-
Đạo diễn Cao Trung Hiếu nhận định thị trường nhạc Việt đang ở giai đoạn có nhiều nhân tài. Trong đó, Phan Mạnh Quỳnh được anh đánh giá là “của hiếm của Vpop”.
Công chúng biết Cao Trung Hiếu là em trai của ca sĩ Đoan Trang, gọi anh là đạo diễn sân khấu, giám đốc sáng tạo hay giám đốc công ty giải trí… Cao Trung Hiếu đảm đương nhiều vai trò nhưng đều để lại dấu ấn, dù là một cách rất thầm lặng. Anh đứng sau nhiều show diễn của Thanh Lam, Hồng Nhung, Thu Phương, Mỹ Linh,… hay đặc biệt là thành công của Hà Anh Tuấn.
Nhìn vào thị trường âm nhạc hiện tại, Cao Trung Hiếu đặt niềm tin đây là giai đoạn Vpop phát triển thịnh vượng, nhiều nhân tài. “Tôi cho rằng đây là giai đoạn gieo mầm và tôi đang chờ đợi những hạt mầm đó phát triển”, anh nhận định.
– Anh đánh giá thế nào về thị trường âm nhạc Việt Nam hiện tại?
– Giống vòng tuần hoàn, chúng ta phải chấp nhận những lúc thoái trào để sau đó phát triển thịnh vượng hơn. Âm nhạc Việt dần qua giai đoạn thoái trào và đây là lúc tôi cảm thấy vui vì giá trị âm nhạc hay phong cách riêng dần dần được hình thành.
Trước đây, chúng ta không quá quan tâm tới âm nhạc của những bạn singer – songwriter, underground. Nhưng gần đây, âm nhạc của họ nhận được sự quan tâm của khán giả, giới chuyên môn. Những sản phẩm trùng lặp, dễ dãi dần biến mất nhường sân chơi cho những yếu tố tích cực và khác biệt.
– Mỗi giai đoạn, thị trường có cách thức vận hành và tính toán khác nhau. Như trước đây, khán giả nghe nhạc qua radio và dựa vào bảng xếp hạng Làn sóng xanh. Thời nay, lượt view, lượt nghe là một cách đánh giá có giá trị. Nhưng quan trọng cách làm thành tích đó như thế nào.
Nếu lượt xem đó là đúng thì rất đáng mừng. Nhưng trong trường hợp lượt xem chỉ tạo cho nghệ sĩ cái tên bảo chứng việc họ có thể đi sự kiện, quảng cáo tức âm nhạc đang bị sử dụng sai cách. Lúc này, âm nhạc chỉ là điều thứ yếu để giúp nghệ sĩ tăng giá trị thương mại.
Trong tình huống đó, người nghệ sĩ phải đánh đổi. Đầu tiên, bản hit sẽ trôi qua rất nhanh. Người nghệ sĩ cũng tốn công sức, tiền bạc để liên tục đầu tư sản phẩm mới. Vậy liệu rằng người nghệ sĩ đủ tinh thần và sự sáng tạo để làm nghệ thuật hay không. Con đường nào cũng vậy, một bản nhạc được dồn nhiều tâm tư, sáng tạo mới nhận lại tình cảm lâu dài.
– Đạo nhạc là ồn ào muôn thuở ở Vpop. Hơn nửa năm 2019 trôi qua, hàng loạt ca sĩ cũng bị tố sao chép. Anh nhận định sao về vấn đề này?
– Việc sao chép ở Việt Nam là một câu chuyện dài. Chúng ta không thể sáng tạo một cách độc lập trong thời điểm này. Bởi chúng ta có nền công nghiệp âm nhạc đi sau rất nhiều nước. Tôi cho rằng sự góp nhặt hay chịu ảnh hưởng từ những thị trường, trào lưu khác đến với chúng ta rất tự nhiên.
Bởi vậy khi nghe tin đạo nhái, tôi không cảm thấy đáng buồn. Tôi chỉ nghĩ rằng khi nghệ sĩ làm điều gì đó không đúng với thâm tâm thì tự họ thấy hổ thẹn. Sản phẩm đó cũng không tồn tại lâu dài mà nhanh chóng bị đào thải. Người nghe nhạc hiện nay rất thông minh, có sự tính toán và nhiều cách để tiếp cận giá trị âm nhạc đích thực.
– Vậy còn những hiện tượng âm nhạc khiến công chúng băn khoăn thời gian qua, chẳng hạn bản nhạc Hoa lời Việt “Độ ta không độ nàng” được yêu thích nhưng cũng gây nhiều tranh cãi?
– Thế giới hiện tại là phẳng, do đó bất cứ ca khúc nào nổi ở những quốc gia khác đều dễ dàng đến với công chúng. Nhờ đó, họ có quá nhiều sự lựa chọn về âm nhạc.
Cá nhân tôi không đánh giá bài hát này hay hay dở. Nhưng tôi cho rằng đây không phải vấn đề đáng để bàn cãi. Như đã nói ở trên, âm nhạc tìm đến để khớp với nhu cầu của một bộ phận công chúng phù hợp. Tuy nhiên, với những ca khúc hiện tượng mà không có thông điệp để sống lâu cũng sớm bị thay thế bởi bài hát có giá trị tương tự.
Ngoài ra, một vấn đề quan trọng chúng ta cần quan tâm là bản quyền. Những bản cover đó chỉ để nghe xem vui vẻ trên mạng, giải trí đơn thuần chứ không phải tác phẩm sáng tạo. Còn nhiều giá trị khác đáng được quan tâm và ủng hộ hơn, chẳng hạn cách khai thác đề tài của các bạn nghệ sĩ độc lập (underground), các ca khúc của Tiên Tiên, Trang, Đen Vâu, Suboi có chủ đề mang hơi thở đời sống hiện đại. Gần đây, Để Mị nói cho mà nghe mang âm hưởng âm nhạc dân gian Việt Nam của Hoàng Thùy Linh cũng là tư duy sáng tạo rất đẹp.
Chúng ta đang có nhiều nhân tài và chỉ vài năm nữa, Vpop sẽ có diện mạo mới mẻ. Tôi cho rằng đây là giai đoạn gieo mầm và tôi đang chờ đợi những hạt mầm đó phát triển. Nó hình thành lên lớp nghệ sĩ trẻ, nói lên tiếng nói của mình một cách rõ ràng và không bị ảnh hưởng, ăn theo bất cứ xu hướng nào.
– Cụ thể, những ai là nhân tài mà anh nhắc đến?
– Tôi thích cách suy nghĩ, lao động, tham vọng của Vũ Cát Tường, sự ung dung, thư thái, đứng ngoài showbiz của Đen Vâu hay một vài nghệ sĩ underground khác. Về nhạc sĩ, tôi thật sự hâm mộ âm nhạc của Phan Mạnh Quỳnh. Đó là những hình mẫu nghệ sĩ luôn đau đáu, trăn trở về âm nhạc thật sự và đại diện cho âm nhạc Việt Nam trong thời gian tới.
Xin chia sẻ thêm về Phan Mạnh Quỳnh – nhân vật tôi cho rằng là của hiếm trong thế hệ âm nhạc sau này. Ở cậu ấy, chúng ta nhận ra bản sắc đậm nét khó lẫn cả về chất liệu âm nhạc và giọng hát. Trong thời đại bùng nổ “media” và “content”, chẳng phải tính bản sắc ấy sẽ quyết định tính sống còn của một tư duy sáng tạo hay sao? Hơn hết, nhạc và ca từ của Quỳnh thật sự hay.
– Nhưng âm nhạc của Phan Mạnh Quỳnh thời kỳ đầu vướng nhiều tranh cãi. Khán giả cho rằng nhạc của anh ấy “sến”, “thị trường”, “dễ dãi”?
– Tất cả bắt nguồn từ Vợ người ta và những e ngại từ MV. Ngay cả Hà Anh Tuấn cũng thế khi lần đầu nhắc đến Phan Mạnh Quỳnh. Nhưng cũng chính Tuấn là người nói với chúng tôi muốn gặp Quỳnh để đề nghị hợp tác. Cậu ấy nhận ra những thứ hay ho sau vài lần nghiền ngẫm một cách sâu sắc. Nói vậy để biết âm nhạc của Quỳnh kỳ lạ, không hời hợt và vì thế khi đã thích sẽ rất lâu, rất sâu.
Phan Mạnh Quỳnh đang sáng tác như trẻ thơ, nhạc từ ruột gan, từ chính chất mộc bản của con người cậu ấy. Hơn nữa, trong dự án Quỳnh sáng tác “đo ni đóng giày” cho Tuấn, cậu ấy làm hơn cả chữ “tốt”. Cũng giống trước đây trong dự án với Phạm Toàn Thắng, chúng tôi luôn đề nghị hợp tác với những nhạc sĩ hồn nhiên trẻ thơ trong âm nhạc. May mắn, họ luôn gật đầu trân trọng và hết mình sáng tạo cùng ê-kíp chúng tôi.
– Ít ra sản phẩm, hạn chế xuất hiện trước truyền thông nhưng mỗi dự án của Hà Anh Tuấn đều ghi được dấu ấn nhất định. Ê-kíp của anh có bí quyết gì đằng sau thành công ấy?
– Hà Anh Tuấn không chịu áp lực phải tranh thủ hát và kiếm tiền thật nhanh, thật dồn dập trong vài năm tuổi trẻ. Từ thời gian đầu chơi với Tuấn, tôi luôn cảm thấy cậu ấy vô tư và nhiều cảm xúc. Cậu ấy đặt mình ra khỏi dòng chảy của showbiz và tâm niệm âm nhạc muốn lâu dài thì phải trẻ thơ. Vì thế cách cậu ấy hát rất tự nhiên.
Tuấn từng có thời gian loay hoay không biết tiếp tục như thế nào, thậm chí từng nghĩ tới việc dừng lại vì cậu ấy ngại đám đông. Sau đó, Hà Anh Tuấn nói rằng muốn hát ở không gian nào đó chỉ có cậu ấy với âm nhạc, nhưng vẫn chia sẻ được cho người khác. Đó là lúc See Sing Share ra đời.
Ngay từ đầu, chúng tôi không tính toán khi đưa ra bất cứ dự án nào. Chỉ cần chúng tôi thích thì sẽ dấn thân. Chính điều đó tạo cho Tuấn con đường thong dong và bình thản. Từ đó, Tuấn kéo được lượng khán giả theo mình một cách yên ả và không ồn ào, thuần âm nhạc.
– Làm thế nào để đứng trước áp lực trang trải cuộc sống mà vẫn có thể hát một cách ung dung, bình thản. Phải chăng Hà Anh Tuấn vốn có nền tảng kinh tế vững vàng?
– Có một điều mọi người thường nghĩ không đúng đó là Tuấn xuất thân gia đình khá giả, không cần phải kiếm tiền bằng ca hát.
Khi đã chọn một nghề thì phải kiếm được tiền nuôi sống bản thân từ nghề đó, như vậy mới biết đích xác lựa chọn mình có giá trị hay không? Tuy nhiên, Tuấn có cách làm nghề riêng, đó là không xây dựng bản thân là người của truyền thông và công chúng để kiếm tiền từ đó. Cái ung dung ở đây là góc nhìn nhận, cách tiếp cận của cậu ấy dành cho âm nhạc và không đặt áp lực từ số đông.
Chúng tôi hiểu âm nhạc hay là phải gợi cho người nghe cảm xúc, ký ức nào đó. Bất cứ điều gì không trở thành ký ức có nghĩa nó không có giá trị. Khi Hà Anh Tuấn chọn lựa một bài hát thì trước hết bài đó phải đúng với cảm xúc của Tuấn. Không có âm nhạc đúng hay sai, chỉ có tìm đến đúng người hưởng thụ và có đúng với cảm xúc, ký ức của người nghe hay không.
– Hoạt động trong môi trường giải trí nhưng lại cố đặt mình ra khỏi dòng chảy của showbiz. Việc đó có dễ dàng với ê-kíp các anh?
– Mọi người nhìn vào có thể thấy con đường của chúng tôi rất êm đềm, dễ dàng. Bởi chúng tôi không có áp lực về bản hit, không chạy theo hiện tượng mà số đông theo đuổi. Không làm cái người khác thích, chỉ làm cái mình thích.
Tuy nhiên, khó khăn chúng tôi phải vượt qua đó là bản thân. Nói như vậy thì nghe có vẻ sáo rỗng nhưng sự thực là như vậy. Đó là tổng hòa của cả sự biết mình biết ta, biết nhìn xuyên đúng giá trị, hay chân tướng của một sự kiện.
Trong chặng đường đã qua có rất nhiều hiện tượng khiến chúng tôi đặt câu hỏi rằng tại sao nó lại nổi lên thành công trong hiện tại. Xã hội thường chỉ quan tâm hiện tượng đó được biết tới như thế nào chứ không để tâm tới nguyên cớ, giá trị, thông điệp đằng sau đó.
Điều đó khiến những người làm trong nghề như chúng tôi hoang mang, bất lực. Chúng tôi từng nghĩ mình không thể đứng cùng thị trường âm nhạc bởi không thể tạo ra giá trị mà mình mong muốn.
Tôi nghĩ tâm tư này không của riêng tôi mà bất cứ ai dành tình cảm sâu sắc cho âm nhạc Việt Nam đều cảm thấy trăn trở. Giống như một vấn đề trong cuộc sống mà bản thân cứ thấy loay hoay không giải quyết được thì sẽ muốn từ bỏ. Tôi nghĩ đó là điều khủng khiếp cần vượt qua hơn những khó khăn về tài chính để đầu tư cho sản phẩm.
Lan Phương
Ảnh: Nguyễn Bá Ngọc
Thiết kế: Minh Hồng
Theo Zing