Trịnh Công Sơn không phải thánh và ông cũng không nhất thiết phải hành xử như những gì người ta nghĩ ông lẽ ra nên thế. Suy cho cùng, người đã chết. Mọi thứ khác đều chỉ là suy luận mà thôi. Tờ giấy xác nhận ký tên Trịnh Công Sơn vào năm 2000 cho phép Khánh Ly sử dụng những ca khúc của mình với giá 5.000 USD đến nay vẫn chưa thôi gây tranh cãi. Những người ủng hộ ông, ủng hộ Khánh Ly đã vin vào văn bản này để khẳng định việc Khánh Ly hát tác phẩm Trịnh Công Sơn trong hai chương trình tại Hà Nội và Đà Nẵng là đúng luật và rằng chương trình không cần phải trả tiền tác quyền.
Xoay quanh yếu tố này, các luật sư cũng tham gia vào cuộc “tranh tụng” với một phe cho rằng văn bản ấy không có giá trị pháp lý vì không thoả mãn các điều kiện cần và đủ của một bản hợp đồng theo Bộ Luật Dân sự năm 1995. Bên còn lại xác quyết rằng văn bản ấy đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn của một hợp đồng và hoàn toàn có giá trị pháp lý. Việc Trịnh Công Sơn không xác định thời hạn trên văn bản phải được hiểu là vô thời hạn cũng như việc không xác định chương trình, số lượng, phương tiện chuyển tải của văn bản phải được hiểu là không có bất cứ giới hạn nào về tác phẩm, cách thức chuyển tải đến công chúng. Dù không có công chứng nhưng chỉ cần giám định đúng chữ ký đó là của Trịnh Công Sơn thì văn bản hoàn toàn hợp lệ như mọi giao dịch dân sự khác. Trong lúc các luật sư – những người được xem là am hiểu luật nhất – vẫn chưa thôi tranh cãi thì những người ủng hộ mối quan hệ Sơn – Ly vẫn tiếp tục “đấu tố” cô em gái của cố nhạc sĩ – ca sĩ Trịnh Vĩnh Trinh và Trung tâm bảo vệ Quyền tác giả Âm nhạc Việt Nam (VCPMC). Có ý kiến cho rằng trong mối quan hệ ấy, Trịnh Công Sơn lẽ ra nên tặng toàn bộ tác phẩm cho Khánh Ly. Thậm chí có người còn cho rằng đúng ra “một người như Trịnh” trước khi chết nên lập di chúc từ bỏ bản quyền các tác phẩm của mình để trao lại cho đời. Cũng trong luồng ủng hộ Khánh Ly, có người bảo số tiền 5.000 USD vào thời điểm năm 2000 là số tiền lớn và hoàn toàn phù hợp với việc Khánh Ly được sử dụng tất cả tác phẩm của Trịnh Công Sơn. Nhưng rồi vẫn có người cãi rằng 5.000 USD là con số quá rẻ mạt cho một kho tàng âm nhạc đồ sộ như vậy, giá trị như vậy. Một số quan điểm khác bày tỏ sự xót thương cho một mối quan hệ đẹp đến mức có thể được thần thánh hoá nay lại bị kéo xuống đất chỉ với giá 5.000 USD. Người bảo đúng là ca khúc Trịnh Công Sơn đã giúp tiếng hát Khánh Ly trở nên phổ biến nhưng cũng chỉ qua giọng hát Khánh Ly thì tác phẩm của Sơn mới vươn lên tầm huyền thoại và rằng một phần thành công của nhạc Trịnh Công Sơn có công sức Khánh Ly. Kỳ thực, chuyện yêu – ghét là cái không thể tranh biện. Khi yêu trái ấu cũng tròn nên cũng không ngạc nhiên vì sao người ta quyết liệt bảo vệ Khánh Ly đến thế và phẫn nộ với Trịnh Vĩnh Trinh, VCPMC đến thế. Biểu hiện có thể khác nhau nhưng quả thật khó nói tình yêu của khán giả dành cho Trịnh Công Sơn – Khánh Ly liệu có ít hay nhiều hơn tình yêu nhiều bạn trẻ hôm nay dành cho các ca sĩ, nhóm nhạc Hàn Quốc. Có điều, trong tất cả những cuộc tranh cãi ấy, người ta quên mất rằng ta không phải Trịnh Công Sơn và hoàn toàn không có bất cứ quyền lực gì để buộc ông phải suy nghĩ, hành động theo như cách mình cho là ông nên thế. Không ai là nhân chứng trong cuộc bán mua giữa Sơn và Ly nên không ai nói được văn bản ấy đã được thực sự ký kết như thế nào. Có thể nào Trịnh Công Sơn chỉ viết và ký tên như thế nhưng thực tế không nhận tiền? Có thể nào Ly đã đề nghị Sơn cầm tiền để tránh cho Ly những phiền phức pháp lý có thể có? Có thể nào Trịnh thực sự đã cầm tiền, thậm chí cầm nhiều hơn vì cần tiền tiêu hoặc chỉ đơn giản là để đãi bạn chầu rượu? Tất cả đều có thể và tất cả đều có thể không. Mọi suy diễn theo hướng “Trịnh nên thế này”, “Ly nên thế kia”… đều chủ quan và mang tính áp đặt đối với Trịnh khi mà ông đã không còn hiện diện dù là để phản biện hay để nói câu “Thôi kệ” quen thuộc. Trịnh Công Sơn, với tư cách tác giả, có quyền bán, thậm chí bán giá cao cho các tác phẩm của mình. Ông chẳng hề sai trong hành vi đó. Ông bán đắt hay rẻ cũng chẳng đến lượt chúng ta bàn cãi. Mà nghĩ cũng lạ! Trong cuộc tranh cãi giữa Đồng Dao và VCPMC, bên bảo đắt, bên nói rẻ và người người cũng xông vào kêu đắt rẻ mà quên mất chuyện bán mua, dù là nhà hay xe hay bài hát, bó rau, con cá là chuyện dựa trên thoả thuận – bao nhiêu cũng là rẻ, bao nhiêu cũng là đắt – tuỳ theo vị trí người mua hay người bán. Thế rồi đến khi được biết về văn bản trị giá 5.000 USD, người ta lại tiếp tục nói chuyện đắt – rẻ và tự cho mình quyền định giá thay Trịnh. Hoạt kê hơn nữa là không ít người cho rằng VCPMC thu tiền cao lại đồng thời là người cho rằng Trịnh Công Sơn đã bán di sản của mình quá rẻ. Ta có thể tổn thương tình cảm quanh câu chuyện bán mua, thu – trả tiền này. Nhưng dù có tổn thương, ta cũng cần tôn trọng những gì đã diễn ra mà ít nhất cũng là tôn trọng những gì Trịnh Công Sơn đã viết thành văn bản.
PHẠM THÀNH NHÂN
Theo Phụ Nữ