Theo nữ ca sĩ, việc chinh phục khán giả Việt bằng tiếng mẹ đẻ là điều hợp lý. Ba huấn luyện viên còn lại cũng có tiêu chí chọn bài để định hình phong cách cho đội của mình tại vòng đấu loại trực tiếp.
Sau hai đêm thi vòng Liveshow Giọng hát Việt 2015, các tiết mục của thí sinh từ bốn đội thi chưa thật sự nổi trội và cuốn hút khán giả. Nhiều ca khúc được cho là chưa phù hợp với cá tính và gu âm nhạc thí sinh.
Huấn luyện viên Thu Phương phủ nhận điều này. Theo cô ,nguyên nhân là do yếu tố khách quan tác động. Thí sinh đứng solo sau thời gian được rèn luyện, gặp nhiều áp lực khi bước ra sân khấu. Ngoài ra, khán giả ở trường quay quá đông sẽ là yếu tố đánh vào tâm lý của các giọng ca trẻ. Thời lượng phát sóng trên truyền hình không nhiều để các huấn luyện viên có thể nhận xét thí sinh, chia sẻ về cách thức chọn bài hát cho khán giả hiểu thêm về tiết mục.
Đội của ca sĩ Thu Phương.
Trước ý kiến về việc áp đặt màu sắc âm nhạc của bản thân lên thí sinh The Voice, Thu Phương cho biết cô không chủ trương như thế. “Tiêu chí của tôi là thí sinh phải yêu và hiểu ca khúc thì mới hát”, cô nói. Chính vì vậy, nữ ca sĩ và êkíp chuẩn bị danh sách bài hát dựa trên sở thích và gu âm nhạc từng người. Cô làm nhạc nền sẵn và thu âm demo cho các giọng ca trong đội. Một tiêu chí khác mà Thu Phương đặt ra là tất cả cả các học trò phải hát tiếng Việt trong suốt chương trình bởi cho rằng việc chinh phục khán giả Việt Nam bằng tiếng mẹ đẻ là điều hợp lý và đáng được ủng hộ. “Việc chinh phục khán giả bằng thứ tiếng khác có thể để sau, vì thời gian ca hát của các em còn dài”, cô nói.
Giọng ca Hải Phòng chia sẻ thêm cô luôn có chủ đề riêng cho từng đêm thi. Liveshow đầu tiên là những bài hát nói lên kỷ niệm tuổi thơ của các học trò. Hàng ngày, nữ huấn luyện viên đều gặp các thí sinh một hoặc hai lần để cùng ăn uống và trò chuyện. Theo cô, đây là cách hữu hiệu để chọn ra bài hát phù hợp với tính cách học trò.
Sau liveshow một, Tuấn Hưng cảm thấy thích thú trước ý tưởng chọn bài dựa theo chủ đề của Thu Phương. Tuy nhiên, anh cảm thấy nó sẽ hạn chế phần nào việc phát huy khả năng của thí sinh. Vì đây là cuộc thi nên anh muốn các học trò của mình phát huy mọi tiềm năng vốn có của bản thân. Nam ca sĩ Tìm lại bầu trời trao quyền chọn bài hát cho thí sinh của mình trong từng livehow. Anh chỉ có nhiệm vụ lên ý tưởng, góp ý cách hát và xây dựng bài cho họ.
Đàm Vĩnh Hưng và các học trò.
Đàm Vĩnh Hưng cũng cho rằng anh không áp đặt màu sắc âm nhạc của bản thân lên học trò. Nhưng anh thừa nhận đã tạo ảnh hưởng cho thí sinh về cách hát, cách biểu diễn, giao lưu với khán giả. Thậm chí, anh bắt học trò phải thể hiện ánh nhìn theo hướng nào, điểm nhấn ở đâu trong một tiết mục.
Theo nam ca sĩ, một huấn luyện viên giỏi là người biết khai thác tốt những mặt mạnh của thí sinh qua từng ca khúc. Khâu chọn bài là một công việc rất khó trong cuộc thi ca hát. Nếu huấn luyện viên chọn ca khúc hàn lâm quá thì sẽ khó đi vào lòng khán giả. Còn một ca khúc mang tính chất giải trí thị trường thì không tôn được chất giọng của thí sinh. Tiêu chí của Mr. Đàm khi chọn một bài hát cho thí sinh là bài đó phải có câu chuyện rõ ràng, giai điệu đẹp và ca từ ý nghĩa. Theo đó, anh sẽ dàn dựng thêm để cho thí sinh tỏa sáng và bùng nổ trên sân khấu. Trong đêm trình diễn đầu tiên ở liveshow 2, các tiết mục của đội Mr. Đàm được đầu tư công phu từ trang phục cho đến vũ công minh họa.
Mỹ Tâm chọn bài cho thí sinh nghiêng về cảm xúc.
Trái với ba đồng nghiệp trên “ghế nóng”, Mỹ Tâm cho rằng cô không đặt sẵn một tiêu chí nào trong việc chọn ca khúc cho thí sinh đội mình. Nữ ca sĩ cho biết cô đứng ở cương vị khán giả để cảm nhận chất giọng của học trò phù hợp với bài hát nào thì để họ thể hiện. Cô chỉ chú tâm vào việc giúp các giọng ca trẻ xử lý bài cho khác biệt so với bản gốc. Yếu tố để cô quyết định dàn dựng bài vở cho thí sinh là chú trọng về phần cảm xúc.
“Tôi động viên các giọng ca trẻ thử sức với những điều khác với bản thân mà họ không nghĩ có thể làm được”, Mỹ Tâm nói.
Tâm Giao
Theo VnExpress