Nhạc sĩ Phú Quang: Hát nhạc tôi đừng hú hét, rên rỉ

“Hát nhạc tôi đừng có hú hét, đừng có rên rỉ và không được hát sai một nốt, một lời hay một câu nào”, nhạc sĩ Phú Quang chia sẻ.
Cuối tháng 9/2014, nhạc sĩ Phú Quang tổ chức liên tiếp chuỗi liveshow 3 đêm tại Nhà hát lớn Hà Nội. Trong khi nhiều bầu sô “than khóc” vì ế vé thì các đêm nhạc của Phú Quang lại luôn…cháy vé. Trong cuộc trò chuyện mới đây, Phú Quang đã tiết lộ sức hấp dẫn từ các bản tình ca của mình. Ngoài ra, vị nhạc sĩ này cũng chia sẻ thêm về việc thu tiền bản quyền sau hai tháng tách khỏi Trung tâm bản quyền âm nhạc Việt Nam.

 - 1

Nhạc sĩ Phú Quang.

Tôi không cần diva, divo – Năm nào nhạc sĩ Phú Quang cũng tổ chức vài đêm nhạc cho riêng mình và luôn trong tình trạng cháy vé. Nhạc sĩ có “chiêu trò” gì mà lại hấp dẫn được nhiều khán giả như vậy? Thật ra chẳng có gì ghê gớm đâu, bao giờ tôi cũng đòi hỏi ca sĩ hát nhạc của mình phải nghiêm chỉnh. Có lẽ vì thế khán giả thương tôi thôi. Tôi để ý, đêm diễn nào của mình cũng kết thúc lúc 23h30 nhưng không có khán giả nào đứng dậy về trước giờ đó, kể cả các vị lãnh đạo lớn. – Thế nên nghe nói nhạc sĩ Phú Quang giầu hơn sau mỗi lần tổ chức liveshow? Tôi chỉ không bị thua lỗ còn lãi cũng không nhiều lắm vì tôi đầu tư cho đêm nhạc của mình rất lớn. Nếu tôi làm kiểu bôi bác ra thì có thể sẽ được nhiều tiền hơn nhưng tôi không làm thế được. Tôi luôn bắt buộc mình phải làm chuyên nghiệp và tử tế. – Luôn đòi hỏi ca sĩ phải làm theo ý mình, nên gần đây ca sĩ trẻ Tuấn Hiệp có nói rằng đã từ chối lời mời làm đĩa của Phú Quang. Nghe thông tin này ông có tự ái không? Tôi chỉ bảo với cậu ấy là có thể hát được nhạc của tôi nhưng tôi không có ý định mời. Còn tất nhiên nếu mời thì sẽ phải làm theo ý tôi. Đầu tiên là phải hát đúng nhạc của tôi đừng có hú hét, đừng có rên rỉ. Thứ hai là không được hát sai một nốt, một lời hay một câu nào. – Nhưng có ca sĩ nào không chịu nổi sự áp đặt của Phú Quang mà bỏ dự án với ông giữa chừng chưa? Có nhiều ca sĩ thích hát theo ý của họ thì tôi buộc lòng phải mời họ dừng lại vì họ cố tình hát sai nhạc của mình. Sai cả lời và nhạc thì làm sao có thể biểu diễn được, như thế là không trân trọng khán giả. Nếu ai đã từng đi nghe các đêm nhạc của tôi thì sẽ thấy gần như hơn một nửa khán giả thuộc các ca khúc của Phú Quang. Nên khi sang nước ngoài có những ca sĩ hát sai lời thì bị họ cười cho đấy. – Năm nào Phú Quang cũng tổ chức vài đêm nhạc nhưng lại không thích sự phá cách của ca sĩ. Ông không sợ khán giả sẽ nhàm chán sao? Khác lạ nhưng vẫn phải trong cái tinh thần của ca khúc đó chứ biến thành cái thứ khác kiểu hú hét, điên loạn thì tôi không có mầu đó. Một là tôi kiềm chế được thì hát tiếp mà không kiềm chế được thì thôi không hát nữa. Nếu tôi nói rồi mà ca sĩ đó vẫn hát theo ý mình thì hôm sau nghỉ. Chuyện đó là chắc chắn, tôi không muốn người ta làm méo mó tác phẩm của mình bất kể là ai. Tôi không cần diva, divo gì cả chỉ cần hát đúng âm nhạc của tôi. Với những người thâm niên trong nghề lâu như chúng tôi chỉ cần liếc qua là biết ca sĩ đó đang đi bài quyền gì: xà quyền, khỉ quyền, rắn quyền hay hổ quyền…không cần phải xem đến cùng thì mới biết họ sẽ làm như thế nào. Ví dụ như ca sĩ Tuấn Hiệp là được, hát đúng tinh thần không có gì sai. Hiệp muốn tự làm album tuyển tập nhạc Phú Quang riêng cũng được nhưng phải cho tôi nghe thử. Sau khi thẩm định thấy tốt tôi cho làm.

 - 2

Nhạc sĩ Phú Quang khen giọng hát của ca sĩ trẻ Tuấn Hiệp

– Trong số các ca sĩ thường xuyên hát nhạc Phú Quang, ông thấy ai hát nhạc của mình hay nhất? Mỗi người hát được một số bài, mỗi người có vài bài hay nhất. Còn một người hát hay hết thì không có. – Ở tuổi U70, nhạc sĩ thường lấy cảm hứng ở đâu để sáng tác nhạc? Ông có viết ca khúc theo đơn đặt hàng không? Vừa rồi do rất nể nên tôi mới viết 2 bài đặt hàng. Ví vụ như ca khúc Làng miền yêu dấu viết cho quê hương Phú Thọ. Để tìm lại nguồn cảm hứng, tôi đã quay trở về quê và nhớ lại thời gian đình mình tản cư lên đó rồi sinh ra mình. Tôi nhìn dòng sông chiều đông vẫn mênh mông và buốt giá như thuở nào bỗng nhiên tôi thấy như cha mẹ mình hiện về, như người chị mình đã mất đang muốn ôm lấy mình khi qua sông…Tự nhiên, tôi xúc động lắm. Lúc đầu khi họ mời tôi bảo chưa chắc đã viết được thế nhưng khi trở về, tôi bảo với họ hi vọng sẽ làm được. Bây giờ bài hát đã được phổ biến với nhiều người dân Phú Thọ. Bài thứ hai là tôi viết cho một doanh nghiệp. Lúc chưa làm gì họ đã mời tôi 4 lần sang Ukraina nên khi họ đặt viết thì ngại quá đành cố nghĩ. Nhưng tôi cũng ra điều kiện là nếu không nghĩ nổi thì tôi xin thôi nhưng may quá là mình nghĩ ra cái tứ là khi họ còn rất nghèo, họ chia nhau một 100USD, họ đã ước mơ một ngày giầu có về quê dựng nghiệp. Sau đó, bài hát của tôi được phổ cập toàn công ty và qua nhiều chương trình, sự kiện của công ty đó tôi thấy hình như ai cũng thuộc. Dù đặt hàng nhưng tôi toàn viết thật mới ra được thế chứ không viết thật thì chịu (cười).

 - 3

“Thà tôi để mất cho nhà tổ chức còn hơn là bị Trung tâm bản quyền ăn cắp”.

Tôi không sống bằng tiền bản quyền – Sau gần hai tháng rút khỏi Trung tâm bản quyền âm nhạc của nhạc sĩ Phó Đức Phương, ông có gặp khó khăn gì trong việc thu tiền bản quyền không? Tôi nghĩ là không. Các ca sĩ làm việc trực tiếp với tôi, họ được rẻ đi ít nhất 4 lần so với trước đây làm việc qua Trung tâm bản quyền âm nhạc. Ví dụ như ca sĩ Tuấn Hiệp vừa làm album Hà Nội run run heo may tuyển tập các ca khúc của tôi. Nếu mang đi biểu diễn mà thông qua Trung tâm bản quyền họ sẽ lấy 4 triệu, nếu cãi nhau thì may ra sẽ được giảm xuống còn 2 triệu. Nhưng làm việc trực tiếp với tôi thì tôi sẽ cho anh ta thích trả bao nhiêu thì trả vì tôi không sống bằng cái này. Nhưng tôi vẫn phải lấy một ít vì trong ca khúc của tôi có lời nhà thơ, tôi cần có ít tiền để trả họ. Nhà thơ được rất ít thôi nhưng nếu không có gì thì họ sẽ rất buồn. – Nhưng ông có sợ sẽ khó quản lý hết được các show diễn trên cả nước hoặc nhiều đơn vị tổ chức sẽ cố tình “quỵt” tiền bản quyền không? Thà tôi để mất cho nhà tổ chức còn hơn là bị Trung tâm bản quyền ăn cắp.

Thu Phương
Theo Khampha.vn