MC tự thưởng cho mình chuyến đi đến Bhutan – quốc gia nổi tiếng với lối sống lành mạnh và lòng yêu thiên nhiên.
Sau khi xem bài phát biểu của thủ tướng Bhutan – Tshering Tobgay – trong hội nghị TED, Nguyên Khang quyết định thực hiện chuyến đi dài ngày đến với Bhutan.
Anh thích thú trước cảnh đẹp củaPunakha Dzong – đoạn giao giữa hai con sông, bên trái là sông Cái, bên phải là sông Đực. Trước tòa cung điện trồng rất nhiều cây phượng tím. Mỗi một quận của Bhutan đều có một Dzong (đây là nơi được xem như cung điện của vua, cũng là thủ phủ hành chính và dành cho các hoạt động tôn giáo).
Punakha Dzong là nơi nhà vua nhậm chức trước khi đến thủ đô Thimphu cai quản đất nước. Punakha Dzong xây năm 1637. Năm 1994 trận lũ lớn đã càn quét và đã tàn phá nghiêm trọng nơi đây. Năm 2004, vị vua thứ tư của Bhutan đã phục chế và xây dựng lại, mở cửa cho du khách vào tham quan.
Cây cầu nối hai bờ sông ở Punakha và chảy qua Punakha Dzong. Ở đây người dân treo nhiều cây cờ màu sắc trên thành cầu.
Ngoài đồi núi, sông hồ, thác nước là những nét đẹp nổi bật của Bhutan. Nguồn thu nhập chính của người dân đến từ thủy điện. Họ bán điện cho Ấn Độ dựa vào những đập thủy điện trải dài ở các thác nước.
Một trong những biểu tượng của Bhutan được thế giới biết đến là tu viện nằm lơ lửng giữa chừng dốc núi – tu viện Taktsang – ở thành phố Paro. Taktsang có nghĩa là Tiger’s Nest (Hang Cọp).
Taktsang là một trong những nơi linh thiêng nhất Bhutan. Tu viện tọa lạc trên một vách núi đá granit cao ngất, giữa tầng mây nhìn xuống thung lũng Paro, có độ cao hơn 3.000 m so với mực nước biển.
Nơi này được tín đồ Phật giáo và người dân Bhutan đặc biệt tôn kính vì nó gắn liền với quá trình tu tập và hành đạo của ngài Padmasambhava (Liên Hoa Sinh).
Nguyên Khang chụp ảnh cùng những người dân Bhutan. Trên tay họ đang cầm Kim Luân Chuyển Chú – một tín vật của Phật giáo Bhutan.
Nguyên Khang cũng dành thời gian viếng thăm tu viện Kurjey Lhakhang. Đức Liên Hoa Sinh đã thiền định tại đây và để lại dấu thân (jeku) giác ngộ của ngài trên một tảng đá. Đây cũng là nơi ngài hóa thân thành Hộ pháp Garuda và hàng phục quỷ thần Shelging Karpo.
Theo VnExpress