NSƯT Quang Lý: ‘Có ca sĩ hát như dọa người khác’

Hơn 40 năm ca hát, Nghệ sĩ Ưu tú Quang Lý trung thành với phong cách nhẹ nhàng. Anh chia sẻ quan điểm nghệ thuật và suy nghĩ về làng nhạc Việt Nam đương đại.

Anh khá chọn lọc chương trình để tham gia, vì sao vừa qua anh góp mặt trong chuỗi âm nhạc “Nhớ Trịnh Công Sơn – Nối vòng tay lớn” ở TP HCM, Hà Nội và Huế?

– Những năm 1980, khi vào Sài Gòn định cư, tôi nghe nhạc Trịnh Công Sơn rất nhiều. Các ca sĩ, trong đó có Khánh Ly thể hiện dòng nhạc của ông quá tuyệt vời, theo lối hát bản năng mà chúng tôi thường gọi là hát bạch thanh. Tôi nghe nhạc Trịnh qua những giọng ca đó, rồi dần dần mê và yêu lúc nào không biết. Nhưng để đứng trên sân khấu hát thì quả thật, thời đó, tôi chưa dám tin mình làm được. Tôi được đào tạo theo lối hát khuôn khổ của dòng nhạc cổ điển và cảm thấy khá khó khăn khi phá vỡ những khuôn khổ đó.

Chỉ mới đến gần đây, khi ca sĩ Trịnh Vĩnh Trinh và nhạc sĩ Trần Mạnh Tuấn ngỏ lời mời tham gia chương trình kỷ niệm 14 năm ngày giỗ của ông, tôi xem dịp này là cơ hội tốt để làm mới mình. Cũng như khi tôi đến với nhạc của Phú Quang, Phan Huỳnh Điểu, Huy Du, Nguyễn Văn Tý, Đỗ Nhuận, Hoàng Hiệp… việc tiếp cận thêm một nhạc sĩ tài hoa làm sống lại trong tôi nhiều cảm xúc tươi mới của thời trẻ. Tôi thấy mình gần gũi, thân quen với chất nhạc Trịnh trữ tình, sâu lắng, rất đời và tinh tế.

MG-7988-4738-1433632590.jpg

Quang Lý lần đầu tiên hát “Em đi bỏ lại con đường” trong đêm nhạc tưởng nhớ Trịnh Công Sơn. Ảnh: Thoại Hà.

Đến với nhạc Trịnh khi tuổi không còn trẻ, anh gặp áp lực gì?

– Tôi chỉ mới tập hát nhạc Trịnh vài tháng nay. Tập hát theo đúng nghĩa đen chứ không phải cứ muốn hát là hát. Tôi gạt bỏ mọi suy nghĩ rằng mình đã có bề dày kinh nghiệm với sân khấu để cho cảm xúc được tươi mới. Tôi để ý xem các ca sĩ khác thể hiện dòng nhạc của ông như thế nào, từ đó, tự mình chiêm nghiệm cách hát cho riêng mình mà vẫn giữ được chất nhạc Trịnh.

Tôi và nhạc sĩ Trần Mạnh Tuấn chọn bài khá cẩn thận để tôi thể hiện trong đêm nhạc. Chúng tôi chọn bài Em đi bỏ lại con đường – mang giai điệu rất đẹp, nền nã và rất Việt Nam. Tôi hát theo phong cách giản dị, mộc mạc và sâu lắng như chính ca từ, giai điệu của ca khúc. Với nhạc Trịnh, nếu cường điệu hóa hay thêm mắm thêm muối vào thì hỏng ngay lập tức.

Ở tuổi hơn 60 như tôi, tập hát một bài hát mới là cả một vấn đề, vì sức khỏe không còn như xưa, lại hay quên. Nhạc Trịnh, chỉ cần sai một từ là khán giả cũng khó chấp nhận. Vì thế tôi phải cố gắng nhập tâm và tập cho nhuần nhuyễn. Khi lên sân khấu hát, tôi run và hồi hộp lắm. Mà cũng chính nhờ run và hồi hộp mình có cảm xúc hát hay hơn, chứ cứ bình thường ra đứng hát thì không có gì để nói. May là khán giả đã giúp tôi tự tin. Những tràng pháo tay của họ khiến tôi rất hạnh phúc và khuyến khích tôi tiếp tục đến với nhạc Trịnh sau này.

Anh  nghĩ gì về chuỗi chương trình kỷ niệm ngày mất nhạc sĩ Trịnh Công Sơn vừa tham gia?

– Âm nhạc Trịnh Công Sơn gắn với chất cộng đồng khá cao. Nhất là chương trình năm nay càng ý nghĩa hơn khi nhằm mục đích gây quỹ giúp trẻ em có hoàn cảnh khó khăn. Tôi thích hình thức tổ chức âm nhạc gắn với cộng đồng, phục vụ số đông khán giả mà không chỉ nhằm vào mục đích thương mại. Tôi được lưu diễn nhiều nơi trên thế giới và quan sát thấy nhiều nước châu Âu, châu Á chú trọng phát triển festival âm nhạc phục vụ khán giả đại chúng, đưa nhiều loại hình nghệ thuật, âm nhạc trong nhà hát ra gần với mọi người hơn. Điều này giúp xóa khoảng cách giữa nghệ thuật và người xem. Ở những chương trình như thế, khoảng cách giàu nghèo giữa con người với nhau cũng được xóa mờ, tạo nên một hình thức thưởng thức nghệ thuật khá văn minh.

Làng nhạc trong nước của chúng ta hiện nay hình như còn thiếu những chương trình được đầu tư cao về nghệ thuật và mang tính chất cộng đồng. Ngày xưa, thời đói khổ, chúng ta vẫn làm được điều đó. Tôi nhớ thời trước, tôi và anh Trần Tiến từng thực hiện những buổi du ca, hát cho thanh niên, công nhân ở các nông trường, hát cho sinh viên xa quê. Chỉ với chiếc đàn guitar thùng, cái loa sắt, nhưng tính nghệ thuật và cảm xúc của mỗi buổi diễn vẫn được đảm bảo.

Hơn 40 năm qua, Quang Lý vẫn trung thành với một phong cách trên sân khấu.

Hơn 40 năm qua, Quang Lý vẫn trung thành với một phong cách trên sân khấu.

So với thế hệ của anh, sự phát triển của làng nhạc hiện nay đã khác. Ca sĩ đến với nghề và khán giả bằng nhiều hình thức khác nhau. Anh nhìn nhận thế nào?

– Sự phát triển nào cũng đòi hỏi nét đa dạng, phong phú. Tuy nhiên, với riêng tôi, tôi không thích dùng chiêu trò để được chú ý. Tôi quan niệm, một ca sĩ thực thụ phải cất cánh từ chính tài năng và sự chịu khó học hỏi, trau dồi nghề nghiệp. Dù thể hiện dòng nhạc nào thì cốt lõi của người ca sĩ vẫn là giọng hát phải trong sáng, hát từ trái tim và tâm hồn. Đâu phải khi hát rock, hát opera hay pop là cứ gào rú, khàn, khào và là gây ấn tượng. Có ca sĩ hát cứ hùng hục, hát như đang dọa dẫm người khác mà lầm tưởng đó là phơi bày nội lực.

Tôi nhớ trước đây, có lần được thưởng thức nhạc sĩ Đỗ Nhuận trình diễn đánh cùng lúc hơn mười chiếc trống con của Việt Nam. Màn trình diễn gây cho tôi ấn tượng rất mạnh. Rõ ràng, các cụ ngày xưa tinh tế lắm, dù biểu diễn gì, các cụ vẫn chú trọng đến chất sâu sắc bên trong. Tôi nhớ bố tôi hát ca trù, ả đào rất hay. Mỗi nét nhấn nhá đều được cụ thể hiện một cách thanh thản mà khiến người nghe như tôi nhớ hoài. Còn bây giờ, có khi, người ta hát bỗ bã và dễ dãi hơn.

Nhưng nói thế không có nghĩa là làng nhạc trong nước thiếu những tài năng. Gần đây, tôi chú ý đến giọng hát của Kiều Anh – một cô bé biết kết hợp giữa làn điệu ca trù, ả đào đưa vào nhạc pop, nhạc đương đại. Tôi có xem tiết mục cô bé này trình diễn trên sân khấu The Voice vừa qua và rất thích. Nghe hát một lần và cứ muốn nghe tiếp. Nhiều ca sĩ trẻ cũng đang nhận ra rằng, nếu họ học hành bài bản và biết tiếp thu những giá trị tinh hoa trong kho tàng âm nhạc dân tộc, họ sẽ có nhiều cơ hội để thăng hoa và sáng tạo hơn.

– Vì sao tần suất xuất hiện của anh gần đây không nhiều như trước?

– Một phần cũng vì sức khỏe, càng có tuổi người ta càng bị nhiều chứng bệnh của tuổi tác vây bủa. Một phần tôi cũng thấy mình không còn ở thời của giai đoạn đi show chỉ vì tiền.

Tất nhiên, không phải mình chê tiền hay đồng tiền không quan trọng. Tiền thì lúc nào cũng rất quan trọng. Nhưng ở tuổi này, tôi muốn được tham gia những chương trình mang tính xã hội và cộng đồng. Vài năm gần đây, tôi chọn lọc chương trình để tham gia, và thường xuất hiện trong những chương trình lễ lớn, các sự kiện hoặc các chương trình mang dấu ấn về âm nhạc. Tôi cũng thích tham gia những chương trình như “Giai điệu tự hào” chẳng hạn, vì trên những sân khấu như thế, mình được hát những nhạc phẩm đi cùng năm tháng, được giữ chất nhạc vốn có của mình.

Thoại Hà

Theo VnExpress