Ở những nước phát triển, các cuộc thi hoa hậu đang dần thoái trào và lụi tàn. Thời hoàng kim và sự lụi tàn của các cuộc thi sắc đẹp thuần túy Tại Anh, đất nước sản sinh ra cuộc thi Hoa hậu Thế giới vào thời điểm những năm 60, 70, thi sắc đẹp trở thành một phần văn hóa của đất nước này. Thi hoa hậu đã từng là tinh thần và bản sắc của xứ sương mù nhưng sau vài chục năm, chẳng còn mấy người quan tâm đến các cuộc thi hoa hậu. Cuộc thi Hoa hậu Anh năm nay được diễn ra tại một địa điểm nhỏ, khá u buồn và tẻ nhạt. Thông tin về cuộc thi xuất hiện lác đác trên báo mạng và thu được rất ít bình luận.
Hình ảnh trong đêm chung kết Hoa hậu Thế giới 2009
Vào những năm 70, 80, từ thành phố lớn đến làng nhỏ từng sôi sục lên vì những chiếc vương miện và dải băng. Mỗi khi có một nữ hoàng sắc đẹp mới lên họ lại được ngự trên xe hơi, theo sau là đoàn người tháp tùng đi diễu hành trong tiếng hò reo, tán thưởng của dân chúng. Những cô gái thành danh từ các đấu trường sắc đẹp lớn một thời là tiêu điểm, thu hút mọi sự quan tâm của xã hội. Poster khổng lồ in hình Hoa hậu Thế giới 1976 Wilnelia Merced còn từng được treo ở quảng trường Thời đại nước Mỹ. Có giai đoạn, sự kiện Hoa hậu Thế giới là một trong những ngày quan trọng nhất được ghim trên cuốn lịch và có khoảng gần 28 triệu người theo dõi chung kết cuộc thi. Và cũng tồn tại một khoảng thời gian trong quá khứ mà việc giành được vương miện hoa hậu cũng chính là bước đổi màu số phận của các thiếu nữ. Vào giai đoạn thi hoa hậu còn nóng ở các nước phương Tây, cuộc đời và sự nghiệp của rất nhiều nữ hoàng sắc đẹp đã hoàn toàn bước sang một trang mới. Ngay cả các á hậu cũng có được sự quan tâm và chỗ đứng vững chắc trong lòng công chúng. Chẳng hạn như Halle Berry, sau khi cô giành được danh hiệu Á hậu của cuộc thi Hoa hậu Mỹ 1986, mỹ nữ da màu đã được chào đón vào giới giải trí, nhận vô số cơ hội, cô giành lấy nó và trở thành diễn viên hạng A tại Hollywood. Hoặc như một trường hợp khác là Carolyn Seaward, Hoa hậu Anh 1979 sau đó đã trở thành người tình của điệp viên huyền thoại James Bond trong “bom tấn” Octopussy năm 1983.
Halle Berry từ hoa hậu thành sao hạng A ở Hollywood
Cũng không thể không nhắc tới trường hợp của Hoa hậu Thế giới 1994 Aishwarya Rai. Sau khi đăng quang, cô được xem như biểu tượng sắc đẹp vĩnh hằng không chỉ của Ấn Độ mà còn của cả thế giới. “Quốc bảo mỹ nữ” Aishwarya Rai có sự nghiệp diễn xuất không thể thành công hơn tại đất nước tỷ dân, trở thành nàng thơ của các thương hiệu thời trang nổi tiếng như Roberto Cavalli, Longiness, lấy chồng nổi tiếng, sống trong viên mãn, giàu sang.
“Quốc bảo mỹ nữ” Aishwarya Rai được ca ngợi là hoa hậu có sự nghiệp thành công nhất sau khi đăng quang Các cuộc thi sắc đẹp được ưa chuộng suốt một thời gian dài tại các nước phát triển. Tuy nhiên càng ngày người ta càng nhận ra nó nhàm chán và thiếu chiều sâu sau những màn thi lặp lại đơn điệu và vô số scandal. Ngày nay, việc trở thành một nữ hoàng sắc đẹp không còn đảm bảo cho sự thành công. Ngành giải trí ngày càng phát triển, không thiếu những cô gái thành danh và kiếm được hàng triệu đô la nhờ sắc đẹp, tài năng và may mắn, mà không cần phải đi thi hoa hậu. Theo khảo sát từ các diễn đàn tại vương quốc Anh, hầu hết các thiếu nữ trẻ khao khát được trở thành Lena Dunham (diễn viên hài), Beyonce (ca sĩ) hơn là được trở thành hoa hậu quốc gia. Và Lena Dunham thì thấp béo, không đẹp và Beyone thì tròn trịa. Họ không có vẻ ngoài chuẩn mực, chân ngắn hơn 1 mét cũng chẳng có số đo 3 vòng như búp bê barbie, nhưng nhờ thành công và tầm ảnh hưởng các cô gái vẫn coi họ là thần tượng thay vì tôn sùng những nàng hoa hậu (có thể chỉ) đẹp mã.
Các cô gái mơ trở thành những phụ nữ thành danh nhờ tài năng hơn là vẻ ngoài Càng ngày càng bị coi nhẹ, tiền thưởng của các cuộc thi hoa hậu cũng theo đó ngày một “hẻo”. Nhà tổ chức của cuộc thi Hoa hậu Hoàng gia Lancashire, người từng giành được Hoa hậu Đảo Anh cho biết với giải thưởng 250 bảng (khoảng hơn 7 triệu), chẳng mấy người đẹp còn mặn mà tham dự. Cựu hoa hậu Wendy Gerge buồn phiền nhớ lại thời hoàng kim và mô tả các nữ hoàng sắc đẹp từng một thời được xem như “người nổi tiếng”. Hoa hậu Thế giới 2013 Megan Young từng lên tiếng sau khi cô đăng quang gần 1 tháng và phải tham gia rất nhiều hoạt động hậu cuộc thi nhưng phần thưởng chỉ khoảng 510 triệu đồng vẫn “biệt tăm”. Cách đây vài năm Hoa hậu châu Á Thái Bình Dương Park Sae Byul đã tuyên bố trả vương miện bởi BTC không trao thưởng cho cô. Trong khi đó, cách đây vài chục năm, người đăng quang Hoa hậu Thế giới có thể nhận được nửa triệu bảng Anh (hơn 17 tỷ đồng) và vô số các đãi ngộ hậu hĩnh khác.
Megan Young từng than phiền về chuyện tiền thưởng
Câu chuyện nữ quyền và chiếc vương miện Có thể nói phong trào nữ quyền đã giết chết Hoa hậu Thế giới. Nữ quyền đã manh nha dập tắt các đấu trường sắc đẹp thuần túy từ những năm 1970, khi một nhóm biểu tình giải phóng phụ nữ đã luôn mồm nói “Chúng tôi không đẹp, cũng chẳng xấu xí mà đang tức giận”. Họ ném bom bột vào MC trong chung kết Hoa hậu Thế giới. Đây trở thành một vết nhơ khó chùi nhất trong lịch sự cuộc thi này. Ở các nước càng phát triển, cuộc thi sắc đẹp đơn thuần ngày một bị lu mờ bởi hàng ngàn cuộc thi tài năng khác. Một Susan Boyle xấu xí có giọng hát thánh thiện như thiên thần hoàn toàn đánh bại “búp bê barbie” đeo vương miện trong lòng công chúng. Thi hoa hậu ở Anh không còn được truyền hình trực tiếp mà chỉ được tóm tắt ngắn gọn trên bảng tin trên kênh Channel 5 trong khi đó cuộc thi Hoa hậu Thế giới cũng bị “bay” khỏi truyền hình vệ tinh ở chính đất nước sản sinh ra nó. Việc nở rộ các cuộc thi sắc đẹp khiến nó trở nên đại trà, kém sáng tạo và đơn điệu dần. Cùng với đó, việc sàng lọc thí sinh không tốt và quản lý kém dẫn tới sau mỗi cuộc thi sắc đẹp lại có một đống scandal như hoa hậu chụp ảnh nóng, đóng phim đen, cặp bồ với đại gia có vợ, nghiện rượu, dùng chất kích thích… Điều này phần nào đã giết chết hình ảnh hoa hậu đẹp cả người lẫn nết, đẹp từ ngoại hình tới tâm hồn trong tiềm thức của công chúng. Một chân lý là những bông hoa có hương không sắc chẳng khác gì hoa nhựa, chẳng thể khiến lòng người say đắm mãi. Vào tháng 7 năm nay, cuộc thi Hoa hậu Mỹ xuất hiện kém hấp dẫn trên truyền hình Mỹ và chỉ thu được sự quan tâm của 900 ngàn người. Theo các chuyên gia phân tích lý do xuất phát từ phát ngôn kỳ thị người Mexico của “ông trùm hoa hậu” Donald Trump. Tuy nhiên một nguyên nhân khác đến từ việc người dân xứ cờ hoa ngày càng ngán ngẩm cuộc thi đem phụ nữ thành vấn đề để cân đo, đong đếm với những phần thi lặp lại trong vài thập kỷ: bikini, áo dạ hội, ứng xử.
Guardian nhận xét cuộc thi hoa hậu bị “rớt giá thảm hại” nếu so với Victoria’s Secret show Nếu so sánh với show nội y của Victoria’s Secret, một show thời trang được ví von như đêm catwalk của các hoa hậu thì Hoa hậu Mỹ kém xa. Năm 2014, có gần 10 triệu người Mỹ xem Victoria’s Secret show trực tiếp trên CBS. Nhiều khán giả bình luận họ thích show nội y của Victoria’s Secret hơn xem thi hoa hậu không phải bởi vì nó sáng tạo hơn mà còn bởi nó đề cao nữ quyền hơn. “Victoria’s Secret show khiến phụ nữ được khao khát còn trong cuộc thi sắc đẹp, người ta đặt phụ nữ lên bàn cân” – Một ý kiến nhận xét của khán giả được rất nhiều người đồng tình. Sự lụi tàn của các cuộc thi Hoa hậu đã diễn ra ở các nước phát triển nhưng tại các nước đang phát triển, nó vẫn còn rất được quan tâm. Tuy nhiên những gì đã xảy ra tại Anh, đất nước khai sinh ra Hoa hậu Thế giới hay Mỹ, quốc gia sản sinh ra “đặc sản” Hoa hậu Hoàn vũ chính là một bằng chứng hùng hồn cho quá trình thoái trào của các cuộc thi hoa hậu ở các quốc gia khác.
Thu Hương
Theo Dân Việt