Nhạc sĩ bolero nghèo cả đời không mua nổi cây đàn

Giới mến mộ văn nghệ ở thị xã Hồng Ngự (Đồng Tháp) nhiều năm nay đã quen gọi nhạc sĩ Tô Thanh Sơn – cha đẻ của “Chút kỷ niệm buồn” là ông nhạc sĩ cô đơn.
Cô đơn là bởi hơn 30 năm viết nhạc với hàng trăm ca khúc, có ca khúc đã nổi tiếng được nhiều người hát mỗi ngày nhưng bây giờ cuộc đời của nhạc sĩ 66 tuổi được gói gọn với một chuỗi bốn không: không nhà, không tiền, không gia đình và thậm chí không có cả giấy tờ tùy thân. Hiện ông “ở đậu” trong phủ thờ dòng họ ở thị xã Hồng Ngự (Đồng Tháp). Cả đời viết nhạc chưa mua nổi cây đàn Căn nhà cấp 4 nhỏ cũng là phủ thờ của dòng họ nằm ở một góc đường Điện Biên Phủ là nơi nhạc sĩ họ Tô ở nhờ suốt những năm qua, ông hóm hỉnh tự nhận mình là “ông Từ giữ miếu”. Sau gần 40 năm bon chen xuôi ngược ở đất Sài thành rồi chia tay cuộc tình đầu tiên, ông giao hẳn nhà cửa cho các con ở, về quê hương Hồng Ngự chọn cách sống ẩn dật suốt ba năm nay. Ăn mặc xuề xòa, ít giao tiếp, chỉ có vài người bạn tâm giao nên dù là cha đẻ của những ca khúc nổi tiếng nhưng tại quê nhà, rất ít người biết đến ông. “Có một hôm tôi với mấy ông bạn chí cốt đang ngồi bên lề đường lai rai cóc ổi thì vợ chồng cậu bán kẹo kéo đẩy xe ngang qua mở bài Chút kỷ niệm buồn. Ông bạn tôi chơi cắc cớ gọi lại hỏi: “Vậy chớ hai cháu có biết ai sáng tác bài này không?”. Họ bảo không biết. Ông bạn chỉ vô tôi giới thiệu đây chính là tác giả, nhạc sĩ Tô Thanh Sơn. Vợ chồng bán kẹo kéo cười ngất rồi nói: “Chú giỡn hoài, nhìn cái tướng ông này mà nhạc sĩ, nhạc lẻ gì””.

Nhạc sĩ bolero nghèo cả đời không mua nổi cây đàn

Nhạc sĩ Tô Thanh Sơn với cây đàn được bạn bè cho mượn

Bây giờ khi đã… về vườn, mỗi ngày ngoài công việc ở Hội Văn học nghệ thuật thị xã Hồng Ngự với đồng lương ít ỏi, ông sống cơm ngày ba bữa chủ yếu từ tiền tác quyền của những bài hát. Mới đây, do bị trộm viếng nhà, lấy mất bóp nên bản thân ông giờ cũng không còn giấy tờ tùy thân. “Nói chú không tin nhưng cả đời viết nhạc mà đến giờ bản thân tôi chưa sắm nổi cây đàn, mỗi khi anh em yêu cầu chơi nhạc phải chạy đi mượn” – nhạc sĩ Tô Thanh Sơn chia sẻ. Và giai thoại những tình khúc mưa Ai đã từng mến mộ những bản bolero buồn man mác của Tô Thanh Sơn sẽ phát hiện một điều thú vị là cứ 10 bài thì có đến sáu, bảy bài có mưa. Từ Giọt mưa đêm, Chờ em trong mưa, Nhớ người trong mưa đến Chút kỷ niệm buồn… Ít ai biết những cảm hứng cho các ca khúc mưa này đều xuất phát từ hai câu thơ được viết lúc 15 tuổi của em trai ông – Tô Thanh Phong: “Trời mưa gió, con đường trơn đó bây giờ em đâu. Trời mưa gió, con đường trơn đó bao giờ em qua”. “Tôi thấy ý thơ hay nên phổ thành bài Chờ em trong mưa, về sau dường như hình ảnh cơn mưa buồn buồn nó cứ mặc nhiên thai nghén trong những sáng tác của tôi” – ông nói. Riêng với “cú hích” Chút kỷ niệm buồn, ông kể, khoảng năm 1996, lần đó khi đang đi trên đường Nguyễn Tri Phương thì trời bất chợt đổ mưa, rồi mưa dai dẳng. Khi vô tình ghé mái hiên một căn nhà trú mưa, ông vô tình bắt gặp một cậu sinh viên bên cạnh đang đứng trú mưa cùng một cô gái. Mưa bên ngoài hắt vào, cô gái đứng co ro nên chàng trai nép mình che cho cô khỏi ướt. Thế là về nhà ông mãi bị ám ảnh và viết: “Chiều nao anh với em, nép bên thềm mưa hai đứa xem…”. Dù viết nhiều, viết giỏi nhưng dường như những mối tình đi qua đời Tô Thanh Sơn đều trở thành dang dở chỉ vì… không dám nói. Năm 19 tuổi, ông có quen với một cô gái tên HTK, là cô giáo của em trai ông. Sau nhiều lần sang nhà chơi và có chút tình cảm nhưng chưa dám thổ lộ, một hôm ông vô tình lật quyển nhật ký của TK mới phát hiện TK cũng thương thầm mình, cô viết trong nhật ký: “Anh mà có vợ là tui đi tu!”. Về sau, cảm xúc ông viết luôn ca khúc Tình em – Trò nhỏ tặng TK. Thế nhưng qua nhiều biến cố, hai người vẫn chưa ai dám mở lời, rồi nhạc sĩ đi lấy vợ, 10 năm trở về xóm cũ mới hay lời nguyền xưa nay đã thành sự thật, đau buồn duyên dang dở TK đã xuất gia. “Mãi gần 20 năm sau, một lần nhân ngày lễ 20/11, tôi được một người bạn thân mời đến dự. Giữa tiệc vui, các cô giáo hát bài Tình em – Trò nhỏ, tôi thấy ý tứ hay hay nên khen rồi hỏi của ai. Anh MC bảo nghe đâu của ông Tô Thanh Sơn nào đó, lúc đó tôi mới ngớ người ra: “Ủa, tôi có viết bài này hả trời””.

Đang nhờ xử lý người “cầm nhầm” bài hát Nhạc sĩ Tô Thanh Sơn được nhiều người hâm mộ biết đến với những bài hát khá nổi tiếng như Chút kỷ niệm buồn, Đêm tiễn biệt, Sầu lắng, Ba năm yêu em, Bóng đò xưa, Một mình trong chiều mưa,… Đặc biệt ca khúc Chút kỷ niệm buồn đã được trên 20 ca sĩ biểu diễn thành công. Hiện ông là phó chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật thị xã Hồng Ngự. Ông cho biết gần đây nhiều bài hát đã bị một số ca sĩ sửa nhạc, sửa lời làm hỏng hết. Chẳng hạn như bài Đêm tiễn biệt của ông nguyên bản là “Nếu mai có về anh ghé lại, cùng tôi nâng chén rượu đẹp tình quê” bị sửa lại thành “Nhớ đêm tiễn biệt hai đứa mình, cùng nhau nâng chén rượu đẹp lòng nhau”, bài Chút kỷ niệm buồn nguyên bản là “Đường xưa trơn lối thưa, chúng ta cùng đi chung dưới mưa” cũng bị sửa thành “Đường xa trơn lối khuya…”. Một số trung tâm âm nhạc trong, ngoài nước và một số trang mạng còn để “nhầm” tên của người khác làm tác giả các bài hát của ông. Nhạc sĩ Tô Thanh Sơn cho biết đã gửi đơn đến các cơ quan bảo vệ tác quyền yêu cầu can thiệp xử lý.

Hoàng Nam

Theo Pháp Luật TPHCM