‘Thời hoa đỏ’ – nhớ về những năm tháng tuổi trẻ

Mỗi mùa hoa phượng nở, giai điệu da diết trong ca khúc của Nguyễn Đình Bảng lại vang lên, gợi những nuối tiếc một thời.

Năm 1989, Nguyễn Đình Bảng là một trong bốn nhạc sĩ được Hội nhạc sĩ Việt Nam tổ chức đi dự trại sáng tác ở Liên Xô cũ. Thời tiết giá lạnh nước bạn khiến chỉ sau một tuần ông bị cảm lạnh và ho ra máu. Suốt hơn một tháng nằm viện, xung quanh là những người xa lạ, vị nhạc sĩ cảm thấy buồn ghê gớm và khôn nguôi nỗi nhớ nhà, nhớ người thân.

Để nỗi cô đơn, buồn chán không xâm lấn tâm hồn, ông lục trong hành trang lấy cuốn 99 bài thơ tình mua ở Việt Nam ra đọc. Vốn là một người yêu thơ nên khi đọc đến bài Thời hoa đỏ của Thanh Tùng, Nguyễn Đình Bảng không khỏi xúc động, ám ảnh. Bài hát Thời hoa đỏ ra đời từ đó.

“…Dưới màu hoa như lửa cháy khát khao Bước lặng trên con đường vắng năm nao Chỉ còn tiếng ve sôi ồn ào Mà chẳng cho lòng người yên chút nào…”

Bài hát bắt đầu bằng hình ảnh buồn man mác với con đường vắng ngập đầy hoa đỏ, nơi đôi tình nhân từng nắm tay nhau, khao khát và thề hẹn. Nhưng giờ đây chỉ còn tiếng ve vang vọng cùng nỗi lòng cô đơn nhớ về một thời đã xa. Tiếng nhạc như đưa người nghe về không gian của một con đường ký ức cùng nỗi nhớ nhung, luyến tiếc khôn tả. Nguyễn Đình Bảng đã hiểu thấu lời thơ của Thanh Tùng để tạo nên sự hòa quyện giữa ý nhạc, lời thơ ngay từ đoạn mở đầu.

“…Anh mải mê về một màu mây xa Cánh buồm bay về một thời đã qua Em thầm hát một câu thơ cũ Về một thời thiếu nữ say mê Về một thời hoa đỏ diệu kỳ…”

phuong2-5056-1432172971.jpg

“Thời hoa đỏ” gợi nhớ mùa hoa phượng và những rung động đầu đời.

Cả nhân vật anh và em đều từng có một thời tuổi trẻ đắm say. Trong những tháng ngày đó, tình yêu của hai người tựa như “một thời hoa đỏ” nóng rực và quyến rũ một góc trời. Nhưng tình yêu của họ cũng phai tàn như chính một mùa hoa, chẳng thể nào khoe sắc từ ngày này qua ngày khác.

Giờ đây, trên con đường vắng, nhân vật anh tưởng tượng về hình bóng người yêu cũ. Trong nỗi cô đơn và nhung nhớ, chàng trai trẻ nhìn những cánh hoa mà ngỡ mưa đang rơi:

“…Mỗi mùa hoa đỏ về Hoa như mưa rơi rơi Cánh mỏng manh xao xác đỏ tươi Như nuối tiếc một thời trai trẻ…”

Nguyễn Đình Bảng đã thay đổi có chủ ý hai câu thơ của Thanh Tùng, từ “Cánh mong manh tan tác đỏ tươi” thành “Cánh mỏng manh xao xác đỏ tươi” và “Như máu ứa một thời trai trẻ” thành “Như nuối tiếc một thời trai trẻ”. Chính sự thay đổi này giúp cho nỗi buồn không quá bi lụy mà trong sáng và lạc quan hơn. Những cánh hoa tưởng mỏng manh nhưng đủ để làm rung lên bao cung bậc tình cảm, khơi dậy những thứ tưởng đã vùi sâu lại cồn cào da diết trong mỗi mùa hoa đỏ – mùa của tình yêu và kỷ niệm.

Dẫu chàng trai trẻ có lạc quan đến bao nhiêu thì trái tim vẫn không ngừng rỉ máu vì sự đổ vỡ của cuộc tình đầu – vốn rất nhẹ nhàng nhưng thấm rất sâu vào trái tim. Nó cũng rất mềm mại như chính những cánh hoa đỏ mà lại có thể làm xước xát cả con tim. Con đường đầy sắc đỏ vốn lãng mạn, nhưng đủ làm tê buốt một tâm hồn khao khát yêu thương.

Đau hơn nữa, chàng trai tự biết rằng, trong câu thơ hát về một thời yêu đương của người con gái, “anh không có mặt”.

Nhà thơ Thanh Tùng từng chia sẻ, đây là câu thơ ông tâm đắc nhất trong Thời hoa đỏ. Câu thơ gửi gắm thông điệp nhân văn về tình yêu – khi yêu, điều quan trọng hơn cả là người mình yêu được hạnh phúc. Chàng trai không buồn vì trái tim cô không có anh, mà chỉ buồn khi hành trình tình yêu của cô bị dang dở vào đúng những tháng ngày đắm say.

“…Sau bài hát rồi em lặng im Cái lặng im rực màu hoa đỏ Sau bài hát rồi em như thể Em của thời hoa đỏ ngày xưa Sau bài hát rồi anh cũng thế Anh của thời trai trẻ ngày xưa…”

Bài hát là dấu chấm cho một cuộc tình. Sau bài hát, “em” không còn nói nữa, “anh” cũng không còn trai trẻ. Tất cả đã thuộc về quá khứ, là câu chuyện buồn của ngày hôm qua. Tình yêu một thuở chỉ còn chứng nhân là màu hoa đỏ – màu lưu giữ kỷ niệm, ký ức về một lần lãng mạn trong đời.

Thời hoa đỏ được nhà thơ Thanh Tùng viết năm 1973, cho người vợ đầu – người mà ông hết mực yêu thương đã bỏ ông để đi theo một người đàn ông khác. Thanh Tùng sống trong rượu, thuốc lá suốt một thời gian dài trước khi vịn câu thơ để đứng dậy. Ông bỏ nghề công nhân đóng tàu sang bán sách ở vỉa hè và chưa khi nào hết yêu người vợ cũ. Không lâu sau, người vợ cũ qua đời vì bệnh tim. Nghe tin dữ, nhà thơ tức tốc xuống Quảng Ninh, nơi bà đã sống những tháng ngày xa ông để tiễn đưa nhau lần cuối.

Nỗi bi thương, tiếc nuối trong lòng thi sĩ đã kết tinh thành Thời hoa đỏ, do vậy bài thơ mang đậm chất tự sự của tác giả và khó tránh khỏi âm hưởng buồn.

le-thu-8546-1432172971.jpg

Ca khúc “Thời hoa đỏ” gắn liền với giọng ca Lệ Thu.

Bài hát gắn liền với tên tuổi của hai nữ ca sĩ là Lệ Thu và Thái Bảo. Trong đó, danh ca Lệ Thu là người đầu tiên thu âm bài hát này và được cho là người thể hiện thành công nhất. Phiên bản của Lệ Thu từng gây ấn tượng sâu sắc và lấy đi nước mắt của nhiều người sau khi được phát trên Đài Tiếng nói Việt Nam.

Ngoài Lệ Thu, NSƯT Thái Bảo,  giọng ca “không quá trẻ mà cũng chẳng chịu già” cũng được đánh giá là thể hiện thành công bài hát này. Nữ ca sĩ thổi vào Thời hoa đỏ một âm hưởng mới, trẻ trung và hiện đại thông qua phong cách thể hiện riêng biệt.

Thời hoa đỏ nằm trong danh sách những bản nhạc tình ca hay nhất thời kỳ đổi mới. Những nốt nhạc da diết bên ca từ đẹp đã mê hoặc bao người. Bài hát không hề nhắc đến hoa phượng vĩ nhưng ai cũng hiểu ngầm rằng những cánh hoa đỏ trong lời bài hát là sắc của hoa phượng.

Nhiều năm trôi qua nhưng sự man mác, nhớ thương, tiếc nuối vẫn là cảm xúc cuốn lấy tâm trạng của người nghe mỗi khi giai điệu đầy hoài niệm này cất lên. Một ca khúc chân thực, cháy bỏng và khiến chúng ta không thôi nhớ về những tháng năm tuổi trẻ.

Quang Đức

Theo VnExpress