Trỗi dậy nhạc xưa: Làm mới đầy thách thức

Nghệ thuật phải luôn sáng tạo. Sáng tạo để chạm đến được cảm xúc người xem là một thách thức. Làm mới ca khúc cũ cũng không phải cứ muốn là làm, làm theo phong trào, trào lưu mà không có sự chọn lọc, cân nhắc.

Ở những số đầu của chương trình Giai điệu tự hào, nhạc sĩ Quốc Trung đã thử nghiệm rap hiphop với ca khúc Tiến lên chiến sĩ đồng bào, bản phối rock với Đất nước trọn niềm vui, phong cách dance dubstep với Tàu anh qua núi… Đến chương trình số 4, nhạc sĩ Thanh Phương lại tiếp tục làm mới Hò kéo pháo với rock, guitar, Lên ngàn với bản phối cổ điển. Tuy nhiên, không phải phần thử nghiệm nào cũng được khán giả đón nhận. Áp lực không nhỏ Nhạc sĩ Quốc Trung từng nói rằng làm mới ca khúc rất khó vì phải vượt qua được cái bóng của người đi trước. Nhưng làm mới thường bị thất bại bởi ấn tượng đầu tiên luôn mạnh mẽ nhất với người nghe. Tuy nhiên, việc mang cá tính mới vào bài hát sẽ tránh được sự so sánh và mang lại sự ngạc nhiên, thú vị cho người nghe. Theo nhạc sĩ Quốc Trung, người làm mới ca khúc vẫn cần phải chuẩn bị đón nhận những phản đối cực đoan và mạnh mẽ từ công chúng vì số người thích và không thích một phiên bản mới thường ngang ngửa nhau.

Ca sĩ Đồng Lan trình diễn ca khúc Lá xanh trong chương trình Những bài hát còn xanh trên VTV6. (Ảnh do chương trình cung cấp)
Ca sĩ Đồng Lan trình diễn ca khúc Lá xanh trong chương trình Những bài hát còn xanh trên VTV6. (Ảnh do chương trình cung cấp)

Nhạc sĩ Thanh Phương nhận định về thách thức trước nhiệm vụ phải “khoác” một chiếc áo mới lên một ca khúc cũ: “Khi công chúng đã quá quen với giai điệu cũ và bản thân những điệu thức ấy quá hay, quá kinh điển thì việc làm mới để những người trẻ thấy thích thú, còn người yêu nhạc thủ cựu chấp nhận được là một thử thách không nhỏ”. Những ca khúc của Giai điệu tự hào không chỉ gắn liền với lịch sử một thời, gắn liền với đời sống của nhiều tầng lớp người nghe mà còn gắn liền với một thế hệ nghệ sĩ tài hoa đã thể hiện nó. Bởi vậy, ca sĩ hôm nay thể hiện lại cũng gặp vô vàn khó khăn và áp lực. Dù đã từng thể hiện ca khúc Xa khơi hàng trăm lần từ khi đăng quang cuộc thi Tiếng hát truyền hình Hà Nội năm 1998, ca sĩ Anh Thơ – một tên tuổi hàng đầu của dòng nhạc đỏ – vẫn phải nhận những ý kiến trái chiều, người thì khen hát hay, người thì chê vì so sánh với NSƯT Tân Nhân. Còn với các ca sĩ trẻ như những gương mặt tham gia Những bài hát còn xanh, vấn đề của họ đôi khi lại là thời gian thẩm thấu bài hát quá gấp gáp. Ca sĩ trẻ Nhật Thủy, người thể hiện ca khúc Tình em trong số đầu tiên của chương trình, tâm sự: “Thường chúng tôi chỉ được báo trước bài hát khoảng hơn một tuần, trong khi chưa một lần trình diễn ca khúc đó nên độ thẩm thấu cảm xúc bài hát đôi lúc chưa được nhiều”. Sáng tạo sao cho đúng? Ca sĩ Ánh Tuyết nhìn nhận: “Các bạn trẻ hát những ca khúc cũ luôn trong tâm thế tìm cách sáng tạo, làm mới, làm khác đi. Điều đó rất đáng khen vì nghệ thuật phải luôn sáng tạo, không nên bó buộc. Hơn nữa, họ cho thấy sự năng động tìm tòi học hỏi của mỗi người”. Tuy nhiên, vấn đề muôn thuở mà những người đi trước đặt ra là sáng tạo sao cho đúng? Trong chương trình Những bài hát còn xanh, ca sĩ Đồng Lan thể hiện ca khúc Lá xanh (tác giả: Hoàng Việt) theo phong cách mới khiến cho cả giám khảo lẫn khán giả “há hốc mồm”. Một bài hát động viên tinh thần tòng quân diệt giặc được Đồng Lan biến thành một bản tình ca mà theo cô: “Bản phối rất dễ thương, rất sexy, dịu dàng”. Ca sĩ Ngọc Ánh đã thốt lên: “Em đã giết chết tinh thần bài hát”. Ca sĩ có album nhạc xưa trên thị trường, Phan Đinh Tùng, cho biết: “Phần hòa âm phối khí rất quan trọng vì nếu không phù hợp sẽ không bật ra được ý nghĩa bài hát”. Một ca sĩ trẻ khác thể hiện ca khúc Thành phố tình yêu và nỗi nhớ (tác giả: Phạm Minh Tuấn) lại tự sáng tạo ra giai điệu của riêng mình trong lời 2 của ca khúc. Nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn ngồi nghe cũng lắc đầu. Chương trình Tuổi 20 hát năm ngoái cũng vấp phải phản ứng gay gắt từ phía dư luận khi làm mới những ca khúc cách mạng rất táo bạo dẫn đến phá nát tác phẩm. Bóng cây Kơ-nia sôi động với rock; Nổi lửa lên em lại du dương, lãng mạn với blue jazz…Thậm chí, nhạc sĩ Huy Thục khi nghe Cô gái Pako được phối mới theo phong cách R&B kết hợp với rap đã vô cùng bức xúc vì không nhận ra “đứa con” của mình. NSƯT Quang Lý cho rằng: “Những xử lý về tiết tấu nếu có thay đổi chút ít vẫn phải nhằm tôn vinh ca khúc, đưa ca khúc dễ đến với công chúng hơn. Nghệ thuật không có giới hạn, hãy để nó tự do tung cánh nhưng đâu phải tùy tiện thay đổi cả tinh thần bài hát”. Theo ca sĩ Ánh Tuyết, khi bạn tự ý thay đổi là bạn sáng tác cho mình rồi chứ không phải sáng tạo nữa. Hơn nữa, kiểu tự do sáng tạo vô tội vạ của những ca sĩ trẻ bây giờ rất nguy hiểm vì họ có thể làm cho cả một thế hệ trẻ hiểu không đúng tinh thần những ca khúc đó. Thực tế, vẫn có những bản cover hay được đón nhận hơn cả bản chính. Nhưng làm mới nhạc xưa không phải là chuyện muốn làm là được. Làm sao để chạm đến cảm xúc của người nghe nhiều thế hệ không phải dễ.

Trào lưu đáng lo ngại? Nhạc sĩ Huy Thục nhìn nhận rằng hầu hết các ca khúc nhạc xưa bây giờ đều được mang đi làm mới, bất kể ca khúc đó có phù hợp không. Điều đó đang trở thành một trào lưu đáng lo ngại. Nói như ca sĩ Ánh Tuyết: “Dường như mọi người đang đua nhau làm mới nhạc xưa mà không có sự chọn lọc, cân nhắc kỹ lưỡng”. Nhạc sĩ Thanh Phương nói rằng không phải ca khúc nào cũng có thể phối theo phong cách mới: “Có những bài cho phép người phối khí được quyền phá cách. Ví dụ như Hò kéo pháo của nhạc sĩ Hoàng Vân, tôi làm theo phong cách rock metal. Nhưng các ca khúc khác thì buộc mình phải giữ nguyên tinh thần cũ, có chăng mình mang cái gì đó tươi mới hơn bằng cách thêm vào những nhạc cụ mới mẻ  như Quảng Bình quê ta ơi, đoạn giang tấu tôi đệm bằng guitar điện tử”.
MINH NGA – KIM KHÁNH
Theo Người Lao Động