Nhạc sĩ Anh Quân: ‘Đừng nghĩ thời của các diva đã sụp đổ’

Nhạc sĩ “Hương ngọc lan” khẳng định giá trị của các diva không bao giờ sụp đổ vì họ đã đi vào lịch sử âm nhạc.

– Tết vừa qua, anh và chị Mỹ Linh lại tiễn thêm một người con đi du học, lại là học về ngành y, sao anh không hướng con theo nghiệp của mình?

– Duy là đứa có năng khiếu âm nhạc. Ngay từ bé khi bật nhạc lên là Duy đã nhún nhẩy, để ý ngay lập tức, chứ không phải là đứa trẻ chỉ coi âm nhạc để cho vui. Duy có tai nghe nhạc rất tốt, có thể nhớ nhạc ngay lập tức. Nhưng theo nghề này phải đam mê thực sự mới làm được.

Duy có những hướng đi khác, và tôi ủng hộ. Duy cũng là đứa không thích nổi tiếng. Duy cực ghét bị gọi là “hot boy”. Đó cũng là điều mà chúng tôi giáo dục các con. Nổi tiếng chỉ gói gọn khi làm nghệ thuật, còn những nghề như bác sĩ thì cũng không cần, họ chỉ cần làm tốt công việc của mình thôi.

Anh Quân và các con Mỹ Anh, Anna Trương và Anh Duy. Ảnh: FBNV.

Âm nhạc không thể chỉ có mấy triệu view trên YouTube

– Chia sẻ với Zing.vn, Mỹ Linh bảo chị ấy thường xuyên nghĩ về việc sẽ không hát nữa, ý là có thể dừng việc ca hát biểu diễn lại để tập trung cho công tác giáo dục. Và anh đã mắng vợ mình?

– (Cười) Chắc làm xong Chat với Mozart II, Linh mệt quá nên nói vậy. Có thể là muốn nghỉ ngơi sau khi đã mất nhiều thời gian, công sức cho một sản phẩm đúng nghĩa. Nhưng cũng chẳng biết được, khéo lại là thật.

– Nhớ lại thuở “Tóc ngắn” của 20 năm trước, Anh Quân từng mang tiếng “làm hỏng Mỹ Linh” với thứ nhạc rất Tây. Thời đó, nhạc của anh với “Hương Ngọc Lan”, với “Tóc ngắn” đã nhận vô số chỉ trích. Từng chịu tình cảnh như vậy, anh có đồng cảm khi một số ca sĩ trẻ hiện nay cũng bị chỉ trích vì thứ âm nhạc lạ, bị coi là không có giá trị, đạo nhái?

– Không, đó là hai chuyện hoàn toàn khác nhau đấy. Thời đó, chúng tôi, đúng là bị chỉ trích, đĩa ra phải mất một năm người ta mới nghe, nhưng chúng tôi tin sản phẩm có giá trị về mặt âm nhạc nên chẳng sợ gì.

Chúng tôi làm để có giá trị thật chứ không phải làm ta để lấy tiếng, để được bàn tán, thậm chí được sỉ vả để nổi tiếng như một số người hiện nay. Chúng tôi không làm như vậy.

– Mỹ Linh cũng bảo “muốn đi nhanh hãy đi một mình, nhưng muốn đi lâu hãy đi với những người bạn”. Có vẻ như một trong những thành công của Mỹ Linh, cũng như Anh Quân là đã tìm được những cộng sự hết mình?

– Chúng tôi có những cộng sự mà ở đó chúng tôi đã cùng nuôi với nhau sự sáng tạo. Qua năm tháng, chúng tôi vẫn không chán nhau, thay vào đó vẫn luôn luôn nói chuyện và làm việc được.

Chúng tôi cũng biết mình đang làm gì, và cần làm gì giữa đời sống âm nhạc. Âm nhạc không thể chỉ có MV đưa lên YouTube rồi mấy triệu view, không thể chỉ đo lường bằng view như vậy.

Tôi và cộng sự đồng cảm ở nhận thức đó, lại được làm công việc mình thích nên có thể đi cùng nhau lâu dài. Gia đình, sự nghiệp, đôi khi cũng từ những sự đồng cảm và thấu hiểu như thế.

– Anh bảo âm nhạc không thể chỉ đo lường bằng mấy triệu lượt xem trên YouTube, đó là lý do anh và các cộng sự của mình vẫn quyết tâm làm đĩa, dù có thể với nhiều người đó là hướng đi lỗi thời?

– Một nghệ sĩ thì không thể không có album được, nếu không có album bạn thử nghĩ xem, như thế không ổn chút nào đâu. Ai cũng bảo tôi làm làm gì, album giờ còn ai mua nữa, ra hôm trước, hôm sau trên mạng đã đầy. Nhưng nếu không làm cứ để thế mãi à. Album xưa rồi, không ai làm nữa, tôi vẫn làm.

Mình vẫn phải lao động chứ, tôi học được rất nhiều từ nhạc sĩ Dương Thụ. Ông nhiều tuổi rồi đấy nhưng với nghề thì lúc nào cũng nhiệt tình, say mê, không ai nghĩ ông Thụ già rồi.

Nhạc sĩ Dương Thụ lao động như một nhu cầu thực sự, kể cả năm ông hơn 60 tuổi vẫn có ca khúc hay. Lao động nghệ thuật như thế khiến tôi nể lắm.

– Hình như anh từng chia sẻ về việc ca khúc buồn đang “thống trị nhạc Việt”, và đó là lý do anh muốn thông qua âm nhạc của mình, nhạc Việt có thể “tươi” lên phần nào?

– Không, tôi không có suy nghĩ đó. Tôi chỉ thấy là xung quanh mình bây giờ tin buồn nhiều quá, nhiều thông tin khiến mình có thể bi quan, trên mạng xã hội, rồi trên báo chí, chứ tôi không nói ca khúc buồn.

Khi tiếp xúc với cuộc sống nói chung, tôi thấy cuộc sống đôi khi buồn chán quá. Qua âm nhạc mà mình làm, tôi chỉ muốn góp một phần, làm “tươi lên” một chút. Và quan trọng là gì, ngay cả khi bi quan, nghe nhạc của chúng tôi là sẽ được vui lên, đó mới là điều tôi muốn.

Nhac si Anh Quan: 'Dung nghi thoi cua cac diva da sup do' hinh anh 2
Anh Quân cho rằng nghệ sĩ không thể không có album phòng thu. Ảnh: NVCC.

Đừng nghĩ thời của các diva đã sụp đổ…

– Chị Mỹ Linh thừa nhận “chẳng thể làm âm nhạc đúng nghĩa ở truyền hình thực tế” nhưng đó cũng là “cần câu cơm” để nghệ sĩ có kinh phí đầu tư cho sản phẩm âm nhạc. Anh thấy có đúng?

– Với những nghệ sĩ như Huy Tuấn, Mỹ Linh, truyền hình thực tế đã là công việc thường nhật, và có tính thời vụ. Tôi không quá ủng hộ nhưng cũng không phản đối. Không phải lúc nào nghệ sĩ cũng có công trình, sản phẩm đồ sộ nên việc tham gia game show, làm giám khảo cũng là một phần cuộc sống.

Thêm nữa, sản phẩm âm nhạc mà cứ ra tằng tằng thì xem chừng cũng không ổn. Giá trị cần phải có thời gian, phải thai nghén tử tế, phải qua nhiều khâu, cần nhiều thứ. Tôi không nghĩ là phải mất mười mấy năm để ra một sản phẩm như Chat với Mozart II, nhưng đã là sản phẩm đầu tư thì không thể ra hàng ngày được.

Tôi quan niệm cứ làm việc thường nhật để kiếm tiền đi, nhưng khi có việc gì lớn mà thực sự là con người mình thì phải tập trung làm. Nếu có được tư tưởng đó thì tham gia truyền hình thực tế cũng tốt thôi.

– Sau lần làm giám khảo Vietnam Idol thấy anh “lặn mất tăm” khỏi truyền hình thực tế nhưng thỉnh thoảng vẫn thấy anh là giám đốc, biên tập âm nhạc cho một vài live show. Có phải đó cũng là “cần câu cơm” khi anh đã “khước từ” truyền hình thực tế?

– Nói thế thì không hẳn đúng đâu. Việc làm biên tập, giám đốc âm nhạc live show là một phần công việc của tôi. Khi nhận lời làm về âm nhạc cho những chương trình, đêm nhạc, dù là cá nhân hay theo chủ đề, tức là mình làm việc, mình phải sắp xếp, biên tập, phối khí lại.

Nhưng cũng không phải chương trình nào tôi cũng nhận lời. Một năm nếu các bạn để ý thì thấy tôi chỉ làm một vài chương trình, và cũng đều là đêm nhạc phù hợp với mình, với khả năng của mình.

Như tới đây, tôi làm đêm nhạc Giọng ca vàng: Tình khúc cho em dịp 8/3Đây là chuỗi chương trình tôi đã theo, cũng là những gương mặt quen thuộc với Khánh Ly, Cẩm Vân, Hồng Nhung, Mỹ Linh,… Làm live show thuần túy âm nhạc với những giọng ca như thế là làm nghề chứ không thể coi là “cần câu cơm” được.

Nhac si Anh Quan: 'Dung nghi thoi cua cac diva da sup do' hinh anh 3
Anh Quân khẳng định giá trị của các diva không bao giờ sụp đổ vì họ đã đi vào lịch sử âm nhạc.

– Người ta bảo diva từng là một đế chế nhưng đế chế nào cũng sẽ đến thời điểm sụp đổ?

– Không ai trẻ mãi được, còn về mặt văn hóa – nghệ thuật, hiển nhiên ca sĩ cũng chỉ đạt được về mặt thị trường ở tầm trẻ, sau đó sẽ tinh về đối tượng khán giả, đấy là quy luật.

Nếu khán giả nào yêu thích từ trẻ, họ có thể đi theo mình đến già. Nhưng tất nhiên, họ không còn lùng sục vì view, không còn fanclub, họ thưởng thức âm nhạc như những người trưởng thành. Nhưng đừng nghĩ họ sụp đổ, họ đã tạo nên lịch sử.

Đơn cử như Mariah Carey, bán được nhiều album nhất thế giới, với hàng trăm triệu bản, các bạn trẻ đi bán thử xem, có đạt được con số khủng khiếp ấy không? Thế nên đừng nhìn ở phương diện thị trường, đừng nhìn ở view YouTube mà quên đi đóng góp của họ cho biết bao thế hệ.

Khuê Tú

Theo Zing