Dù cuộc “xâm thực” của truyền hình thực tế (THTT) không còn mới mẻ nữa, nhưng đây lại là năm mà nhiều chương trình (CT) dành cho đối tượng nhí đổ bộ. Sau Giọng hát Việt nhí, Vũ điệu tuổi xanh, Đồ Rê Mí, Bước nhảy hoàn vũ nhí cũng đã lên sóng. Lẽ thường, thêm nhiều sân chơi cho trẻ em là thêm nhiều niềm vui, nhiều kênh giải trí cho trẻ. Nhưng, phía sau THTT cho trẻ em lại chứa đựng những mảng tối ít ai ngờ. Ngay từ khi mới bắt đầu rục rịch tuyển sinh, sự chuẩn bị cho các sân chơi này đã rộn ràng. Các cuộc thi tài nhí ở đây không chỉ dừng lại giữa các thí sinh (TS), mà còn là cuộc đua của các “lò”, các nhà sản xuất (NSX) và các phụ huynh (PH).
Thí sinh chương trình Vũ điệu đam mê
Nóng ở các “lò”luyện Tại Hà Nội, “lò” của ca sĩ Thái Thùy Linh là Trung tâm đào tạo nghệ thuật Taca Emca khá mát tay trong việc đào tạo nên những hạt giống cho THTT. Vì thế, Taca Emca được nhiều PH chọn khi có ý định cho con rèn luyện để đi thi. Năm nay, ngay từ khi CT Giọng hát Việt nhí (GHVN) và Đồ Rê Mí (ĐRM) chưa phát sóng, trung tâm này đã sớm công bố danh sách các học viên của mình “đậu” vào một số cuộc thi. Cụ thể, Mai Chí Công, Bích Hằng và Cao Lê Hà Trang lọt vào vòng Giấu mặt GHVN; Tuấn Ngọc, Bảo Châu lọt top 12 ĐRM; hai bé Duy Khánh và Thùy Linh thẳng bước tiến vào vòng chung kết cuộc thi Nhí tài năng 2014 (dành cho các em nhỏ thích ca hát, nhảy múa, dẫn CT)… Ở TP.HCM, “lò” đào tạo ca hát nhí được đánh giá cao nhất hiện nay là Học viện Soul Music của Thanh Bùi. Sau GHVN mùa đầu tiên được yêu thích ở vai trò giám khảo, tuy không tiếp tục góp mặt trong mùa thứ hai nhưng nhiều PH vẫn tìm đến Soul Music, nhờ Thanh Bùi đào tạo cho con em, trong đó không ít để tham gia GHVN. Năm nay, Soul Music có hai TS góp mặt trong CT này. “Lò” đào tạo nhảy múa của các vũ công nổi tiếng như Khánh Thy, Nhã Khanh, John Huy Trần cũng rộn ràng không kém. Tại CT Vũ điệu tuổi xanh (VĐTX), kiện tướng Nhã Khanh lần đầu làm giám khảo THTT, đã không quên đưa vài học trò của mình vào CT này. Ở chương trình Bước nhảy Hoàn vũ nhí (BNHVN), Khánh Thy không làm giám khảo như mọi khi mà chuyển sang làm MC, nhưng nhiều học trò của cô cũng có mặt trong CT. Đến nhà sản xuất “đua” Khi nhiều cuộc thi đồng loạt diễn ra, việc “săn” TS là khâu khá quan trọng đối với các NSX. Có mặt tại một giải về dance sport tại Hà Nội, đội ngũ casting CT VĐTX lập tức “chấm” được một TS khá nổi bật. Một cuộc “chộp bắt” đã diễn ra với đầy lý lẽ dành cho PH của TS này nhưng bất thành vì trước đó PH này đã bị thuyết phục bởi GHVN. Đó chính là cậu bé “Micheal Jackson nhí” Hoàng Anh gây bão trong tập hai của Vòng giấu mặt – GHVN vừa qua. Vừa hát tốt lại vừa có khả năng nhảy múa (Hoàng Anh từng đoạt nhiều giải về nhảy múa nhí), nên không chỉ được VĐTX và GHVN “chèo kéo”, cả BNHVN cũng thuyết phục TS này về với mình nhưng đành chịu thất bại. Dĩ nhiên, Hoàng Anh không phải là TS duy nhất. PH của một TS VĐTX, trước đó đã cho con mình casting “thử” cả hai CT VĐTX và GHVN. Rốt cuộc, em “đậu” cả hai, và khi biết đối thủ cũng đang nhắm TS này, hai NSX đều trổ tài thuyết phục để cố giữ TS ở lại với mình. Cuối cùng, gia đình chọn VĐTX. Dĩ nhiên, việc tranh TS chỉ là một trong các khâu “đua” của NSX. Nghe ngóng nhau tuần này đối thủ sẽ “nhấn” vào TS nào trong tập phát sóng, để “né” những gương mặt tương tự hoặc để tìm một TS “trên cơ” cho tập phát sóng của CT mình… là chuyện đang diễn ra hàng ngày như một bộ phim trinh thám, dù NSX nào cũng luôn miệng cho rằng chỉ quan tâm đến CT của mình, không màng đến có đối thủ hay không.
Hoàng Anh, “chiến binh” của THTT có số lần tham gia lớn hơn số tuổi
Cuộc chơi của người lớn Trong guồng quay của THTT cho trẻ em còn có một cuộc đua khác, được núp bóng dưới các mỹ từ: hiện thực hóa giấc mơ của con. Ít ai biết rằng Hoàng Anh – gương mặt gây sốt tại vòng Giấu mặt GHVN năm nay đã có số lần tham gia các cuộc thi nhiều hơn số tuổi của mình. Ông Nguyễn Đức Dũng, bố Hoàng Anh cho biết, từ khi sáu tuổi, em đã bắt đầu đi thi. Cho đến nay, Hoàng Anh đã có rất nhiều huy chương vàng về nhảy múa ở giải toàn quốc và giải mở rộng của các tỉnh, thành. Về ca hát, em từng đoạt giải nhất cuộc thi Sơn ca của Hải Phòng. Thực tế, GHVN 2014 không phải là CT THTT đầu tiên mà Hoàng Anh tham gia, trước đó em từng có mặt tại Vietnam’s Got Talent 2011 với bài hát Chú ếch con. Theo ông Dũng, lần này chọn GHVN mà không phải VĐTX hay BNHVN, vì gia đình cho rằng giải về nhảy múa bé đã đoạt nhiều rồi, bé cần cọ xát thêm lĩnh vực khác là ca hát (!?). Tại buổi ra mắt CT VĐTX, khi những đứa trẻ chạy đuổi cùng nhau, liền bị các PH “tóm” vào để tạo dáng trước băng rôn quảng cáo của CT, nhằm tranh thủ các ống kính phóng viên đang chĩa vào. “Nó nhảy khá lắm, học cũng lâu rồi, các thầy cô đều khen. Vậy mà vợ chồng tôi phải dỗ mãi nó mới chịu đi thi”, một bà mẹ hồn nhiên kể về con mình, đang đứng cách đó vài bước chân. Bà cũng cho biết, con bé giỏi hơn chị mình nhiều vì người chị chỉ biết học, còn con bé thì đã nhiều lần kiếm được tiền về cho gia đình khi đi thi nhảy ở trường, tham gia các cuộc thi cấp quận… Một ông bố khác không ngần ngại cho biết: “Cháu nhà tôi rất có năng khiếu, lại xinh nữa, vợ chồng tôi đã hướng cho cháu lớn lên làm nghệ thuật nên phải đi thi ngay từ bé cho quen, cũng là để tìm cơ hội, biết đâu được làm diễn viên”. Đó là lý do mà có bất cứ cuộc thi nào, từ Ai thông minh hơn học sinh lớp 5, đến các cuộc thi hát cấp quận… ông đều bảo con đi thi, từ khi bé mới sáu tuổi. Tại các buổi ghi hình của GHVN, phía sau hậu trường không thiếu hình ảnh nhiều ông bố bà mẹ đùm túm những hộp sữa cho con uống lấy sức, hay tiếng la “Đừng chạy nữa, môi con nhạt hơn con bé kia rồi, thấy không, đưa đây mẹ bôi thêm son”… Ở hậu trường đó, có tiếng trẻ than mỏi lưng, có ánh mắt mệt mỏi vì chờ đợi nhiều tiếng đồng hồ, nhất là khi buổi ghi hình rơi vào ngày mưa của Sài Gòn. Trên khán đài, nhiều PH dắt con mình ngồi xem. “Năm nay nó có thi nhưng bị rớt rồi, tui dắt nó đi coi cho biết những TS khác giỏi ra sao để về mà lo học luyện thanh nhiều vô”, một bà mẹ cho biết, con chị năm nay tám tuổi. Chị nói thêm, trước đây cháu từng thi ở trường và được khen, “cả nhà mát mặt lắm”. Tuổi thơ của con, những ganh đua tỵ hiềm mà lẽ ra một đứa trẻ không nên nếm phải đã bị ngụy biện trong nhiều lý lẽ, mà thật ra đó chỉ là ước vọng hoặc tham vọng riêng của bố mẹ.
Châu Giang – Võ Hà
Không còn sự hồn nhiên ● Chuyên viên tư vấn tâm lý Lê Khanh (Trung tâm tư vấn tâm lý Rồng Việt): Hiện nay CT THTT cho trẻ em đang thu hút từ các NSX cho đến PH của các bé có chút tài năng. Một đằng là lợi nhuận, một đằng là sự nổi tiếng, và nạn nhân thường là trẻ em. Bởi, nếu xem THTT là một sân chơi cho trẻ, thì phải đặt các yếu tố hiệu quả trong việc phát triển tài năng và trí lực của trẻ lên hàng đầu. Thế nhưng, ngoài một số sân chơi có giá trị giáo dục, hầu hết các CT THTT muốn thu hút người xem đều phải đặt yếu tố thi đấu là điều tiên quyết, vì chỉ có thi đua một cách quyết liệt mới hấp dẫn. Khi đó, ngoài việc tập luyện căng thẳng, còn phải chứng kiến nhiều “thủ thuật” lẫn “xảo thuật” để có thể đem lại chiến thắng, các em khó mà giữ được sự hồn nhiên, trong sáng và tự tin vào chính mình. Hơn nữa, khác với người lớn, trẻ em chưa có khả năng tự chủ cao, chưa thể kiểm soát được cảm xúc của mình, vì thế, dù thành công hay thất bại cũng tạo ra một áp lực, ảnh hưởng nặng nề lên tâm lý của trẻ. Nói cách khác, dù chiến thắng hay không, các em cũng trở thành nạn nhân của THTT: chiến thắng thì kiêu ngạo, hãnh tiến, coi thường các giá trị khác; thất bại thì nhận sự chê trách hoặc tự thấy mình bất tài, không còn biết quý trọng bản thân. Đó là chưa kể, các em phải đầu tư không ít thời gian, năng lực, nên dù muốn hay không cũng ảnh hưởng đến việc học. ● N.L., phụ huynh của một thí sinh Giọng hát Việt nhí Ghi hình GHVN, thấy nhiều em chào cô Lưu Thiên Hương một cách rất thân mật, hình như họ có biết nhau từ Hà Nội rồi. Chú Quang Thắng (MC hậu trường của chương trình – PV) hình như cũng có cháu hay người quen đi thi. Cô Thái Thùy Linh có học trò đi thi. Thì ra bây giờ mấy cuộc thi đều là từ quen biết hết. ● Ca sĩ Phương Thanh: Tôi không bao giờ cho con mình tham dự các CT THTT dù bé hát tốt, nhảy tốt. Đây là quan điểm của riêng tôi, không phải là lời khuyên bảo ai cả. Bản thân tôi cũng sẽ không bao giờ làm TS lần nữa. Riêng điều tôi nhìn thấy ở THTT sau một lần làm TS là ở THTT có vui, có buồn và có bất công, có dàn dựng. Dàn dựng ở mức độ nào thì tùy lương tâm của từng NSX. Cũng đừng tìm sự công bằng ở đó. Nếu tham gia, đừng để ai đó sắp xếp hay “phân vai” cho mình. Hãy làm nếu thấy đúng, còn lăn tăn thì nên dừng lại. Làm giám khảo một số CT THTT, tôi tuân theo tiêu chí “thấy sao nói vậy”, những gì tôi làm là bởi vì tôi thấy cần làm chứ không phải vì người khác muốn. |
Ca sĩ – nhạc sĩ Thanh Bùi: Tôi khuyên các bé cứ trải nghiệm, nhưng thấy gì không đúng thì đừng làm!
* Nhiều người cho rằng THTT nói chung và THTT dành cho trẻ em nói riêng ở Việt Nam vận hành không giống THTT nước ngoài, anh nghĩ sao? – Phải thành thật thừa nhận là có. Ở nước ngoài, dù cũng là kinh doanh nhưng mọi thứ diễn ra rất thật, không có một chút “diễn” nào. Nhất là khi tôi xem The Voice Kids Đức, tôi thích đến phát cuồng vì nó thật quá, không một chiêu trò nào cả. CT của họ có kiếm tiền không? Có chứ! Nhưng họ làm được vậy còn chúng ta thì chưa. * Sau khi ngồi ghế giám khảo, anh có tin là THTT Việt tôn trọng sự thật? – Tôi chỉ có thể nói là chúng ta cần học thêm nhiều CT thành công của nước ngoài. Tôi biết THTT Việt bị hạn chế nhiều thứ lắm, về thời gian lẫn tài chính. Chỉ mong càng ngày mình càng phát triển được THTT theo đúng nghĩa của nó. * Anh có né tránh điều gì trong câu trả lời này không? – (Cười) Việt Nam là một đất nước đang phát triển mà, cần thời gian để ổn định lại. Trước khi ổn định thì phải đôi chỗ hỗn loạn. Những tiêu cực ngày hôm nay tôi mong ngày mai sẽ khác. * Nhưng đây không phải là hòa bình hay là sự nghèo khó mà là tuổi thơ… – Đúng, tôi đồng ý về điều đó. Nó thật đau lòng. * Có hai học viên của anh tham gia The Voice Kids năm nay, anh đã khuyên các em điều gì? – Tôi bảo The Voice Kids chỉ là một cuộc chơi, đây không phải là cơ hội nổi tiếng hay kiếm tiền. Muốn đi lâu dài thì các con phải có một nền tảng bền vững. Tôi cũng nói với các bé rằng, cứ trải nghiệm, nhưng thấy cái gì không đúng thì đừng làm. Đừng để ai ép buộc con, nếu bị ép buộc con hãy dừng lại, còn có nhiều cuộc thi khác. Nói chung, tôi muốn các bé xem cuộc chơi nhẹ nhất có thể. Sự hồn nhiên không có tiền nào mua được, và khi nó mất đi sẽ chẳng thể nào có lại.
V.H. (ghi)
Theo Phụ Nữ