“Tôi không đòi hỏi hay đặt vấn đề là phải có quà trong dịp này, dịp kia, có lẽ nhờ vậy mà anh ấy sợ tôi thiệt thòi”, nữ ca sĩ tâm sự.
“Anh dũng muốn chứng tỏ rằng tôi chọn lựa anh anh ấy là một điều đúng”. |
– Cuộc sống gia đình kiểu“con chung – con riêng” có gây ra bất cứ trở ngại gì cho vợ chồng chị? – Gia đình tôi không xảy ra vấn đề này. Ngay từ thời điểm đầu khi tôi vừa chấm dứt cuộc hôn nhân 14 năm thì 2 con lớn của tôi sống với ông bà trong suốt 5 năm. Đó là khoảng thời gian đau nhất của tôi khi phải đối mặt với cảm giác xa con. Nhưng ở khía cạnh nào đó, đây cũng là điều hay khi các con được sống trong môi trường biệt lập, hoàn toàn không dính líu gì đến những bất ổn, cảm xúc tâm lý của bố mẹ. Khi cả hai sang Mỹ tức bắt đầu một cuộc sống khác hẳn. Các cháu cũng hiểu phần nào những chuyện đã xảy ra, vì sao con sống với mẹ nhưng vẫn đi thăm bố. Bất kỳ cuộc hôn nhân hay mối quan hệ nào đó gặp trục trặc cũng đều trải qua vài giai đoạn khác nhau. Ban đầu có thể là cảm giác không chấp nhận, phẫn nộ, đau đớn, từ từ là xoa dịu và cuối cùng là bình yên, nếu có gặp lại nhau cũng không còn khúc mắc. Khi hai con đầu của tôi sang Mỹ cũng là thời điểm mọi thứ đã yên ổn, cuộc sống hai gia đình của Phương và của anh Huy cũng đã bước qua giai đoạn khó khăn nên về tâm lý là hoàn toàn yên tâm. – Chị có chia sẻ với các con hoàn cảnh đặc biệt của mình? – Tôi không giấu các con bất cứ điều gì. Nhiều khi cả hai bên gia đình cùng ngồi nói chuyện, dự sinh nhật của các cháu và chúng thấy rằng mình có hơn nhiều điều chứ không phải mất mát. Tôi vẫn dạy con hạnh phúc hay sướng khổ là do tự mỗi người cảm nhận và cách mình nhìn vào vấn đều đó như thế nào, và các con đều rất may mắn khi có hơn bố, hơn mẹ, có nhiều người yêu thương. Khi gặp vấn đề gì, chúng có thể gặp bố mẹ, hoặc cả bố dượng, mẹ dượng. – Bằng những điều mà mình đã trải qua, chị chia sẻ những gì với con trai lớn trước khi con chính thức bước vào cuộc sống của một người trưởng thành? – Đây cũng là một trong những khó khăn của tôi. Khi cháu cần một định hướng đúng và mạnh mẽ để một người đàn ông có thể vững vàng trong tương lai thì cháu phải nói chuyện nhiều với bố dượng hơn. Điều khó ở đây là cháu sang Mỹ khi đã 14 tuổi, nên gần như phải hướng và dạy lại tất cả những thứ căn bản. Nhưng tôi may mắn khi có anh Dũng là người có rất nhiều kỹ năng sự phạm để dạy và giúp con hiểu những gì mà bố mẹ muốn nói. Dĩ nhiên từ hiểu sang làm còn làm còn là một khía cạnh khác, nhưng tôi hoàn toàn yên tâm rằng con trai của mình có suy nghĩ tượng đối mạnh mẽ để sau này có thể gánh vác, giúp người phụ nữ trong đời của cháu không phải khổ như mẹ nó(cười). Tôi chủ yếu trò chuyện tình cảm cùng các con cũng như giáo dục về đạo đức, nhân cách, lo từng bữa ăn hằng ngày. Tôi vẫn hay nói rằng: “Điều mẹ mong chỉ là con yêu mẹ, chứ con không bao giờ thương nổi mẹ. Chỉ cần yêu là đã có thể sẵn sàng làm rất nhiều điều. Muốn được vậy, mẹ phải cực kỳ tâm lý, tình cảm và sẵn sàng có mặt bất cứ khi nào con cần. Kể cả những lúc con thất bại, khó khăn hay sai lầm nhất, thì với mẹ, bấy nhiêu chẳng là gì cả. Quan trọng nhất là giá trị của một con người và sự hiện hữu của con bên cạnh mẹ. Mẹ còn thấy con thì tất cả mọi thứ đều là chuyện bình thường”. – Khó khăn nào lớn nhất mà chị đã trải qua để bây giờ khi nhìn lại có thể mỉm cười tự hào? – Khó khăn của tôi thì khủng khiếp vô vàn, nhưng đáng sợ nhất có lẽ là thời điểm 10 năm trước, khi tôi ra quyết định thay đổi môi trường sống bằng cách sang Mỹ định cư. Nhưng tất nhiên, đó có thể vẫn chưa phải là khủng khiếp nhất so với tương lai sắp tới, bởi không ai biết được chuyện gì sẽ xảy ra. Tôi có 4 đứa con, con trai cả năm nay đã 20 tuổi, sẽ chính thức bắt đầu bước vào con đường mà chính mẹ mình đã trải qua, nhưng rồi cũng không một ai biết được chuyến hành trình này sẽ ra sao. Còn bé nhỏ nhất vừa 2 tuổi rưỡi có thể sẽ còn đối mặt với những thử thách lớn hơn rất nhiều. Nhưng tôi vẫn đúc kết một điều là hãy sẵn sàng đương đầu vượt qua tất cả những điều này. Điều khiến tôi lo lắng nhất chính là sự hiện hữu của mình trong cuộc sống này như thế nào? Nếu như trong 10 năm, 5 năm hay có khi vài tháng nữa, nếu như tôi biến mất thì sẽ như thế nào? Con cái sẽ ra sao?
“Khó khăn của tôi thì khủng khiếp vô vàn, nhưng đáng sợ nhất có lẽ là thời điểm 10 năm trước, khi tôi ra quyết định thay đổi môi trường sống bằng cách sang Mỹ định cư”. |
– Hiện chị còn trăn trở những gì khi nghĩ tới gia đình mình, những đứa con? – Ước mơ, hoài bão là những điều tương đối vượt qua khả năng của mình. Từ lâu rồi tôi chẳng ước mong gì, vì không còn thời gian nữa, những điều đó cũng vượt qua khả năng của mình để có thể biến nó thành sự thật. Tôi bây giờ sống bằng lý trí để biết được những lý tưởng nào có thể làm được như cách giáo dục con cái, vun vén cho gia đình. Khi từng lý tưởng được thực hiện, cũng là lúc những trăn trở, ước mơ của tôi phần nào đó đã được thực hiện. – Để nói về chuyến đi tìm cuộc sống mới của chị khi quyết định xuất ngoại, chị có thể chia sẻ cảm xúc gì về những nấc thăng trầm trong những năm qua? – Tôi vẫn nghĩ mình đã gặp khá nhiều may mắn khi được được sống ở nhiều môi trường, sinh ra ở Hải Phòng, lớn lên ở Hà Nội, thành danh ở Sài Gòn và hiện sinh sống ở Mỹ. Một chặng đường mấy chục năm mang lại cho tôi nhiều thứ. Đó cũng chính là những gì mà hiện giờ tôi đang hát, tác phẩm mà tôi chọn, cách thể hiện, cảm xúc khi đứng trên sân khấu. Tôi vẫn nghĩ nếu như bản chất của mình không phải là người con sinh ra ở vùng biển, không mạnh mẽ, cá tính thì đã không dám đương đầu với những gì trước đây. Đời tôi phải một vở kịch mới kể đủ – Một ca sĩ từng nói: “Muốn hát nhạc tình hay trước tiên phải thất tình thật nhiều lần”. Chị nghĩ sao về quan điểm này? – Tôi nghĩ với những người không có đủ kinh nghiệm sống, không trải nghiệm nhiều, suy nghĩ, tư duy chính chắn thì họ sẽ nghĩ đây sẽ là yếu tố rất cần thiết để họ lấy những cái thật đó để kể chuyện cho khán giả. Thật ra điều này không sai, nhưng vì sao có những người không trải qua những bất ổn, biến động đó, tại sao họ vẫn có đủ khả năng hát nhạc tình rất hay? Tôi nghĩ quan trọng nhất vẫn là người ca sĩ phải biết nhìn thấy những diễn biến xung quanh để chia sẻ, quan tâm và cảm thông với những điều đó. – Hiện tại, chị đang có cuộc sống rất viên mãn và hạnh phúc, điều này có ảnh hưởng đến cảm xúc của chị khi hát nhạc tình không? – Tôi là người rất hay quan sát, có thể ngồi đây những nhìn thấy hết tất cả những gì đang diễn ra xung quanh mình. Tôi có một điều may mắn là khi hát tác phẩm của các nhạc sĩ, cũng chính là lúc được sống trong tâm sự, trăn trở của chính họ, chứ không nhất thiết phải bước ra đời để gặp lấy cảm xúc từ chính câu chuyện của mình. Do đó, với tôi, việc lựa chọn bài hát rất quan trọng, đặc biệt là phần ca từ. Có người sẽ chọn giai điệu đẹp để khi nghe lần đầu tiên, khán giả sẽ thấy hay ngay lập tức, nhưng tôi lại đòi hỏi ở phần lời. Khi hát được một ca khúc có ca từ hay, tư duy của mình cũng được bồi đắp và học hỏi thêm rất nhiều.
” Với tôi, việc lựa chọn bài hát rất quan trọng, đặc biệt là phần ca từ”. |
– Sau khi hát rất nhiều câu chuyện của các nhạc sĩ, đến khi nào chị sẽ hát một sáng tác về chính cuộc đời của mình? – Nếu muốn có một tác phẩm về phần nào đó cuộc đời của tôi, đó chắc phải là cả một vở kịch mới có thể lột tả một cách chính xác và đúng với những gì tôi muốn chứ một ca khúc chắc không tài nào kể hết được. Thật ra, tôi đã có mong muốn được viết tự truyện để viết về cuộc đời của mình, những hoàn cảnh, môi trường mà mình đã trải qua, những vai trò đã đảm nhận… Biết đâu được, sẽ có một ngày nào đấy! – Thử hình dung, trong vở kịch về cuộc đời mình chị sẽ truyền tải thông điệp gì? – Hãy sẵn sàng bước qua những nỗi sợ hãi của bản thân, đối diện với những thứ khó khăn, tự hỏi bản thân đang muốn điều gì và làm cho bằng được. Có thể sẽ có rất nhiều trả giá, hệ lụy nhưng đó chính là những trải nghiệm quý báu mà không phải ai cũng may mắn gặp được. Bây giờ, khi ngồi làm giám khảo hay có cơ hội nó chuyện với các ca sĩ trẻ, tôi đều chia sẻ họ hãy thử thách bản thân, làm những điều khó khăn nhất, chỉ cần đó là điều mình muốn và không ngại khi phải trả giá. Có thể sau những điều này là đầy một bi kịch, chông gai, hay cũng có thể là một đọan đường rải đầy hoa hồng, nhưng những hỉ, nộ, ái, ố đó sẽ là hành trang theo họ suốt cuộc đời. – Nhiều người nói Thu Phương có sự nghiệp, nhiều cống hiến và được khán giả lẫn giới chuyên môn công nhận nên đáng được công nhận là một diva. Chị nghĩ sao? – Những quan niệm về nghệ sĩ hay diva, tượng đài, huyền thoại… tôi nghĩ tất cả những mỹ từ này chỉ có ý nghĩa với người cần. Và nếu họ cần, họ sẽ trả giá rất nhiều cho điều đó. Còn nếu không có nhu cầu thì tất cả cũng là bình thường. Tôi không cần nhưng cũng không phải không có nhu cầu, nhưng cuối cùng giá tri của mình ở đâu thì nên đặt ở đấy, mình đáng với danh xưng nào thì khán giả sẽ gọi như thế. Tôi không quá quan trọng mất nhiều thời gian cho những điều gọi là hư danh hay để nó tác động đến mình. Sự thật là chúng ta có thể rất khủng khiếp với người này, nhưng đôi khi chả là gì với người kia.
“Cuối cùng giá tri của mình ở đâu thì nên đặt ở đấy, mình đáng với danh xưng nào thì khán giả sẽ gọi như thế”. |
– Sắp tới, chị sẽ tham gia chương trình Đêm nhạc ước mơ do VPBank tổ chức. Chị có cảm xúc như thế nào về đêm diễn này? – Như Bằng Kiều nói thì một năm về 4 lần thì được coi là tiếp cận thị trường, tôi cũng muốn thế lắm nhưng công việc và quỹ thời gian ở Mỹ không cho phép nên một năm 1 lần là đã cố gắng lắm rồi. Trong lần trở về dịp cuối năm để tham gia đêm nhạc này là một điều bất ngờ và rất có duyên. Chẳng biết bắt đầu từ đâu nhưng “đến ngày đến tháng lại vồ lấy nhau”. Từ trước đến nay, tôi cũng chưa từng về Việt Nam chỉ để hát một đêm duy nhất rồi lập tức bay về Mỹ như lần này. Mặc dù, chương trình không bán vé mà dành riêng cho khách hàng và đối tác của VPBank nhưng đã có sự đầu tư lớn để mang đến một đêm nhạc rất tử tế. Một không gian âm nhạc mà ở đó, Phương, Hà Anh Tuấn và Lam Anh sẽ được thỏa sức sáng tạo và thăng hoa. Thông qua cách làm việc, sự đầu tư, am hiểu âm nhạc và đặc biệt là sự tôn trọng nghệ sỹ của VPBank, tôi cảm nhận được họ là một doanh nghiệp có chiều sâu về văn hóa, yêu và trân trọng nghệ thuật. – Trong đêm nhạc này, chị sẽ trình bày những ca khúc nào? – Tôi sẽ căn chỉnh một cách hợp lý để làm sao không phải hát ca khúc của mình quá nhiều bởi phần lớn các tác phẩm của tôi không mang yếu tố giải trí, nên lo rằng nếu cứ mãi bi lụy, đắm đuối vào những trăn trở, đau khổ sẽ ảnh hưởng đến chất lượng của chương trình. Tất nhiên vẫn sẽ có những sáng tác mang dấu ấn của tôi, đặc biệt là ca khúc Cô gái đến từ hôm qua. – Ca khúc này có ý nghĩa gì với chị?
– Có thể nói sáng tác này là một phần nào đó trong chính cuộc đời của tôi, vì khi tưởng chừng như cuộc sống đang rất nhẹ nhàng, bình yên thì thật sự, có đang có rất nhiều vấn đề. Cách đây 10 mấy năm, tôi chỉ vừa 20 mấy tuổi hơn, khi thu âm ca khúc này đã bật khóc. Có lẽ khi đó, tôi khóc vì cảm nhận được hình ảnh của mình trong 20, 30 năm sau, cùng theo đó là cảm giác sau này nếu có dịp thể hiện lại thì mọi thứ sẽ thay đổi như thế nào. Có lẽ những suy tư của tôi bắt đầu trong những câu hát “Và cũng đã đã đủ lớn để mong bé lại, như ngày hôm qua”. Khi cuộc sống đã trải qua quá nhiều sóng gió, biến cố thì mong ước này cũng là lẽ thường. Mỗi khi trở về, dù trong chương trình nào, tôi cũng muốn hát bài này. Đôi khi chỉ cần 1 đôi câu cũng đủ có cảm giác như được trở về những năm của thập niên 1990, khi tôi có được tình cảm của khán giả tròn đầy nhất. Bây giờ, dù thế nào thì vẫn có gì đó chưa trọn vẹn, những thắc mắc, hoài nghi nên tôi càng muốn hát để thỏa lấp nó lại.
Phương Giang
Ảnh: Thành Luân
Theo Zing