Sao nhí châu Á bị cuốn vào vòng xoáy thương mại như thế nào

Sau khi nổi tiếng nhờ cùng bố mẹ tham gia show thực tế, không ít cô bé, cậu bé liên tiếp chạy show, đóng quảng cáo… với thù lao được ví như “giá trên trời”.

Hàn Quốc là quốc gia đầu tiên chế tác và giữ bản quyền những show như Bố ơi mình đi đâu thếBố đã về… Theo nghiên cứu của một công ty truyền thông nước này, người phương Tây thường mở rộng đối tượng tham gia show thực tế trong khi khán giả châu Á có xu hướng xem người nổi tiếng. Đó là lý do các ngôi sao xuất hiện ồ ạt trên sóng truyền hình.

Năm 2013, chương trình Bố ơi mình đi đâu thế được phát ở Trung Quốc và tạo nên cơn sốt lớn, từ đó bùng nổ hàng loạt show thực tế với đối tượng tham gia là con cái của người nổi tiếng. Nắm bắt thị hiếu người xem, các nhà sản xuất đua nhau mời sao nhí đóng quảng cáo, làm người mẫu đại diện, tham gia sự kiện thương mại. Cát-xê của sao nhí đôi khi cao hơn của người lớn.

Theo 21cn, Kimi (con trai Lâm Chí Dĩnh) có thể kiếm 150.000 nhân dân tệ (hơn 510 triệu đồng) cho một ngày tham gia sự kiện. Đối với Vương Thi Linh (con gái Lý Tương – Vương Nhạc Luân) là 100.000 tệ. Zia – con gái của diễn viên Philippines Marian Rivera – cũng nhận được cát-xê cao hơn của mẹ khi đóng quảng cáo. Marian lý giải vợ chồng cô để con gái 5 tháng tuổi bước vào giới giải trí nhằm chuẩn bị cho con tương lai tốt đẹp.

sao-nhi-goc-hoa-bi-bien-thanh-may-kiem-tien-nhu-the-nao

Sau “Bố ơi mình đi đâu thế”, cô bé Vương Thi Linh bận bịu chạy show sự kiện, tham gia tuần lễ thời trang, trình diễn thời trang. Năm 2015, thương hiệu thời trang mang tên cô bé ra đời.

Cũng có trường hợp bố mẹ “đắt giá” hơn nhờ con cái. Nam diễn viên Điền Lượng từng thừa nhận nhờ con gái Cindy, thù lao của anh cao hơn gấp 20 lần so với trước. Vợ chồng Vương Nhạc Luân – Lý Tương cũng đắt show sự kiện, quảng cáo hơn nhờ cô bé Vương Thi Linh. Một thương hiệu đồ uống từng trả 15 triệu tệ (hơn 50 tỷ đồng) để cả gia đình cô đóng quảng cáo.

Một chuyên gia phân tích trên Tân Hoa Xã nhiều ông bố bà mẹ nổi tiếng trước đây chú trọng đến việc bảo vệ đời sống riêng tư của con, ít để con xuất hiện ở sự kiện công khai. Nhưng từ sau sự bùng nổ của show thực tế, ngày càng nhiều phụ huynh đưa cuộc sống của con lên màn ảnh.

Vì muốn lôi kéo khán giả, thu về lợi nhuận, nhà sản xuất thường lợi dụng sự xuất hiện của con cái người nổi tiếng để thu hút sự chú ý. Nhiều khán giả bình luận các cô bé, cậu bé bị biến thành cỗ máy kiếm tiền, phục vụ lợi ích thương mại của người lớn.

Nam diễn viên kỳ cựu Cát Ưu cho hay “uy lực” của show thực tế khiến anh kinh ngạc vì cát-xê quá cao, tiền kiếm được nhiều và nhanh hơn so với đóng phim. Tuy nhiên vì cuộc đua tỷ lệ khán giả của nhà đài, nhà sản xuất, người tham gia bị lạm dụng, thương mại hóa quá đà. Còn Mã Hiểu Nghiên, chuyên gia lĩnh vực truyền thông, nhận định khi trẻ nhỏ thành ngôi sao cũng đồng thời trở thành hàng hóa được đem ra kinh doanh.

Sự nổi tiếng là con dao hai lưỡi. Song song với việc đạt được danh lợi, đời tư cùng những hành vi, lời nói vô thức của trẻ bị công khai. Có trường hợp bị lôi ra phán xét, chỉ trích gây ảnh hưởng đến cuộc sống thường ngày cũng như tâm lý của trẻ. Yoon Hoo – con trai ca sĩ Yoon Min Soo – bị nhiều khán giả lập trang web chỉ để nói xấu, la ó. Đài MBC và công ty quản lý của Yoon Hoo phải đâm đơn kiện nhóm người thường xuyên bôi nhọ sao nhí này.

Việc chạy show quá đà ảnh hưởng tới sức khỏe của Vương Thi Linh. Bé từng ốm vì liên tục di chuyển để tham gia sự kiện. Có lần bố mẹ cô bé phải hủy show trước giờ diễn vì sức khỏe của con. Năm 2013, một người tự nhận làm việc cho đài truyền hình đăng bài viết trên Weibo nói Vương Thi Linh còn nhỏ nhưng biết tính toán, thường bắt nạt các bạn. Sự ngoan ngoãn, mạnh mẽ của Thi Linh trên truyền hình là nhờ khâu biên tập. Tức giận vì điều này, đạo diễn Vương Nhạc Luân nói sẽ kiện người này.

Show thực tế còn tiềm ẩn những rủi ro. Năm 2014, con trai tài tử Ngô Trấn Vũ là Feynman bị thương ở mắt và phải khâu bốn mũi khi quay Bố ơi mình đi đâu thế. Những hình ảnh bị thương không được phát trên truyền hình. Một nguồn tin cho hay gia đình Trấn Vũ ký điều khoản với công ty sản xuất, buộc phải giữ bí mật về sự cố này.

Tuy nhiên năm 2015, nam diễn viên nói trên Chinatimes ban tổ chức không nhắc đến chuyện bồi thường cho gia đình anh. Phía ban tổ chức tố Ngô Trấn Vũ nhắc lại chuyện cũ để tạo sự chú ý nhằm quảng cáo cho phim sắp ra mắt.

Cậu bé Feynman bị thương khi ghi hình "Bố ơi mình đi đâu thế".

Cậu bé Feynman bị thương khi ghi hình “Bố ơi mình đi đâu thế”.

Tân Hoa Xã nhận định đằng sau bài học hay tiền bạc mà các sao nhí có được là những bất lợi cho sự phát triển lành mạnh của trẻ. Đây cũng chính là lý do Tổng cục Phát thanh, Điện ảnh, Truyền hình Trung Quốc ra thông tư điều chỉnh việc chế tác, phát sóng show thực tế có sự tham gia của trẻ nhỏ. Thông tư yêu cầu hạn chế trẻ vị thành niên tham gia chương trình truyền hình, tránh việc tạo vỏ bọc cho trẻ để “một đêm thành sao”. Trước mắt, các chương trình như Bố ơi mình đi đâu thế, Bố đã về bị cấm phát sóng.

Từ động thái của cơ quan quản lý, nhiều sao gốc Hoa thận trọng hơn trong việc cho con đóng quảng cáo, tham gia show thực tế.

Diễn viên Giả Nãi Lượng cho biết vợ chồng anh từ nay không để con gái Điền Hân tham gia bất kỳ chương trình nào để con phát triển lành mạnh, trải nghiệm tuổi thơ như những đứa trẻ bình thường. “Điều kiện của vợ chồng tôi đủ để mang đến tuổi thơ tốt đẹp cho con. Chúng tôi không kiếm tiền nhờ con”, anh nói.

Tài tử Lưu Diệp cho con trai tham gia Bố ơi mình đi đâu thế năm 2015 với mong muốn con cởi mở, mạnh dạn hơn. Tuy nhiên khi con nổi tiếng, nhận được sự quan tâm quá mức, vợ chồng anh cảm thấy không ổn.

Không ít ông bố, bà mẹ nổi tiếng làng giải trí Hoa ngữ ngay từ đầu từ chối để con tham gia hoạt động giải trí. Tôn Lệ khẳng định không cho con chơi show thực tế vì sợ con bị ống kính dõi theo cả ngày. Trương Bá Chi cũng lắc đầu trước những lời mời dành cho con trai mình với lý do: “Chúng còn quá nhỏ, không hiểu được việc của làng giải trí. Nếu lớn lên các con muốn làm người nổi tiếng thì tôi sẽ tôn trọng quyết định đó”.

Nghinh Xuân

Theo VnExpress