Trỗi dậy nhạc xưa

Cùng với việc “làm mới nhạc xưa” của ca sĩ qua các album, nhiều ca khúc đi cùng năm tháng cũng đang được hát vang trên sóng truyền hình với một phong cách mới lạ, trẻ trung. Nhạc xưa chưa bao giờ trỗi dậy mạnh mẽ như thế.

Phải thừa nhận rằng Giai điệu tự hào và Những bài hát còn xanh là 2 chương trình ca nhạc hấp dẫn, có ý nghĩa trên sóng truyền hình hiện nay. Trong bối cảnh có nhiều chương trình mang tính giải trí và sự xâm nhập giới trẻ của dòng nhạc nước ngoài, việc khai thác lại những ca khúc đi cùng năm tháng đã được khán giả đón nhận nồng nhiệt. Nỗ lực đáng khen Giai điệu tự hào – phiên bản Việt hóa chương trình Tài sản quốc gia của truyền hình Nga – đang được đầu tư khá quy mô, làm theo từng chủ đề hằng tháng và dựng cảnh phù hợp để tái hiện bối cảnh lịch sử khi ca khúc ra đời. Chương trình còn đổi mới các bản phối để tạo nên những phiên bản mới qua giọng hát của các ca sĩ tên tuổi: Đàm Vĩnh Hưng, Quang Dũng, Anh Thơ, Mỹ Tâm, Mỹ Linh, Thu Minh, Tùng Dương…

Mỹ Tâm thể hiện ca khúc Biển hát chiều nay trong chương trình Giai điệu tự hào. (Ảnh do chương trình cung cấp)
Mỹ Tâm thể hiện ca khúc Biển hát chiều nay trong chương trình Giai điệu tự hào. (Ảnh do chương trình cung cấp)

Trong khi đó, Những bài hát còn xanh là sân chơi nhằm tôn vinh những ca khúc vang bóng một thời có sức sống bền lâu của nền âm nhạc Việt Nam bằng giọng ca của các ca sĩ trẻ với tư duy, hơi thở hiện đại. Giám đốc ý tưởng chương trình Giai điệu tự hào Phan Huyền Thư cho biết: “Thông qua các ca khúc trình diễn, chúng tôi muốn khán giả nhiều thế hệ khác nhau, nhiều tầng lớp khác nhau tự hào về một giai đoạn lịch sử hào hùng của cha ông”. NSƯT Quang Lý – giám khảo chương trình Những bài hát còn xanh trên VTV6 – hoan nghênh việc tổ chức một chương trình như thế. Anh cho rằng đây là sáng kiến hay, một việc làm đáng khen ngợi của ban tổ chức. “Nó hướng đến giới trẻ và không ai ngoài ca sĩ trẻ sẽ phải giữ sợi dây gắn kết âm nhạc giai đoạn trước đây với những thế hệ sau này” – NSƯT Quang Lý nhìn nhận. Ca sĩ Ánh Tuyết – giám khảo chương trình Những bài hát còn xanh – cũng đánh giá: “Bên cạnh những dòng nhạc khác, loại hình âm nhạc truyền thống cách mạng vẫn tồn tại và phát triển âm ỉ. Chính sự trỗi dậy ấy cộng với những giá trị sẵn có càng làm cho dòng nhạc này luôn sống được ở mọi thời đại, có sức sống vượt thời gian”. Nhạc sĩ Nguyễn Ngọc Thiện, Phó Chủ tịch Hội Âm nhạc TP HCM, đánh giá cao việc các chương trình này khai thác để làm mới kho tàng âm nhạc – không chỉ nhạc truyền thống cách mạng, nhạc tiền chiến mà còn rất nhiều ca khúc được sáng tác trong giai đoạn xây dựng và đổi mới đất nước 1975-2000. Tươi mới, hiện đại Những ca khúc tưởng chừng đã cũ, rất quen thuộc với khán giả yêu thích âm nhạc, từng gắn với các ca sĩ tên tuổi đã được những giọng ca trẻ thổi một luồng gió mới qua sự thể hiện trẻ trung, đầy sức sống cùng cách phối hiện đại. Nhạc sĩ Nguyễn Ngọc Thiện nhớ lại: “Các tác giả thời ấy rất yêu công việc viết ca khúc nhưng do hoàn cảnh ra đời nên nhiều khi bản phối bài hát ban đầu chưa đúng kiểu mà họ yêu thích. Ví dụ bài Trị An âm vang mùa xuân của nhạc sĩ Tôn Thất Lập viết năm 1982, được ca sĩ Hoàng Cúc hát sau đó vài tháng nhưng bản hòa âm lại chưa thật đúng ý”. Theo nhạc sĩ Nguyễn Ngọc Thiện, lúc đó, đoạn đầu bài hát được nhạc sĩ Tôn Thất Lập viết theo điệu slow chậm rãi, đoạn B theo điệu disco của Boney M  nhưng nếu đúng chất thì phải theo thể loại rock. “Thời nay, với công nghệ hiện đại, hòa âm phối khí lại những bài ấy, tôi nghĩ là rất hay và thích hợp với người nghe” – nhạc sĩ Nguyễn Ngọc Thiện nói. Ca sĩ Viết Thanh – trưởng ban nhạc rock UnlimiteD, tham gia chương trình Những bài hát còn xanh với ca khúc Lá đỏ, Thuyền và biển – giải thích: “Sở trường của chúng tôi là về nhạc rock nhưng nhóm vẫn tham gia chương trình vì cảm thấy một số bài nhạc Việt xưa có thể làm mới theo phong cách rock. Chúng tôi cũng muốn mọi người trải nghiệm rock qua các ca khúc xưa”. Thực tế, không ít tiết mục biểu diễn của các ca sĩ trẻ, phong cách mới gần đây đã nhận được rất nhiều lời khen ngợi của các chuyên gia âm nhạc lẫn công chúng. NSƯT Quang Lý cho biết: “Tôi rất ấn tượng với ca khúc Lá đỏ do nhóm PAK Band của ca sĩ Phạm Anh Khoa thể hiện với bản phối rock. Ngoài cách hát tự do, phóng khoáng thì bản phối rock vẫn giữ được sự hào hùng của tinh thần ca khúc, vẫn làm nổi bật tình yêu chắt chiu, hồn nhiên”. Ca khúc Biển hát chiều nay do ca sĩ Mỹ Tâm thể hiện trong chương trình Giai điệu tự hào không chỉ được các chuyên gia như PGS-TS nghệ thuật học Nguyễn Thị Minh Thái đánh giá cao. Cách thể hiện nhẹ nhàng của Mỹ Tâm còn được rất nhiều khán giả khen ngợi trên khắp các diễn đàn âm nhạc và bên dưới clip tải lại tiết mục ở kênh chia sẻ video YouTube. Nhạc sĩ Nguyễn Ngọc Thiện cho rằng những chương trình như vậy nếu được nhân rộng ra trên nhiều đài thì sẽ có tác động tích cực. Tất nhiên, nó còn phụ thuộc vào cách làm của từng chương trình.

Thị trường album cũng sôi động Ngoài làn sóng “hồi sinh” nhạc xưa trên truyền hình, không thể không kể đến những nỗ lực làm mới dòng nhạc này của rất nhiều ca sĩ thông qua sản phẩm âm nhạc của họ, như Đàm Vĩnh Hưng với album Chờ đông và Xóa tên người tình, Lệ Quyên với album Dòng thời gian, Phan Đinh Tùng với album Tình khúc vượt thời gian, Dương Triệu Vũ với album Phố vắng em rồi, Phương Linh với album Tiếng chim hót từ bụi mận gai, Tùng Dương với album Tùng Dương – Người hát tình ca… Thị trường âm nhạc cũng phản ứng tích cực với những sản phẩm nhạc xưa được làm mới ra mắt thời gian gần đây.
KIM KHÁNH – MINH NGA
Theo Người Lao Động