Phạm Anh Khoa không chấp nhận thực tại

Ra mắt album Phá vào đầu năm 2015, tiếp theo là những dự án “hoang dã” hơn với những cung đường tự do và đầy khao khát, Phạm Anh Khoa như một con hổ đến ngày phá xích, trở về rừng tung hoành. Nhưng, con hổ ấy vẫn có nhiều nỗi niềm. Phạm Anh Khoa: Vì tôi nhà quê quá. Nhà quê trong cách ứng xử, nhà quê trong gu thời trang, nhà quê cả trong âm nhạc. Đấy, tôi ăn mặc được như vầy là đã cải thiện về thời trang lắm rồi đấy. Tôi cũng chẳng khôn khéo trong cư xử, muốn gì thì đập thẳng thôi. Cái mà tôi có chỉ là một sự dám đương đầu. Tôi đã đặt ra điều gì, thất bại đến đâu, tôi đều dám nhìn thẳng vào nó.

* Người ta còn nói Phạm Anh Khoa cực đoan lắm, vì cực đoan nên 10 năm qua vẫn vậy. Nếu không, cái tên Phạm Anh Khoa đã ở một tầm khác… – Tôi biết chứ, nhưng trong cuộc sống có những thứ nguyên tắc mà đến chết tôi vẫn không muốn phá vỡ. Ví dụ hôm nay thôi, tôi giận vợ vì cô ấy xếp lịch công việc cho tôi, trong khi ngày Chủ nhật là ngày tôi dành để vui chơi với con. Mọi người sẽ nghĩ rằng chỉ là một chút thỏa hiệp thôi, một cách tận dụng quỹ thời gian thôi, nhưng tôi lại không muốn thế, công việc là công việc và gia đình là gia đình. Hay như lần tôi đi Tây Bắc bằng mô tô nhưng nửa đường xe hư, người khác sẽ chọn cách bỏ mô tô lên xe đò để về Hà Nội, tôi thì không. Tôi bắt xe về Hà Nội để mua linh kiện, rồi bắt xe quay lên, thay phụ tùng rồi chạy mô tô về lại Hà Nội. Gàn quá đúng không, nhưng từ đầu mình đã muốn gì? Muốn trải nghiệm cung đường đó bằng mô tô, vậy thì cớ gì mình phải thay đổi chỉ vì một chút trắc trở? Nói thế để chị thấy rằng, trong âm nhạc tôi còn cực đoan đến mức nào. Tôi muốn làm cái gì phải cho ra cái đó, không thỏa hiệp, không nuông chiều, dù khó khăn đến mấy. Người ta hát với nhạc nền thu sẵn, tôi thì phải hát với ban nhạc sống, dù biết rằng như thế thì người ta ngại mời mình lắm vì việc chuẩn bị cho một ban nhạc chơi trên sân khấu phức tạp hơn nhiều. Mười người mời tôi, khi tôi nói là tôi phải hát với ban nhạc thì chỉ còn ba người tiếp tục mời. Nhưng tôi không quan tâm, ít tiền cũng kệ. Tôi muốn trả mọi giá trị của âm nhạc về đúng với định nghĩa của nó, một thứ âm nhạc thật sự. * Quá cầu toàn hay cực đoan, trước tiên anh sẽ tự “hành” mình và rồi đến “hành” người thân xung quanh… – Đúng là như thế. Với người khác, nếu tôi đòi hỏi ở họ chỉ một, thì tôi đòi hỏi ở người thân của mình gấp ba. Họ đã là người thân của tôi, họ phải hiểu tôi hơn chứ! Tôi nghĩ, nếu tôi phải nói ra những người thân của mình mới hiểu, thì họ có phải là người thân nữa không? Còn “hành” bản thân tôi ư, chuyện cũng bình thường thôi. Nếu tôi không “hành” mình mà tự hài lòng, thì tôi đâu phải Phạm Anh Khoa nữa. Người ta nói thời gian sẽ làm cho một người trưởng thành hơn, nhưng nếu trưởng thành có nghĩa là phải chấp nhận những điều không như ý, tôi không thể. Tôi không chấp nhận thực tại này của mình, cái thực tại mà trong đó có những ngày tôi bí bách đến mức nổ tung. Có quá nhiều điều trong cuộc sống mà tôi vùng vẫy đến mấy cũng không thay đổi được. Nhiều điều trong cuộc sống này khiến tôi hèn đi. Dù bận bịu, mỗi chủ nhật, Phạm Anh Khoa đều dành thời gian chơi đùa với hai con * Nếu những điều hiện tại làm đau mình đến thế, sao anh để cho nó diễn ra? – Thực tế của cuộc sống đôi khi không cho chúng ta lựa chọn. Khi cưới vợ, tôi chuyển hộ khẩu vào TP.HCM. Điều đó làm tôi đau lòng đến mức muốn đập phá một cái gì đó, vì quê nhà Cam Ranh là một phần của cuộc đời tôi. Cái tuổi thơ mà tôi có, những điều nuôi sống tôi, làm nên một Phạm Anh Khoa cũng dần dần xa tôi mà tôi không làm gì được. Nhưng nếu không làm thế, bao nhiêu bất tiện sẽ diễn ra. Tôi nói quá nhiều về quê hương mình, nhưng đừng nghĩ tôi đưa câu chuyện ra ngoài phạm vi âm nhạc. Trong năm nay tôi thực hiện một dự án mà địa điểm diễn ra đầu tiên là Cam Ranh. Tôi còn định về Cam Ranh sống nữa kìa. Chắc chắn tôi sẽ làm thế, và biết đâu, không phải đợi đến vài năm nữa mà trong năm nay luôn thì sao. Như thể rằng đó mới là vùng nước của con cá Phạm Anh Khoa, còn ở đây tôi không là tôi nữa. Tôi nhớ khoảng trời rộng lớn và đẹp đẽ ở đó. Nếu tôi về quê xây nhà, thì đó phải là căn nhà lợp mái tôn, để những đêm mưa lại nghe tiếng lộp độp trên đầu. Tôi lớn lên bằng những thứ đó. Có thể mọi người sẽ nói tôi hoài cổ quá mức, nhưng mất đi những điều đó, Phạm Anh Khoa trở thành người khác. * Đúng là anh hoài cổ đến mức bất ngờ, bởi nhìn Phạm Anh Khoa trên sân khấu, người ta lại nghĩ rằng đó là một con người dành cho cái mới. Mà, để có cái mới, người ta đâu thể nào tránh đập bỏ cái cũ… – Tôi thích cái mới, nhưng đó phải là cái mới hay dựa trên nền tảng, tinh hoa của cái cũ. Cái gì làm nên con người Phạm Anh Khoa, cái đó sẽ vẫn ở trong con người Phạm Anh Khoa. Nhiều người vướng vào chuyện cái mới thì không hay, cái hay thì không mới, tôi không thích thế. Với tôi, đã mới là phải hay, phải sáng tạo, nhưng phải tôn trọng những giá trị cũ. Tôi kiên định với nguyên tắc đó, như đã kiên định với việc không thay đổi con người mình. Người ta hay hỏi rằng tại sao tôi không thỏa hiệp một tí, để có một Phạm Anh Khoa “đại chúng” hơn, nghĩa là có nhiều tiền hơn, nhưng nếu phải như thế thì đến chết cũng không. Người nghệ sĩ, để thăng hoa thì đừng lý trí. Hãy cứ ngây ngô, hãy cứ dại khờ, thất bại cũng được… * Nghĩa là với anh, được là chính mình quan trọng hơn được lòng số đông khán giả? – Tôi cần khán giả chứ, nhưng là những khán giả thật sự của mình kia. Mười năm trước khi tôi bước ra từ Sao Mai điểm hẹn, có nhiều em nhỏ hâm mộ xin chụp hình cùng tôi. 10 năm sau họ lớn lên và vẫn ở đó với tôi. Đó, tôi cần gì hơn thế nữa. Số đông để làm gì nếu ở đó không có sự thủy chung và cuồng nhiệt. Tôi từng hát trước chỉ 13, 14 khán giả, và nhìn họ say sưa cuồng nhiệt ở dưới, tôi nghĩ, trời ạ, âm nhạc phải là thế này chứ. * Nhưng anh cũng thất vọng bởi âm nhạc của mình trong mấy năm qua không được như ý muốn. Chẳng phải sẽ mâu thuẫn sao, anh đã chấp nhận làm một người cải tạo, thì phải chấp nhận mọi thứ chuyển biến từ từ? – Như đã nói, tôi không phải là người thỏa hiệp, tôi chấp nhận mất đi bảy show để có được thứ âm nhạc sống động nhất, thăng hoa nhất. Tôi tin rằng dần dần người ta sẽ nhận ra được giá trị của việc hát cùng ban nhạc trên sân khấu, nhìn việc đó theo một cách khác đi. Tôi chấp nhận là người cải tạo và hiệu quả đến từ từ là vậy. Mà quả thật là có khác đó chứ, vì tỷ lệ ba-bảy kia giờ đã bắt đầu đảo chiều theo hướng ngược lại rồi. Còn tại sao tôi thất vọng ư? Tôi thất vọng về mình thôi, đó là một chuyện khác. Bao năm qua tôi đã làm việc với khả năng cao nhất, với sự chuẩn bị tốt nhất, chỉn chu nhất, nghiêm túc nhất, vì vậy mà tôi kỳ vọng. Có kỳ vọng nên có thất vọng, vậy thôi. * Anh có nhắc về một dự án trong năm 2015 mà điểm đầu tiên là ở Cam Ranh, đó là “Phượt” phải không? – À, bây giờ tôi gọi nó là Bakers & Rockers. Phượt là một từ hay, nó thể hiện sự tự do, phóng khoáng, ngẫu hứng… nhưng bây giờ bị làm bẩn đi rồi vì dân phượt cũng giẫm hoa, xả rác khắp nơi. Bakers & Rockers là từ để nói về những cung đường và nhạc rock. Có khoảng 150 – 200 người, một nửa trong đó là những người thuộc về cung đường, một nửa là những người hát rock. Điểm chung của họ là yêu tự do, thích trải nghiệm với các cung đường và hết mình với âm nhạc, không chạy theo số đông. Nó mang một chút dáng dấp như chuyến du ca của Lê Cát Trọng Lý trước đây, nhưng âm nhạc sẽ nhiều hơn, và mang tính tập thể hơn. Chúng tôi đến, cắm trại và vui chơi ca hát ở đó. Đó có thể là Đà Nẵng, Huế… nhưng điểm đầu tiên phải là Cam Ranh của tôi, và tôi đã thực hiện. Mọi người sẽ hỏi: rồi khán giả như thế nào, xin nói luôn là chương trình ấy tôi chấp nhận không có khán giả. * Nghe thì có vẻ rất hay, nhưng anh đã liệu đến vấn đề tài chính? Chẳng thể nào duy trì được lâu nếu chỉ là một cuộc vui chơi ngẫu hứng với tiền túi. Nhưng để có tài trợ, người ta sẽ hỏi: tôi được gì từ dự án của anh? – Phải có tài trợ chứ, chẳng thể nào rút tiền túi được đâu. Tôi hiểu điều chị nói, nhưng vẫn còn có người tài trợ chỉ vì họ yêu âm nhạc và trân quý những con người hết lòng với âm nhạc chứ không phải vì họ thu lợi được gì. Còn nếu họ cần khán giả, thì đây, khi một người lên hát thì ít nhất ở phía dưới đã có 199 khán giả. Họ là người yêu âm nhạc nhạc thật sự, cuồng say thật sự. Họ không phải là khán giả thường, mà là khán giả “xịn”. * Bakers & Rockers không chỉ là dự án duy nhất trong năm. Năm 2015, con hổ Phạm Anh Khoa đã đến hồi về rừng, phải không? – Ngoài Bakers & Rockers, tháng Ba này tôi sẽ phát hành một MV, đến tháng Năm thì thực hiện một “trại sáng tác” tại Đà Lạt cho PAK Band. Ở “trại sáng tác” đó, chúng tôi sẽ đặt dấu ấn cho những sáng tạo tập thể. Tôi tin là nếu được thăng hoa, được hoàn toàn sống cho âm nhạc, những con người cuồng say kia sẽ mang đến những sản phẩm hay ho. Đúng, năm 2015 sẽ là năm tôi thực hiện nhiều thứ, sau một thời gian dài ấp ủ và chuẩn bị. Còn hổ đã về rừng ư? Nói cho hình tượng thế, nhưng đời không dễ như mình tưởng. Con chó dữ bị xích trong góc hẹp, nó vùng vẫy và cuồng loạn nhằm tháo tung xích, nhưng thả nó ra mà xem, chạy cuồng vài nơi rồi nó cũng lại tìm về cái góc hẹp quen thuộc đó mà thôi. Đôi khi tôi chán tôi vì điều đó. * Cám ơn anh về cuộc trò chuyện!

VÕ HÀ

Theo Phụ Nữ