Vẫn còn đó những cảm xúc, những trăn trở, suy tư, day dứt về số phận của nhân vật cứ ám ảnh lấy nghệ sĩ. Có khi nỗi ám ảnh ấy kéo dài đến vài chục năm sau.
10 năm liền đứng trên Sân khấu kịch Thể nghiệm (5B Võ Văn Tần, TPHCM) với vai ông Tư trong vở Dạ cổ hoài lang khiến cho thị lực của NSƯT Thành Lộc giảm hẳn, giọng nói cũng khản đi. “Hơn 300 suất diễn, suất nào tôi cũng khóc. Bước vào hậu trường, mắt sưng vù. Thời đó, sân khấu 5B không dùng micro, tôi phải ráng nói cho thật to nên bị khản giọng, viêm họng” – anh cho biết. Có những lúc đứng trên sân khấu, Thành Lộc không nhìn thấy rõ mặt bạn diễn. Vậy mà anh phải ráng mở mắt ra, ráng kiềm chế bớt dòng cảm xúc để nước mắt không rơi quá nhiều. Sau mỗi đêm diễn, anh không thể nào chạy xe về nhà được vì mắt quá yếu, sợ đi đường nguy hiểm. Anh luôn tìm một không gian riêng gần đó, ngồi nghỉ cho đôi mắt khỏe lại và uống thật nhiều nước để cổ họng bớt đau rát. NSƯT Hoàng Yến nhớ lại những ngày sống với vai diễn Nhi trong vở Âm binh. Vai diễn ám ảnh chị đến nỗi tối ngủ cứ trằn trọc tìm cách hóa thân, rồi thấy Nhi cả trong giấc mơ. Cho đến những ngày gần cuối, khi thật sự tìm được “chìa khóa” cho vai diễn, chị diễn rất thăng hoa. Nhưng Nhi có những trường đoạn cảm xúc cao độ buộc Hoàng Yến gần như vắt kiệt sức chị. Vậy nên, có nhiều đêm Hoàng Yến phải uống thuốc bổ trước khi lên sân khấu vì sợ sức khỏe không tốt sẽ không diễn được những cảnh đau đớn tột cùng hay lỡ mệt quá ngất xỉu trên sân khấu. “Tương tư” nhân vật Ông Tư cũng là nhân vật khiến NSƯT Thành Lộc buồn lâu nhất. Anh đã tìm thấy hình ảnh cha mình trong nhân vật nên thể hiện rất thành công dù lúc đó anh còn khá trẻ. Lúc lên sàn diễn hay lúc rời sân khấu, Thành Lộc đều thấy hình ảnh của cha mình, từ dáng đi, giọng nói, cử chỉ. “Sau những đêm diễn như vậy, về đến nhà tôi không tài nào chợp mắt được. Có đêm tôi khóc trong giấc ngủ” – NSƯT Thành Lộc chia sẻ. Đã gần 30 năm nhưng mỗi lần nhắc lại vai Thị Bình, NSND Hồng Vân thường “thấy mình đang đi trong đêm mưa gió sấm chớp”. “Sau mỗi suất diễn, tôi đều bị stress nặng. Ám ảnh nhất là lúc Thị Bình gào thét khi biết con mình có thai với người anh cùng cha khác mẹ. Bước vào hậu trường, nước mắt còn giàn giụa trên má. Đêm về thao thức đến 3, 4 giờ sáng, nước mắt cứ ứa ra” – Hồng Vân kể. NSƯT Hoàng Yến lại có sự ám ảnh đặc biệt hơn. Sau khi vào vai Diệu Loan (một cô gái lấy anh giáo sư vì ngưỡng mộ) trong vở Thiên nga, chị cứ sống trong mơ mộng, ước ao một ngày nào đó mình cũng gặp và lấy được một anh chàng kỹ sư y như vậy. Nào ngờ ước mơ đó sau này thành sự thật. Hoàng Yến bảo vai diễn đó đã vận vào cuộc đời thật của chị. Những vai diễn ám ảnh nghệ sĩ thường là những vai “để đời”của họ. Theo NSND Hồng Vân, nghệ sĩ phải tìm hiểu, nhập tâm nhân vật mấy tháng trời nhưng không phải vai diễn nào cũng nhập tâm, không phải ai cũng khó thoát vai. Nhân vật nào tiếp cận càng khó khăn thì sự ám ảnh càng lâu. NSƯT Thành Lộc nói: “Có sống hết mình với vai diễn mới ám ảnh như vậy. Nghệ sĩ nào đầu tư, tâm huyết với vai diễn càng nhiều thì sự ám ảnh càng lâu. Diễn viên nhập vai càng hay, càng ám ảnh khán giả hơn”. Nghệ sĩ Ái Như nói: “Có đêm diễn xong vẫn thấy nhiều khán giả ngồi lại sân khấu không chịu về vì họ còn xúc động. Nếu nghệ sĩ không còn cảm xúc, không tương tư nhân vật chứng tỏ họ chưa diễn bằng hết nội lực của mình”.