Bể show tại Nhật: Lại loạn thi hoa hậu “ao làng”

Vụ lùm xùm ở cuộc thi Hoa hậu Việt Nam Thế giới vừa qua góp thêm một nét vào bức tranh toàn cảnh xấu xí về đấu trường nhan sắc Việt.
Hoa hậu “ao làng” hay những vũng bùn bê bối Vừa qua, sự kiện bể show Hoa hậu Việt Nam Thế giới 2014 tại Nhật khiến các nghệ sĩ bị đối xử tệ bạc đã làm rúng động cả làng giải trí. Đi kèm với một đấu trường nhan sắc là hàng loạt những vụ lùm xùm đáng xấu hổ.

 - 1

Ca sĩ Việt Hương khóc trên sân khấu, tố ban tổ chức đối xử tệ bạc với các nghệ sĩ tham dự chương trình.

Sự việc được khơi ra khi ca sĩ Việt Hương khóc trên sân khấu, tố ban tổ chức chương trình đã không tiếp đón đoàn nghệ sĩ, để họ phải ngủ ở phòng massage, thậm chí không được nhận cát sê. Trong khi đó, Việt Show – đơn vị đứng ra tổ chức lại chối bay, cho là Việt Hương bị bà Kim Giao – đơn vị hợp tác tô chức cùng Việt Show “giật dây”. Lý do mà Việt Show đưa ra càng khiến khán giả ngao ngán. Theo họ, bà Kim Giao muốn được làm thành viên ban giám khảo và gài 2 “gà nhà” lĩnh giải nhưng không được nên đã nổi giận, xúi giục nghệ sĩ lên tiếng. Không chỉ có những scandal của thành viên ban giám khảo và đơn vị tổ chức mà chính các màn thi thố sắc đẹp cũng lĩnh đủ “gạch đá”. Nhiều người khẳng định cuộc thi này có đủ các màn biểu diễn, giải trí, chẳng khác nào một show tạp kỹ. Có 10 cô gái tham gia thi thì đến 5 cô được đội vương miện. Ngoài ra, thí sinh cũng khẳng định có sự phân biệt đối xử với những cô đến từ Việt Nam và Việt kiều tại Nhật. Vụ bể show này không phải là ví dụ đơn lẻ mà chỉ là một nét bút khác, khắc họa nên bức tranh toàn cảnh xấu xí về những cuộc thi hoa hậu “ao làng” của Việt Nam.

 - 2

Có 10 thí sinh dự thi thì 5 cô được đội vương miện.

Trước đó, cuộc thi Hoa hậu Việt Nam Hoàn cầu do ông Phan Minh Chánh, một Việt kiều Mỹ tổ chức trong cả 2 năm liên tiếp đều đưa ra những tên tuổi không mấy thuyết phục; trong đó một người thường xuyên có những phát ngôn gây sốc còn người kia dính đầy tai tiếng về độ ăn chơi. Điểm chung của các cuộc thi tai tiếng này là thường đưa ra những tên tuổi “chưa lên đã xuống”, vừa nhận giải đã gây tranh cãi. Điển hình phải kể đến thí sinh Quế Vân cũng tại cuộc thị Hoa hậu Việt Nam Hoàn cầu 2013, dù đã có chồng và 2 con nhưng cô vẫn đoạt giải á hậu của cuộc thi đáng ra chỉ dành cho chị em còn thanh tân. Người đẹp thậm chí còn đánh tiếng trước cho giới truyền thông về việc không sớm thì muộn cô sẽ nhận giải, trước cả khi đêm thi bắt đầu. Năm 2012, một cuộc thi “ao làng” khác cũng do Phan Minh Chánh đứng ra gây dựng là Hoa hậu Phu nhân người Việt cũng dính nghi án mua bán giải, với mức giá lên tới hàng chục ngàn đô la. Việc danh hài Thúy Nga giành ngôi á hậu cũng gây sốc cho rất nhiều khán giả quan tâm tới nhan sắc nước nhà. Gần đây nhất, hoa hậu “ao làng” đã tiến lên thêm một bước, trở thành… người đẹp “bãi rác” khi Trần Ngọc Bích, thí sinh giành giải Hình thể đẹp nhất tại cuộc thi Nữ hoàng sắc đẹp Việt Nam thẳng tay “phi” giải vào xe rác. Cùng với scandal của người đẹp, hàng loạt vấn đề khác của cuộc thi này cũng được bới lên, khiến khán giả thêm mất niềm tin vào hoa hậu Việt.

 - 3

Trần Ngọc Bich “phi” giải thưởng của cuộc thi hoa hậu “ao làng” vào bãi rác.

 - 4

Julia Hồ từng khét tiếng ăn chơi vẫn đăng quang hoa hậu.

Vì đâu cứ tổ chức và vẫn đi thi? Nếu cách đây chừng 10 năm, các cuộc thi hoa hậu Việt được tổ chức tầm cỡ và uy tín thì ngày nay, ở số lượng đấu trường sắc đẹp nhiều không đếm xuể. Chỉ riêng tại Mỹ, đã có ngót nghét 12 cuộc thi hoa hậu dành cho người Việt như: Hoa hậu người Việt Toàn cầu, Hoa hậu người Việt Thế giới, Hoa hậu phu nhân người Việt thế giới… Ở ngay trong nước, cũng có không ít cuộc thi được dựng lên, với đủ mọi cái cớ, từ hợp lý đến vô lý. Theo vùng miền, ngành nghề thì có Hoa hậu Nam Mekong, Hoa hậu Đại dương, Người đẹp xứ Dừa…, để quảng cáo sản phẩm thì có Nữ hoàng trang sức Việt Nam… Lắm tai tiếng, đủ phiền hà… , thế nhưng người ta vẫn tổ chức, và chân dài vẫn đi thi. Đó là câu hỏi khiến không ít quan tâm tới nhan sắc Việt trăn trở. Nhưng chỉ cần lật lại những nghi vấn mua giải, khán giả Việt cũng lờ mờ đoán ra được phần nào khối lợi nhuận khổng lồ mà những người đứng ra tổ chức và thành viên ban giám khảo có thể nhận được. Khoản chi cho một cuộc thi thiếu chuyên nghiệp, chỉ mang tính chất tạp kỹ chắc khó lòng so được với khoản tiền mua giải mà họ bỏ túi. Có lẽ đó là lý do chính mà các ban tổ chức dù không đủ trình độ, vẫn bất chấp tất cả, để “vẽ đường” cho những người đẹp chưa có tên tuổi thăng tiến hơn trong sự nghiệp. Ban tổ chức thu lợi một kiểu, nhưng hoa hậu, á hậu “ao làng” cũng lại kiếm “món hời” bằng nhiều con đường khác. Từ một cô gái ít ai biết tới, với cái danh mua được trong những cuộc thi tương tự, có người đẹp tiến thân vào thế giới giải trí rồi tiếp tục các chiêu trò để giữ vững tên tuổi. Người từng đội vương miện, dù chỉ là của một cuộc thi “còi cọc” cũng phải có cái giá khác hẳn một người đẹp vô danh tiểu tốt.

 - 5

Quế Vân “gái 2 con” vẫn đăng quang á hậu là một ví dụ khác cho sự loạn hoa hậu “ao làng” Việt

Những đấu trường kém chất lượng, thiếu uy tín này đã góp thêm cho làng giải trí Việt những cái tên đi kèm với tai tiếng. Nhiều người hâm mộ lắc đầu ngao ngán bởi thấy đã xa rồi cái danh hoa hậu gắn với những cô gái vừa xinh đẹp, vừa giỏi giang như hoa hậu Diệu Hoa, Nguyễn Thị Huyền… Khán giả ngán ngẩm khi lại thấy thêm một hoa hậu, á hậu “từ trên trời rơi xuống” và thêm mất niềm tin vào nhan sắc Việt. Kết Nói thi hoa hậu không phải phần nào vì danh và vì tiền thì có phần sáo rỗng nhưng nếu cuộc thi sắc đẹp nào cũng đặt tiền bạc lên trên mọi tiêu chuẩn đánh giá khác như sắc đẹp, trí tuệ… thì không loại trừ khả năng nhan sắc Việt sẽ ngày càng kém cỏi so với đấu trường thế giới đầy tính chuyên nghiệp và sàng lọc cao. Tuy nhiên, việc tạo dựng, quản lý những sân chơi dành cho người đẹp đến nay có lẽ vẫn là vấn đề nhức nhối của giới showbiz mà câu trả lời vẫn còn nằm ở thì tương lai xa…

Hạ Vũ
Theo Khampha.vn