Không chỉ ở Việt Nam mà làng giải trí thế giới cũng ghi nhận một số trường hợp đau lòng.
Một người biểu tình đứng trước chân dung của họa sĩ Chuck Close, phản ứng hành vi quấy rối tình dục nhân danh nghệ thuật của ông. ẢNH: INSTAGRAM
Đầu năm 2018, tờ New York Times đưa tin 4 nữ người mẫu bất ngờ tố cáo họa sĩ Chuck Close có hành vi lạm dụng tình dục tại studio của ông ở New York (Mỹ). Chuck Close là một trong những nhà cầm cọ gạo cội ở mảng tranh chân dung, tranh nude, từng được Tổng thống Mỹ Clinton tặng thưởng huy chương dành cho nghệ sĩ có nhiều cống hiến cho ngành giải trí Mỹ hồi năm 2000.
Theo Huffington Post, danh họa 77 tuổi đã mời những phụ nữ tuổi từ 20-30 đến studio riêng để vẽ chân dung, rồi yêu cầu họ khỏa thân tác nghiệp. Bị động chạm vùng nhạy cảm cùng những lời nói mang tính chất “khẩu dâm”, những người này đã lên tiếng tố cáo Chuck Close gây chấn động làng tranh hồi đầu năm nay. Trước làn sóng phản ứng, Chuck Close đã phải lên tiếng xin lỗi.
Một góc bảo tàng tư nhân của Chuck Close. ẢNH: GETTY/AFP
“Tôi đã chụp ảnh và vẽ cả tranh chân dung lẫn khỏa thân từ năm 1967. Những người mẫu của tôi đều là hoàn toàn tự nguyện. Trong 50 năm qua, tôi đã tạo ra hàng trăm bức ảnh khỏa thân của nam và nữ, chưa bao giờ nhận được bất kỳ khiếu nại nào. Sau khi biết rằng tôi đã làm những phụ nữ trên cảm thấy khó chịu, tôi xin lỗi, tôi không chủ định làm thế”, ông nói.
Scandal khiến Bảo tàng nghệ thuật quốc gia (The National Gallery of Art – NGA) hủy triển lãm của Chuck Close, dự kiến mở ra vào tháng 5.2018, cũng như nhấn chìm tên tuổi của họa sĩ từng có những tác phẩm bán được triệu đô.
Chuck Close không phải là cái tên duy nhất “làm rầu” nền nghệ thuật. Tương tự như vậy, triển lãm tranh của Thomas Roma cũng bị NGA khai tử khi vị giáo sư Đại học Columbia bị cáo buộc lạm dụng tình dục 5 sinh viên cũ, thậm chí là hiếp dâm. Theo New York Post, ông buộc phải rời khỏi Đại học Columbia vào ngày 3.1.2018, chỉ một ngày sau khi bài tố cáo được đăng tải. Các phòng trưng bày nghệ thuật ở Mỹ đã hạ tranh của giáo sư sinh năm 1950 vì tai tiếng này.
Một họa sĩ đang vẽ ảnh khỏa thân của người mẫu nam. ẢNH: NEWS.ARTNET
Một số cái tên gây tranh cãi còn có Thomas Eakins, họa sĩ trường phái tả thực Mỹ, một trong những tài năng hội họa lớn của thế kỷ 19. Tờ The Conversation mô tả ông thường cởi quần áo trước mặt sinh viên mà chưa hỏi ý họ, sử dụng ngôn từ tục tĩu, nói rất nhiều về bộ phận sinh dục nam trong các lớp dạy sinh viên. Bất chấp tài năng xuất chúng, năm 1886, danh họa đột ngột bị sa thải khỏi Học viện Pennsylvania, và cuộc đời còn lại sống như một kẻ bị ruồng bỏ khỏi xã hội ở Philadelphia. Tờ này cho biết nhiều trường hợp lạm dụng tình dục đã bị vùi lấp, phần nhiều là do các nạn nhân không dám đứng ra tố cáo, cũng như phong trào #Metoo chưa lan rộng như hiện nay.
Theo news.artnet.com, từ thời xa xưa, tranh nude đã đóng một vai trò quan trọng trong nghệ thuật của các nền văn hóa. Nhưng trong thế kỷ 21, mức độ chuyên nghiệp được đặt cao để bảo vệ cả hai phía: người mẫu và họa sĩ trong công việc có sự tương tác nhạy cảm.
Một người mẫu body painting bức xúc đưa thông điệp về nạn quấy rối tình dục của họa sĩ với người mẫu ảnh nude. “Quần áo của tôi không thể hiện sự đồng ý của tôi”, cho rằng người mẫu có thể dễ lột đồ nhưng không có nghĩa là dễ dãi trong chuyện tình dục. ẢNH: INSTAGRAM
“Nguyên tắc quan trọng nhất là không được chạm vào người người mẫu. Đừng di chuyển cánh tay họ đến một góc độ khác, không chạm vào khuôn mặt họ để thay đổi góc nghiêng. Nếu bạn muốn người mẫu khỏa thân thay đổi tư thế, phải mô tả bằng lời nói, hoặc có thể thị phạm”, Michael Grimaldi, Chủ tịch Học viện Nghệ thuật New York, chia sẻ.
Hiệp hội các diễn viên Anh Quốc cũng đưa ra nguyên tắc này cho các đạo diễn để tránh lạm dụng tình dục: “Hình ảnh khỏa thân/bán khỏa thân phải được diễn viên duyệt qua bằng hình ảnh demo trước khi buổi chụp diễn ra”.
Ngoài ra, một nguyên tắc quan trọng mà các nhiếp ảnh, họa sĩ buộc phải tuân theo, đó là không dùng điện thoại di động có khả năng chụp ảnh khi tác nghiệp người mẫu nude. “Điện thoại di động bị cấm trong mọi tình huống. Các người mẫu cũng được khuyến khích quan sát thiết bị này và có mọi quyền chấm dứt tư thế khi nhìn thấy”, Grimaldi nói thêm.
Nhiếp ảnh gia nổi tiếng Hollywood bị tẩy chay vì lạm dụng tình dục người mẫu
Năm 2017, giới thời trang thế giới thở phào khi nhiếp ảnh gia nổi tiếng Terry Richardson bị các tạp chí danh tiếng như Vogue, Glamour, Vanity Fair, GQ… đưa vào danh sách đen. Nhiều năm qua, tay máy U55 đã không ít lần lần đối mặt với những cáo buộc về lạm dụng tình dục đối với người mẫu nữ, tuy nhiên ông liên tục phủ nhận. Việc cấm Terry Richardson cộng tác với tạp chí lớn là động thái cứng rắn nhằm cổ vũ làn sóng tẩy chay vấn đề lạm dụng tình dục ở Hollywood.
Terry Richardson nổi tiếng là nhiếp ảnh gia đồi trụy trong làng mốt . ẢNH: INSTAGRAM
Đáng chú ý, một stylist từng làm việc cho Terry tên Jezebel đã xin nghỉ vì không chịu nổi việc phải chứng kiến ông quấy rối nhiều người mẫu Đông Âu. Người này cho biết đa số chân dài bị lạm dụng đều không nói được tiếng Anh, một phần khác vì quá xấu hổ, nên đã không dám vạch trần bộ mặt của nhiếp ảnh gia kỳ cựu chuyên sờ mó và ép người mẫu chụp ảnh khiêu dâm.
Richardson còn thú nhận đã quan hệ tình dục với một loạt phụ nữ và nhấn mạnh rằng tất cả cuộc gặp đều có sự đồng ý của cả hai bên. Hầu hết người mẫu bị lạm dụng đều sợ rằng nếu nói ra sự thật, tấm vé thông hành vào thế giới phù hoa của họ sẽ bị hủy vĩnh viễn.
Thùy Linh
Theo Thanh Niên