“Khi buồn, người ta có xu hướng chọn những ca khúc vui vẻ, yêu đời để vực dậy tinh thần. Còn những khi cần sự yên tĩnh, sâu lắng, nhạc của tôi lại được ưa chuộng”, Mr. Siro tự tin.
Ra mắt từ cuối tháng 9, siêu hit Em gái mưa của Hương Tràm hiện chưa có dấu hiệu hạ nhiệt trên các phương tiện nhạc số. Bất chấp việc ngày càng nhiều sản phẩm mới xuất hiện, Em gái mưa vẫn là một trong những bản hit lớn nhất Vpop năm 2017.
Làm nên thành công đó ngoài nhạc giọng ca truyền cảm của Hương Tràm thì không thể không nhắc đến vai trò sáng tác của Mr.Siro (tên thật Vương Quốc Tuấn). Chàng nhạc sĩ sinh năm 1982 thừa nhận mọi thứ đến với anh, và cả Hương Tràm, thực chất là nhờ cái duyên và sự may mắn tìm đến những người xứng đáng.
– Không thường trực nhưng cũng không quá xa rời showbiz, anh đánh giá thế nào về định hướng sự nghiệp của mình?
– Cuối năm 2007, đầu 2008 là thời điểm bản hit đầu tiên của tôi được ra đời. Đó chính là ca khúc Em. Theo lẽ thông thường, tôi đã có thể ra mắt khán giả với vai trò một nghệ sĩ biểu diễn ngay lúc ấy.
Trong thế giới nghệ thuật này, có người muốn trực tiếp nhận lấy hào quang trên sân khấu, có người lại chọn vai trò đằng sau, để thầm lặng nhìn khán giả thưởng thức thành quả của mình. Còn đối với tôi, để phù hợp với con người tôi nhất, cho đến giờ tôi vẫn đam mê sáng tác.
Còn chuyện nhiều người thấy tôi có vẻ như vẫn chưa toàn hoàn thuộc về showbiz thật ra cũng dễ hiểu. Tôi vốn rất ít xuất hiện trên truyền thông mà chỉ đồng hành cùng nghệ sĩ với vai trò sáng tác, sản xuất.
Tôi xuất hiện để trực tiếp trả lời câu hỏi, những quan tâm của khán giả, báo chí dành cho sản phẩm của tôi. Cứ như thế mà tôi vẫn hiện diện trên truyền thông nhưng lại không thường trực.
– Anh cũng từng có những ca khúc hát về niềm vui, sự hạnh phúc, lúc đó không ai nghĩ anh sẽ trở thành một “Thánh sầu” như bây giờ. Vậy những nguồn cảm xúc tựa như vậy đâu rồi?
– Thật ra 10 năm trước, bên cạnh những Em, Mây, Phai, Gần, Melancholy, vẫn có những ca khúc hit đan xen mang nội dung phấn khởi thậm chí có phần nhí nhảnh của tôi lúc ấy. Chúng đều bắt nguồn từ cảm xúc vô tư, hồn nhiên.
Và trong bối cảnh nền âm nhạc vẫn thiếu hụt nhiều sản phẩm dành cho giới trẻ, thì bất cứ ca khúc nào mới mẻ, thú vị mà đáp ứng được đúng nhu cầu, sẽ được khán giả trẻ nồng nhiệt được đón nhận.
Suốt 10 năm sau đó, bên cạnh sự lên ngôi của những dòng nhạc sôi động, may mắn vẫn mỉm cười với tôi nhiều lần nữa, đặc biệt gần đây nhất là khi tôi có Trái tim em cũng biết đau, Yêu một người vô tâm (Bảo Anh), Em gái mưa (Hương Tràm) thì vô tình những ca khúc nhạc buồn của tôi được nhắc đến nhiều hơn. Còn về bản chất, tôi vẫn chưa bao giờ thay đổi.
– Tức là anh đang khiêm tốn và thừa nhận thành công của mình chỉ là may mắn, có thời?
– Ai cũng sẽ có những lần may mắn lớn nhỏ trong đời, nhưng điều cốt lõi để biến may mắn thành thành công là bạn phải có đủ khiêm tốn và kiên trì, hiểu rõ bản thân mình muốn gì, hiểu rõ thế mạnh của mình.
Những thứ đó cộng thêm chút may mắn, sẽ tạo thành quả ngọt cho bạn. Nhưng nhiều người vẫn cho rằng may mắn thật ra không hề đến với tất cả chúng ta, còn tôi tin rằng những ai hết lòng đầu tư cho đam mê thì may mắn mới đến.
– Từ một tên tuổi nổi tiếng trên online cho đến bước ra đời thực để chạm đến khán giả là cả hành trình dài. Mọi thứ diễn ra với anh thế nào?
– Tôi không xem đó là hành trình cam go gì đâu. Ngay từ đầu đến với âm nhạc, điều tôi hướng tới là khán giả. Động cơ để tôi đến với âm nhạc cũng đơn giản lắm, muốn mọi người có thêm nhạc để nghe, tôi chưa từng nghĩ đến việc tìm cách làm cho mình toả sáng.
Cách mà khán giả nâng niu từng tác phẩm của mình. Bằng chứng là đến giờ bên cạnh những bài hit mới của tôi, họ vẫn miệt mài nghe miết những bản hit Mr. Siro từ cái thời 2007 vì họ bảo nhạc của tôi không bị cũ, không lỗi mốt. Những điều đó quá đủ để tôi hạnh phúc rồi, mỗi lần nghĩ đến tôi chẳng còn nhớ đến chông gai nữa.
– Khán giả nghe nhạc anh cho rằng chàng nhạc sĩ này chắc hẳn là một người rất cảm xúc, bản năng. Nhưng trong một bài phân tích về anh gần đây, tác giả lại cho rằng anh là một người viết nhạc bằng lý trí. Anh có chia sẻ gì?
– Tất cả ý kiến nhận định về tôi đều xuất phát từ quan điểm cá nhân. Tôi khác với nhiều đồng nghiệp, họ thường viết nhạc bằng cảm xúc hay câu chuyện thực tế của bản thân, còn tôi viết nhạc với tư cách là một người đang đứng ngoài, lặng lẽ quan sát bằng tâm tịnh, chiêm nghiệm bằng tuổi đời, để đưa ra góc nhìn mà ai nghe xong cũng thấm, cũng đọng lại được điều gì đó cho riêng mình.
Việc âm nhạc của tôi được đại đa số khán giả đón nhận có lẽ do họ cảm nhận được tấm lòng của tôi dành cho họ là trong sáng và đầy tôn trọng, rằng nhạc của tôi viết ra chỉ để dành cho họ. Và nếu bạn đã từng trải qua các cuộc tình như yêu xa, yêu bạn, tay ba, đến sau, thay lòng,.. thì bạn sẽ gặp mình trong âm nhạc của tôi.
– Nổi lên với những bản hit buồn thảm, anh trả lời sao trước những ý kiến cho rằng đó là chiến lược để giúp anh duy trì thành công?
– Ai nhìn vào con đường âm nhạc của tôi cũng sẽ không thấy những toan tính, mà chỉ thấy sự chân thành. Những gì tôi đang làm không hẳn là chiến lược, chỉ là tôi biết bản thân mình có khả năng cảm nhận sâu sắc và “cập nhật” hiểu biết về tình yêu một cách thâm sâu, rồi tôi càng viết càng hát, khán giả dần dần đến gần tôi hơn.
Còn vì sao tôi lại chọn những chủ đề buồn, bởi tôi nghĩ chuyện vui không giúp cho người ta học được nhiều điều, tôi tự cho nhạc của tôi là thuốc chữa bệnh cho trái tim, nhưng nó không đắng như thuốc Bắc, lại có chút gây nghiện và chắc chắn là không tác dụng phụ tác hại sức khoẻ.
– Và trong trường hợp chúng không còn tác dụng về mặt nào đó thì sao? Cả về mặt cảm xúc lẫn chiến lược?
– Không ai có thể tránh được việc thời của mình rồi sẽ qua, nhưng khi ấy tôi nghĩ chuyện đó cũng không còn quan trọng nữa rồi. Vì dù chuyện gì xảy ra, thì mối duyên giữa tôi và Sirocon (người hâm mộ) của tôi cũng sẽ không cạn, vì họ đã xem âm nhạc của tôi như tri kỷ. Bây giờ, ngoài danh phận là một nghệ sỹ, tôi còn là một người bạn/ người anh/ thậm chí là ông chú vui tính và tâm lý của Sirocon.
Trong các buổi gặp mặt mà tôi đặt tên là những buổi Tri kỷ trải lòng, họ đến không chỉ nghe tôi hát hay hát cùng tôi, mà còn được tôi tư vấn những vấn đề tâm lý mà họ phải trong cuộc sống nữa.
Những người hâm mộ của tôi đa phần còn trong độ tuổi rất trẻ, vừa phải đi học, vừa phải đi làm, vừa phải yêu, hiếm ai làm tốt được cả ba chuyện đó. Thế nên những khúc mắc mà họ gặp phải, luôn được tôi mở lòng, mở hướng cho họ cách giải quyết.
– Hỏi Hương Tràm về việc cô ấy nghĩ gì khi ca khúc “Em gái mưa” lại thành công đến thế, Tràm nói đó chính là áp lực của cô ấy vì không biết làm gì tiếp theo. Quan điểm của anh thế nào?
Năm nay có rất nhiều cột mốc đến với Hương Tràm: làm huấn luyện viên Giọng hát Việt nhí, sở hữu Em gái mưa, và nghe nói là còn mua nhà và xe mới. Sở dĩ có những lo lắng đó cũng dễ hiểu, vì cô ấy vốn là nghệ sỹ đi lên bằng con đường khổ luyện, qua nhiều năm tháng mới chinh phục được những đỉnh thành công như hôm nay.
Mà những ai thành công bằng cách này cũng dễ vướng vào tâm trạng lo lắng, vì sợ những thành công bằng xương máu đó sẽ rời xa mình. Tôi tin thời gian sẽ giúp Hương Tràm bản lĩnh và trưởng thành hơn, để giữ cho thành công vững vàng hơn.
– Từng có nhiều tin đồn cho rằng Hương Tràm mắc bệnh ngôi sao, khó hợp tác, chưa kể còn gặp rất nhiều scandal hồi trẻ. Anh có lo ngại khi làm việc với cô ấy?
– Thời điểm Hương Tràm gặp tôi khi vừa quán quân một cuộc thi cách đây 4 năm, nếu không gặp phải những gập ghềnh không đáng có lúc đó, tôi nghĩ khán giả khắp cả nước ai cũng mong đợi ngày Hương Tràm được vinh danh như một diva đáng tự hào của Việt Nam trong tương lai.
Tôi vốn nửa đứng ngoài, nửa đứng trong showbiz, do đó tôi hoàn toàn không bị ảnh hưởng hay bị dao động bởi những nội dung mang tính phiến diện về Hương Tràm, tôi chỉ quan tâm khi đối mặt với tôi trong công việc, đạo đức và đam mê của cô ấy là bao nhiêu.
Thực tế qua 2 lần hợp tác, điều khiến tôi hài lòng ở Hương Tràm ngoài chuyên môn nghệ thuật, là sự kính trọng cô ấy dành cho tôi.
Sự kính trọng này bắt đầu từ quá trình thu âm ca khúc Người từng yêu anh rất sâu nặng, chấp nhận trải qua 6 tháng nghe demo để ngấm bài và ngấm cách xử lý bài, tiếp theo đó là ròng rã 2 tháng hoàn thành thu âm mà không một lời than vãn.
Và kết quả là tôi và Hương Tràm đã có một mối tương giao tích cực khi tạo ra bài hát đầu tiên dành cho khán giả của tôi và Hương Tràm.
Đối với lần hợp tác thứ 2 – Em gái mưa, tuy là một giọng ca không thể phủ nhận nhưng Hương Tràm vẫn tuân thủ những điều kiện thu âm khắt khe mà tôi đưa ra. Đó là tinh thần chuyên nghiệp hiếm có. Hương Tràm đã luôn nhẫn nại vì tôi, cùng tôi trải qua rất nhiều buổi thu âm.
Cho đến giờ, tôi vẫn không quan tâm người ta nói gì về Hương Tràm, vì tôi cảm nhận được cô ấy đối xử với tôi là thật lòng, tôn trọng ca khúc của tôi tuyệt đối, như vậy là đủ để tôi tin cô ấy. Tôi có lòng tin sau Em gái mưa, ngày mà chẳng còn ai nghi ngại về bản chất con người Hương Tràm. Ngày mà cô ấy thật sự trưởng thành sẽ sớm thôi.
– Vậy theo anh, cô ấy nên làm gì tiếp theo?
Tôi từng nhắn cho Hương Tràm rằng: “Năm nay, em nên làm gì đó để cám ơn cái nghề này, đã mang lại cho em tất cả những cảm xúc và khiến em trưởng thành ra sao, để em được ngày hôm nay.
Một đêm diễn cống hiến, một buổi tiệc âm nhạc cảm ơn khán giả, một buổi chiêu đãi gần gũi cảm ơn những ai luôn đồng hành. Rồi sau đó em hãy dành hẳn một thời gian, để nghỉ ngơi, chiêm nghiệm lại những điều cũ và nung nấu những ý tưởng mới”.
Trên đây chỉ là quan điểm của tôi, bởi nếu Hương Tràm mà còn “chạy” tiếp thì sẽ không ổn. Còn quyết định thế nào là phụ thuộc vào cô ấy. Một phần vì chỉ có Hương Tràm mới hiểu được sức mạnh bên trong mình.
Phần còn lại vì có khi cô ấy lại may mắn, cơ hội lại đến bất ngờ thì khó mà buông xuống được, lại sớm bị cuốn vào vòng xoay mới.
– Nếu sau này Hương Tràm đến gặp anh, muốn anh làm thêm một “Em gái mưa” thứ hai thì sao?
Thì tôi sẽ “chia tay” cô ấy ngay lập tức, vì cách tôi làm âm nhạc không chấp nhận viết bất cứ nội dung gì tương tự một ca khúc đã phát hành hay phần nối tiếp của bất cứ ca khúc nào, dù ca khúc đó có thắng cũng không có ý nghĩa với tôi.
Âm nhạc của tôi từ đầu đến giờ “thắng” nhờ cảm xúc và sự văn minh, không phải toan tính hay cơ hội. Mà thông thường một bài hát sẽ có hai kiểu thành công: bùng nổ nhờ chính nó hoặc phát tán dựa vào một sự kiện xã hội tức thời nào đó. Tôi không lại muốn rơi vào trường hợp thứ hai.
– Các bản hit do anh sáng tác đa phần do những giọng ca nữ thế hiện, chẳng hạn Bảo Anh và Hương Tràm. Từ đâu có sự “phân biệt này”?
– Hiện tại, ưu thế hát nhạc của tôi thành hit tạm nghiêng về các ca sỹ nữ. Xưa nay, những bản hit liên tục cùng với thâm niên, thương hiệu Mr. Siro được định nghĩa như một sự hoà quyện giữa dòng nhạc và giọng hát của tôi.
Ấn tượng đó trong lòng khán giả đã hình thành sâu sắc rồi, thậm chí có phần lấn át đến nỗi chỉ mới khoảng 2 năm trở lại đây, mọi người mới chịu nhớ thêm vẫn thỉnh thoảng xuất hiện những giọng nam trình bày những ca khúc được viết bởi Mr. Siro mà vẫn giữ được sự lôi cuốn khán giả như mong đợi. Tôi nghĩ việc gì cũng cần thời gian.
– Anh đánh giá thế nào về Bảo Anh và Hương Tràm?
– Họ có xuất phát điểm khác nhau. Bảo Anh ngay năm đầu trên con đường chuyên nghiệp, đã sớm thành công bằng những bản hit nhắm thẳng vào thị trường, và vẫn đang đà mạnh mẽ ngày càng được công chúng yêu mến. Cô ấy chỉ cần tập trung, và tập trung hơn nữa, thì những thành công lớn hơn tự khắc sẽ đến.
Còn Hương Tràm có giọng hát nội lực ai cũng tâm phục sau khi bước ra từ một cuộc thi, và cho đến giờ, yếu tố cốt lõi giúp cô ấy tiến những bước vững vàng vẫn là giọng hát. Xét về mức độ chịu khó và sức bật, tôi đánh giá Hương Tràm cao hơn.
Bởi từ một quán quân Giọng hát Việt đi kèm với những thông tin thất thiệt ở thời điểm mà tuổi đời không thể nhỏ hơn, cho đến gần 5 năm sau, không ai có thể ngờ cô ấy đang hưởng trọn sự thán phục và yêu thương, tin tưởng của biết bao nhiêu khán giả. Cô ấy đang mạnh mẽ khẳng định tên tuổi của mình như ngày hôm nay cùng Em gái mưa.
– Gần đây có một ca khúc đang cạnh tranh quyết liệt với “Em gái mưa” trên bảng xếp hạng. Đó chính là “Tuý âm”, một sản phẩm của ba nghệ sĩ underground. Anh nghĩ gì về cuộc đối đầu này?
– Tôi không cho rằng đây là một cuộc đối đầu. Các nghệ sĩ underground hay indie khác với chúng tôi ở chỗ họ làm nên một ca khúc là nhờ sự vô tư cùng bản năng âm nhạc. Họ vẫn chưa biết được mùi vị của áp lực dư luận, của việc duy trì thành công, của thất bại là như thế nào.
Dĩ nhiên tôi luôn mong họ hãy cứ vô tư như vậy. Cũng như cuộc sống này là một bảng màu, mỗi nghệ sĩ sẽ mang một màu sắc khác nhau để tô vẽ nên bức tranh âm nhạc đa dạng.
Thành công thật sự của một nghệ sĩ chuyên nghiệp, theo tôi sẽ giống như một nhà hàng có khả năng hấp dẫn thực khách quay lại thưởng thức lần thứ hai trở lên, rồi trở thành khách quen. Kéo dài được thành công, thì được gọi là thành công thật sự.
– Âm nhạc của anh nhẹ nhàng, sâu lắng. Đã bao giờ anh cảm thấy lạc lõng, xa lạ với các trào lưu âm nhạc mới?
– Các nghệ sĩ trẻ hiện nay có sự cập nhật rất nhanh. Còn với tôi, mọi thứ lại diễn ra từ từ. 10 năm trước, tâm hồn tôi còn bay bổng, lãng mạn, chưa trải đời đủ sâu nên các bài hát chỉ phản ánh một phần nào đó tâm trạng người nghe.
Tuy nhiên, tôi lại không cho rằng việc chúng ta đang sống trong thế giới phẳng là sẽ phải cạnh tranh với nhau. Khi buồn, người ta có xu hướng vẫn chọn những ca khúc vui vẻ, yêu đời để vực dậy tinh thần.
Nhưng những khi cần sự yên tĩnh, sâu lắng, chiêm nghiệm và trải lòng, thì nhạc của tôi có mặt.
– Cụ thể là khác ở điểm nào?
– Riêng khán giả nào đã thật sự thích nhạc của tôi, lâu ngày họ có thể hình thành khả năng chọn được người yêu lâu dài cho mình, và có thể biết trước kết cục của một cuộc tình dù chỉ mới những tháng ngày đầu, vì nhạc của tôi nghe lâu để lớn, để tinh tế hơn, là như vậy đấy.
Còn về xu hướng âm nhạc, cho dù đang chảy theo chiều nào, thì cũng phải theo quy luật xoay vòng, và nhiệm vụ của một người nghệ sỹ là phải giữ được chất nhạc của mình.
Bạn thử tưởng tượng một nền âm nhạc mà ai cũng chạy theo trào lưu, thì hoá ra bức tranh chỉ còn lại một màu, tất cả chúng ta tự đưa mình vào thế cạnh tranh tiêu cực. Nếu ai làm nghệ thuật mà suốt ngày nghĩ đến cạnh tranh nghĩa là người đó đã bị dã tâm và lòng tham lấn át rồi, bị như vậy rất là khổ thân.
– Nhưng âm nhạc mà cứ buồn mãi, thì có nên không?
– Cho phép tôi được trả lời tương tự ý ở trên. Nếu khán giả nào thật sự thích nhạc của tôi và dành nhiều thời gian để yêu hơn, họ sẽ không còn thấy nỗi buồn tột cùng trong bài hát của tôi nữa.
Thay vào đó sẽ là những nhận thức chính chắn, để bước qua nỗi buồn đó. Là một nghệ sĩ, tôi luôn muốn hướng khán giả đến lối sống tích cực, mang tính xây dựng cho xã hội.
– Có nhà sản xuất từng nói rằng: “Khi tôi đã có tên tuổi, các ca khúc tôi làm ra chỉ có nghe được và hay trở lên”. Anh nghĩ thế nào?
– Tôi chỉ quan niệm một nhạc sĩ, ca sĩ hay gọi chung là nghệ sĩ, một khi những đóng góp của mình còn được khán giả nhớ đến, đã là một đặc ân của nghề rồi. Sản xuất là một nghề thầm lặng, không phải nghề để phát ngôn.
Duy Vũ
Đồ họa: Như Ý
Theo Zing