra bệnh tật. Nhưng ăn kỹ mà không tập thể dục cũng không được. Do đó, tôi còn tập thêm yoga.

Tóm lại, cái gì quý, biết giữ mới bền thay vì coi thường nó.

– Khi đi diễn, ít khi thấy anh có quản lý/ trợ lý đi cùng như nhiều ngôi sao khác?

– Tôi “tự xử” hết tất cả vì cách làm việc không mấy nhất định. (cười) Nếu nhất định, tôi sẽ cần một người vạch ra cho mình những kế hoạch cụ thể, nhưng tôi lại chỉ làm tùy hứng. Nhiều người nói tôi tự làm bản thân thêm mệt mỏi, nhưng từ nhỏ tôi đã quen với việc tự làm tất cả mọi thứ. Âm nhạc, chơi đàn, hòa âm đến học tiếng Anh, lái xe đều tự học lấy chứ không có thầy. Vất vả thì có đấy, nhưng bù lại tôi biết tự điều chỉnh theo mức tiếp thu của mình, không phải chờ ai hay đu theo ai.

Nhưng tôi cũng có tật nhỏ là không ghi chú công việc nên có khi gần đến ngày phải về mới nhớ ra chưa mua vé.

Phương Giang

Theo Zing