Nhạc sĩ Phó Đức Phương, GĐ Trung tâm Bảo vệ Quyền tác giả Âm nhạc Việt Nam (VCPMC) đã làm sáng tỏ những thắc mắc về quyền tác giả cũng như những bất đồng liên quan đến việc nhạc sĩ Phú Quang ngừng ủy thác tác quyền cho trung tâm. Nhạc sĩ Phú Quang đưa ra những thông tin vô căn cứ
Mới đây, nhạc sĩ Phú Quang băn khoăn là tại sao tiền thu tác quyền lớn, mà nhạc sĩ – những người ủy quyền lại nhận được rất ít? Nhạc sĩ Phú Quang đưa ra những thông tin vô căn cứ, có dụng ý không tốt khiến chúng tôi buộc phải có những hành động để giúp công chúng nhìn nhận sự việc một cách đa chiều, cụ thể, chi tiết và khoa học. Tiền tác quyền nhiều hay ít trong một quý còn phụ thuộc vào người sử dụng nhạc. Có những quý nhiều chương trình, biểu diễn, tiền tác quyền nhiều. Có quý ít chương trình, tiền tác quyền sẽ giảm, chứ không phải tiền tác quyền thu được phải là một con số ấn định. Ngoài ra, có những bài hát thu được 4-5 triệu đồng từ những show diễn hoành tráng, nhưng cũng có những ca khúc chỉ thu được từ 100 nghìn đồng đến 200 nghìn đồng từ những cơ sở kinh doanh karaoke. Có những quý, nhạc sĩ Phú Quang nhận gần 100 triệu đồng tiền tác quyền nhưng có những quý chỉ vài chục triệu. Trong đó, chương trình nhạc sĩ này từng được trả cao nhất là trên 5 triệu đồng. Nhạc sĩ Phú Quang thắc mắc về liveshow Bằng Kiều, tại sao ban đầu phía VCPMC định thu 4 triệu/ bài nhưng sau đó lại hạ xuống còn 700 nghìn đồng/bài? Từ tháng 10/2011- 10/2013, việc thu tiền tác quyền các đơn vị tổ chức ở miền Bắc rất tiêu cực và thê thảm. Phần lớn các nhà tổ chức đều lẩn tránh. Thế nên, VCPMC đã linh động thu tiền tác quyền trọn gói các chương trình theo địa điểm biểu diễn thay cho cách tính của Nghị định 61. Cụ thể tiền tác quyền tổ chức ở Nhà hát Lớn là 18 triệu/đêm diễn; Cung Văn hóa Hữu nghị Việt Xô và Trung tâm Hội nghị Quốc gia là 25 triệu/đêm diễn. Trong khoảng thời gian đó Bằng Kiều có hai đêm diễn, một vào ngày 28/10/2012 do công ty Hồ Hoài Anh tổ chức tại TT Hội nghị Quốc gia với mức khoán bản quyền là 25 triệu. Tuy nhiên, sau đó, Hồ Hoài Anh có nói chương trình làm từ thiện hỗ trợ quỹ Trái tim cho em nên VCPMC đã linh động giảm 25% tiền phí tác quyền còn 18,75 triệu. Liveshow thứ hai của Bằng Kiều diễn ra vào ngày 2/11/2013 do công ty Venus miền Bắc tổ chức nhưng có làm việc và kí với VCPMC từ trước tháng 10/2013 nên tiền tác quyền cũng chỉ là 25 triệu cho một đêm diễn. Tuy nhiên, công ty này xin nộp chậm và mới nộp trong tuần vừa qua nên VCPMC chưa bóc tách để gửi đến các tác giả. Thế nên, không có chuyện VCPMC yêu cầu lấy 4 triệu/bài tiền tác quyền của nhạc sĩ Phú Quang trong bất cứ liveshow nào của Bằng Kiều tại khoảng thời gian nói trên rồi giảm xuống còn 700 nghìn đồng như Phú Quang nói vì nó phi logic. Về việc nhạc sĩ Phú Quang ám chỉ cách chi trả chậm trễ hoặc có biểu hiện “lờ” đi của VCPMC đối với các tác giả là nhà thơ, ý kiến của ông như thế nào? Đối với các tác giả thơ đã ký hợp đồng với VCPMC, ký ngày nào thanh toán tiền cộng dồn từ trước cho tới ngày ký. Còn một số ít nhà thơ chưa ký, nếu bên sử dụng nhờ thu thì VCPMC thông báo rộng rãi trên các tờ báo để tìm tác giả như: Văn nghệ trẻ, Nghệ thuật mới, Tạp chí Âm nhạc, Sóng nhạc. Do đó, VCPMC chủ động thông tin đến các tác giả chứ không phải chờ nhạc sĩ Phú Quang xúi các nhà thơ. Có kẽ hở trong quy chế cấp phép Số tiền % hiện nay mà VCPMC giữ lại là bao nhiêu? Khi thu tiền tác quyền cho các tác giả, Trung tâm đã giữ lại tỉ lệ % không giống nhau ở các loại hình. Ở lĩnh vực băng đĩa chúng tôi giữ lại có 5%, xuất bản sách 10%; Nhạc chuông, nhạc chờ 20% và cao nhất là 25%. Điều này đã được Hội Nhạc sĩ VN ra quyết định giữ lại theo tỉ lệ như vậy. Thêm vào đó, CISAC – Liên minh quốc tế các hiệp hội nhà soạn nhạc và lời, cũng nói rằng, trong những năm đầu khó khăn tỉ lệ giữ lại cho phép là 30%. Xảy ra các vụ lùm xùm này, rõ ràng vẫn còn những kẽ hở về pháp luật. Ông nghĩ thế nào? Theo tôi, đúng là có kẽ hở trong quy chế cấp phép. Thực hiện nghĩa vụ luật pháp là điều kiện đầu tiên, sau đó mới đến điều kiện đủ: Trang phục, âm thanh, ánh sáng… Anh xin phép biểu diễn, anh cần chứng minh đã có quyền sử dụng các tác phẩm trong chương trình. Không thể nói đây là chuyện của các anh dân sự, để cho chúng tôi “đâm chém” nhau… Tôi được Bộ VH,TT&DL thông báo rằng, năm nay sẽ trình lên Chính phủ sửa đổi NĐ 79, trong đó có những điều mà chúng tôi kiến nghị rất nhiều năm nay, cơ quan quản lý Nhà nước phải hướng dẫn cho người dân tuân thủ luật pháp. Mong điều đó sớm được thực hiện. NSND Trần Bình chia sẻ đang ấp ủ mở một trung tâm bảo vệ tác quyền âm nhạc. Ông nghĩ sao về điều này? Nếu có, chắc chắn Cục Bản quyền sẽ tư vấn cho Nhà nước và Bộ Nội vụ. Bởi là thành viên quốc tế, chúng tôi biết là không thể có hai tổ chức cùng một nhiệm vụ. Phải dàn xếp với nhau, bởi chồng lên nhau trước hết gây rối ren cho những người sử dụng tác phẩm, và cho cả những người thực hiện việc này. Cảm ơn ông!
Trong thông tin cung cấp cho báo chí trước đó, nhạc sĩ Phú Quang đã nói khá nhiều tới việc VCPMC tỏ ra tùy tiện và thiếu minh bạch trong việc thu và chia tác quyền cho đội ngũ sáng tác. Cụ thể, theo lời nhạc sĩ Phú Quang, từ khi ủy quyền cho VCPMC, ông chỉ có một lần nhận tác quyền hơn 1 triệu đồng/bài. Còn lại, trong các lần trả tiền khác, ông nhận được những mức tác quyền rất khác nhau, từ 500 nghìn đồng, 300 nghìn đồng, 100 nghìn đồng cho tới 10 nghìn đồng… Thậm chí, trong liveshow Bằng Kiều trước đây, VCPMC đã từng thu 4 triệu đồng/ca khúc của Phú Quang nhưng chỉ chuyển lại cho ông 700 nghìn đồng. Ngoài ra, nhạc sĩ Phú Quang cũng nhắc tới mức thu vô lý tại một số chương trình khác, chẳng hạn như thu 80 triệu đồng cho 5 ca khúc của cố tác giả Đoàn Chuẩn trong một chương trình biểu diễn tại TP HCM… Nhạc sĩ Phú Quang tuyên bố ngừng ủy thác cho đơn vị này bảo vệ và khai thác tác quyền các ca khúc của mình kể từ 1/9/2014.
Phạm Lý
Theo Giao Thông Vận Tải