Cùng xem Quang Lê, Trúc Nhân, Hoàng Yến, Hương Giang Idol và Tam Triều Dâng nói về ngày 23 tháng Chạp (Âm lịch) – ngày ông Táo về chầu trời. Trúc Nhân Hồi chưa vào Sài Gòn lập nghiệp, Trúc Nhân sống cùng ba mẹ và anh chị em ở TP. Vũng Tàu. Cứ đến ngày đưa ông Táo về trời, anh thường phụ mẹ đốt giấy tiền vàng mã, làm mâm cơm nhỏ và cúng kiếng rất cẩn thận theo đúng nghi lễ truyền thống. Ngày ấy, gia đình của Trúc Nhân chưa mấy dư dả, phía trước nhà là con đường đất nhấp nhô chứ chưa được tráng nhựa bằng phẳng như bây giờ. Dù hoàn cảnh còn nhiều khó khăn nhưng khung cảnh đơn sơ đó đã để lại trong ký ức tuổi thơ Trúc Nhân nhiều điều đẹp đẽ. “Tôi còn nhớ con sông nhỏ gần nhà, đó là nơi mà tôi và mẹ hay cùng ra thả cá chép phóng sinh vào ngày 23 tháng Chạp. Thường là vào buổi chiều, những lúc ấy tôi thấy lòng mình nhẹ nhàng lắm, cho dù cả năm qua mình chẳng làm điều gì sai trái với ai”, nam ca sĩ Bốn chữ lắm dí dỏm nói. Anh nói tiếp: “Có người cúng cá chép bằng cách “làm thịt”, lên mâm cao cỗ đầy và dâng rượu cho ông Táo. Hình thức này nhìn qua có vẻ như là hối lộ để thần giữ bếp lên trên bẩm báo những nhiều tốt đẹp. Tuy nhiên, theo cá nhân tôi thì như thế có vẻ tội nghiệp… con cá quá. Sao lại nỡ đi “mần thịt” và nếu chết rồi thì làm sao đưa ông Táo về trời được. Biết là phong tục dân gian nhưng mình phải làm thế nào để phù hợp và đúng ý nghĩa. Tôi nghĩ tốt hơn hết là mua cá đem phóng sinh thôi”. Học trò cưng của Thu Minh cũng cho rằng “có thờ, có kiêng, có thiêng, có lành” và tập tục cúng ông Táo, thả cá chép vốn là truyền thống đẹp từ ngàn xưa đến nay. Anh luôn tự nhắc mình phải sống tốt để cuối năm ông Táo còn về trời làm “tổng kết”. Nhìn lại một năm đã qua, Trúc Nhân thấy mình đã gặp nhiều may mắn như được khán giả yêu thương, ủng hộ, thành công và đoạt giải thưởng âm nhạc danh giá như giải thưởng Bài hát của năm trong chương trình Bài hát Việt 2014. Thế nhưng, anh cũng buồn bã chia sẻ ý định chuyển chỗ ở vào đầu năm 2015 để thay đổi “phong thủy” vì vừa qua đã gặp liên tiếp những điều không vui. Hoàng Yến
Giải vàng Siêu mẫu Việt Nam 2008 cho biết cô đã hoàn tất nghi lễ cúng ông Táo vào trưa 11.2 (nhằm ngày 23 tháng Chạp). Cô cũng thành thật cho biết vì mình mới dọn ra ở riêng, không sống cùng gia đình nữa nên cũng không rành chuyện cúng kiếng. Các món đồ cúng thần bếp của Hoàng Yến chỉ đơn giản gồm: bánh kẹo, trái cây, hương nhang và giấy tiền vàng mã. Khi hỏi sao Hoàng Yến không cúng cá chép – phương tiện để ông Táo bay về trời – thì cô cười trừ cho biết mình “quên mất”: “Tôi nghĩ trong đám giấy tiền vàng mã chắc cũng có hình cá chép sẵn trong đó rồi, vì khi mua Yến có nói là mua để cúng ngày 23 mà. Tuy nhiên, tôi cũng nghĩ đây là một quan niệm truyền thống thôi, cho dù không có cá chép, ông Táo cũng lên trời bình thường mà. Sao lại có chuyện ông Táo không về trời được vì thiếu phương tiện như trong mấy chương trình hài cuối năm được cơ chứ”, siêu mẫu hài hước. Cô vui vẻ nói tiếp: “Tôi không mấy tin vào những chuyện tâm linh vì rất ghét chuyện mê tín, phản khoa học. Thế nhưng có những tập tục truyền thống của người xưa thì mình vẫn nghe và tin theo. Chuyện cúng ông Táo, cúng gia tiên, cúng khai trương hay cúng trong nhà trong cửa đầu năm, cuối năm là một trong những điều tin hay không thì nên làm vẫn hay hơn. Tôi cũng tin tất cả nghi thức nào dù trang trọng hay diễn ra đơn sơ thì cũng sẽ được chứng giám như nhau”. Quang Lê
“Dù thường xuyên đi lưu diễn xa nhà nhưng Quang Lê vẫn dành thời gian quan tâm đến “góc nhỏ” trong cuộc sống của mình. Ngày 23 tháng Chạp này, tôi khá bận rộn với công việc ở Sài Gòn nhưng sáng sớm hôm nay 11.2 vẫn kịp gọi điện thoại về nhà, hỏi thăm người thân việc cúng kiếng “thần giữ lửa”. Mặc dù đã định cư nhiều năm ở Mỹ nhưng gia đình Quang Lê vẫn rất truyền thống”, nam ca sĩ Đập vỡ cây đàn mở đầu câu chuyện chủ đề 23 tháng Chạp. Tuy vậy, “ba nuôi Phương Mỹ Chi” cũng bày tỏ quan điểm “không nên quá cực đoan về các nghi lễ”: “Nhiều người cứ đến dịp lễ lộc là lại rất sốt sắng, khẩn trương. Họ chuẩn bị nhiều thứ rất rườm rà, phức tạp. Trước thì mâm cỗ thịnh soạn, sau đó còn bày ra nhiều nghi thức rất mất thời gian. Cầu kỳ về nghi lễ là vậy nhưng thực tế lại không có nhiều ý nghĩa. Hơn nữa, theo tôi thấy những người hay cúng kiếng chính là những người luôn cảm thấy bất an trong cuộc sống. Nhiều khi là do làm chuyện gì sai quấy nên phải cúng lễ thật to, thật nhiều để gỡ gạc lại chăng?”. Quang Lê cũng chia sẻ câu chuyện “khá mê tín” mà anh có dịp chứng kiến: “Tôi có quen một người bạn làm kinh doanh “thần hồn nát thần tính”. Cứ mỗi lần xem anh ấy cúng lễ là “sởn da gà”. Như dịp cúng ông Táo này nhiều năm trước, người bạn đó đã chi số tiền rất lớn để mua hết cá chép ở một số khu vực chợ bán thực phẩm để đem thả xuống sông. Kết quả số cá đó có sống được dưới môi trường nước lạ hay không thì không chắc nhưng giả thiết cả đám cá đó sẽ chết đồng loạt và gây ô nhiễm môi trường thì rất có cơ sở”. “Việc cúng ông Táo vào ngày 23 tháng Chạp hàng năm là một tập tục đẹp của người Việt. Tuy nhiên, việc thực hiện ra sao để hành động này không gây phản cảm với những người xung quanh và đặc biệt là không góp phần gây ô nhiễm môi trường là một vấn đề mà người lớn chúng ta nên lưu ý”, nam ca sĩ Đập vỡ cây đàn nhấn mạnh. Hương Giang Idol Những ngày này dù đang bận rộn với lịch tập luyện cho cuộc thi Bước nhảy Hoàn vũ 2015 nhưng Hương Giang Idol vẫn dành thời gian chia sẻ về chủ đề “ông Táo và cá chép”. Đặc biệt, khi cô và bạn trai Việt kiều Criss Lai vừa tậu được căn hộ chung cư để tiện việc sống chung và “chạy show” ở TP.HCM, nữ ca sĩ chuyển giới khá hào hứng khi nói về việc tự tay chuẩn bị mâm cúng lễ trong nhà lần đầu tiên này. “Tôi chưa bao giờ là người nấu nướng giỏi, dù cũng biết làm một vài “món tủ” để anh Criss Lai thưởng thức cùng bạn bè. Tuy nhiên, việc chuẩn bị một vài món đơn giản để cúng đầu năm không phải là việc quá khó. Không chỉ riêng Hương Giang có thể làm được mà tôi nghĩ bất cứ bạn gái nào cũng thực hiện được. Mâm cúng có thịnh soạn hay không thật ra cũng không quan trọng, quan trọng là ở tấm lòng thôi”, Hương Giang trải lòng. Nữ ca sĩ chuyển giới cũng cho biết vì đây là lần đầu tiên cô cúng kiếng nên mọi thứ trước đó phải điện thoại về nhà nhờ mẹ tư vấn giúp. Bên cạnh đó, người yêu Criss Lai cũng bất ngờ hướng dẫn cho cô nhiều điều như phải mua giấy vàng mã về đốt ra sao, khi cúng phải “báo cáo”, nói năng như thế nào… Về điều này, Hương Giang cảm thấy mình “phục lăn” anh Criss vì là đàn ông nhưng khá “đảm đang”, có thể nói là “chuyện gì cũng biết”. Quán quân của Cuộc đua kì thú 2014 cũng đồng ý quan điểm rằng việc thờ cúng chỉ là nghi lễ, tập tục truyền thống, “nên tin thì hơn”. Dẫu vậy, cô cho rằng việc bản thân mình tự ý thức sống tốt và có trách nhiệm với hành động của bản thân cũng như với những người xung quanh mới là điều nên làm nhất, chứ không phải gây lỗi lầm rồi đi cúng sám hối là xong. Tam Triều Dâng Dù 17 tuổi nhưng nữ diễn viên Tiệm bánh hoàng tử bé đã sớm biết chuyện cúng kiếng là gì. Vì sớm sống tự lập cùng chị gái Nhất Hương ở Sài Gòn nhiều năm và mới đây, Tam Triều Dâng còn vừa khai trương quán nước ở trung tâm quận 1, TP.HCM nên cô khá rành chuyện “có thờ, có thiêng, có kiêng, có lành”. Tam Triều Dâng cho biết vì cả ngày hôm nay cô bận rộn với việc học ở trường, còn chị hai Nhất Hương thì bận đi diễn nên cả hai chị em sẽ tranh thủ làm lễ cúng ông Táo vào buổi chiều. “Chắc là tôi sẽ làm mâm cơm đơn giản, cộng với một vài món mứt, bánh và trái cây thôi. Trước là cúng tiễn ông Táo về trời, sau đó chắc là đem vào bếp để hai chị em chúng tôi “xử””, nữ diễn viên 17 tuổi vui vẻ nói. Cô hài hước chia sẻ tiếp: “Năm nay, tôi liên tiếp kinh doanh nhiều cửa hàng nhưng không mấy thành công. Hy vọng lần này ông Táo về trời sẽ bẩm báo điều đó để năm sau tôi được thay đổi phong thủy, làm ăn tốt hơn. Tôi tin là ở hiền sẽ gặp lành”. (cười)
Hà Ngân (ghi)
Theo Thanh Niên