Bố của siêu mẫu Hà Anh – họa sĩ tham gia dựng bối cảnh cho “Kong: Skull Island” – cho biết một số chi tiết liên quan đời sống người Việt được lồng vào phim Hollywood.
– Quá trình ông tham gia sản xuất “Kong: Skull Island” diễn ra thế nào?
– Tôi bắt đầu ra khỏi nhà từ hôm 23 Tết Âm lịch, lúc đi còn chẳng kịp ăn mâm cơm tiễn ông Táo về trời. Chúng tôi phải làm việc xuyên Tết Nguyên đán, không được nghỉ. Ngay cả giao thừa, tôi vẫn cùng sáu anh em khác ở Ninh Bình làm việc. Phải đến khoảng mùng bốn Tết, mọi việc mới suôn sẻ hơn vì những người địa phương tham gia bộ phim mới quay trở lại. Có một điều tốt là tôi có những cộng sự luôn hết mình vì công việc và chấp hành mọi yêu cầu.
NSƯT Vũ Huy. |
Toàn bộ quá trình thực hiện bối cảnh cho phim mất khoảng tám tuần. Các ý tưởng đã được phía Mỹ lên từ trước, chúng tôi chỉ việc theo đó mà thực hiện đồng thời đưa ra các tham vấn cho phù hợp. Chúng tôi dựng lên một ngôi làng của các thổ dân Đông Nam Á, tuy vậy không được để khán giả nhận ra đó là người của dân tộc, đất nước nào.
*Video: Cảnh Việt Nam trong ‘Kong: Skull Island’
– Các yếu tố của Việt Nam được ông lồng ghép ra sao trong bộ phim?
– Yếu tố của Việt Nam xuất hiện rõ ràng trong bộ phim rất ít. Ngoài các chất liệu quen thuộc với đời sống như tre, nứa, chúng tôi có đưa vào một số đạo cụ như giỏ bắt cua, lồng gà, chõng uống nước chè các cụ hay ngồi ngoài chợ, giậm bắt cá… Đó hầu hết là dụng cụ sinh sống của người dân ở đồng bằng của Việt Nam.
Những ngôi nhà trong phim được lấy ý tưởng từ nón lá của người Việt. Trên mỗi nóc nhà, chúng tôi trang trí một chiếc rế đựng nồi cơm đã tháo tung. Ban đầu, họa sĩ người Mỹ chỉ yêu cầu chúng tôi sản xuất ba nhà để làm mẫu rồi đưa về vẽ bằng kỹ xảo. Nhưng khi thấy chúng tôi làm quá nhanh, lại đẹp nên cuối cùng, họ nhờ chúng tôi sản xuất luôn, từ ba đến 10, 20 rồi 30 cái nhà, cuối cùng thành nguyên một ngôi làng.
Cảnh ngôi làng thổ dân trong phim. |
– Ông gặp trở ngại gì khi làm việc cùng êkíp từ Mỹ?
– Mọi thứ đều tốt, không có khó khăn nào cả bởi điện ảnh có ngôn ngữ chung, nhiều khi chỉ cần nhìn là hiểu. Chúng tôi hòa đồng và hỗ trợ nhau khi cần. Tôi thấy nhân viên của mình và các bạn Mỹ ra hiệu để trò chuyện, cười đùa với nhau. Có lần, thấy công nhân Việt hút thuốc lào, một anh Mỹ xin thử thì bị say, nằm lăn quay tại chỗ. Một số người sau đó phải dùng nước để tạt vào đầu anh đó cho tỉnh. Đó cũng là những kỷ niệm buồn cười nhưng khó quên.
Điều tôi tự hào là sau khi bối cảnh dựng xong, các bạn Mỹ hết lời cảm ơn chúng tôi. Phó họa sĩ thiết kế người Mỹ có nói với tôi: “Các ông có đội ngũ rất chuyên nghiệp. Ngày đầu, khi thấy các ông mới đến, chúng tôi có kháo nhau rằng: ‘Không biết những người này đến đây để làm gì nhỉ?’. Bây giờ nghĩ về lời nói buổi đầu ấy, chúng tôi thấy rất áy náy”.
*Video: Khỉ Kong chiến đấu với quái vật trong phim
– Trong lần hợp tác này, ông thấy điện ảnh Việt Nam có thể rút ra kinh nghiệm gì?
– Phim Kong: Skull Island là một tín hiệu tốt cho Việt Nam sau nhiều năm không được Hollywood để mắt. Tôi nghĩ trong tương lai, sẽ có nhiều nhà sản xuất tới đất nước chúng ta để làm phim về chính mảnh đất, con người, văn hóa… nơi đây. Có như vậy, Việt Nam sẽ quảng bá được nhiều hơn về du lịch tới bạn bè quốc tế.
Tôi nghĩ điều mà điện ảnh Việt Nam thua kém Hollywood lớn nhất là ở sự đầu tư. Sự đầu tư ở đây bao gồm cả tài chính và nhân lực. Kong: Skull Island vốn chỉ là bộ phim thương mại, giải trí, không đòi hỏi quá cao siêu về tính nghệ thuật nhưng được đầu tư rất bài bản, chuyên nghiệp. Nhờ đó, những bộ phim mới sinh lãi và các nhà sản xuất mới dùng số tiền kiếm được để tái đầu tư cho sản phẩm tiếp theo. Thử nghĩ xem, khi muốn làm một bộ phim hay mà không đủ tiền để thuê một cái máy tốt, diễn viên giỏi, điều đó chẳng phải đã ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm rồi sao?
Ngoài ra, chúng ta còn có vấn đề về thái độ của người đầu tư. Điện ảnh Hollywood có 100 năm phát triển, Việt Nam thì cũng khoảng 60 năm. Sự khác biệt nằm ở chỗ họ sản xuất phim vì khán giả còn chúng ta thì chủ yếu hoặc là phục vụ chính trị, hoặc là phục vụ “cái tôi” của tác giả. Tất nhiên, chúng ta gần đây cũng có nhiều phim thương mại nhưng hầu hết chỉ là để chiếu cho xong, không được đầu tư đúng mức về mọi mặt và không tôn trọng khán giả.
NSƯT Vũ Huy và con gái Hà Anh. |
– Hà Anh – con gái ông – nhận xét thế nào về bộ phim có bố tham gia dựng bối cảnh?
– Ly (tên gọi ở nhà của Hà Anh) biết tôi thích phim nghệ thuật thuần túy hơn nên chỉ nói ngắn gọn: “Phim đẹp, được ba ạ. Dù chỉ là phim giải trí, họ làm như vậy là thành công rồi”.
Việc thành công đối với một bộ phim như Kong: Skull Island là bình thường, tôi cũng không thấy lạ. Bởi êkíp của họ quá hùng hậu và chuyên nghiệp, chưa kể có nhiều ngôi sao Hollywood tham gia.
***
NSƯT Vũ Huy sinh năm 1955, là một trong những họa sĩ thiết kế hàng đầu của điện ảnh Việt. Ông công tác tại Hãng phim truyện Việt Nam. Vũ Huy từng thiết kế bối cảnh cho nhiều bộ phim lịch sử nổi tiếng như Ngã ba Đồng Lộc, Ký ức Điện Biên, Đêm hội Long Trì.
Trước Kong: Skull Island, nghệ sĩ từng tham gia êkíp thực hiện hai bộ phim nước ngoài quay tại Việt Nam là Người Mỹ trầm lặng và Đông Dương.
Đức Trí
Theo VnExpress