Giám đốc Trung tâm Quyền tác giả Âm nhạc cho rằng thông tư 01/2016 còn có kẽ hở, ảnh hưởng trực tiếp tới quyền lợi chính đáng của tác giả, chủ sở hữu.
Nghị định 79/2012 và Nghị định15/2016 (sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định 79/2012) quy định về biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang, thi người đẹp và người mẫu, lưu hành, kinh doanh bản ghi âm, ghi hình ca múa nhạc, sân khấu. Mới đây, Thông tư 01/2016 mới được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành nhằm hướng dẫn thi hành một số điểm trong Nghị định trên. Theo nhạc sĩ Phó Đức Phương,văn bản này đang có bất cập.
-Ông đánh giá như thế nào về thông tư 01/2016 hướng dẫn thi hành Nghị định 15/2016?
– Nghị định 15/2016 có quy định hồ sơ đề nghị cấp giấy phép tổ chức biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang… trình Cục Nghệ thuật Biểu diễn hoặc Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch phải có “một văn bản cam kết thực thi đầy đủ các quy định của pháp luật về quyền tác giả hoặc bản sao hợp đồng, hoặc văn bản thỏa thuận với tác giả, hoặc chủ sở hữu quyền tác giả”.
Nhưng thông tư 01/2016 đưa ra “Đơn cam kết” thuộc mẫu số 14 không có chữ ký của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả vào. Nghị định bảo phải có văn bản với các tác giả và chủ sỡ hữu quyền, thì thông tư hướng dẫn lại đưa ra mẫu cam kết với nơi cấp phép (Cục Nghệ thuật Biểu diễn và các Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch), chứ không phải với tác giả. Như vậy là sai hết tinh thần nghị định, gạt các tác giả ra ngoài, không đúng với nghị định.
Nhạc sĩ Phó Đức Phương – Giám đốc Trung tâm Bảo vệ Quyền tác giả Âm nhạc. |
– Cụ thể, thông tư mới ảnh hưởng như thế nào tới quyền lợi của các tác giả?
-Nếu bản quyền sở hữu trí tuệ không được đưa vào luật một cách nghiêm túc, chặt chẽ thì kẽ hở sẽ bị các đơn vị tổ chức chương trình lợi dụng.
Theo tôi được biết tại một số tỉnh họ thông tin là ở địa phương họ một năm có biết bao nhiêu cuộc biểu diễn không xin phép tác giả. Một tỉnh mà một năm vài chục chương trình trốn tránh, thì cả nước, trong mười năm liền phải có hàng trăm trường hợp không thực hiện quyền với tác giả.
Nếu tác giả không được đơn vị tổ chức chương trình xin phép, mà cứ phải đuổi theo các chương trình như vậy thì mất quyền lợi của mình.
– Với tư cách giám đốc Trung tâm Bảo vệ Quyền tác giả Âm nhạc, ông và trung tâm có hành động gì bảo vệ các tác giả?
– Với thông tư này, tôi mong Bộ văn hóa, Thể thao và Du lịch nhận ra vấn đề để sửa sang.
Với vấn đề quyền tác giả, tôi đã kiến nghị nhiều rồi, nếu thông tư không sửa đổi thì tôi vẫn tiếp tục. Nếu vấn đề quyền tác giả không sáng ra, tôi vẫn cắp cặp đi làm việc này, dù phải làm cả đời. Đây không phải chỉ vì lợi ích của hơn 3000 nhạc sĩ trong nước (mà chỉ vì điều ấy thôi đã xứng đáng lắm rồi), mà chúng tôi còn vì luật pháp, thực thi luật pháp. Quyền lợi của chúng tôi gắn chặt với mục đích của luật pháp. Khi chúng tôi bảo vệ lợi ích các nhạc sĩ tức là đang thực thi luật pháp.
-Quyền tác giả âm nhạc đã được quan tâm, quy định như thế nào?
– Quyền tác giả được nhà nước quan tâm. Năm 1994, pháp lệnh Bảo hộ Quyền tác giả được ban hành. Bộ luật dân sự 1995 có một chương về quyền tác giả, một chương thôi nhưng rất nét, rất rõ. Đến năm 2005 Luật sở hữu trí tuệ ra đời. Năm 2009, luật sở hữu trí tuệ sửa đổi để phù hợp Công ước Bern…
Như vậy Nhà nước không phải không quan tâm đến vấn đề này, thậm chí phải tốn kém bao nhiêu trí tuệ, sức lực, tiền của, thời gian.
Nhưng đến giai đoạn cuối, là hướng dẫn cho nhân dân thực hiện, thì thủ tục cấp phép lại gạt điều cơ bản ra ngoài. Quyền tác giả đơn giản ở chỗ anh làm gì thì phải có sự đồng ý của tác giả. Luật sở hữu trí tuệ ghi các tổ chức, cá nhân muốn dùng tác phẩm thì phải xin phép trả tiền tác giả. Xin phép ở đây là phải xin phép tác giả trước, chứ không phải xin ở đơn vị cấp quyền biểu diễn, rồi tác giả phải đuổi theo đơn vị xin sử dụng tác phẩm.
-Ông đánh giá như thế nào về nhận thức của người thi hành với quyền tác giả âm nhạc?
-Về quyền tác giả âm nhạc, một số cá nhân, đơn vị không muốn luật pháp được thực thi một cách nghiêm minh. Tính đến giờ thì không phải họ không hiểu luật bản quyền, sở hữu trí tuệ… mà là họ không thành tâm để luật pháp để thực thi nghiêm minh.