“Thật sự thì làm gì có nhạc sang, nhạc sến”, danh ca Thanh Tuyền chia sẻ.
Nghệ sĩ Thanh Tuyền (tên thật là Phạm Như Mai, sinh ngày 29 tháng 10 năm 1949) là một ca sĩ thành công với dòng nhạc vàng Việt Nam. Bà đã thành danh tại miền Nam Việt Nam từ trước năm 1975 và sau này tiếp tục nổi tiếng ở hải ngoại.
Sau thời gian dài ở nước ngoài, hiện bà bắt đầu trở lại Việt Nam để hát cho khán giả nước nhà nghe.
“Nữ hoàng Bolero” Thanh Tuyền
Gần đây bà có ra sản phẩm nào mới không?
Tôi chưa từng tự ra album gì cho mình. Ở nhà của tôi bây giờ còn rất nhiều CD đã thu của các hãng trước đây. Tôi thường đưa nhà thờ bán làm từ thiện. Tôi cũng không làm album mới gì cả. Không cần thiết.
Có những ca khúc đã hát gắn bó với bà mấy chục năm như Nỗi Buồn Hoa Phượng, Đà Lạt Chiều Hoàng Hôn, Ở Hai Đầu Nỗi Nhớ, Không Bao Giờ Quên Anh… Mỗi lần thể hiện lại các ca khúc này có mang lại cảm xúc mới mẻ cho bà không?
Mới mẻ nhất là có nhiều chất liệu hơn xưa. Mỗi một giai đoạn khác nhau. Người ta nói kinh nghiệm trên sân khấu, bản thân, cuộc đời. Nhiều bài của tôi nổi tiếng ngày xưa đã được các thế hệ ca sĩ trẻ tiếp tục hát. Nhưng khi tôi về nước thì những khán giả của tôi lại muốn đích thân tôi hát cho họ nghe. Tôi có nhiều bài mới hay lắm nhưng họ không muốn nghe. Họ chỉ thích nghe những ca khúc đã gắn với kỉ niệm một thời, những bài hát khiến họ thương giọng ca Thanh Tuyền.
Dòng nhạc Bolero đang hồi sinh mạnh mẽ trong đời sống âm nhạc nước nhà, bà nghĩ sao về điều này?
Hồi năm 1965- 1966 cả miền Nam đặt tôi là “Nữ hoàng Bolero”. Nhưng lúc đó có nhiều người có thành kiến với dòng nhạc này, họ nói “nhạc sang”, “nhạc sến”. Thật sự thì làm gì có nhạc sang, nhạc sến. Mọi người thử tìm trong 7 nốt nhạc, có nốt nào là sến, nốt nào là sang đâu. Tại vì mọi người có thành kiến, rồi không hiểu.
Tôi là ca sĩ thì bất cứ dòng nhạc nào cũng hát được hết, nhưng tôi có duyên với Bolero nhất. Bây giờ dòng nhạc này đang quay trở lại cho thấy sức sống lâu dài vì đi sâu vào tình cảm thực tế của mỗi người. Bolero rất thực tiễn, mỗi một bản nhạc nói thẳng về tình cảm của một người mà có nhiều người cùng tâm trạng.
Tôi thấy nhiều em trẻ bây giờ hát rất hay nhưng cũng có nhiều em hát để mà hát. Bolero là dòng nhạc chân thật, bình dị, đòi hỏi tình cảm, đòi hỏi người hát phải để hồn vào đó, phải chết sống với bài hát thì mới hay được. Tuy nhiên hiện nay có nhiều người hát dòng nhạc này thì tôi mong nó sẽ còn mãi mãi. Vì dòng nhạc này chỉ có Việt Nam mới có.
Bà khẳng định dòng nhạc Bolero là “đặc sản” của Việt Nam
Nhưng người ta nhận xét Bolero hơi bi lụy và sầu buồn. Có phải như vậy không?
Sầu buồn là do mình thôi. Tôi hỏi thẳng nhé. Nghe Thanh Tuyền hát mọi người có thấy sầu buồn không? Không đúng không? Bi lụy do người ta cố tình tạo ra, đang diễn đấy. Ca khúc buồn tự trong tim thôi chứ không cần phải diễn tả ra. Cùng hát một bản nhạc nhưng có người hát nhẹ nhàng, còn có người hát giống như sắp chết vậy đó, nghe rất mệt mỏi. Dòng nhạc này coi vậy chứ không phải dễ hát đâu, đòi hỏi khi hát phải để cái tâm. Khi hát bất cứ bài nào tôi cũng trút hết cảm xúc, làn hơi…
Người ta nhận xét khán giả của Bolero là khán giả bình dân. Ai cũng có thể ngân nga vài câu. Bà nghĩ sao về điều này?
Đúng vậy, vì mỗi bài hát Bolero là cuộc đời của mỗi một người. Nhiều bài hát cất lời lên cứ như xé từng mảnh trái tim, động chạm thẳng vào cuộc đời nên nhiều người thích. Chẳng hạn bạn vừa bị người yêu bỏ thì có những câu hát đúng tâm trạng đó. Nhiều khi không biết tâm sự với ai thì bạn có thể nghe dòng nhạc này để trút nỗi niềm. Chính vì thế Bolero bền cho đến bây giờ.
Dòng nhạc Bolero dễ hát với mọi người nhưng khó hát hay. Bà làm thế nào nào để đạt đến đỉnh cao với danh xưng “Nữ hoàng Bolero” khó ai có thể vượt mặt?
Tôi cũng không biết thế nào. Đây là món quà trời cho. Hồi xưa, lúc khởi đầu đi hát thì tôi không nghĩ mình sẽ hát dòng nhạc này, tôi chỉ hát những bài ca rất bình thường. Nhưng nhiều nhạc sĩ “đo ni đóng giày” cho chất giọng cao, tình cảm của tôi rồi sáng tác cho một, hai bài và sau đó rất nhiều như Nỗi Buồn Hoa Phượng, Chiều Buồn Ngày Xuân…
Bây giờ nghệ sĩ cùng lứa với bà về nước làm giám khảo các chương trình, cuộc thi trong nước. Bà có xem không và nghĩ sao về điều này?
Tôi cũng xem. Có một số bạn cũng gặp tôi và mời làm giám khảo. Tôi muốn suy nghĩ thêm vì không muốn cảm giác nhìn người thắng – người thua. Tôi không muốn nhìn thấy cảnh người thắng thì vui, người thua thì buồn. Chắc tùy duyên thôi. Tôi cũng chưa biết làm giám khảo thế nào nữa.
Xin cảm ơn bà!