Gặp chàng nói chuyện, chàng có giọng rất ấm, cặp mắt sáng, cặp mắt dường như biết nói. Lần đầu tiên trong đời tôi đã bị tiếng sét ái tình như thế.
Cánh buồm đỏ thắm chưa về, chàng đẹp trai Gray vẫn chưa tới, lần lượt đi qua những mối tình tình hờ, tình câm, tình con nít kết cục chỉ để lại tiếng “linh tinh” chứ chẳng được gì.
Năm 75, anh Quang Thọ và tôi có tiêu chuẩn đi học Liên Xô nhưng trước tiên phải thi đỗ văn hóa. Hai anh em nhờ một người dạy kèm. Khi thi cả hai anh em đều trượt, riêng tôi thì đỗ chút tình với thầy dạy kèm, có tí tình vắt vai. Được nắm tay, được vuốt tóc, được hôn. Rồi biết không đi tới đâu. Tôi dốt về kiến trúc, chàng thì không thiết gì thanh nhạc, ngồi với nhau ông nói gà bà nói vịt, rồi cũng thôi.
Trường nhạc năm 1976 khi không còn chiến tranh nữa ai nấy đều tươi tắn hẳn lên, không gian như bừng sáng hơn, sân trường cũng sạch sẽ hơn. Áo quần của học sinh sinh viên thời trang hơn, rực rỡ hơn. Người thì có người nhà gửi từ miền Nam ra, người thì gửi tiền cho người đi Sài Gòn mua mang ra. Lúc này tôi đã lên đại học, không còn bỡ ngỡ nữa mà đã tự tin hơn. Mọi người bắt đầu nghĩ đến mode, ăn mặc sành điệu hơn. Tôi vẫn diện bộ hai bộ áo quần chị Chi may cho rất đẹp và rất mode, “sáng cả sân trường” như thơ một chàng viết tặng (nhưng sợ chết giấu tên)
Cũng năm đó suýt nữa cắn câu một chàng (hay chàng cắn câu tôi cũng chẳng biết nữa). Chàng ở Đức về, chàng công tác bên Viện khoa học. Chàng yêu văn nghệ, đàn guitar khá hay. Chàng đến chơi nhà mấy buổi, thấy thinh thích, cùng nhau đạp xe quanh Bờ Hồ mấy vòng. Hôm đầu chàng cầm tay nói lời yêu. Hôm sau hy vọng được chàng hôn nhưng chàng đã bỏ qua giai đoạn rưng rưng, lâng lâng đưa tôi đến thẳng nhà chàng và gặp ngay gương mặt băng giá của mẹ chàng. Về sau mới biết mẹ chàng không chấp nhận cái nghề xướng ca vô loài mà tôi đang đeo đuổi. Thế là tự ái, thế là tan.
Ca sĩ Ái Vân thời trẻ.
Một chàng nhạc trưởng tốt nghiệp ở Triều Tiên về, sau này là nhạc sĩ rất nổi tiếng. Chàng cao ráo trắng trẻo đẹp trai. Hồi đó cứ ai đi nước ngoài đều oách cả. Đi Triều Tiên, Cuba càng oách. Chàng mới về nước, xem tôi hát một lần đến nhà chơi tôi ba lần, lần nào cũng khen tôi có “khả năng”, có “triển vọng”, chẳng thấy khả năng, triển vọng gì trong cuộc tình cả. Chị Ái Mai mách: “Tay này lúc đứng một mình rất hay soi gương và tập vung tay chỉ huy say sưa lắm”. Nghe thế thì sợ, âm thầm bye bye chàng. Chàng cũng không tỏ chút gì là luyến tiếc, chắc là chàng đã âm thầm bye bye tôi từ trước.
Đã đến lúc không còn tưởng bở mơ mộng Cánh buồm đỏ thắm nữa. Hai mốt tuổi rồi vẫn chưa thực sự có một mối tình, thấy lo lo khéo không ế mất. Thấy anh Hồng Phi hẹn ra quán ở Hai Bà Trưng, dắt thêm một người nhỏ nhắn, mắt to, hầm hố, là nhà văn Chu Lai, hồi này mới chiến trường ra. Chắc anh Hồng Phi làm mối ông em đây, khấp khởi mừng thầm. Nhưng mừng hụt, hóa ra không vừa mắt Chu Lai, gặp được mỗi hôm đó rồi nhà văn lặn một hơi không sủi tăm cho đến năm 2010 mới gặp lại.
Một chàng tiền đạo số một Đội Thể Công, khét tiếng cả nước. Mỗi tuần chàng đến chơi nhà hai lần, mỗi lần ngồi hai tiếng không có tôi, uống hai cốc nước, nói chuyện với hai ông anh, đá cộc cộc vào tường hai cái như ra hiệu với tôi: “Anh đến thăm em rồi nhé!” rồi ra về. Chừng hai tháng thì chàng bỏ cuộc. Bù lại nhà tôi có chỗ xin vé xem bóng đá. Tôi nhớ cuối năm 1978 cả nhà được vé đi xem trận Thể Công- Thiên Tân (Trung Quốc), trận đó cầu thủ đánh nhau, khán giả cũng đánh nhau. Như có điềm báo, năm sau chiến tranh biên giới bùng nổ.
Một chàng nữa học kỹ sư bên Nga về, gia đình định giới thiệu cho chị Ái Mai, chẳng ngờ chàng lại để ý tôi. Chàng thích đi săn bắn, vào dịp cuối thu nhà tôi hay được chàng biếu mấy con chim sâm cầm nếm thử. Đã cũng đi chơi vài lần, cũng ngồi bờ hồ Halle tâm sự bị muỗi đốt sưng chân. Nhưng rồi cũng không đi đến đâu vì chẳng biết nói chuyện gì. Càng gần gũi nhau càng thấy nên là anh em không nên bồ bịch, và từ đó gia đình coi chàng như con, tôi coi chàng như anh trai cho đến tận bây giờ.
Cho đến lúc hết hy vọng có một chàng Gray đẹp trai nào trên đời dành cho tôi và Cánh buồm đỏ thắm chỉ là giấc mơ hão huyền thì chàng Tập Một từ Nga trở về. Chàng không sánh được với Gray nhưng cũng là người tình trong mộng của biết bao cô gái Hà Thành. Đặc biệt chàng đã mang về nghệ thuật kịch câm cũng rực rỡ như Cánh buồm đỏ thắm.
Tập Một
Năm 1970 hay 1971 gì đó tôi không thật nhớ chính xác, Hà Nội có một sự kiện văn hóa đặc biệt, đó là nghệ sĩ kịch câm nổi tiếng thế giới Marcel Marceau từ Pháp bay sang biểu diễn tại Nhà hát lớn Hà Nội. Tôi may mắn được xem chương trình của ông. Được chiêm ngưỡng thì đúng hơn. Lần đầu tiên trong đời tôi được chiêm ngưỡng ngôn ngữ hình thể của một thiên tài với những tác phẩm Đi ngược gió; Cái cũi; Thợ làm mặt nạ; Trong công viên… Chỉ bằng hình thể không có gì khác, với những chuỗi động tác ngắn ông đã diễn tả hết các nhân vật đặc biệt trong các tình huống đặc biệt, trong mỗi bối cảnh đặc biệt. Chưa bao giờ xem một tác phẩm nghệ thuật mà tôi rạo rực ngây ngất đến vậy.
Với tôi lúc đó Marcel Marceau là tiên ông, là thiên sứ nhà trời xuống đây mở mắt cho tôi, giúp tôi yêu thêm sân khấu mà có lúc tôi cảm thấy tẻ nhạt và đơn điệu. Kết thúc buổi diễn tôi đi vòng ra hậu đài nhìn trộm ông tẩy trang. Không giống như tụi tôi cứ quẹt quẹt chùi mặt rất đại khái, ông cầm miếng bông gòn nhẹ nhàng chùi son phấn trên mặt cẩn trọng từng tí một. Thấy ông trân trọng từ cách tẩy trang, thật cảm động. Nghệ thuật không chỉ miếng cơm manh áo, chỉ qua cách tẩy trang của ông thôi cho thấy Nghệ thuật thật thiêng liêng. Đêm diễn của Marcel Marceau ám ảnh tôi không lúc nào nguôi, cho đến tận bây giờ. Từ khi ông rời Hà Nội tôi những mong ông trở lại, nếu không ông thì học trò của ông, đồng nghiệp bộ môn kịch câm của ông trở lại để tôi chiêm ngưỡng lần nữa. Mơ được ước thấy, chàng Tập Một trở về.
Nghệ sĩ kịch câm người Pháp Marcel Marceau (1923-2007).
Vào giữa năm 1976 tự nhiên Hà Nội lao xao có một anh chàng đi học Nga về, “diễn kịch câm hay lắm”. Hai tiếng kịch câm làm tôi háo hức bồn chồn. Nghe nói sẽ có một buổi báo cáo ở Nhà hát lớn. Tôi thích lắm, phải đi xem cho bằng được. Đêm diễn ở Nhà hát lớn, buổi đầu còn có người đứng ra giải thích sóng trên tay thế nào, sóng trên thân, trên cánh tay chạy thế nào để khán giả có hình dung sơ bộ về ngôn ngữ kịch câm. Và chàng xuất hiện. Cả khán phòng 3 tầng Nhà hát lớn nín thở xem chàng diễn. Nhạc trong phim Bố già nổi lên, chàng đi ngược gió, chàng kéo lưới, chàng cùng người tình trong công viên, chàng leo cầu thang, chàng trèo ghế, chàng kéo lưới cùng đám đông trên bờ biển. Tất cả chỉ có mình chàng và âm nhạc. Giống như sau đêm diễn của Marcel Marceau, tôi cũng lặng người đi sau đêm diễn của chàng. Tôi đã bị chàng hớp hồn và đổ đánh rầm kể từ đêm diễn ấy, khi mà chàng chưa biết tôi là ai.
Lớp trẻ Hà Nội đã quá quen với một không gian âm nhạc chỉ có hát với múa, sau đêm diễn của chàng bỗng sôi động hẳn lên, họ như tìm thấy chân trời mới, tất cả cứ nháo nhào tìm nơi chàng diễn để xem, xem nữa, xem nhiều lần nữa. Sau đó chàng báo cáo một số nơi. Có vào trường nhạc để báo cáo. Chàng có nguyện vọng tìm một MC, MC này phải theo phong cách kịch câm chứ không phải chỉ nói bình thường. Được lời như cởi tấm lòng, con bé mê kịch câm thích thử nghiệm xung phong ngay. Để ra dáng một MC kịch câm, chàng phải dạy cho tôi một vài động tác kịch câm. Phải nghĩ cách giới thiệu trước mỗi tiết mục thế nào. Muốn vậy phải đến nhà chàng để bàn luận và tập dượt, cái cớ để cho tôi câu chàng (hoặc để cho chàng câu tôi). Gặp chàng nói chuyện, chàng có giọng rất ấm, cặp mắt sáng, cặp mắt dường như biết nói. Lần đầu tiên trong đời tôi đã bị tiếng sét ái tình như thế.
Còn tiếp…
(Trích tự truyện Để gió cuốn đi, First News và NXB Hội Nhà văn ấn hành)
Theo VnExpress