Chuyến “về quê” bắt đầu vào giờ tan tầm, xe xuôi quốc lộ 18 về Sóc Sơn, rời trung tâm thủ đô người xe dày đặc, nhúc nhích chậm rãi. Quãng đường 40km di chuyển hết khoảng 90 phút, chưa kể thời gian kẹt xe ở trung tâm.
Duy Anh, con trai thứ của Mỹ Linh, tranh thủ ngủ trên xe, còn con gái Mỹ Anh vẫn tỏ ra tươi tỉnh sau trận đấu bóng. Gần đến nhà, hai cô cậu cùng hát véo von trên xe. Duy Anh và Mỹ Anh, con nhà nòi, thuộc làu nhiều bản nhạc ngoại, hòa giọng không chệch một nhịp.
Chúng tôi về căn biệt thự trong khuôn viên xanh mướt rộng cả hecta. Ca sĩ Mỹ Linh ra mở cổng. Vẻ mộc mạc, không chút phấn son khiến chị khác xa khi đứng trên sân khấu. Lên cầu thang đã nghe tiếng nhạc vọng từ phòng thu âm tại gia. Mỹ Linh ca bài Nắng sớm do nhạc sĩ Dương Thụ viết lời.
Những ngày này, nhạc sĩ Anh Quân dành hầu hết thời gian trong studio để hoàn thành đĩa nhạc Chat với Mozart 2, tính ra mắt vào cuối tháng 1-2018, tức cận Tết. Giống album từ 12 năm trước, ở đĩa nhạc mới “diva nhạc Việt” vẫn hát với phần viết lời trên nền nhạc bán cổ điển.
Chỉ có điều khác biệt là thay vì nhạc sĩ Dương Thụ viết lời toàn bộ thì Mỹ Linh đặt lời cho bảy trong số chín ca khúc của album. Hình ảnh thiên nhiên ngập tràn trong phần ca từ của Chat với Mozart 2 với khu vườn, bầy sẻ, chồi non, sớm mai bình yên… Mỹ Linh bảo: “Việc mình sống ở đâu sẽ dẫn đến góc nhìn của mình như thế”.
Những hình ảnh lồng vào bài hát chính là những gì Mỹ Linh đang trải nghiệm. Đã thành thói quen, kể cả khi đi diễn về khuya hay lúc lưu diễn xa nhà, ca sĩ “tóc ngắn” vẫn thức giấc cùng tiếng gà gáy.
Tầm 5h30 sáng cô đã trải thảm ngồi thiền tập yoga. Mỹ Linh bảo trong khuôn viên “ngôi nhà xanh” của mình, cô thích nhất ngồi ở phòng khách nhìn ra khoảng không phía trước, ngắm thật lâu những chiếc lá xoay xoay, rung rinh.
“Ngày xưa chú Dương Thụ bảo con người ta có thể ngồi trò chuyện với thiên nhiên, tôi không tin vì nghĩ phải có ai cùng mình trò chuyện. Bây giờ tôi có thể ngồi ngắm cây cối, ngắm mây bay cả ngày, không bận tâm suy nghĩ, chỉ tận hưởng giây phút ấy” – Mỹ Linh tâm sự.
Cô nói trong vũ trụ này con người nhỏ bé vô cùng. So với cuộc đời của cái cây, tảng đá thì vòng đời con người có là gì đâu? Còn nếu so mình với con chuồn chuồn bay từ bờ bên này đến bờ bên kia sông là hết đời thì có khác gì?
Có “hậu phương” vững chắc là chồng – nhạc sĩ Anh Quân, Mỹ Linh đang “làm phần việc của mình” một cách từ tốn, chu toàn.
Hôm trước cô giới thiệu về cây ngọc lan tự mình chăm sóc ngay cạnh phòng thu nay đã cao ngang với ngôi nhà, cùng những khóm hồng, hoa phượng tím, thậm chí cả những giỏ hoa được ươm trồng đón Tết. Hôm nay cô hào hứng khoe về đồi thông được cắt tỉa gọn gàng, nhấp nhô bên túp lều mái rơm nơi thảm cỏ rộng, xanh rì. Mỹ Linh khoe gia đình trồng rau, vừa ăn vừa cho hàng xóm vẫn không hết.
“Tôi trồng rau chưa theo được chuẩn như thế giới, bởi phần khó nhất trong chuỗi cung ứng thực phẩm là bảo quản, đóng gói và giữ nguyên chất lượng thành phẩm, còn trồng chỉ là khâu đầu tiên”.
“Ở đây, mình chỉ mua giống tốt về trồng, tưới nước sạch, bón phân vi sinh và khi ăn mình biết đó là loại rau như thế nào, nguồn gốc ra sao, có an toàn không” – cô nói.
Mỹ Linh tự tay trồng rất nhiều loại rau mùa nào thức nấy. Nhạc sĩ Anh Quân chỉ từng luống su hào, bắp cải đang mơn mởn, xanh tốt trong mùa đông: “Điều đặc biệt ở ngôi nhà này là có nguồn nước rất sạch từ mạch ngầm đá ong. Chỉ cần hút lên, tích trữ là tha hồ dùng cho sinh hoạt, tưới cây, thay nước bể bơi”.
Hồi mới đến đây, nhà thiếu điện chứ không thiếu nước. Nay nhờ nguồn năng lượng sinh ra từ pin mặt trời đặt trên nóc ngôi biệt thự hai tầng với hai chất liệu chủ đạo là gỗ và kính, gia đình chỉ cần trả thêm khoảng 2 triệu tiền điện dùng ngoài mỗi tháng.
Cuộc sống xanh của gia đình Anh Quân – Mỹ Linh thể hiện ngay trong bữa ăn hằng ngày từ những món ăn tự cung tự cấp như gà nhà nuôi, rau nhà trồng, trái cây nhà chăm bón, mang cảm giác rất yên tâm. Mỹ Linh bảo chuyện ăn uống của gia đình chị rất đơn giản, đồ đạc trong nhà cũng giản dị.
Với Anh Quân, ngoài khu vực phòng khách rộng thênh thang và đầy ánh sáng nhìn ra bể bơi rồi rặng núi phía xa thì nơi anh thích nhất là phòng xem phim, nghe nhạc. Phòng thu của anh nằm tách biệt với khu tám phòng ngủ, bên dưới có phòng trống đặt một chiếc bàn billiard, chỗ này thỉnh thoảng các thành viên ban nhạc Anh Em thư giãn.
Nhạc sĩ Anh Quân thường ở nhà nhiều hơn Mỹ Linh. Ngoài việc sáng tác, làm nhạc cho vợ, cho các chương trình và đi biểu diễn cùng ban nhạc Anh Em, Quân dành nhiều thời gian nuôi một đàn chó năm con. Không chỉ Anh Quân mà mọi người trong gia đình đều yêu chó.
Năm 2016, cô con gái út Mỹ Anh ra mắt MV ca khúc cùng album nhạc đầu tay Bài hát cho Bi, hát về chính chú chó yêu thương vừa qua đời. Bài hát tinh khôi, trong trẻo, đầy ắp cảm xúc do Mỹ Anh hát, được cả bố và mẹ em cùng soạn nhạc, viết lời.
Đến nhà Mỹ Linh mới thấy đàn chó vui đùa, quấn quýt trên thảm cỏ, khiến không gian sống của gia đình thêm ấm áp, sinh động.
Mỹ Linh nói với cô, khái niệm hạnh phúc 10 năm trước và bây giờ không có gì khác biệt. Đó là có công việc mình yêu thích, có mái nhà mình muốn về. “Nhà phải là mái ấm, nơi mình muốn trở về sau mỗi ngày mệt mỏi, bởi nhiều người có nhà mà không muốn về” – cô bộc bạch.
Trò chuyện cùng Mỹ Linh vào buổi tối trong phòng xem phim của gia đình mới biết hiện cô không chỉ đi hát, mở trường nhạc, mà còn đầu tư vào một số doanh nghiệp khởi nghiệp (startup). Các doanh nghiệp đó, ứng dụng công nghệ mô phỏng thực tại ảo (3D), vừa giành giải nhất Nhân tài đất Việt 2017.
Mỹ Linh quan niệm sống xanh không chỉ là cuộc sống thực tế hay ở trong cái nhà màu xanh, mà còn là thái độ của mỗi người trước cuộc sống. “Cuộc sống xanh là cuộc sống tích cực. Tích cực trước hết với suy nghĩ, hành động của mình, sau đó với những người gần gũi trong gia đình và với môi trường, xã hội”.
Để sống được thế, theo Mỹ Linh, cần có nhiều trải nghiệm, có sự chín chắn về nhận thức. “Các bạn trẻ ngày nay được tiếp xúc với văn minh, với quan điểm bảo vệ môi trường từ sớm thì quá trình ấy diễn ra nhanh hơn. Thời của tôi khi ăn còn không đủ no thì khó mơ màng những thứ xa vời”.
“Đến giờ tôi mới nhận thấy rõ ở nền kinh tế chia sẻ, nhiều người không có nhu cầu sở hữu nhà, xe; thay vào đó họ có cơ hội tiếp cận những thứ đó giữa Paris hay New York nếu họ có tài, có trình độ đủ để trả tiền, hưởng những thứ đó”.
Khi lối sống thay đổi theo hướng đó, liệu người ta có đánh mất khái niệm nơi chốn để về, Mỹ Linh lý giải: “Khi đạt được trình độ nhận thức nhất định, ở bất cứ đâu người ta cũng tìm được sự bình an, thấy nơi ấy như tổ ấm của mình. Theo tư tưởng nhà Phật, càng tìm bản thân từ sâu trong tim, trong hơi thở để biết mình muốn gì, cái gì làm mình hạnh phúc, thì ở nơi mình được là mình chỉ cần có một cái thảm – nơi ấy đã là nhà mình”.
Với quan niệm đó, Mỹ Linh nói cô muốn giữ cho con cái những kỷ niệm đẹp về tuổi thơ. Những ký ức đó như thức ăn cho tâm hồn để lúc gặp chuyện buồn, các con vẫn thấy trái tim mình ấm áp.
Mỹ Linh kể Tết này cô muốn đi Bhutan, nhưng chồng bảo cả năm bận rộn, ngày Tết thì ở nhà chứ còn đi đâu. Cô nói lại: “Nếu đó là điều mà em thích thú thì liệu anh có thể chiều em được không? Theo anh, gia đình là gì? Gia đình chính là nơi nào có anh thôi, cần gì ở nhà. Nơi nào các thành viên gia đình được bên nhau thì đấy là nhà, là gia đình”.
Cuối năm là thời điểm bận rộn của Anh Quân. Để tập trung công việc, anh phải gác lại những sở thích hàng ngày như chạy bộ, câu cá, bơi, hay xem phim.
Dẫu vậy, anh vẫn dành thời gian tự tay chăm sóc đàn chó. “Đây không còn là sở thích nữa, mà là một phần công việc gia đình,” Quân kể.
* Với anh, việc nuôi chó bắt đầu như thế nào?
– Nhà tôi xưa nay luôn nuôi chó, chỉ trừ thời gian tôi ở Đức, vì bên đó họ kiểm soát thú nuôi quá ngặt nghèo. Con chó đầu tiên tôi nuôi năm tôi 7, 8 tuổi, do một ông chú cho. Tôi cho nó vào một cái làn, vác từ Sài Gòn ra Hà Nội. Khi sống trong những ngôi nhà ống ở Hà Nội, tôi vẫn nuôi chó. Giờ chuyển đến đây rộng rãi hơn tôi mới nuôi được nhiều.
Khi ta nuôi một con vật, gần gũi, sống với nó thì rất khác. con vật nó cảm nhận về bạn có khi giỏi hơn người. Mình đi đâu về, chỉ cần nhìn vào mắt là nó hiểu. Nếu mình buồn, nó lùi xa một góc quan sát. Thấy mình vui nó ra chơi cùng ngay, chưa cần phải gọi.
Một con chó có thể kết nối với một, hai thành viên trong gia đình cực kỳ sâu, còn những người khác nó chỉ quý bình thường.
* Anh có cảm giác gắn kết đặc biệt với chú chó nào? “Tính cách” của mỗi “đứa” ra sao?
– Tôi gắn bó với 5 con gần như nhau. Cùng một giống chó, mỗi con mỗi tính, rất rõ ràng. Trong đàn, con Kent cực kỳ bắng nhắng, không bao giờ ngồi yên. Sáng nay có người mở cổng, nó còn chạy tít vào rừng.
Con chó giống doberman thì khác, tính trầm hơn, tên là Boss.
Con chó sói Nam Phi tên Ben ở với nhà tôi đã 9, 10 năm, tương đối già. Buồn cười là không cho bất kỳ người lạ nào lại gần. Nó không cắn, chỉ sủa thôi. Nhiều tuổi nhưng Ben vẫn còn bắng nhắng lắm.
Hai con chó cái còn lại thì hiền, tên là Lou và Chuối.
* Hình như anh truyền tình yêu đàn chó nói riêng và động vật nói chung cho cả gia đình?
– Tình yêu động vật liên quan đến tình yêu rất nhiều thứ khác. Đối với một đứa trẻ, đó không chỉ là hành động vuốt ve mà còn là trách nhiệm chăm sóc con thú đó; nó không chỉ là vật nuôi chơi mà còn cần được đảm bảo để có một cuộc sống tốt .
Chó có ý nghĩa đặc biệt với con người từ hàng nghìn năm nay. Nó bảo vệ, đi cùng trời cuối đất với mình. Có tình yêu với vật nuôi thì cũng dần có trách nhiệm với tất cả các thứ khác.
* “Bài hát cho Bi” là tên ca khúc và MV do Mỹ Anh hát về chú chó trong gia đình vừa qua đời. Anh chia sẻ gì với con sau biến cố này?
– Bi qua đời do bị cảm nắng, đột quỵ, đang chơi bình thường, tự nhiên Bi lăn đùng ra. Vì Bi là con chó mà Mỹ Anh yêu quý nhất, nên khi Bi ra đi đột ngột, con bé rất choáng váng.
Không đến bức bi thảm, bỏ ăn bỏ học, nhưng Mỹ Anh chắc không bao giờ quên Bi. Khi ấy, tôi nói với con, là động vật cũng là một cá thể sống, có những lúc khỏe, ốm và chết, thì phải chấp nhận việc đó. Mình chỉ biết cố gắng nhất có thể.
* Bài hát về chú chó Bi có câu: “Từ đây, tôi và bạn chia xa…”. Anh muốn đưa điều gì vào bài đó ?
– Người lớn hay bỏ qua những thứ lặt vặt của trẻ con; nhưng thực ra những điều nhỏ bé ấy rất quan trọng với quá trình lớn lên của chúng.
Người lớn có thể bảo: con chó thì có gì, vớ vẩn, nó chết đi là chuyện thường. Nhưng thực ra những gì mình nghĩ là nhỏ bé ấy tạo nên con người của đứa trẻ sau này, vậy mình nên tôn trọng.
* Năm 2018, anh, chị kỷ niệm tròn 20 năm ngày cưới. Nhiều người nói Anh Quân gia trưởng, trong khi Mỹ Linh kiếm được nhiều tiền hơn. Anh nói gì về cuộc hôn nhân và sự phân công nhiệm vụ trong gia đình?
– 20 năm chỉ là một con số tương đối chẵn. 25 năm mới là đám cưới bạc, 50 năm mới là đám cưới vàng. Hôn nhân không phải chuyện chơi. Có những ông bà cụ sống với nhau 60, 70 năm, đấy mới là điều đặc biệt. Bây giờ mọi người bỏ nhau nhanh quá làm tôi thấy ngạc nhiên.
Điều quan trọng nhất là chúng tôi đã tạo ra được một gia đình, có những đứa con trưởng thành, đi học, rồi tốt nghiệp. Trong công việc, có nhiều điều bọn tôi làm được với nhau, có những dự án chúng tôi bổ trợ cho nhau.
Tôi thấy mình may mắn hơn người khác. Có những người rất tài giỏi, xuất chúng, nhưng chưa chắc đã may mắn. Chúng tôi luôn biết ơn sự may mắn đã mang đến cho chúng tôi sự nghiệp, và gia đình như hôm nay.
Nghề của Linh là đi diễn, tôi là nhạc sĩ, nên ít phải đi diễn. Một người đi thì một người ở nhà, tôi cũng đi suốt thì con cái vứt cho ai.
Chuyện người ta đồn đại là bình thường, tôi biết những chuyện đó từ khi chưa lấy Linh. Người đàn ông nên là người làm nền móng trong nhà mà móng thì đâu phải… mái nhà. Nó nằm sâu dưới đất.
BÙI DŨNG
VŨ HOÀNG
BẢO SUZU
Theo Tuổi Trẻ