Phạm Quỳnh Anh chia sẻ cách chăm bé bị tay chân miệng

Bé Bella bị tay chân miệng cấp độ 1 nên sau khi khám bác sĩ, Quỳnh Anh xin cho bé về theo dõi tại nhà để tránh lây chéo trong bệnh viện.

Bệnh tay chân miệng là một bệnh truyền nhiễm, gây ra bởi các virus khác nhau, thường xuất hiện ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ dưới 5 tuổi. Bệnh thường được đặc trưng bởi sốt, đau họng và nổi ban có bọng nước ở các vị trí tay, chân, miệng. Theo các bác sĩ khoa nhiễm bệnh viện Nhi Đồng 1, đỉnh của dịch tay chân miệng thường vào tháng 10 và 11. Người nhiễm bệnh có thể bị biến chứng sang viêm màng não virus và biến chứng hiếm gặp khác bao gồm bại liệt như tê liệt hoặc viêm não…

Nuôi con nhỏ nên ca sĩ Phạm Quỳnh Anh thường xuyên tìm hiểu các kiến thức chăm bé, đặc biệt là các bệnh lý liên quan đến trẻ, bệnh giao mùa… Bên cạnh các trang thông tin trên mạng, cô còn học hỏi kinh nghiệm của bạn bè nên khi bé Bella bị tay chân miệng, cô khá bình tĩnh theo dõi diễn biến bệnh và tự tin chăm sóc bé tại nhà. Khi cần thiết, cô sẽ xin tư vấn của bác sĩ chuyên khoa.

pham-quynh-anh-chia-se-cach-cham-be-bi-tay-chan-mieng

Không chỉ tháo vát trong công việc, Phạm Quỳnh Anh còn khéo chăm con

Quỳnh Anh chia sẻ dấu hiệu nhận biết bệnh tay chân miệng: “Chiều thứ 6 đón bé ở trường về, mình thấy đầu bé hơi ấm, đêm đó bé sốt hơn 38 độ nhưng hôm sau lại hạ sốt và khoẻ bình thường. Mình vẫn theo dõi để tìm ra nguyên nhân sốt thì phát hiện trên tay, chân xuất hiện một vài đốm đỏ. Mới đầu, mình nghĩ là do muỗi đốt nhưng đang trong mùa dịch của sốt xuất huyết và tay chân miệng nên mình cũng không thể chủ quan được, phải để ý kỹ càng hơn. Sang đến ngày thứ 3, sau khi nhờ sự tư vấn của bác sĩ thì mình chắc chắn Bella bị tay chân miệng và ở cấp độ 1”.

Giống như tâm lý của mọi bà mẹ, khi biết con bị bệnh đang trong mùa dịch, Quỳnh Anh cũng đắn đo nhiều giữa việc nên cho bé nhập viện để bác sĩ theo dõi hay để bé ở nhà tự chăm sóc. Nếu bé vào viện thì sẽ được các y bác sĩ kiểm tra thường xuyên nhưng cũng có thể gặp rủi ro là lây chéo bệnh giữa các bé. Bà mẹ một con sau khi tự phân tích các ưu, nhược điểm của từng trường hợp và nhận định mức độ bệnh của bé nhẹ nên đã quyết định chăm sóc bé ở nhà với sự tư vấn từ xa của các bác sĩ.

Bé Bella gần 3 tuổi và Quỳnh Anh cũng kinh qua nhiều đợt ốm sốt của bé rồi nhưng lần này, bé bị “đúp” hai loại bệnh cùng lúc nên Quỳnh Anh càng phải thận trọng hơn. “Đến ngày thứ 5 khi bé bị tay chân miệng, bé ăn gì cũng ói, uống nước cũng ói và tiêu chảy 3 lần trong một ngày. Đến lúc này thì mình thấy hơi lo lắng vì lần đầu bé bị tay chân miệng nên mình sợ có biến chứng gì. Hai vợ chồng mình lập tức đưa bé đến bệnh viện khám và rất may đó chỉ là triệu chứng của rối loại tiêu hóa. Bệnh viện khá đông đúc trong khi bệnh của Bella nằm trong diện cách ly nên mình xin phép bác sĩ đưa bé về sau khi đã được uống thuốc”, Quỳnh Anh cho biết.

pham-quynh-anh-chia-se-cach-cham-be-bi-tay-chan-mieng-1

Bella là một cô bé rất hiếu động, nếu không bị ốm thì hiếm khi chịu ngồi yên một chỗ.

Chăm sóc bé bị tay chân miệng tại nhà, Quỳnh Anh cho rằng, giữ vệ sinh là cho bé là yếu tố quan trọng hàng đầu. Cô rửa tay cho bé dưới vòi nước chảy nhiều lần, tắm 2-3 lần mỗi ngày với xà phòng diệt khuẩn. Với các thành viên trong gia đình và bản thân Quỳnh Anh cũng đều phải rửa tay sạch trước khi tiếp xúc với bé. Việc này cần duy trì thành thói quen hàng ngày trong gia đình chứ không chỉ khi bé bị bệnh vì theo Quỳnh Anh, “phòng bệnh hơn chữa bệnh, nhất là trong mùa cao điểm”.

Trong quá trình điều trị bệnh này, Quỳnh Anh cho bé ăn thức ăn loãng hơn bình thường một chút để bé dễ ăn và dễ hấp thụ. Cô cũng thường xuyên cho bé uống nước cam giúp tăng cường sức đề kháng. Bella không bị nổi nhiều ban trong miệng nên vẫn có thể ăn uống tốt. Với môi trường sống, bà mẹ một con lưu ý vệ sinh phòng bé sạch sẽ, thông thoáng, làm sạch và tiệt trùng đồ chơi là những vật bé hay tiếp xúc.

Từ kinh nghiệm của mình, Quỳnh Anh khuyên các mẹ cần giữ bình tĩnh để lựa chọn cách chăm sóc thích hợp nhất, an toàn nhất cho con khi thấy bé có nghi vấn về bệnh. Như trường hợp của bé Bella bị tay chân miệng cấp độ 1 thì Quỳnh Anh cho rằng hoàn toàn có thể điều trị tại nhà để tránh cho con tiếp xúc với vùng có khả năng lây nhiễm cao, nhưng cũng cần theo dõi kỹ lưỡng tiến trình bệnh. Nếu có những biểu hiện như giật mình trong khi ngủ, nôn ói nhiều, sốt cao thì bắt buộc phải đưa con đến bệnh viện ngay vì đó là dấu hiệu tiến triển xấu của bệnh tay chân miệng.

Song Giang

Theo Ngôi Sao