Phan Huỳnh Điểu – người chắp cánh cho những bài thơ tình

Hơn nửa số ca khúc trong gia tài âm nhạc của Phan Huỳnh Điểu xuất phát từ sự đồng điệu của ông với các thi sĩ. Từ đó, làng nhạc Việt có “Thơ tình cuối mùa thu”, “Thuyền và biển”, “Sợi nhớ sợi thương”, “Ở hai đầu nỗi nhớ”… Năm 18 tuổi, chàng thanh niên Phan Huỳnh Điểu cho ra đời nhạc phẩm đầu tay là bản truyện ca mang tên Trầu cau. Hơn 70 năm từ đó, khoảng 100 ca khúc đã ra đời và Phan Huỳnh Điểu được mệnh danh là “Con chim vàng của nền âm nhạc Việt Nam”. Sáng tác của ông phần lớn là nhạc đỏ nhưng phần để lại dấu ấn sâu đậm với người hâm mộ là những ca khúc có giai điệu trữ tình, viết về tình yêu đôi lứa. Ông được đánh giá là một trong những nhạc sĩ thành công khi phổ thơ của các thi sĩ. Những ca từ giàu chất thơ được nhạc sĩ thổi vào đó giai điệu lãng mạn thành những bản tình ca ngọt ngào. Ca khúc Thơ tình cuối mùa thu nằm trong số đó. Đây vốn là bài thơ nổi tiếng của nữ sĩ Xuân Quỳnh với những hình ảnh đẹp, lời thơ tinh tế. Hình ảnh “mùa thu vàng hoa cúc” và thông điệp “chỉ còn tình yêu ở lại” đã đánh vào cảm xúc của Phan Huỳnh Điểu, trong một lần ông tình cờ đọc được bài thơ trên báo Văn Nghệ Tết. Sợi dây cộng hưởng cảm xúc rung lên khiến nhạc sĩ có thể phổ nhạc chỉ trong thời gian ngắn. Mở đầu là những giai điệu man mác: “Cuối trời mây trắng bay/ Lá vàng thưa thớt quá/ Phải chăng lá về rừng? Mùa thu đi cùng lá”. Ca khúc để lại dư vị buồn và đẹp về sự trôi chảy của thời gian, biến đổi của không gian nhưng khẳng định mạnh mẽ sức sống của điều duy nhất: tình yêu. Ca khúc gắn liền với các giọng ca Anh Thơ, Tân Nhàn, Bảo Yến… Thuyền và biển cũng là bài thơ khác của Xuân Quỳnh được Phan Huỳnh Điểu phổ thành nhạc. Ca khúc chỉ lấy nửa cuối tác phẩm của Xuân Quỳnh làm ca từ, với hình ảnh gắn kết không rời giữa thuyền và biển. “Chỉ có thuyền mới hiểu/ Biển mênh mông nhường nào/ Chỉ có biển mới biết. Thuyền đi đâu, về đâu”. Giai điệu bài hát chậm rãi, như những con sóng thủ thỉ đoạn đầu và lên cao trào về cuối tương ứng sự quyết liệt, dữ dội của lời hát: “Nếu phải cách xa anh/ Em chỉ còn bão tố”. Thuyền và biển đã trở thành một trong những ca khúc tiêu biểu viết về tình yêu trong nền âm nhạc Việt Nam. Giọng ca trầm ấm của nghệ sĩ Quang Lý đưa mối đồng cảm giữa các nghệ sĩ từ thơ tới nhạc được nhân rộng.

phan-huynh-dieu-2999-1435560582.jpg

Nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu.

Tình yêu trong nhạc của Phan Huỳnh Điểu được đặt trong nhiều bối cảnh khác nhau của cuộc sống. Có tình yêu thời bình, cũng có những ca khúc nói về tình yêu trong hoàn cảnh chiến tranh khốc liệt, như Cuộc đời vẫn đẹp sao – ca khúc phổ thơ Dương Hương Ly. Phan Huỳnh Điểu kể, ông viết bài này vào thập niên 1970, trong một lần ông nằm chữa bệnh khi ở chiến trường về. Trong tình trạng “da bọc xương”, ông được một nữ y tá hết lòng quan tâm, săn sóc. Phần nghệ sĩ nhạy cảm trong ông trỗi dậy. Nhân lúc đó, Phan Huỳnh Điểu đọc được bài thơ của Dương Hương Ly. Đoạn cuối bài thơ của Dương Hương Ly trong đó có thông điệp về tình yêu trong chiến tranh đã khiến Phan Huỳnh Điểu bật ra giai điệu cho những ca từ đầy sức sống: “Cuộc đời vẫn đẹp sao/ Tình yêu vẫn đẹp sao/ Dù đạn bom man rợ thét gào/ Dù thân thể hiển nhiên mang đầy thương tích/ Dù xa cách hai ngả đường chiến dịch/ Ta vẫn còn chung một ánh trăng ngần”.

Dù mang giai điệu hành khúc rộn ràng, chất trữ tình – lãng mạn vẫn là nét bao trùm ca khúc của Phan Huỳnh Điểu. Cũng theo nhạc sĩ, người đầu tiên hát ca khúc này là nghệ sĩ Quốc Hương, ngay khi ông đang nằm trong bệnh viện.

Một ca khúc khác nói lên sức sống bền bỉ, mạnh mẽ của tình yêu trong chiến tranh đó là Sợi nhớ sợi thương. Ca khúc phổ thơ Thúy Bắc, nói về nỗi nhớ của cô gái với người yêu, cách nhau một dải Trường Sơn, giữa hai đầu chiến dịch: “Trường Sơn Đông, Trường Sơn Tây, bên nắng đốt bên mưa quây/ Em dang tay, em xòe tay, chẳng thể nào mà che mưa bay/ Chẳng thể nào mà che anh được”. Thế nhưng, không gian, thời gian, đạn bom ngăn cách không thể ngăn cô gái “nghiêng hết về bên anh” trong tâm tưởng. Ca khúc được Phan Huỳnh Điểu lồng vào chất dân ca Nghệ Tĩnh, qua giọng hát ngọt ngào của nghệ sĩ Thu Hiền, đi vào lòng nhiều thế hệ người yêu nhạc Việt Nam.

phan-huynh-dieu-1-5828-1415178-7707-7558

Nhạc sĩ luôn giữ sự lạc quan, yêu đời ở tuổi già. Ông từng tổ chức đêm nhạc mang tên “Cuộc đời vẫn đẹp sao” để mừng thọ 90 tuổi

Ngoài những ca khúc tiêu biểu trên, Phan Huỳnh Điểu còn không ít ca khúc nổi tiếng được phổ thơ, đề tài tình yêu như Anh ở đầu sông em cuối sông (phổ thơ Hoài Vũ), Bóng cây Kơnia (phổ thơ Ngọc Anh), Ở hai đầu nỗi nhớ (thơ Trần Đình Chính)… Phan Huỳnh Điểu từng chia sẻ thơ và nhạc như cặp song sinh. Cả hai chắp cánh cho nhau bay lên. Và ông là người nối đôi cánh đó. Thông điệp chung trong những ca khúc phổ thơ tình yêu của Phan Huỳnh Điểu là: tình yêu có sức sống mãnh liệt, càng xa càng bền vững, càng trong hoàn cảnh khốc liệt càng trường tồn. “Của cải, tài sản là thứ không tồn tại, mà tình yêu giữa người với người, tình yêu với cuộc sống, quê hương, gia đình mới là vĩnh cửu và mang lại giá trị của cuộc sống”, nhạc sĩ từng nói. Và bất kể hoàn cảnh nào, nhạc sĩ vẫn mang niềm lạc quan, tin tưởng vào sức sống vĩnh cửu đó của tình yêu. Đặc điểm trong tác phẩm này hệt con người ông, cho tới những năm tháng cuối cùng của cuộc đời, vẫn chưa một ngày giảm sự lạc quan, nỗi ham vui, ham yêu cuộc sống.

Ngoài các sáng tác phổ thơ, với đề tài phần lớn là tình yêu, một mảng sáng tác thành công khác của Phan Huỳnh Điểu là những ca khúc cách mạng. Phan Huỳnh Điểu là nhạc sĩ lớn lên trong bối cảnh đất nước chiến tranh, tham gia kháng chiến. Năm 1945, ông tham gia Đội tuyên truyền xung phong Đà Nẵng và viết hàng loạt ca khúc như: Mùa đông binh sĩ, Giải phóng quân, Tuyên truyền xung phong… Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, Phan Huỳnh Điểu gia nhập quân đội, công tác ở Liên khu 5. Thời gian này ông viết một số ca khúc như Nhớ ơn Hồ Chủ Tịch, Quê tôi ở miền Nam

Trong các ca khúc cách mạng, nổi bật là Những ánh sao đêm. Ca khúc này được Phan Huỳnh Điểu sáng tác năm 1962, với đề tài về ngành xây dựng. Từ lâu, ca khúc được nhiều người trong ngành xem như bài ca truyền thống. Với giai điệu hùng hồn, hảo sảng, mạnh mẽ, ca khúc như bản ngợi ca công cuộc đổi mới, xây dựng đất nước. Hành khúc ngày và đêm (sáng tác năm 1972 – phổ thơ Bùi Công Minh) cũng là ca khúc cách mạng khác gắn liền với tên tuổi của Phan Huỳnh Điểu, được nhiều người thuộc nằm lòng.

Ngoài ra, ông còn sáng tác một số tác phẩm dành cho thiếu nhi, tiêu biểu là: Đội kèn tí hon, Nhớ ơn Bác…

Nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu sinh năm 1924 tại Đà Nẵng. Ông là một trong những nhạc sĩ tiêu biểu nhất của nền âm nhạc đương đại Việt Nam thế kỉ XX. Năm 2000, ông được Nhà nước trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học Nghệ thuật. Ngày 29/6, nhạc sĩ qua đời sau một đêm hôn mê sâu vì mắc bệnh bạch cầu cấp.

Hoàng An

Theo VnExpress