Nước mắt và nụ cười trong đêm nhạc nhớ Trịnh

Đêm nhạc “Như cánh vạc bay” được dàn dựng êm ái nhẹ nhàng như một lời tự sự chân thành gửi đến vị nhạc sĩ tài hoa họ Trịnh, người đã rời xa cõi tạm để đến nơi “muôn trùng an lạc”.

15 năm trước, nếu ngày cá tháng tư cũng phổ biến như hiện nay thì chắc hẳn nhiều người sẽ hy vọng thông tin nhạc sĩ Trịnh Công Sơn qua đời là một lời nói dối. Tiếc thay, đó lại là sự thật và người yêu nhạc phải chấp nhận mất mát này suốt 15 năm qua. Nhưng mỗi năm trôi qua, niềm tiếc thương lại giảm đi, thay vào đó, người ta hiểu Trịnh hơn và âm nhạc của tác giả Diễm xưa ngày càng len lỏi sâu hơn vào ngõ ngách đời sống con người.

Mỗi năm, đến ngày giỗ Trịnh Công Sơn, gia đình, nghệ sĩ, bạn bè và người hâm mộ đều tổ chức những chương trình nghệ thuật để tưởng nhớ ông. Tựa đề của các chương trình nhạc Trịnh thường được đặt theo tên một ca khúc của tác giả. Nhiều người thắc mắc tại sao Trịnh Công Sơn có đến 600 ca khúc mà cứ phải đặt đi đặt lại một cái tên, ví như Như cánh vạc bay. Chỉ có thể lý giải rằng, có những tựa đề đã trở thành thương hiệu mà chỉ cần nhắc đến mọi người đã nghĩ ngay đến Trịnh. Như cánh vạc bay là một trong những ca khúc có tựa đề như thế.

Trinh_Cong_Son_48_zing
Nghệ sĩ saxophone Trần Mạnh Tuấn biểu diễn trong chương trình. Ảnh: Anh Tuấn.

Nén hương trầm gửi đến vị nhạc sĩ tài hoa

Đèn đã tắt. Khán phòng Nhà hát Lớn Hà Nội không còn một chỗ trống. Trước những ngọn nến sáp lung linh, mở ảo và nhiều dải lụa trắng, saxophone Trần Mạnh Tuấn – người giữ trách nhiệm mở màn đêm nhạc kỷ niệm 15 năm ngày mất nhạc sĩ Trịnh Công Sơn với tựa đề Như cánh vạc bay – từ dưới bước lên sân khấu, chương trình bắt đầu. Tiếng vỗ tay không ngớt, nhiều người không giấu được sự xúc động.

Tiếng kèn của Trần Mạnh Tuấn khi thể hiện nhạc Trịnh, 20 năm qua vẫn không hề thay đổi, có chăng ngày càng đằm thắm, càng sâu và có độ năng hơn. Là một trong những nghệ sĩ có vinh dự kề cận bên nhạc sĩ Trịnh Công Sơn những năm tháng cuối đời, anh chia sẻ tác giả Biển nhớ dạy mình nhiều điều, không chỉ riêng âm nhạc. Và đêm nhạc đã được khai màn như thế, không phải bằng tiếng hát mà bằng thanh âm của tiếng kèn saxophone quen thuộc trong giai điệu của Trịnh.

Sân khấu Như cánh vạc bay được thiết kế không quá cầu kỳ nhưng lại phù hợp với mục đích mà chương trình hướng tới đó là tưởng nhớ Trịnh Công Sơn. Gam màu chủ đạo của sân khấu là trắng, từ nến, hoa, dải lụa, tới các đạo cụ. Đối lập là màu đen thống nhất trong trang phục các nghệ sĩ biểu diễn. Quang Dũng mặc bộ vest đen lịch lãm hát Em còn nhớ hay em đã quên, Thanh Lam cũng diện một bộ đồ đen kiểu cách để thể hiện nhạc Trịnh theo phong cách của riêng mình với Ru đời đi nhé, còn Hồng Nhung thì mặc một áo dài đen có thêu hoa.

“Chúng tôi không hẹn mà gặp, tất cả đều mặc màu đen trong ngày giỗ Trịnh kết hợp với tiếng hát sẽ như nén hương trầm gửi đến người nhạc sĩ tài hoa của nền tân nhạc Việt Nam. Nhiều ca khúc của ông truyền cảm hứng về sự năng động, sáng tạo và tinh thần cống hiến cho thế hệ trẻ” – Tùng Dương lý giải về trang phục tối màu của bản thân và đồng nghiệp trước khán giả. Ngay sau đó, anh hát Xin cho tôi.

Cao trào của chương trình là Hồng Nhung

Nuoc mat va nu cuoi trong dem nhac nho Trinh hinh anh 2

Hồng Nhung là người phụ nữ gắn bó với Trịnh Công Sơn suốt 10 năm cuối đời của ông. Ảnh: Anh Tuấn

Cao trào của đêm nhạc là sự xuất hiện của Hồng Nhung – đại diện ưu tú nhất của thế hệ thứ 2 hát nhạc Trịnh Công Sơn, sau thế hệ thứ nhất với Khánh Ly, Tuấn Ngọc, Ánh Tuyết. Trịnh Công Sơn và Hồng Nhung, bên “xanh” bên “chín” nhưng đã gắn bó với nhau suốt 10 năm, cho đến khi Trịnh Công Sơn qua đời.

Người thân thuộc mà nhạc sĩ họ Trịnh “không biết gọi là ai” đó bước ra sân khấu nhanh nhẹn như cô Bống răng khểnh thuở nào. Mặc dù bị di ứng cả hai bên mắt, phải đeo kính, nhưng giọng hát của Hồng Nhung vẫn vang sáng nguyên vẹn và hơn cả, cách nói chuyện vẫn dí dóm, tinh tế “đặc sệt” chất Hà Nội. Hồng Nhung hát say đắm và hết lòng hết dạ. Diva nhạc nhẹ, đã ngoài 40 nhưng âm giọng vẫn lanh lảnh như suối nước chảy, không một chút ám màu của thời gian.

Trước khi hát một ca khúc của Trịnh, Hồng Nhung thường có thói quen kể chuyện, nội dung thường là hoàn cảnh ra đời hoặc câu chuyện mà chính Trịnh Công Sơn kể cho nữ ca sĩ nghe. Đó là lợi thế và vị trí khác biệt của Hồng Nhung trong nhạc Trịnh mà không phải ai cũng có được. Lần này, trước khi thể hiện Thuở bống là người, Hồng Nhung tiết lộ: “Thật ra, tôi được anh Sơn viết tặng hơn 3 bài hát chứ không phải chỉ cóBống bồng ơi, Bống không là bống Thuở bống là người. Nhưng những ca khúc khác tôi không dám công khai nhận, tôi chỉ công khai những bài hát gắn với tên thân mật là Bống của mình tôi”. Nói xong, Hồng Nhung cười giòn, khán giả cùng cười theo.

Nhưng cũng có khoảng khắc trong đêm nhạc, Hồng Nhung khóc, đó là khi nữ ca sĩ đọc lời bài hát của Trịnh: “Nhật nguyệt í a trên cao/ Ta ngồi í a dưới thấp/ Một dòng ới a trong veo/ Sao lòng ới a còn đục”. Cô bảo hình như nhạc sĩ Trịnh Công Sơn có dự cảm về sự ra đi mãi mãi khi sáng tác bài hát này. Và do vậy, tác giả Nối vòng tay lớn chia tay cõi tạm với một tâm thể nhẹ nhàng như vừa hết thời gian Ở trọ.

Nước mắt và nụ cười hòa quyện nhờ tình yêu

Nuoc mat va nu cuoi trong dem nhac nho Trinh hinh anh 3
Chương trình có xự xuất hiện của cánh chim bồ câu bay cao nhằm gửi gắm thông điệp và khát vọng hòa bình, khát vọng tình yêu và tinh thần công hiến. Ảnh: Anh Tuấn

Khóc đó rồi lại cười ngay, buồn đó rồi lại vui ngay, cô đơn đó rồi lại yêu đời ngay. Đó là mới là nhạc Trịnh. Giọt nước mắt tưởng chừng như sắp rơi nhưng cũng có thể nhanh chóng chìm trôi vào một nụ cười. Cái gốc của nhạc Trịnh, suy cho cùng là tình yêu, tinh thần lạc quan và niềm yêu sống, tuyệt nhiên không có chỗ cho sự bi quan và bi lụy, thế nên Trịnh Công Sơn mới viết “Sống trong đời sống cần có một tấm lòng/ Để làm gì em biết không/ Để gió cuốn đi”.

Đêm nhạc ngày 1/4 tại Nhà hát Lớn Hà Nội được đặt tên Như cánh vạc bay dù ca khúc cùng tên không hề được ca sĩ nào thể hiện chứng tỏ đạo diễn có một ngụ ý khác về thông điệp, vượt ngoài ý nghĩa một ca khúc thông thường. Sâu thẳm thông điệp trong các sáng tác của Trịnh Công Sơn là đơn giản hóa mọi thứ trong cuộc sống, hãy để trái tim được sống với đam mê, khát vọng, hãy để mọi thứ gió cuốn đi, để niềm vui hay nỗi buồn nhẹ bay như những cánh vạc.

Trịnh Công Sơn đã mất 15 năm, dường như trong quãng thời gian đó, người Việt yêu nhạc Trịnh hơn, hiểu ông nhiều hơn và khó có thể sống thiếu nhạc Trịnh trong đời sống hàng ngày. Có lẽ nhạc Trịnh như dòng sông Hương xứ Huế chầm chậm trôi thanh bình, xuôi về khơi xa xanh ngát và xanh mãi…

Lê Quang Đức

Theo Zing