Nhạc sĩ Vũ Thành An: Sống là cho đi

  • Tôi nghe nhạc Vũ Thành An từ thuở thiếu thời, âm nhạc của ông đi vào tâm hồn tôi từ những chiếc băng catsset cũ. Vũ Thành An và những tình khúc “Không tên” với giọng hát nhẹ nhàng của Ngọc Lan, liêu trai của Thái Thanh, mộng mị của Khánh Ly, dù thật buồn nhưng nó không làm chúng tôi bi lụy, sầu não.

Và tôi cũng không hiểu vì sao những bài hát đầy chất triết lý, suy ngẫm về đời sống, về nỗi buồn, sự cô đơn của kiếp người mà sao nó vẫn tự nhiên đi vào tâm hồn tôi từ ngày còn trong veo, chưa vướng bận những muộn phiền của đời sống.

Hơn 30 năm trôi qua, âm nhạc của Vũ Thành An, những bản “Không tên” bất hủ của Vũ Thành An vẫn âm thầm đi cùng đời sống của chúng tôi dù có bao nhiêu thứ âm nhạc mới mẻ, thời thượng hơn. Nó trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống tinh thần của thế hệ 7X chúng tôi.

Và trong một ngày cuối xuân ở Hà Nội, trong buổi ra mắt album mới của ca sĩ Ngọc Châm, người được ông coi là “người con tinh thần”, sẽ tiếp nối ông để làm những công việc thiện nguyện và nghệ thuật, tôi mới có dịp trò chuyện với ông. Nhạc sĩ Vũ Thành An xuất hiện trong bộ đồ thầy tu, giản dị, lịch lãm, sang trọng. Ông nói giọng nhẹ nhàng, ấm áp. Thỉnh thoảng ông xưng An với chúng tôi, một cách tự nhiên và thân tình.

Nhạc sĩ Vũ Thành An: Sống là cho đi - Hình 1

Nếu âm nhạc của Vũ Thành An trước đây, với những bản “Không tên” nổi tiếng như “Không tên số 1″, “Không tên số 5″, “Đời đá vàng – Không tên số 40″, nhiều day dứt, trăn trở thì bây giờ, âm nhạc của ông nhẹ nhõm, bình an, như một dòng suối trong lành đã đi qua mùa lũ, vẫn giữ được nhịp điệu bình yên, an yên của nó.

Những “Giai nhân”, “Hà Nội tôi yêu trái tim khờ”… không còn cảm giác day dứt, đau khổ. Nhạc sĩ Vũ Thành An nói: “Tôi trở lại với con người mới, ca từ mới, giai điệu mới, đúng như tinh thần và tâm hồn ông trong thời điểm này, nhẹ nhõm, bình an và tôi cũng hồi hộp không hiểu khán giả sẽ đón nhận đứa con tinh thần của mình như thế nào”.

Nhạc sĩ Vũ Thành An thành công rất sớm. Năm 1969 ông đã phát hành tập nhạc “Những bài không tên”, nhạc của ông vang lên ở hầu hết các quán cà phê của Sài Gòn và những thành phố lớn khác. Vũ Thành An cùng với nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, Ngô Thụy Miên, Từ Công Phụng, Lê Uyên Phương tạo thành một lớp nhạc sĩ mới đầy tài năng.

Nhưng cuộc đời là những ngã rẽ của số phận. Sau những biến cố của thời cuộc và gia đình, ông gần như không viết cho đến năm 1991, Vũ Thành An sang Mỹ và từng nghĩ rằng, sẽ gác lại việc đời, chọn nghiệp tu hành. Ông đã lên đến chức Phó tế của đạo Thiên chúa, nguyện phụng sự Đức Chúa Trời.

Thế nhưng, những va đập của cuộc sống vẫn dội vào tâm hồn người nghệ sĩ ấy. Và ông lại cầm đàn, viết lên những bản tình ca mới. Đến bây giờ, Vũ Thành An đã có 101 bản tình ca “Không tên”. Và sau những biến cố, ông đã có một mái nhà bình yên để trở về, một người phụ nữ ông yêu thương, cũng là nhà phê bình khó tính nhất khi ông có sáng tác mới.

Ông nói, ông vẫn là Vũ Thành An của ngày xưa, với một trái tim ấm nóng tha thiết yêu cuộc đời, yêu người. “Vì thế nên những bài hát mới của tôi vẫn là những bản nhạc tình. Tôi mong mỗi bản nhạc có thể đến được với khán giả mang lại niềm an ủi cho mọi người, đó là hạnh phúc của người nghệ sĩ. Tôi không muốn ai nghe nhạc của tôi mà buồn bã, bi lụy. Tôi mong những bài hát của tôi sẽ phần nào đó giúp cho tâm hồn người nghe vui hơn, tươi đẹp hơn, đó là sức mệnh của người nghệ sĩ, đem lại niềm an ủi, hạnh phúc cho mọi người”.

Tôi rời Việt Nam sang Mỹ và đứng trước những khủng hoảng nặng nề về tinh thần. Trong tôi là những câu hỏi về sự tồn tại, về cuộc đời. Nhiều lúc tôi thấy mình vô nghĩa. Tôi đặt bút viết những câu đầu tiên cho ca khúc “Đời đá vàng”. “Ô hay tại sao ta sống chốn này, quay cuồng mãi hoài có gì vui”. Và phải rất lâu, sau những trải nghiệm mất mát của đời sống, tôi hiểu ra: “Có oằn mình đớn đau mới hiểu được tình yêu/ Qua dầm dề mưa tuyết mới vui ngày nắng về/ Có một thời khóc than mới hiểu đời đá vàng”. Hạnh phúc và khổ đau luôn song hành với nhau và những đau khổ đôi khi đã giúp người nghệ sĩ thăng hoa trong cuộc đời.

Đến năm 2001, sau 27 năm, đi qua đủ biến cố của đời sống, ngộ ra những mất mát của cuộc đời, âu cũng là một phần máu thịt của mình, ông mới hoàn thành “Đời đá vàng”, một trong những ca khúc bất hủ của Vũ Thành An. Ông viết với tâm thế của một người đã đi qua đủ hỷ nộ ái ố của đời sống và vẫn mang tâm thế cảm tạ cuộc đời, biết ơn đã cho mình sống một cuộc đời đáng sống. Có lẽ với tâm thế đó nên âm nhạc Vũ Thành An, dù trong những giai đoạn bế tắc nhất của cuộc sống cũng không bi lụy, không oán ghét mà chỉ có yêu thương, chỉ có sự bao dung và sẻ chia.

Nhạc sĩ Vũ Thành An: Sống là cho đi - Hình 2Nhạc sĩ Vũ Thành An thăm các em ở mái ấm An Vũ – Bình Phước.

Tôi hỏi ông, cả một đời viết tình ca, hẳn ông cũng sẽ có một cuộc đời yêu đương sôi nổi. Nhưng Vũ Thành An cười. Có rất nhiều bóng hồng đã đi qua cuộc đời, đi qua những bản tình ca của ông. Nhưng ông khẳng định, không có những mối tình ngoài hôn nhân.

Người lãng tử chỉ phiêu bồng trong những giới hạn của chính mình mà thôi. 101 bản tình ca không có nghĩa là 101 cô và cũng không có nghĩa là một cô. Nhưng có một điều, ông đã sống trọn tấm chân tình với cuộc đời, không còn mắc nợ cuộc đời. Sống là cho đi. Và người nghệ sĩ ấy đã cho, tặng cuộc đời những bản tình ca đẹp. Ông không bao giờ đo đếm xem mình nhận được gì, tiền bản quyền bao nhiêu. Và có lẽ vì thế, âm nhạc Vũ Thành An đã làm nên một dòng chảy không bao giờ đứt đoạn trong đời sống âm nhạc Việt Nam, một dòng chảy bền bĩ, lặng lẽ và sâu lắng.

Lần này, những bản tình ca của Vũ Thành An trở lại với tiếng hát của ca sĩ Ngọc Châm. Như một mối lương duyên. Cuộc gặp gỡ của họ như là một ân phước của cuộc đời và không chỉ âm nhạc mà cả những công việc thiện nguyện, mái ấm An Vũ mà ồng cùng cộng sự của mình xây trên 10 quốc gia. Tôi cảm nhận ông, không chỉ tâm hồn của một nghệ sĩ mà còn là một tâm hồn tư bi, bác ái.

Trong đêm nhạc “Giai nhân” của ca sĩ Ngọc Châm hát nhạc Vũ Thành An tại Hà Nội, nhiều khán giả yêu âm nhạc của ông bất ngờ vì họ không chỉ được gặp ông bằng xương bằng thịt mà còn được nghe ông hát. Nhạc sĩ Vũ Thành An không nhận mình là ca sĩ, chỉ hát chơi thôi. Tiếng hát của ông trữ tình, sâu lắng, không kỹ thuật cao siêu mà tự nhiên như âm nhạc của ông đi vào tâm hồn mọi người. Nhạc sĩ Vũ Thành An đứng đó, trên sân khấu Nhà hát Lớn, bình dị, gần gụi, ấm áp như cách âm nhạc của ông vẫn sống trong các thế hệ người Việt nhiều năm qua.

Không chỉ có âm nhạc, nhiều năm qua, nhạc sĩ Vũ Thành An âm thầm làm công việc thiện nguyện. Mái ấm An Vũ của ông được xây dựng trên 10 quốc gia. Lần này về nước, ông sữa chữa và khánh thành mái ấm An Vũ ở Bình Phước, nơi cưu mang những mảnh đời khó khăn, có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em bị bỏ rơi, trẻ em không có gia đình và người già cô đơn.

Mái ấm An Vũ hiện đang đón nhận và nuôi dưỡng 100 em nhỏ mà nhạc sĩ Vũ Thành An nhận các em là cháu nội, để các em không mặc cảm là mồ côi hay có hoàn cảnh đặc biệt. Ông mơ ước, sau mái ấm An Vũ ở Bình Phước, ông sẽ xây thêm những mái ấm khác để các em nhỏ, những người già cô đơn sẽ có chốn nương thân.

Tôi nhớ hình ảnh người nghệ sĩ ôm đàn dạo những giai điệu trữ tình ngọt ngào cho ca sĩ Ngọc Châm bên Hồ Gươm một chiều trở gió. Hà Nội mùa đẹp đến nao lòng. Lá rụng đầy lối đi. Lá rụng sẽ trở về với cội. Còn âm nhạc của người nghệ sĩ già sẽ còn lại mãi với thời gian, như cách ông đã sống, đã đến trong cuộc đời này với một tấm lòng rộng mở, bao dung, một trái tim không ngừng yêu thương cuộc đời, yêu thương con người.

Hạnh Nguyên

Theo vnca.cand.com.vn