Trịnh Công Sơn trong ngôi nhà người đàn bà guitar Hawaii

Hãy đi đến tận cùng của tuyệt vọng để thấy tuyệt vọng cũng đẹp như một bông hoa.

“Đời vẽ tôi tên mục đồng/ Rồi vẽ thêm con ngựa hồng/ Từ đó lên đường phiêu linh… Đời vẽ trong tôi một ngày/ Rồi vẽ thêm đêm thật dài/ Từ đó tôi thề sẽ rong chơi… Đời vẽ tôi trong cuộc tình/ Đầy những yêu thương giận hờn/ Từ đó sớm chiều bâng khuâng… Đời vẽ tôi tên tuyệt vọng/ Vì lỡ nơi đây nặng tình/ Từ đó tôi chìm giữa mênh mông… ” (Chỉ có ta trong đời – Trịnh Công Sơn)

Trịnh Công Sơn trong ngôi nhà người đàn bà guitar Hawaii

1. Tôi chẳng biết đời mang bao nhiêu sắc màu, thân phận, nỗi niềm, để tô lên mái tóc, ánh mắt, nụ cười của người nghệ sĩ họ Trịnh nặng tình với nhân gian. Chỉ biết qua tháng qua năm, qua mọi phôi pha lấp đầy, bao thế hệ người yêu nhạc trữ tình vẫn không thôi mê say khám phá về Trịnh. Họ vẽ bằng góc nhìn được cảm nhận từ âm nhạc mà tạc nên bức chân dung Trịnh nhuốm đầy tình và đời. Để nhìn vào đó thấy nhân gian. Nhìn vào đó thấy lẽ sống niềm tin, thấy nụ cười nước mắt. Con người ta sẽ biết giận biết thương – thương và bao dung sao cho trọn hết một kiếp làm người – như Trịnh từng trăn trở khôn nguôi: “Từ buổi con người sống quá rẻ rúng tôi biết rằng vinh quang chỉ là điều dối trá. Tôi không còn gì để chiêm bái ngoài nỗi tuyệt vọng và lòng bao dung. Hãy đi đến tận cùng của tuyệt vọng để thấy tuyệt vọng cũng đẹp như một bông hoa”.

Có lẽ bởi dõi và thấu theo bước chân mang hình hài bao dung và tuyệt vọng của Trịnh, nên ngoài những bức vẽ vô hình bằng tình yêu, sự mường tượng qua âm nhạc, thì những bức vẽ hữu hình hữu sắc về Trịnh, bức nào cũng nhuốm một màu suy tư thật đậm đặc. Nhìn vào những bức vẽ ấy thôi là thấy ngay Trịnh đang chiêm nghiệm thật nhiều, thậm chí là hao mòn, khắc khổ cho nỗi nhân gian…

Điều ấy cũng đúng thôi. Điều ấy chính là Trịnh.

Nhưng bức nào cũng một màu vậy, tự dưng tôi lại thấy thương Trịnh, thương đời, thương chính bản thân mình nhiều quá… Rồi từ Trịnh mà ngẫm đến thân, đắm chìm trong cái thăm thẳm mênh mông lênh đênh nhân tình thế thái của Trịnh…

Thế nên, một chiều ghé thăm nhà người nghệ sĩ guitar Hawaii mang tên Bùi Bạch Liên trong con hẻm nhỏ ở phố Phan Văn Trường (Cầu Giấy – Hà Nội), tôi cứ ngỡ ngàng, bị hút vào bức tranh sơn mài vẽ Trịnh treo trên tường. Bà giáo già – học trò của nhạc sĩ Đoàn Chuẩn đặt bức tranh trang trọng ở lối lên cầu thang. Hút vào ánh nhìn ấm nóng tình và đời, vào nụ cười lặng lẽ nhưng đầy bao dung của Trịnh. Rất khác, rất riêng, so với cả trăm bức hình ta đã thấy về Trịnh bấy nay…

Ngay ở bên dưới, góc trái bức tranh là mẩu giấy nhỏ hoen ố thời gian cùng đôi lời đề tặng: “Tặng chị Bạch Liên – người học cùng lớp 10B Trưng Vương 1960 – 1961 – một tác phẩm nhỏ do Trần Anh Tú vẽ và làm sơn mài. Bát Tràng, 24.11.2009”.

Tôi nghe bà Bùi Bạch Liên kể người vẽ bức tranh ấy là một kiến trúc sư, sinh viên khóa đầu tiên Đại học Kiến trúc, là học trò của họa sĩ Trần Văn Cẩn. Rằng mọi bức vẽ của ông đều vẽ ngẫu hứng, từ tình yêu, đam mê, theo góc nhìn riêng của ông. Và ông không mang triển lãm, cũng chẳng bán cho ai. Vẽ cho chính bản thân mình, sau này thì để lại cho con cháu. Quý ai lắm thì ông mới mang tặng và không có bức thứ hai nào như thế nữa.

Nghe điều đó tôi càng thêm trân trọng. Không phải vì nó là duy nhất, mà có lẽ bởi người vẽ cũng đã trải, đã ngấm rất nhiều tình và đời, ngấm rất nhiều Trịnh vào hồn. Thế nên có bao nhiêu ông dồn cả ra đây, trên đôi bàn tay mình một ngày tháng 11 như thế, để hiện hình một Trịnh rất khác mà tôi đã thấy: Những bão tố phong ba đã cuộn lên, hằn sâu và lắng lại sau vầng trán cao mái tóc bồng mây gió. Trong một tích tắc nào đó, nụ cười khẽ nở, như hơi thở nhẹ ai đó lướt qua, nhưng đủ để tan dần những suy tư, mỏi mệt. Và ánh mắt Trịnh mênh mang niềm bao dung với nhân thế, với cay đắng, mất mát trong đời – đúng như những điều Trịnh từng chiêm bái – lòng bao dung và sự tuyệt vọng.

2. Vậy là, Trịnh sẽ ở lại trong căn nhà nhỏ này, với một tâm thế rất riêng của niềm an lạc sau những bão giông đời người. Mỗi buổi mai, khi những tia nắng lọt qua khe cửa tràn tới, đổ bóng lốm đốm trên chiếc đàn Guitar Hawaii đặt ở góc phòng, Trịnh lại thấy bà giáo già (nhìn thấy mặt trời chỉ sau mình chừng dăm bảy năm) chậm rãi lần lần đôi tay trên chiếc đàn cũ bạc của mình. Bà vuốt và thổi nhẹ lớp bụi bị những rọi nắng mai tố cáo hờ bám trên mặt đàn, rồi nhẹ nhàng dạo lên đôi khúc chênh chao tuổi đời…

Trịnh bồi hồi theo xúc cảm ấy, tiếng đàn ấy, bồi hồi với chính những giai điệu gan ruột mà mình đã viết ra… Thấy “loài rong yên ngủ sâu” cựa mình thức giấc theo Dấu chân địa đàng du ca; thấy sỏi đá cồn cào cơn khát có nhau, xô lăn đi tìm một tình yêu theo bước chân của Diễm – tìm hoài, rồi rớt lại Bên đời hiu quạnh cô đơn, để “biển nghìn thu ở lại, nghìn thu ngậm ngùi” với yêu thương mong những bến bờ…

Rồi lại có những chiều hiu hắt vạt nắng côi, bà giáo già gặp lại cố nhân xưa, “lòng như nắng qua đèo” ngón tay lại đưa qua đưa lại trên những phím đàn. Thương “một dòng sông đã qua đời” mà hỏi mình, hỏi người một thoáng chơi vơi: Còn tuổi nào cho em?

Cũng có khi là những đêm rất muộn, quá giấc không tài nào chợp mắt nổi. Lòng nhung nhớ một điều gì đó xa khơi. Bà giáo già lập cập bước lên cầu thang, rồi lấy xuống cái khuôn tráng bánh cuốn bằng tre cũ kỹ. Những tấm vải cũng đã sờn, gián nhấm thủng lỗ chỗ. Bà vừa thở dài hoài niệm, rồi lắc đầu khe khẽ, mỉm cười cho gần 30 năm đời người trôi qua, lâu thật lâu mà nhanh thì cũng thật nhanh. Giờ ngoái lại, thấy mọi thứ thoáng như một cái chớp mắt buổi bình minh vậy. Và những nỗi gian khó, tảo tần vẫn như mới vừa đi qua – từ những kỷ vật đơn sơ bà trân trọng giữ gìn. Rồi bà lại đánh thức Trịnh dậy cùng Lời thiên thu gọi, dấy lên trong Trịnh nỗi khát khao một thời: “nhiều đêm muốn quay về ngồi yên dưới mái nhà…”.

Ừ, chỉ giản đơn vậy thôi. Chỉ là một sự trở về, lặng lẽ, và ngồi yên lặng giữa căn nhà thân yêu, nhưng đủ để cho lòng bình yên, dịu lại những nỗi niềm giông bão mà mình đã đi qua…

3. Cứ thế, Trịnh sống trong nỗi niềm dưới mái nhà của người nghệ sĩ già, trong tình yêu âm nhạc đồng cảm với những đứa con giai điệu Trịnh đã sinh ra. Sự hiện diện của Trịnh trong ngôi nhà ấy – qua nét vẽ và ân tình bè bạn của người kiến trúc sư ở Bát Tràng kia – không lộ rõ nhiều suy tư, mỏi mệt và đăm đắm với đời như nhiều bức vẽ khác. Nên những gì an lạc, phơi phới tin yêu – dù là mất mát, khổ đau – từ bức chân dung của Trịnh, hồn Trịnh đã lan tỏa. Nó thầm soi những ánh nhìn vừa tuyệt vọng vừa bao dung, gieo niềm tin về bông hoa nở ở tận cùng của sự tuyệt vọng. Có lẽ bởi vậy nên cuộc đời ánh qua tiếng đàn của bà giáo già, dù mặn mà mưa nắng, chất chồng được – mất nhưng tâm hồn vẫn cứ xôn xao như gió mới đầu ngày. Cơn gió ấy lồng lộng thổi trong chính lòng bà và lan tỏa tới những người trẻ xung quanh, từ tiếng đàn của sự mê say, từ cái tâm muốn mang đến một xúc cảm mới cho nhạc Trịnh qua tiếng đàn Guitar Hawaii đang có nguy cơ chìm vào quên lãng…

Mới hay, cuộc sống không sắp đặt mà như sắp đặt, có những cái duyên riêng lạ kỳ, có những đẩy đưa, đồng cảm khó gọi thành tên. Như cái tình của người kiến trúc sư già gửi gắm qua nét vẽ Trịnh, trân trọng trao tặng cho người bạn học của mình. Như bà giáo già say mê tiếng đàn guitar Hawaii gảy lên những lời ruột gan của Trịnh. Tiếng đàn ấy đã nuôi dưỡng tâm hồn bà, âm thầm lan tỏa tới những người nghe xung quanh một xúc cảm đẹp về nhạc Trịnh: trăn trở đấy, nhưng vẫn cứ mênh mang niềm khao khát với đời. Nó gọi tên nỗi buồn, những lỗi lầm của kiếp người mà vẫn cứ đầy bao dung. Gọi tên sự tuyệt vọng mà không mất đi niềm hy vọng, rằng tận cùng vẫn nở, vẫn đẹp như một bông hoa…

—–

Tựa đề: Tản mạn về một bức tranh vẽ Trịnh Công Sơn rất nhiều xúc cảm của kiến trúc sư Trần Anh Tú – học trò của họa sĩ Trần Văn Cẩn vẽ – trong ngôi nhà của nghệ sĩ Guitar Hawaii 73 tuổi Bùi Bạch Liên).

Lương Đình Khoa

Theo VnExpress