NSƯT Minh Vương: ‘Thiếu công bằng khi 3 lần đánh trượt tôi khỏi danh hiệu NSND’

“Thật tâm mà nói, tôi rất buồn vì sự đóng góp và cống hiến của tôi đối với nghệ thuật cải lương đã bị xem nhẹ. Tôi thấy người ta không công bằng với tôi khi đánh trượt tôi lần”, NSƯT Minh Vương bày tỏ.

Mới đây, Bộ VHTT&DL đã công bố danh sách 77 hồ sơ đủ điều kiện trình Hội đồng cấp Nhà nước xét tặng danh hiệu NSND. Đây là những hồ sơ đủ 90% số phiếu bầu chọn của Hội đồng chuyên ngành cấp Nhà nước được chọn ra từ 105 hồ sơ do Hội đồng cấp Bộ và Sở Văn hóa – Thể thao/ Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch các tỉnh, thành gửi lên.

Tuy nhiên, trong danh sách này không có tên NSƯT Minh Vương – một tên tuổi lớn của sân khấu Cải lương Việt Nam. Đây là lần thứ 3 nghệ sĩ gạo cội này bị đánh trượt khỏi danh hiệu NSND khi đã lên tới những cấp cuối cùng. Điều này khiến bản thân nghệ sĩ và những người trong nghề không khỏi bức xúc.

NSƯT Minh Vương cảm thấy buồn vì đã bị trượt danh hiệu NSND tới lần thứ 3.

Cảm xúc của ông như thế nào khi cả 3 lần làm hồ sơ xin xét tặng danh hiệu NSND đều đạt 100% số phiếu từ Hội đồng cấp Cơ sở nhưng lên đến cấp trên lại bị trượt?

Mấy bữa nay, tôi nhận được rất nhiều cuộc gọi từ phía anh em, bạn bè, đồng nghiệp và cả các cơ quan truyền thông, chia sẻ về điều này. Thật tâm mà nói, tôi rất buồn vì sự đóng góp và cống hiến của tôi đối với nghệ thuật cải lương đã bị xem nhẹ. Tôi thấy người ta không công bằng với tôi.

Việc tôi làm hồ sơ xin xét tặng danh hiệu NSND lần này là theo đề nghị của Hội Sân khấu TP.HCM chứ cũng không phải tự thân làm. Chính bên Hội đã hướng dẫn tôi kê khai và hoàn thành hồ sơ. Thêm nữa, khi làm hồ sơ gửi lên cấp cơ sở rồi cấp thành phố, hồ sơ của tôi đều đạt 100% số phiếu bầu, vì thế mới được gửi lên cấp Bộ.

Hai lần trước, hồ sơ của tôi bị đánh trượt, tôi cũng không lấy làm buồn lắm vì nghĩ chắc có những lí do nào đó mà hội đồng cấp trên đang cân nhắc, nhưng lần này khi nghe tin tôi không đủ phiếu bầu của Hội đồng chuyên ngành cấp Nhà nước thì tôi hơi ngỡ ngàng và khó hiểu. Bản thân các đồng chí trong Hội sân khấu TP.HCM là những người biết rõ hơn ai hết tôi có những đóng góp, cống hiến gì cho sân khấu cải lương nước nhà trong nhiều năm qua. Kể cả Sở Văn hóa – Thể thao TP.HCM khi đưa hồ sơ của tôi ra xem xét cũng đồng tình nhất trí rất cao.

Liệu ông có định làm đơn gửi lên Hội đồng chuyên ngành cấp Nhà nước để đề nghị xem xét lại trường hợp của mình?

Tôi sinh năm 1949, đến nay đã xấp xỉ 70 tuổi tròn. Tôi bén duyên với nghệ thuật cải lương từ năm 14 tuổi. Năm 1964, tôi đoạt giải Khôi nguyên vọng cổ. Sang thập niên 1970, tôi được nhiều hãng đĩa để ý mời thu thanh. Sau giải phóng, tôi tham gia Đoàn Văn công Giải phóng, rồi đoàn này sát nhập với Đoàn Cải lương Trần Hữu Trang. Thời điểm đó, không mấy ai muốn gia nhập đoàn văn công của nhà nước vì đồng lương rất eo hẹp mà mọi thứ đều thiếu thốn.

Minh Vương - Lệ Thủy được trao kỷ lục là cặp đôi nghệ sĩ gắn bó lâu nhất trên sân khấu cải lương.

Minh Vương – Lệ Thủy được trao kỷ lục là cặp đôi nghệ sĩ gắn bó lâu nhất trên sân khấu cải lương.

Tuy nhiên, tôi nghĩ mình làm nghệ sĩ cải lương thì phải gắn bó với đoàn văn công nhà nước mới có cơ hội phục vụ được nhiều đối tượng khán giả. Tôi chấp nhận một cuộc sống vô cùng cực khổ khi trở thành người của đoàn văn công nhà nước với đồng lương và những nhu yếu phẩm phụ cấp ít ỏi. Thời gian công tác tại đoàn, tôi tham gia tất cả các hoạt động nghệ thuật phục vụ bà con và lưu giữ nghệ thuật cải lương.

Năm 60 tuổi, tôi được về hưu theo tiêu chuẩn của nhà nước nhưng vẫn tham gia đều đặn các hoạt động nghệ thuật của sân khấu cải lương. 10 năm qua, tôi còn tham gia đào tạo và làm giám khảo chương trình “Chuông vàng vọng cổ” để tìm các giọng ca kế cận phát triển sự nghiệp sân khấu cải lương. Bất kỳ hoạt động nào tôi cũng đưa hết sức mình ra để mà cống hiến.

Tôi nghĩ, tôi sẽ không làm đơn kiến nghị nữa bởi sự ghi nhận phải là tự nguyện chứ không phải kiểu “xin – cho”. Nếu người ta thực sự trân trọng những cống hiến và đóng góp của tôi với nền cải lương Việt Nam thì không cần nhìn hồ sơ họ cũng đã biết tôi đã làm được những gì. Mấy ngày qua, tôi không muốn nói gì vì có nói cũng không thay đổi được gì nhưng có nhiều đồng nghiệp và khán giả bức xúc thay cho tôi. Tôi cảm kích trước những tấm lòng mà mọi người dành cho mình.

Nghĩa là lần này cũng là lần cuối ông làm hồ sơ xin xét tặng danh hiệu NSND?

Đúng vậy, nếu có làm nữa cũng vậy thôi nên tôi quyết định sẽ không làm gì nữa. Tôi có nghe nhiều nghệ sĩ lớn tuổi từng nói rằng, danh hiệu là sự ghi nhận của Đảng – Nhà nước đối với sự cống hiến của nghệ sĩ đối với lĩnh vực nghệ thuật chứ không phải là sự xin – cho. Và vì thế mà tôi cũng không muốn xin xỏ làm gì. Với tôi, những gì tôi đã cống hiến cho nền nghệ thuật cải lương, được đồng nghiệp – khán giả ghi nhận thế là cũng đủ rồi.

Dù sao thì với thế hệ chúng tôi, có được danh hiệu NSND mà Nhà nước trao cho cũng quý nhưng nếu không có thì sự ghi nhận của nhân dân cũng đã hạnh phúc rồi. Có danh hiệu mà không thực sự sống trong lòng nhân dân cũng vậy thôi.

Dù đã về hưu 10 năm nay nhưng NSƯT Minh Vương vẫn hoạt động nghệ thuật và có nhiều đóng góp trong việc đào tạo thế hệ kế cận cho sân khấu cải lương nước nhà.

Dù đã về hưu 10 năm nay nhưng NSƯT Minh Vương vẫn hoạt động nghệ thuật và có nhiều đóng góp trong việc đào tạo thế hệ kế cận cho sân khấu cải lương nước nhà.

Tôi chỉ thấy rằng, việc xét tặng danh hiệu nên linh hoạt và công bằng hơn đối với những nghệ sĩ ở lĩnh vực nghệ thuật truyền thống như: Tuồng, Chèo, Cải lương, Hát bội… Bởi những lĩnh vực này thiệt thòi hơn so với tân nhạc. Những nghệ sĩ hoạt động trong lĩnh vực này cũng rất âm thầm và tâm huyết, họ không bao giờ đòi hỏi bất kỳ điều gì. Người ta thường ví người nghệ sĩ nghệ thuật truyền thống như “con tằm rút ruột nhả tơ” là vậy.

Tất nhiên là tôi vẫn giữ lại một chút hy vọng vì đợt rồi đọc báo có nghe bên Vụ Thi đua – Khen thưởng của Bộ VHTT&DL nói là họ sẽ xem xét lại các trường hợp không nằm trong 77 hồ sơ đủ điều kiện xét tặng danh hiệu NSND trình Hội đồng cấp Nhà nước vừa được công bố. Tôi mong muốn các vị cấp trên xem xét lại cụ thể 28 hồ sơ bị trượt vì không đủ phiếu bầu và có lời giải thích thỏa đáng đối với từng người.

**

NSƯT Minh Vương (tên thật Nguyễn Văn Vưng) sinh 1949, trong gia đình anh có 7 anh em ở Cần Giuộc – Long An. Ông thành công với các vở diễn như: Đời cô Lựu, Máu nhuộm sân chùa, Rạng ngọc Côn Sơn, Tô Ánh Nguyệt, Đêm lạnh chùa hoang, Đường gươm Nguyên Bá… Các nam nữ nghệ sĩ ông có dịp hát – diễn chung: Lệ Thủy, Bạch Tuyết, Phượng Liên, Thanh Tuấn, Thanh Sang, Minh Phụng, Thanh Kim Huệ, Mỹ Châu, Út Bạch Lan…

Ông được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú năm 2007 vì những thành tích đóng góp của mình trong nghệ thuật cải lương.

Năm 2008, Trung tâm sách kỷ lục Việt Nam trao tặng danh hiệu ”Đôi nghệ sĩ cải lương đóng chung lâu năm và ưng ý nhất” cho NSƯT Minh Vương – Lệ Thủy. Cả hai nghệ sĩ đã gắn bó với nhau gần 40 năm trên sân khấu.

Hà Tùng Long

Theo Dân Trí