Nhạc sĩ Bảo Thu: ‘Tôi không ưng ca từ của tác giả trẻ’

Tác giả “Giọng ca dĩ vãng” cho rằng, tác phẩm của nhiều nhạc sĩ hiện nay nhạt nhẽo, vô nghĩa ở câu từ. Ông chỉ đánh giá cao nội dung sâu sắc và âm hưởng dân ca của những bản nhạc vàng.Thời gian này ông dồn nhiều tâm huyết cho việc phát hành album và sách nhạc. Ông chia sẻ gì về dự án này? – Ý định này được tôi nung nấu từ lâu và bắt tay thực hiện vào đầu năm 2014. Lẽ ra việc phát hành album và sách diễn ra vào trung tuần tháng 3 này nhưng hiện các bản thu âm chưa khiến tôi hài lòng. Sớm nhất là tháng 4, khán giả sẽ thấy sản phẩm của tôi kèm sách nhạc tại các nhà sách trên toàn quốc. Đây là album tập hợp hơn 50 tác phẩm tôi ưng ý trong sự nghiệp sáng tác của mình. Tôi sử dụng tên bài hát Cho tôi được một lần làm tên album và sách. Trước giờ đa phần người yêu nhạc nhắc đến tên tôi với nhạc phẩm Giọng ca dĩ vãng. Thật ra, Cho tôi được một lần cũng là bài hát phổ biến và được nhiều người yêu thích. Tôi ra đĩa cùng sách nhằm tránh trường hợp đĩa bị in lậu. Hiện nay, chỉ cần sau vài tiếng phát hành, đĩa lậu đã tràn ngập thị trường. Gọi là tránh vậy thôi, tôi không dám chắc về khả năng sản phẩm của mình không bị sao chép. – Vì sao ông chọn thời điểm này để phát hành những tác phẩm nói về sự nghiệp sáng tác của mình? – Trước kia tôi từng lập Nhà xuất bản âm nhạc nhưng phần lớn thu âm và phát hành những bài hát ăn khách của nhạc sĩ khác mà ít chú ý tới sản phẩm của mình. Hai năm trở lại đây, tôi rảnh hơn nên có thời gian tập trung cho sản phẩm của bản thân. Điều kiện kinh tế cũng ảnh hưởng rất lớn đến quyết định phát hành album của tôi. Đến giờ, với sự ủng hộ của một số bạn hữu và tích cóp của bản thân, tôi mới có đủ gần 100 triệu đồng để đầu tư cho dự án này.

1623738-305347546314657-656856-1475-7089

Ngoài vai trò nhạc sĩ, Bảo Thu còn được biết đến như một nhà ảo thuật.

– Ông lý giải thế nào về việc nhắc đến ông, khán giả chỉ nhớ đến “Giọng ca dĩ vãng” dù ông viết gần 100 ca khúc?Giọng ca dĩ vãng là bài hát làm lên tên tuổi Bảo Thu, trở thành “hiện tượng” âm nhạc năm 1967 khi số lượng đĩa bán ra lên tới 500 nghìn bản. Ngoài Giọng ca dĩ vãng, Cho tôi được một lần cũng là bài hát phổ biến và được hát nhiều nhất trong các sáng tác của tôi từ trước đến nay. Đến giờ, khi nhận tiền tác quyền, tôi vẫn thấy hai bài hát này được sử dụng nhiều nhất. Trong sự nghiệp sáng tác, chỉ cần có chừng đó tác phẩm làm nên hiện tượng và được hát qua nhiều thế hệ, tôi thấy đã là niềm hạnh phúc không phải ai cũng có. Thật ra, thời gian sau này, tôi còn sáng tác rất nhiều bài. Phần lớn chúng được phổ biến ở hải ngoại chứ không phải trong nước. – Ông đánh giá thế nào về sức sống của dòng nhạc vàng?  – Dòng nhạc nào cũng có sức sống và đối tượng khán giả riêng. Thậm chí, có những khán giả vừa yêu nhạc vàng vừa nghe nhạc trẻ. Trong hơn 50 năm tồn tại và phát triển, nhạc vàng có lúc thăng, lúc trầm nhưng sức sống của nó bền bỉ, thầm lặng qua nhiều thế hệ. Bằng chứng là dòng nhạc này có rất nhiều bài hát đi cùng năm tháng, được nhiều thế hệ, kể cả người trẻ bây giờ yêu thích. Mỗi bài hát luôn là một câu chuyện có cấu tứ, mạch chuyện rõ ràng. Lời ca giản dị, bình dân, đánh động đến nỗi lòng sâu kín của đông đảo tầng lớp lao động trong xã hội. Các nhạc sĩ khéo kết hợp nhạc Bolero của phương Tây với âm điệu dân ca trong các sáng tác của mình. Dễ hiểu vì sao nhạc vàng cũng như cải lương, quan họ, hò Quảng… và các hình thức âm nhạc truyền thống khác lại có sức sống lâu bền và âm ỉ như vậy. – Ông nghĩ gì về nhạc trẻ hiện nay? – Nhạc trẻ hiện nay giống như một trào lưu, đến nhanh rồi đi cũng nhanh. Tôi không bàn đến giai điệu nhưng ca từ của nhiều nhạc sĩ trẻ khá nhạt nhẽo, chung chung, thậm chí là vô nghĩa. Tôi có cảm tưởng, có nhiều bài hát, khi đang sáng tác, nhạc sĩ hết vốn từ, không biết diễn đạt sao, đành chêm vào những thán từ “a”, “ơ”, “hời”, “ơi”… để lấp đầy khuông nhạc.

WP-20150303-003-9204-1425416613.jpg

Bìa sách nhạc “Tình khúc vượt thời gian” được nhạc sĩ phát hành vào tháng 4. – Ông là một trong số ít các nhạc sĩ nhạc vàng sống dư dả nhờ sáng tác. Ông chia sẻ gì về điều này? – Ở thời kỳ của tôi, nhạc sĩ nào khi đã có bài hát được phổ biến hoặc trở thành hiện tượng đều được nhận thù lao hậu hĩnh, từ tiền bản quyền phát hành tác phẩm. Tôi nhớ, năm 1967, bài Giọng ca dĩ vãng của tôi khi phát hành, bán được 20 đồng tiền Đông Dương cho một bản in lời bài hát. Thời điểm đó, xăng có 7 đồng một lít. Còn tiền bản quyền từ thu âm băng, đĩa lên tới 6-7 cây vàng, đủ mua nhà lầu, xe hơi. Nhạc sĩ Vinh Sử ngày trước giàu lắm, có tới vài cái nhà… Có điều, nhạc sĩ thường không toan tính, có người có gia đình nhưng vẫn thích thuê riêng một chỗ khác để tiện sáng tác và tiếp đãi bè bạn. Thành ra họ không giữ mình được trước thuốc lá, rượu và phụ nữ. Tiền bạc kiếm được cũng vì thế mà tiêu tan. Tôi sống cùng gia đình nên cuộc sống khá điều độ. Nhiều năm nay tôi không hút thuốc, uống rượu. Hơn nữa, tôi còn có thu nhập hỗ trợ từ việc biểu diễn ảo thuật. – Ngoài album và cuốn sách sắp ra mắt, dự định lâu dài của ông với âm nhạc ra sao? – Lâu nay tôi gần như dừng hẳn việc sáng tác nên không có nhiều tác phẩm mới. Sau album này, tôi dự định phát hành tiếp một album gồm 10 bài hát mà tôi tâm đắc nhất. Có lẽ tôi sẽ tiếp tục lấy tên album bằng tên bài hát Cho tôi được một lần.

***

Nhạc sĩ Bảo Thu tên thật là Nguyễn Trung Khuyến, sinh năm 1944 tại TP HCM trong một gia đình trí thức. Bảo Thu có thể chơi nhiều nhạc cụ và có năng khiếu đặc biệt với các môn tạp kỹ. Ngoài hai tình khúc Giọng ca dĩ vãng, Cho tôi được một lần được phổ biến, bài hát Nếu xuân này vắng anh của ông cũng được thể hiện thành công bởi các ca sĩ Hương Lan, Tuấn Vũ, Như Quỳnh, Cẩm Ly…

Châu Mỹ 

Theo VnExpress