-
Thị trường nhạc Việt gần đây liên tiếp vướng phải những ồn ào bản quyền khiến nhiều nghệ sĩ đau đầu. Tại WMW Session Vietnam 2019 (Hội nghị nhạc điện tử hàng đầu châu Á), nhạc sĩ Huy Tuấn cho rằng không giải quyết vấn đề bản quyền thì nhạc Việt vẫn mãi trong vòng luẩn quẩn.
Mới đây trong Wired Music Week Session Vietnam 2019, khi bàn về ngành công nghiệp âm nhạc tại Việt Nam, nhạc sĩ Huy Tuấn cùng các producer trẻ: SlimV, DuongK, TripleD và Hiền Phạm đã chỉ ra những khó khăn trong việc sản xuất, phát hành âm nhạc. Đặc biệt vấn đề được bàn luận sôi nổi chính là bản quyền âm nhạc tại Việt Nam hiện nay.
Cả 4 diễn giả đều nhấn mạnh cũng như phân tích sự quan trọng của bản quyền âm nhạc, và đây chính là động lực thúc đẩy sự phát triển của nền âm nhạc Việt Nam. Nhạc sĩ Huy Tuấn cho rằng, công nghệ ngày càng đi sâu vào cuộc sống, nhất là mảng âm nhạc điện tử, âm nhạc cũng nhờ công nghệ mà phát hành ngày càng dễ dàng hơn.
Nhạc sĩ Huy Tuấn cho biết: “Khoảng 10 năm trước, việc phát hành một sản phẩm âm nhạc đến với khán giả quả là con đường dài khó khăn. Còn hiện tại việc đưa một bài nhạc dễ dàng hơn nhiều nhờ công nghệ khi chỉ cần up lên 1 số kênh nghe nhạc, 1 số diễn đàn, … automatic có một lượng người nghe tiếp cận. Hiện tại, ai cũng có thể hát, có khán giả, có view”.
Anh nhấn mạnh, ca khúc được phát hành dù ở trong thời điểm nào cũng đều mang tâm huyết của những người làm nghệ thuật. Tuy nhiên, càng hiện đại thì người nghệ sĩ càng muốn mọi thứ đều rõ ràng, như việc bản quyền âm nhạc chẳng hạn. Rất nhiều vụ ồn ào gần đây liên quan đến việc bản quyền từ tranh chấp đến việc chi phí chưa thỏa đáng.
“Nhà sản xuất, nhạc sĩ gặp vấn đề khi nhiều ca sĩ đặt hàng cùng lúc và khó từ chối được. Nhưng nếu bản quyền âm nhạc được chú ý, tiền bản quyền được thanh toán đầy đủ và xứng đáng thì chắc chắn câu chuyện này sẽ đơn giản hơn. Bởi vì khi đó nhạc sĩ sẽ không cần nhận quá nhiều job làm thêm ngoài, thậm chí từ chối nhiều ca sĩ không phù hợp để tập trung ra đời một vài sản phẩm ưng ý nhất.
Nhưng câu chuyện bản quyền ở Việt Nam đến nay vẫn là vấn đề nan giải, cực kỳ phức tạp và nếu vấn đề không được nhìn nhận nghiêm túc và giải quyết triệt để thì nền nhạc Việt sẽ mãi trong vòng luẩn quẩn” – nhạc sĩ Huy Tuấn đánh giá.
Đặt câu hỏi cho nhạc sĩ rằng “giữa lúc này, sự xuất hiện của các “ông lớn” thế giới tấn công thị trường nhạc Việt liệu có đem lại hy vọng về sự phát triển trong tương lai gần”, nhạc sĩ Huy Tuấn cho biết: “Có điều lạ, chúng ta nghĩ ai cũng có thể sản xuất, làm nhạc, post sản phẩm, nhà nhà thành ca sĩ, … thành ra tưởng chừng thế giới âm nhạc hiện hữu như thế.
Thị trường lớn như Mỹ cũng có vấn đề như Việt Nam, dễ dàng phát hành nhưng các nghệ sĩ lớn của họ đều ở một level nào đó. Trong khi Việt Nam thì ngược lại. Nên có thể mình sai? Đừng tưởng dễ dàng mà không cần hãng đĩa, … Tôi vui khi các hãng đĩa vào thị trường Việt vì họ sẽ mang những kinh nghiệm trong phát hành, quản lý nghệ sĩ, quảng bá và bản quyền. Điều đó rất tốt cho thị trường âm nhạc chúng ta hiện giờ”.
Cũng tại sự kiện, Onion – người đứng sau hàng loạt bản hit của Sơn Tùng M-TP đã chia sẻ về cách anh tạo ra ca khúc “Chạy ngay đi”. Hàng loạt tips & tricks đã được anh tận tình hướng dẫn với đông đảo những người có mặt bên dưới và họ đã học hỏi được rất nhiều từ producer trẻ tuổi.
Cùng với đó, những người có kinh nghiệm không chỉ ở thị trường Việt Nam mà còn ở cả khu vực châu Á như: Tia Lieu, Minh Duong (Co-founder Hero Club), Jaene Fleidervish (đại diện One Agency – Thái Lan), Iqbal Ameer (CEO The Livescape Group, Malaysia), Ayudita Hariadi (Booking Manager của Ismaya Group, Indonesia) và Rob Schwartz (Tổng biên tập cho thị trường châu Á từ Billboard) cũng đã bàn luận về chủ đề ảnh hưởng của âm nhạc đến du lịch.
An Khánh
Theo Giadinh.net.vn