Phim TVB: Trở lại ồ ạt nhưng mất hẳn bản sắc kinh điển

 Từng một thời là thương hiệu kinh điển của TVB, các bộ phim phần kế tiếp nay đã không còn giữ được bản sắc ngày nào.

Đối với hàng loạt thế hệ người hâm mộ phim TVB, các series nhiều phần không còn là một khái niệm xa lạ. Đây vốn là một chiêu thức làm phim kinh điển của đế chế truyền hình hàng đầu Hong Kong.

Tuy nhiên, qua khỏi thời kỳ hoàng kim, các phần phim tiếp theo đang dần đánh mất bản sắc cũng như không thực sự thoả mãn sự ngóng đợi của người hâm mộ.

Chiêu thức làm phim kinh điển một thời

Từ thập niên 1990 cho tới đầu những năm 2000, khán giả đã có dịp biết tới các tựa phim xuất sắc trong số này, có thể điểm qua Truy tìm bằng chứng 1-2, Bàn tay nhân ái 1-2-3, Tây Du Ký 1-2, Thử thách nghiệt ngã 1-2, Đội cứu hỏa anh hùng 1-2… Kinh điển hơn nữa còn có Hồ sơ công lý 6 phần, Hồ sơ trinh sát 4 phần và Lực lượng phản ứng 4 phần.

Cả 6 phần Hồ sơ công lý đều thuộc hàng kinh điển khó quên. Ảnh: VGTime.

Ra đời trong giai đoạn hoàng kim cực thịnh của TVB, các series nhiều phần này đều phát huy được sở trường thương hiệu của hãng truyền hình Hong Kong, chính là khai thác toàn diện một ngành nghề nổi bật trong xã hội. Bên cạnh đó, các yếu tố tình người, tình thân, tình bạn, tình yêu cũng được thêm thắt một cách cân đối, tạo nên những cuốn phim đậm đà tư vị.

Mỗi cuốn phim sở hữu một công thức riêng biệt. Hồ sơ công lý xoay quanh các vụ kiện tụng, Hồ sơ trinh sát là hành trình lật mở các vụ án kì bí, hay Bàn tay nhân ái tập trung chủ yếu trong bối cảnh bệnh viện…

Ngay cả khi trải qua nhiều phần phim, công thức này cũng được giữ nguyên. Chỉ có điều là các chi tiết bên trong truyện phim, thủ thuật nghề nghiệp hay diễn biến các mối quan hệ không ngừng được làm mới. Điều này vừa bảo tồn được phong cách độc tôn của series, vừa bảo đảm được tính mới mẻ, tránh gây nhàm chán.

Phim TVB: Tro lai o at nhung mat han ban sac kinh dien hinh anh 2
Series Lực lượng phản ứng khai thác sâu ngành cảnh sát ở nhiều phương diện. Ảnh: TVB.

Một điểm tương đồng khác không khó để nhận ra, là các phần trong cùng một series thường được sản xuất liên tục, câu chuyện có sự kết nối, dàn diễn viên giữ nguyên, tạo cảm giác gần gũi, tựa như diễn viên bước vào phim cùng nhân vật và nhân vật gắn liền với đời thường của diễn viên.

Nhiều năm qua đi, lớp fan ruột TVB đều khó lòng quên được các series kinh điển xưa cũ.

Trở lại ồ ạt

Ước chừng một thập kỉ gần đây, đế chế TVB bắt đầu chao đảo. Bỏ qua việc sang tay đổi chủ, thì sự lên ngôi như vũ bão của phim Trung Quốc, Hàn Quốc, cùng sự ra đi của hàng loạt giám chế trụ cột và diễn viên ngôi sao cũng khiến TVB loay hoay tìm đường giữ chân khán giả.

Trong chiến lược cứu vãn cơ đồ, TVB từng tung ra không ít chiêu thức, chẳng hạn mời lại “người cũ” trở về đóng phim (Trương Trí Lâm, La Gia Lương…) hay làm phim (đạo diễn Vương Tinh, nhà sản xuất Mai Tiểu Thanh, Lưu Gia Hào…).

Tới gần đây nhất, hãng truyền hình này bắt đầu rộ lên trào lưu sản xuất phần tiếp theo cho nhiều phim lừng danh lúc trước.

Phim TVB: Tro lai o at nhung mat han ban sac kinh dien hinh anh 3
 Thâm cung kế, phần tiếp theo của Cung tâm kế đang trong giai đoạn hậu kì. Ảnh: Weibo.

Thực tế, các dự án phần kế tiếp vốn xuất hiện trở lại vào khoảng vài năm trước, với những cái tên đình đám Đội cứu hỏa anh hùng 3 (2009), Bằng chứng thép 3 (2011), Bao la vùng trời 2 (2013), Thâm cung nội chiến 2 (2013).

Tuy nhiên, chiến dịch này thực sự đổ bộ ồ ạt là trong năm 2017 vừa qua, khi Mất dấu 2 (Sứ đồ hành giả 2) cùng Sóng gió gia tộc 3 ra mắt, còn phần 2 của Cung tâm kế với tựa Thâm cung kếThử thách nghiệt ngã phiên bản làm lại đang trong quá trình sản xuất.

Chuyên trang tin tức iFuun cho rằng việc quay phần kế tiếp cho các tác phẩm nổi tiếng ngày xưa nhằm mục đích gợi nhắc kí ức, lợi dụng tâm lý hoài cổ để kéo khán giả trở lại màn ảnh nhỏ.

Chỉ là hữu danh vô thực

Đáng tiếc phải đưa ra nhận định như vậy, bởi các phần tiếp theo mới ra mắt không thực sự thoả mãn trái tim ngóng đợi của người hâm mộ.

Không thể phủ nhận, các bộ phim phần tiếp theo mà TVB tung ra gần đây rất thu hút về mặt thị giác. Vượt ra ngoài bối cảnh bó hẹp trong phim trường nhà đài, các đoàn phim còn kéo quân ghi hình ngoại cảnh ở nhiều nơi khác như Mất dấu 2 quay tại Thái Lan, Sóng gió gia tộc 3quay tại Bồ Đào Nha, Bao la vùng trời 2 quay tại Anh…

Các thước phim cũng được trau chuốt và đầu tư hơn về kỹ thuật quay, tận dụng flycam, trượt ray, cẩu quay để tạo ra nhiều góc máy thú vị. Tạo hình nhân vật cũng được thiết kế kỹ lưỡng và đẹp mắt hơn.

Cộng thêm các chiêu trò truyền thông bài bản thông qua báo chí, truyền hình, trang cá nhân của các diễn viên, các dự án phim kế tiếp này không ngừng lan toả sức nóng. Dù cho các phần phim mới cách biệt phần trước đã nhiều năm, việc quy tụ dàn diễn viên nguyên gốc là gần như bất khả thi, thì người hâm mộ vẫn đếm từng ngày đợi phim ra mắt.

Đáng tiếc, bấy nhiêu sự đẹp đẽ bề nổi đó cũng không đủ sức che lấp đi sự tuột dốc về mặt kịch bản. Bình luận về phương diện này, hai trang báo mạng Favorites News và The Paper thẳng thắn chỉ ra: “Đã là kinh điển, vĩnh viễn không thể có phần kế tiếp!”.

Phim TVB: Tro lai o at nhung mat han ban sac kinh dien hinh anh 4
Thâm cung nội chiến 2 đánh mất bản sắc của phần 1. Ảnh: Sohu.

Còn nhớ năm 2004, khi mà dòng phim cung đấu của truyền hình Trung Quốc hãy còn chưa có tên tuổi, Thâm cung nội chiến đã vang danh châu Á bởi chủ đề đấu đá hậu cung đầy mưu toan, thị phi và cuốn hút. Ấy vậy mà qua tới phần 2, yếu tố cốt lõi này lại bị cắt giảm nhiệt tình, bù lại là các tuyến truyện tình cảm lắt léo được xử lý không xác đáng.

Bao la vùng trời 2 có quá nhiều vai diễn, chỉ riêng việc khắc họa hình tượng nhân vật và giải quyết các tuyến quan hệ cũng làm không xuể, các mảng nội dung đứt lìa thiếu liên kết, yếu tố nghề nghiệp hàng không lỏng lẻo, tổng thể bộ phim không truyền cảm hứng tốt như phần 1.

Cùng lên sóng vào cuối năm nay, hai phim Mất dấu 2 và Sóng gió gia tộc 3 bộc lộ rõ rệt xu hướng “bắc tiến”, nghĩa là tấn công thị trường Trung Quốc, làm vui lòng khán giả đại lục. Đó là lý do tại sao hai phim một là phim hình sự, một là phim tâm lý tranh giành gia tộc đều lần lượt nhuốm màu sắc ngôn tình.

Đúng là trong phần 1 của Mất dấu, tuyến truyện tình cảm nhiều khi rất sến và nhảm, nhưng suy cho cùng, điệp vụ nội gián mới là nội dung chủ đạo của phim. Còn phần 2 thì mắc lỗi quá sa đà vào các mối quan hệ tình yêu tay ba uỷ mị mệt mỏi.

Phim TVB: Tro lai o at nhung mat han ban sac kinh dien hinh anh 5
Bao la vùng trời 2 mang nhiều màu sắc ngôn tình. Ảnh: 163.com

Với Sóng gió gia tộc 3, yếu tố văn hóa truyền thống đã bị cắt bỏ không chút dấu vết. Qua phần 1, khán giả từng được biết đến cách lựa chọn và thưởng thức bào ngư đúng điệu Hong Kong.

Phần 2 của phim thì nhiều lần nhắc tới phong tục đón Trung thu, nhấn mạnh ý nghĩa đoàn viên của ngày Tết này, đồng thời cũng dàn dựng các cảnh quay làm bánh cổ truyền.

Phần phim mới nhất mang tiếng lấy cảm hứng từ món trà sữa đặc trưng Hong Kong, vậy mà các cảnh quay pha trà sữa rất ít và được xây dựng rất sơ sài, thậm chí khung cảnh tiệm trà sữa kiểu truyền thống cũng không xuất hiện. Nội dung phim thì bị xé nhỏ, không nhân vật nào nổi bật cá tính, cũng không tập phim nào tạo được cao trào.

Có lẽ không ngoa khi nói rằng, các phần phim tiếp theo đang dần đánh mất bản sắc kinh điển của TVB ngày trước.

Phong Kiều

Theo Zing