Nhân chứng một thời đại âm nhạc nhiều biến động, nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý đang sống trong những tháng ngày bệnh tật và khá cô đơn.
Thế hệ nhạc sĩ tiền bối là những người giàu lòng tự trọng, viết nhạc tuyên truyền nhưng không phải cái gì cũng viết. “Mời thì tôi mới viết. Bài Người đi xây hồ kẻ gỗ, chủ tịch tỉnh Hà Tĩnh đích thân đến tận nhà đón, tôi mới đi viết. Vào đến nơi, họ bố trí tôi ở khách sạn, tôi dứt khoát từ chối xin đến ở với anh em đoàn văn công. Tới đoàn, mọi người lót bao tải mấy lớp làm nệm cho tôi nằm” – Nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý kể.
Nhạc sĩ của người nghèo Nhiều tài liệu nói khác nhau về bài hát đầu tay của Nguyễn Văn Tý, nhưng chính ông nói với tôi: “Bài Dư âm là bài tôi viết đầu tiên, còn những bài sau đó thì viết tới mấy bài không nhớ rõ”. Tôi băn khoăn không hiểu ở một đô thị chỉ một phòng trà heo hắt, ai hát tác phẩm của ông? “Tôi nhờ một đứa cháu người Huế, bà con với vợ tôi, cầm bản nhạc ra Hà Nội. Người ta thu thanh, phát và trả nhuận bút. Tôi mừng nên tập trung vào sáng tác. Bài Dư Âm tôi viết về một người con gái tôi yêu nhưng không lấy được”. Cuộc đời của Nguyễn Văn Tý gặp không ít yếu nhân như Chủ tịch Hồ Chí Minh, đại tướng Võ Nguyên Giáp nhưng sở trường của ông vẫn là viết về nhân dân. Ông nói: “Tuy không viết riêng bài nào về Bác Hồ, nhưng trong tác phẩm của tôi nhiều câu viết về Bác”. Một lần các nghệ sĩ đang họp, Bác Hồ đến dự bất ngờ, Nguyễn Văn Tý ngồi hàng đầu liền nhờ bảo vệ lấy ra một cái ghế nhỏ để mình ngồi và nhường ghế hàng đầu cho Bác thì Bác Hồ bảo nhạc sĩ cứ ngồi thế, còn Bác ngồi cạnh nghe phát biểu. Chẳng hiểu các vị chủ tịch đoàn phát biểu thế nào, Bác nghe xong, không nói gì, lặng lẽ đi ra. “Bác Hồ là một người vĩ đại”- nhạc sĩ nói. Thế hệ nhạc sĩ tiền bối là những người giàu lòng tự trọng, viết nhạc tuyên truyền nhưng không phải cái gì cũng viết. “Mời thì tôi mới viết. Bài Người đi xây hồ kẻ gỗ, chủ tịch tỉnh Hà Tĩnh đích thân đến tận nhà đón, tôi mới đi viết. Vào đến nơi, họ bố trí tôi ở khách sạn, tôi dứt khoát từ chối xin đến ở với anh em đoàn văn công. Tới đoàn, mọi người lót bao tải mấy lớp làm nệm cho tôi nằm”. Trong bài hát của mình, ông phác họa lên công trình hồ nước với hàng vạn người lao động, rất điển hình cho những đại công trình của thời kỳ ấy, nơi đó những người công nhân và dân công lam lũ lao động đêm ngày, mà khi được hỏi ước mơ thì họ thành thực trả lời rằng chỉ mong được đặt chân vào cổng trường đại học.
Tấm áo rách và chiếc đàn tỳ bà Hôm 2/9 vừa rồi, tôi đi xem chương trình ca nhạc ở sân khấu Trống Đồng (Sài Gòn) ca sĩ Quang Linh hát bài Tấm áo chiến sĩ mẹ vá năm xưa, khán giả miền Nam vỗ tay không ngớt. Sáng tác của Nguyễn Văn Tý tuyên truyền nhưng ai cũng thích nghe, thời nào cũng nghe được, do nó chạm được vào điều gì đó nhân bản. Ngay giữa Sài Gòn đô hội, đủ nhạc Mỹ nhạc Tàu, nhạc Hàn, mà người ta vẫn hào hứng với bài ca về tấm áo rách. Nhạc sĩ kể: “Tỉnh Hà Bắc họ mời tôi đi sáng tác. Tôi về đó mới biết có những vùng giặc Mỹ ném bom ác liệt, bộ đội chiến đấu suốt ngày, áo quần rách bươm không có mà mặc. Các mẹ phải tổ chức vá, xong cái nào, mặc cái đó, ra công sự đánh tiếp”. Khi nghe bài hát người ta không thấy nói nhiều đến hình ảnh người chiến sĩ đầy huân huy chương mà thấy tấm lòng của người chiến sĩ tri ân lo lắng cho những người mẹ già. Năm 1975, nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý vào Nam. Để viết ca khúc Dáng đứng Bến Tre ông không chỉ nghiên cứu về dân ca Nam bộ mà còn học tiếng để nói tiếng Nam bộ, sao cho bài hát mình hát ra phong vị Nam Bộ: “Người Nam bộ không nói tóc dài bay trong gió mà họ nói là tóc dài bai trong gió!” – ông tủm tỉm kể. Cuộc đời ông đã trải mấy chế độ, sinh ở miền Trung, nổi danh hơn khi ra miền Bắc, nửa đời lặng lẽ với miền Nam, đi đâu ông cũng không quên đem theo cây đàn Tỳ Bà nhuốm màu thời gian. Ông kể: “Lúc thành lập hội nhạc sĩ, chúng tôi mới phát hiện ra đa số các nhạc sĩ ta không biết chơi nhạc cụ dân tộc! Hội bèn mua đủ nhạc cụ một dàn nhạc, giao mỗi người học một thứ, sau đó biểu diễn chung. Tôi được giao học đàn Tỳ Bà, hôm đang biểu diễn thì đàn đứt dây. Nhạc sĩ Nguyễn Văn Quỳ ngồi dưới bảo: Anh Tý chơi đàn Ty hả. Tôi đáp: Đàn Tỳ đang chơi anh Tý. Mọi người cười ồ”. “Âm nhạc của tôi không bao giờ rời xa ngũ cung của nhạc dân tộc, đó là khung mọi tác phẩm của tôi”. Một dạo chuyên gia Bắc Triều Tiên hướng dẫn viết khí nhạc cho các nhạc sĩ Việt Nam, ông này kêu các nhạc sĩ Việt Nam gần như không biết nhạc nên phải đào tạo âm nhạc phương Tây. Nguyễn Văn Tý cũng viết một tác phẩm khí nhạc, sau để đâu không nhớ. Ông chỉ thích viết ca khúc. Ông cầu kỳ trong sáng tác, viết nhiều, giữ lại ít. “Viết mà khán giả không nhớ không thích thì tính làm gì. Đời tôi chỉ viết được chưa đầy 100 ca khúc”. Thế hệ sau mà Nguyễn Văn Tý hi vọng nhiều là Phó Đức Phương: “Ông ấy viết rất cẩn thận, nhiều tìm tòi”. Ông đánh giá cao Phó Đức Phương vì: “Nhạc sĩ Phó Đức Phương thuần khiết hơn nhiều người khác”. Vào Nam năm 1975, cảm nhận của ông là gặp “một nền âm nhạc lai căng”. Ông khuyến khích học nghiên cứu mọi nền âm nhạc nhưng vẫn giữ quan niệm một tác phẩm lớn phải là tác phẩm nói lên được hồn âm nhạc của một dân tộc.
Trần Nguyễn Anh
TheoTiền Phong