Tranh cãi xung quanh tác quyền nhạc Vũ Thành An

Từ Mỹ, nhạc sĩ của chùm ca khúc “Không tên” ủy quyền cho em trai và người đại diện giải quyết việc nhạc phẩm của ông bị sử dụng không xin phép.

Chiều 15/6 tại TP HCM, Phương Nam Phim tổ chức họp báo về việc các tác phẩm của Vũ Thành An do công ty này khai thác độc quyền tại Việt Nam đang bị một đơn vị khác sử dụng trái phép.

Phương Nam Phim trình bày, từ năm 2012, công ty ký kết hợp đồng số 212 về việc đại diện độc quyền khai thác tác phẩm của nhạc sĩ Vũ Thành An. Theo đó, công ty có quyền cho phép hoặc không cho phép sử dụng tác phẩm của nhạc sĩ trong thời gian hiệu lực là mười năm tính từ ngày Cục Nghệ thuật Biểu diễn cấp phép phổ biến ca khúc Vũ Thành An tại Việt Nam là tháng 6/2014. Đồng thời, Phương Nam Phim còn ký hợp đồng với công ty Icore về việc độc quyền sử dụng tác phẩm ca khúc của nhạc sĩ để sản xuất đĩa karaoke vi tính.

Nội dung quảng cáo đĩa karaoke vi tính của Maseco.

Nội dung quảng cáo đĩa karaoke vi tính của Maseco.

Tuy vậy, vào tháng 6/2014, Phương Nam Phim phát hiện trên thị trường có lưu hành đĩa karaoke vi tính Vol.52 do công ty Cổ phần Dịch vụ Phú Nhuận (tên viết tắt là “Maseco”) sản xuất và phát hành. Trong đĩa karaoke này có sử dụng các tác phẩm của Vũ Thành An gồm: Bài không tên số hai, Bài không tên số bốn, Bài không tên số bảy; Bài không tên số támBài không tên số mười.

Phương Nam Phim gửi văn bản đến Maseco yêu cầu không được sử dụng các tác phẩm nói trên. Maseco gửi lại văn bản yêu cầu Phương Nam Phim cung cấp ba nội dung: hợp đồng chứng minh Phương Nam Phim độc quyền khai thác ca khúc của Vũ Thành An, hợp đồng ký với Icore và mức thù lao sử dụng ca khúc của Vũ Thành An. Dù vậy, Phương Nam Phim cho rằng đơn vị mình không có bổn phận phải trình cho Maseco các hợp đồng, trong đó, hợp đồng ký kết với Vũ Thành An lại có nhiều điều khoản về thương mại, điều khoản bảo mật.

Tháng 12/2014, Phương Nam Phim gửi văn bản số đến Cục Nghệ thuật biểu diễn trình bày về vụ việc. Đầu năm 2015, Cục Nghệ thuật biểu diễn ra văn bản số kết luận: Công ty Maseco chưa thực hiện đúng các quy định tại nghị định số 79 của chính phủ về vấn đề quyền tác giả, yêu cầu Maseco chủ động giải quyết vụ việc. Cục cũng yêu cầu Phương Nam Phim tiếp tục chủ động chứng minh quyền độc quyền trong việc sử dụng và cho phép người khác sử dụng các nhạc phẩm Không tên số hai, số bốn, số bảy, số tám, số mười của Vũ Thành An.

Tại buổi họp báo chiều 15/6, đại diện Phương Nam Phim cho biết, kể từ thời điểm Cục ra văn bản kết luận vụ việc đến nay Maseco không chủ động giải quyết vấn đề quyền tác giả, không xin phép tác giả hoặc người có quyền khai thác hợp pháp để được tiếp tục sử dụng các bài hát. Thậm chí, Maseco còn tiếp tục sản xuất thêm các đĩa Vol.53, Vol.54 và Vol.55 có năm tác phẩm Không tên.

Ông Vũ Đức Hoan, em trai của nhạc sĩ Vũ Thành An, muốn giám định nội dung các đĩa karaoke do Maseco phát hành có đúng với giai điệu và ca từ

Ông Vũ Đức Hoan, em trai của nhạc sĩ Vũ Thành An, muốn giám định nội dung các đĩa karaoke do Maseco phát hành có đúng với giai điệu và ca từ của Vũ Thành An. Ảnh: Thoại Hà

Từ Mỹ, nhạc sĩ Vũ Thành An gửi một bản ghi âm nhờ em trai của mình là ông Vũ Đức Hoan phát tại cuộc họp báo của Phương Nam Phim vào chiều 15/6. Trong bản ghi âm, Vũ Thành An khẳng định nhạc của ông do Phương Nam Phim độc quyền. Ông nói, suốt thời gian qua, không có công ty trong nước liên hệ với ông về vấn đề xin phép sử dụng ca khúc. Vũ Thành An ủy quyền hoàn toàn cho công ty Phương Nam và em trai mình – người đại diện chính thức của ông – giải quyết các vấn đề tác quyền.

“Nhạc sĩ Vũ Thành An xem những chuyện như thế này là những chuyện không nên có. Trong bức tâm thư gửi cho khán giả yêu nhạc trước đây, anh tôi có cho biết tất cả tiền tác quyền ca khúc của anh được anh sử dụng cho hoạt động từ thiện của quỹ Teresa. Quỹ này có chương trình cấp phát gạo cho người nghèo neo đơn. Tôi nghĩ là những cá nhân hay tổ chức nào có những hành vi vi phạm tác quyền của Vũ Thành An cũng đồng nghĩa bớt đi phần gạo cho những người già mà đáng ra họ phải có”, ông Vũ Đức Hoan chia sẻ.

Ông Vũ Đức Hoan cho biết, công ty Maseco đã sản xuất những sản phẩm phái sinh của anh trai ông mà không hề liên lạc với anh để xin phép. “Chúng tôi đề nghị Phương Nam Phim tiến hành giám định xem những tác phẩm phái sinh do Maseco sản xuất có đúng với giai điệu và ca từ mà nhạc sĩ Vũ Thành An được cấp phép lưu hành hay không?”, ông Hoan nói.

Để giải quyết vụ việc, Phương Nam Phim ra ba yêu cầu với Maseco: “Chấm dứt việc khai thác các tác phẩm của nhạc sĩ Vũ Thành An dưới bất kỳ hình thức nào. Chấm dứt việc phát hành, phân phối, phổ biến đĩa Karaoke Vol.52, Vol.53, Vol.54, Vol.55. Đồng thời phải thu hồi, tiêu hủy tất cả các đĩa đã phát hành và các bản ghi âm, ghi hình khác có chứa nội dung, thông tin hay bất kỳ hình thức nào khác liên quan đến các ca khúc của Vũ Thành An”.

Ông Trịnh Ngọc Minh – Phó tổng giám đốc Maseco – giải thích với VnExpress, do nhạc sĩ Vũ Thành An đang định cư ở nước ngoài, Maseco chưa có điều kiện liên hệ để trả tác quyền.

“Với nhạc sĩ Vũ Thành An chúng tôi luôn trân trọng cả về giá trị tác phẩm và tâm hồn đạo đức của ông. Chúng tôi vẫn tôn trọng đầy đủ quyền nhân thân của tác giả và sẵn sàng trả tác quyền theo yêu cầu của ông. Khi phổ biến tác phẩm của ông, chúng tôi chỉ muốn sớm đưa tác phẩm đến rộng rãi cho công chúng. Nếu nhạc sĩ Vũ Thành An không đồng ý, chúng tôi chân thành lỗi xin ông. Còn nếu Phương Nam Phim chứng minh đủ quyền đại diện độc quyền thì chúng tôi sẽ giải quyết kể từ khi phát sinh quyền theo quy định của pháp luật”, ông Minh nói.

Nhạc sĩ Vũ Thành An.

Nhạc sĩ Vũ Thành An.

Tại buổi họp báo chiều 15/6, Phương Nam Phim có đưa ra bản hợp đồng số 71, ký ngày 9/6/2015. Đây là bản hợp đồng ủy quyền giữa Phương Nam Phim và nhạc sĩ Vũ Thành An để chứng minh vai trò độc quyền của Phương Nam trong vấn đề khai thác ca khúc của nhạc sĩ. Hợp đồng này có thể công khai vì đã được lược bớt các điều khoản về thương mại và tính bảo mật.

Ông Trần Ngọc Minh bình luận về hợp đồng này: “Nếu hợp đồng ủy quyền nêu trên là hợp lệ theo quy định của pháp luật Việt Nam, thì quyền độc quyền của Phương Nam Phim chỉ phát sinh từ thời điểm ký. Còn hợp đồng đầy đủ số 212 ký ngày 27/10/2012 đã có từ rất lâu, trước cả khi tác phẩm của nhạc sĩ Vũ Thành An đựơc cấp phép. Vậy hợp đồng 212 là hợp đồng gì, nội dung ra sao mà Phương Nam Phim không công bố”, ông Minh chất vấn.

Về phía mình, công ty Phương Nam Phim bảo vệ quan điểm không yêu cầu Maseco bồi thường thiệt hại, hay trả tiền, chỉ yêu cầu công ty này chấm dứt việc sử dụng các tác phẩm Vũ Thành An. “Các vấn đề đàm phán tiền thù lao với Maseco không thể nào được đặt ra vì chúng tôi không thể phủ nhận những cam kết đã ký với đối tác Icore”, ông Nguyễn Ngọc Sơn – luật sư đại diện cho Phương Nam Phim – kết luận.

Phương Nam Phim cho biết nếu Maseco không chủ động giải quyết vụ việc theo yêu cầu từ phía mình, công ty này sẽ cân nhắc khả năng nhờ đến pháp luật để phân xử trong thời gian tới.

Khoản tám Điều 28 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 (được sửa đổi, bổ sung năm 2009) quy định: Sử dụng tác phẩm mà không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả, không trả tiền nhuận bút, thù lao, quyền lợi vật chất khác theo quy định của pháp luật là hành vi vi phạm quyền tác giả. Khoản 5 Điều 6 Nghị định 79/2012/NĐ-CP của chính Phủ (về biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang; thi người đẹp và người mẫu; lưu hành, kinh doanh bản ghi âm, ghi hình ca múa nhạc, sân khấu) quy định: hành vi vi phạm quyền tác giả là hành vi bị cấm.

Thoại Hà

Theo VnExpress