Á hậu Việt Nam 1994 bị cho là liều lĩnh khi mở sân khấu kịch ở thời điểm không mấy khả quan. Dù vậy, cô vẫn kiên định với kế hoạch của mình.
Trong buổi gặp gỡ, Trịnh Kim Chi bày tỏ những khó khăn mà chị đang vướng phải khi đứng ra tổ chức một sân khấu kịch đúng nghĩa. Bên cạnh đó, nữ diễn viên phim Chuyện tình bà nội trợ còn chia sẻ một số thực trạng không mấy khả quan mà các sân khấu kịch đang phải đối diện.
Tôi liều lĩnh khi mở sân khấu kịch
– Ở thời điểm show truyền hình, phim điện ảnh đang phủ sóng, kịch không còn là thị hiếu như những năm về trước. Tại sao chị vẫn quyết định mở sân khấu?
– Sân khấu kịch đang ở tình trạng báo động. Đây là vấn đề chung hiện nay. Trong khi phim điện ảnh, truyền hình khá nổi trội thì sân khấu kịch có phần im ắng ở thời điểm cận Tết.
Lượng khán giả đến với sân khấu kịch ngày càng ít dần. Lúc tôi mở sân khấu kịch, ai cũng nói tôi liều, vì thời điểm này rất nhạy cảm. Ngay từ lúc làm, tôi đã thấy tình hình không khả quan, nhưng lòng đam mê và cái nghiệp cứ đeo đẳng khiến tôi muốn làm gì đó. Tôi mong được cùng các anh em nghệ sĩ gây dựng một thương hiệu.
Cho đến lúc này, tôi không hối hận. Tôi không dám nghĩ đến lợi nhuận chỉ mong sao sân khấu ổn định để các anh em nghệ sĩ có đam mê như mình được diễn hàng đêm. Nhờ tinh thần như vậy mà tôi có cảm hứng để làm.
Vì tâm huyết với nghề nên á hậu quyết tâm mở sân khấu kịch để những người có đam mê như cô được diễn xuất hàng đêm. Ảnh: NVCC |
– Chị gặp khó khăn gì trong một tháng khai trương sân khấu Trịnh Kim Chi?
– Đối với nhiều người, việc xin giấy phép là một trong những khó khăn, nhưng tôi khá may mắn vì trước đó đã có sân khấu kịch cà phê nên lần này suôn sẻ. Khi chọn địa điểm tôi phải suy nghĩ rất kỹ. Khu vực này có khá nhiều rạp chiếu phim nhưng lại không có sân khấu kịch, cải lương. Tôi nghiên cứu thị hiếu của người dân quanh đây, họ rất thích xem kịch. Trước mắt tôi muốn phục vụ khán giả xung quanh. Nếu tiếng tăm của mình tốt, thì dù xa thế nào mọi người cũng tìm đến.
– Tên tuổi của diễn viên là một trong những yếu tố đảm bảo phòng vé, trong khi những vở gần đây của sân khấu Trịnh Kim Chi không có bất kỳ tên tuổi nào thu hút người xem. Chị lý giải điều này thế nào?
– Đương nhiên, vở có tên tuổi nổi tiếng khán giả sẽ thích và vững tin hơn. Nhưng cũng có nhiều người xem không đặt nặng vấn đề diễn viên mà chú trọng nội dung. Kịch bản có đúng sở thích và thị hiếu của họ hay không. Thực tế, vở Một nửa đàn bà mà sân khấu của tôi đang bán vé không có bất kỳ diễn viên nổi tiếng nào vẫn rất hút khán giả. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng dựng nhiều vở có các tên tuổi như Lê Bê La, Thúy Diễm, Tấn Nhã, BB Trần…
Ban đầu sân khấu sẽ dựng những vở đáp ứng thị hiếu của người xem, xoay quanh các đề tài đang được quan tâm của xã hội. Khi mọi thứ ổn định, chúng tôi sẽ có một số vở chính kịch để thỏa đam mê.
Tự gồng mình với các khoản chi
– Chị có ông xã đứng sau hỗ trợ kinh tế nên mới mạnh tay đầu tư sân khấu kịch ở thời điểm báo động, chị sẽ nói gì?
– Tôi độc lập khi mở sân khấu kịch và cũng chưa đến lúc nhờ cậy tài chính từ ông xã. Tôi vẫn cố gắng xoay sở được. Chồng tôi chủ yếu ủng hộ về tinh thần. Dựng xong vở nào anh đều đến xem trước tiên để động viên tinh thần tôi cùng các anh em trong đoàn.
Việc có ông xã ở cạnh cũng khiến tôi an tâm phần nào, nếu thiếu thốn gì mình vẫn có thêm một nguồn hỗ trợ. Ông xã rất hiểu tình hình hiện nay. Anh khuyên tôi cứ yên tâm làm, miễn là cảm thấy vui. Thậm chí, anh còn nói với tôi: “Sân khấu kịch cứ ế ẩm như hiện nay thì sẽ không còn sân chơi cho nghệ sĩ yêu thích bộ môn này. Người đứng đầu cũng không thể cứ mãi bù lỗ khi tình hình cứ đi xuống”. Ông xã khuyên tôi cố gắng gây dựng thương hiệu. Cứ làm một thời gian xem tình hình thế nào, người ta ráng được thì mình cũng ráng được.
Nữ diễn viên vui vẻ bên chồng và con gái thứ 2. Ảnh: NVCC |
– Chị đang “gồng mình” cho sân khấu như vậy liệu có đảm bảo chi trả thù lao đúng mức cho các diễn viên sau mỗi đêm diễn?
– Đúng là cát-xê sân khấu kịch thấp hơn với những bộ môn nghệ thuật khác, trong khi diễn viên phải tập hàng tháng mới có thể công diễn, và đến đêm diễn họ mới được trả tiền thù lao. Nhiều người nản vì không mang đến cho họ lợi nhuận gì.
Tôi phải cố gắng cân nhắc khi mời diễn viên, chọn những người yêu nghề. Nhiều diễn viên bận đi một lúc 3-4 phim vẫn dành thời gian tập đều đặn. Thậm chí, có nhiều nghệ sĩ khi đến với sân khấu Trịnh Kim Chi nói rằng, tôi trả cát-xê bao nhiêu cũng được, họ không đặt nặng vấn đề đó.
Tuy nhiên, tôi cân nhắc việc trả lương cho mọi người rất kỹ. Mình không thể vì mối quan hệ mà trả thấp so với mặt bằng chung. Khi mọi người đã có lòng như vậy thì tôi không thể phụ họ. Tôi chi trả với mức tương xứng với công sức của diễn viên. Dù có bù lỗ nhưng tôi cảm thấy có thể gồng gánh được.
– Nếu một năm tình hình vẫn không khả quan, chị có nghĩ đến phương án chuyển hướng sang loại hình nghệ thuật khác?
– Ở thời điểm sân khấu kịch ăn khách, ông bà bầu nào cũng xác định bù lỗ không dưới 6 tháng. Thời điểm hiện tại, tôi phải xác định “gồng mình” trong một năm. Tôi vẫn đang xem hình hình sẽ trụ được đến đâu.
Nếu sau một năm đầu tư, việc kinh doanh vẫn không khá hơn, tôi sẽ chuyển hướng làm phim, hoặc lĩnh vực nào đó thiên về nghệ thuật. Hoặc có thể chuyển sân khấu thành loại hình tạp kỹ, có xen kịch ngắn, ca nhạc… Tôi có nhiều hướng để làm vì ký hợp đồng thuê đến 5 năm.
Nhiều nghệ sĩ nổi tiếng rời sân khấu kịch
– Thù lao cho mỗi đêm diễn chưa tương xứng, trong khi phải tập luyện vất vả là nguyên nhân khiến nhiều diễn viên chán nản, tìm đến các loại hình nghệ thuật khác. Chị nghĩ sao?
– Xứng đáng hay không là do cảm nhận của chính họ. Họ chấp nhận giá đó thì họ sẽ thấy xứng đáng, nhưng ở ngoài nhìn vào sẽ thấy cát-xê không là gì so với công sức của diễn viên. Tôi là nghệ sĩ, từng đứng trên sân khấu nên tôi hiểu điều đó. Khi dự sự kiện, tôi có thể nhận được 1000-2000 USD, nhưng đứng trên sân khấu thì con số ít hơn rất nhiều, đôi khi chỉ có 800-1 triệu, nhưng tôi vẫn làm vì đó là thế giới của mình và cảm thấy thích. Nếu chưa đủ đam mê, say nghề thì họ ra đi cũng là điều dễ hiểu.
Trịnh Kim Chi và Lê Bê La trong vở Tiếng hát réo linh hồn. Ảnh: NVCC |
– Nhiều nghệ sĩ đinh ở các sân khấu kịch chuyển hướng sang truyền hình, điện ảnh đã đẩy một số sân khấu vào tình trạng ế ẩm. Theo chị đây có phải là thực trạng đáng lo của các sân khấu kịch hiện nay?
– Truyền hình đang có sức hút, một số những nghệ sĩ nổi tiếng chạy show không ngừng nghỉ khi được các nhà tổ chức mời. Việc họ rời bỏ sân khấu khiến nhiều vở diễn mất dần sức hút, khán giả vì thế cũng thưa dần.
Mỗi người có suy nghĩ và quyết định riêng. Họ chọn phim vì nhiều tiền hơn, ai cũng có những lý lẽ riêng. Tôi tin rằng, sau khi ra đi một thời gian họ sẽ quay trở lại với kịch, mọi người sẽ không đi luôn. Người nghệ sĩ bước ra từ sân khấu khó mà dứt áo ra đi.
Tôi vẫn vững tin, dù họ ra đi nhưng vẫn đau đáu sẽ trở lại để làm công việc mình mong muốn. Sức hút của kịch rất lạ lùng, khó giải thích. Không có gì cản được nghệ sĩ yêu nghề.