Đạo diễn “Tháng năm rực rỡ” đánh giá siêu mẫu diễn có chiều sâu hơn, thay vì chỉ gây chú ý với ngoại hình như trước.
– Ấn tượng của anh về Thanh Hằng ở phim mới có gì khác với nhiều lần hợp tác trước đây?
– Với những phim trước của tôi, Thanh Hằng gần như là nữ chính duy nhất. Ở Tháng năm rực rỡ, đất diễn được phân đều cho các tuyến nhân vật khác. Chính vì xuất hiện không quá nhiều, sức lực và khả năng tập trung của cô ấy vào nhân vật ở từng cảnh rất đáng quý. Tôi cảm giác ở phim này, Thanh Hằng có sự trưởng thành khi diễn, đóng cảnh nào là đạt cảnh ấy.
Thanh Hằng diễn bình tĩnh hơn, chậm rãi và đầy cảm xúc. Đây là yếu tố rất quan trọng khi làm nghề vì diễn viên nào cũng muốn chứng tỏ mình nổi trội trên màn ảnh. Với Mỹ nhân kế (2015), Những nụ hôn rực rỡ (2013), cô ấy có những chiêu trò riêng khi diễn. Còn ở đây, Thanh Hằng không phát huy thế mạnh từng được biết đến, mà đòi hỏi diễn xuất nội tâm.
Quang Dũng và Thanh Hằng gắn bó trong nhiều phim điện ảnh. |
– Vì sao anh muốn thử thách Thanh Hằng ở vai diễn nặng nội tâm?
– Tôi nghĩ đó là điều thú vị của nghề diễn. Một diễn viên hay luôn muốn thử sức với những điều họ chưa có dịp thể hiện. Là một đạo diễn, việc giúp diễn viên xây dựng hình ảnh khác nhất từ trước đến nay là một trong những điều tôi hướng đến. Nếu để Thanh Hằng lặp lại chính cô ấy trong phim Mỹ nhân kế, Những nụ hôn rực rỡ… thì chẳng còn gì bất ngờ. Ngoài ra, bản thân nhân vật mới của Thanh Hằng – một phụ nữ bị ung thư – cũng bắt buộc cô ấy phải có những điểm mới mẻ về diễn xuất.
– Tin đồn tình cảm giữa hai người ảnh hưởng thế nào đến anh khi quyết định giao vai cho cô ấy?
– Tôi không thấy ngại ngùng gì với Thanh Hằng. Khi làm nghề, tôi luôn quan niệm phải bỏ qua những e dè thì mới làm việc tốt được cùng nhau. Ngoài ra, chuyện mời cô ấy đóng là đề nghị của nhà sản xuất. Khi đọc kịch bản, ai cũng công nhận dạng vai “đại ca” trong nhóm như thế rất hợp với Thanh Hằng.
Tôi quý Thanh Hằng nhất ở sự tập trung và thái độ chuyên nghiệp. Khi nhận bất cứ vai lớn nhỏ nào, cô ấy sẽ tìm mọi cách sắp xếp công việc để chú tâm vào nó. Trên phim trường, cô ấy sẽ ngồi riêng một góc. Vì tập trung quá, nhiều khi diễn viên khác gây ồn, cô ấy phản ánh ngay. Nhiều người mới đầu thấy thế, có cảm giác khó chịu, nhưng theo tôi đó là phản ứng nên có.
Từ trái sang: Mỹ Duyên, Mỹ Uyên, Hồng Ánh, Thanh Hằng, Minh Tuyền trong “Tháng năm rực rỡ”. |
– Ngoài Thanh Hằng, anh làm việc với dàn mỹ nhân ở hai thế hệ trong phim mới. Anh có kỷ niệm nào đáng nhớ?
– Với một dàn người đẹp đông đảo như thế, mỗi sáng thức dậy với tôi đều là một áp lực. Chờ đợi họ trang điểm xong đã là một vấn đề, mà có cảnh xuất hiện đến 12 cô. Ngoài ra, nữ giới luôn có nhiều cảm xúc vui buồn phức tạp trong đời sống hơn đàn ông. Chẳng hạn, có cô bị thất tình, khóc lóc thì cả đám cũng khóc theo, buộc tôi phải nương vào và chuyển hóa luồng cảm xúc đó lên màn ảnh.
– Áp lực của anh là gì khi Việt hóa một bộ phim Hàn Quốc thành công như “Sunny”?
– Sunny là bộ phim điện ảnh tôi tâm đắc, có kịch bản giống như một cuốn nhật ký với những điều riêng tư. Khi làm lại, tôi cần đảm bảo giữ được yếu tố riêng tư trong kịch bản gốc. Tôi phải tìm tòi và đặt bộ phim vào bối cảnh lịch sử phù hợp với khán giả trong nước.
Áp lực chỉ có thể thôi, còn tôi không đặt nặng áp lực doanh thu mấy khi làm lại một bộ phim hot. Yếu tố “remake” không quyết định sự thành công hay thất bại của phim, bởi còn phụ thuộc vào cái duyên làm nghề của đạo diễn, điểm rơi của bộ phim…
– Nếu nói phim của anh gây chú ý bởi được sự hỗ trợ của nhiều sao tên tuổi,thì anh trả lời sao?
– Với tôi, khi làm việc phải dẹp bỏ lợi ích cá nhân để nghĩ đến cái chung. Khi mời một diễn viên đóng, tôi không nghĩ đến việc họ là bạn tôi, bởi có những thứ nếu đặt không đúng chỗ sẽ vừa hại mình, vừa hại bạn. Tùy dự án, tôi tìm cộng sự thích hợp. Ví dụ như diễn viên Hồng Ánh và tôi là bạn từ thuở cấp hai, nhưng đến phim này chúng tôi mới hợp tác.
Riêng với Mỹ Tâm, tôi và anh Đức Trí mời cô ấy hát ca khúc chủ đề trong phim vì thấy chất giọng phù hợp. Đó là một ca khúc nói về tiếng lòng của một phụ nữ 40 tuổi. Tâm nhận lời là điều may mắn với chúng tôi, có lẽ một phần nhờ tình bạn của tôi và Tâm từ trước.
– Làm phim đã lâu, cát-xê đạo diễn của anh hiện thế nào?
– Chuyện thù lao với tôi có ý nghĩa lắm. Nó đánh giá được công sức, giúp mình sống và chứng tỏ rằng công việc tôi đang làm là chuyên nghiệp. Tức là tôi sống được bằng nghề mà không phải làm việc khác. Khi mức sống trở nên thoải mái, tôi mới tập trung vào công việc. Tôi mừng khi thấy đời sống của anh em làm phim được nâng cao. Có thể đa phần khán giả không thấy, nhưng bản thân tôi nhận ra đó là chính sự phát triển của điện ảnh nước nhà.
&&
Đạo diễn Nguyễn Quang Dũng sinh năm 1978. Anh tốt nghiệp lớp Đạo diễn điện ảnh trường Sân khấu – Điện ảnh TP HCM năm 1999, chạm ngõ phim ảnh khi làm phó đạo diễn cho phim Vũ khúc con cò. Anh được biết đến với loạt phim giải trí như Hồn Trương Ba – da hàng thịt, Nụ hôn thần chết, Giải cứu thần chết, Những nụ hôn rực rỡ… Ngoài làm đạo diễn, anh ngồi ghế giám khảo các cuộc thi như Vietnam Idol, Phiên bản hoàn hảo…
Mai Nhật
Theo VnExpress