Chuyện người mẫu bị lạm dụng tình dục là một vấn nạn khó dứt điểm trong làng mốt. Mới đây, vụ việc nam người mẫu Hạng Hải – á quân của cuộc thi người mẫu trên mạng của Đài truyền hình trung ương Trung Quốc (CCTV) tử vong sau khi bị cưỡng hiếp đã làm dư luận rúng động. Không chỉ thế, quá trình điều tra còn cho thấy ác thủ Đỗ Văn Bác còn từng hãm hiếp 10 người mẫu nam khác. Vụ việc khiến công chúng sợ hãi trước sự gia tăng nạn lạm dụng tình dục người mẫu. Đằng sau hào quang của sàn diễn là vô số những cạm bẫy đầy hiểm nguy đối với các chân dài, trong đó có những hợp đồng đổi lại bằng thân xác.
Tạp chí Vogue từng đăng bộ ảnh phản ánh về nạn lạm dụng tình dục trong làng mốt
Tràn lan các vụ lạm dụng tình dục Ngoại hình đẹp là một trong những yếu tố quan trọng đối với một người mẫu. Tuy nhiên nó lại cũng chính là thứ khiến họ lôi cuốn các con yêu râu xanh. Năm 2009, ”yêu râu xanh” đội lốt nhà thiết kế Anand Jon bị tuyên án tù 59 vì hành vi 48 lần cưỡng bức 18 người mẫu trẻ. Anand Jon là nhà thiết kế gốc Ấn rất triển vọng, khách hàng của y bao gồm các ngôi sao như Paris Hilton, Oprah Winfrey, Janet Jackson, Mary J. Blige, Norah Jones, Rosario Dawson… Thủ đoạn của Anand Jon là đem danh tiếng và hợp đồng ra để dụ dỗ các người mẫu, sau đó tấn công tình dục họ. Đáng buồn hơn, trong số nạn nhân của Anand còn có các người mẫu thiếu niên mới chỉ 15 tuổi. Vụ việc của Anand Jon đã gây phẫn nộ trong dư luận suốt một thời gian dài. Công chúng hoài nghi rằng có thể còn có rất nhiều vụ việc người mẫu bị nhà thiết kế quấy rối tình dục nhưng do sợ hãi và quá nhục nhã, họ đã không khai báo.
Nhục nhã hoặc sợ bị trả thù, nhiều chân dài đã cắn răng nhịn nhục (ảnh minh họa)
Các nhiếp ảnh gia thời trang cũng là những thế lực có thể nâng đỡ, o bế các người mẫu lên hàng ngôi sao trong làng mốt. Nhiều người mẫu vô danh đã phải hết lòng nhờ cậy và tìm mọi cách để duy trì mối quan hệ tốt với các tay máy. Không ít các nhiếp ảnh gia thời trang đã lợi dụng danh tiếng và quyền lực vô hình của mình để ép buộc người mẫu qua đêm với mình, hoặc tệ hại hơn là tấn công tình dục họ. Trong bộ phim tài liệu Picture me của người mẫu Sara Ziff, rất nhiều người mẫu đã kể lại họ bị nhiếp ảnh gia yêu cầu đổi chác sex để lấy cơ hội làm việc. Một người mẫu 16 tuổi tức tưởi nhắc lại ký ức kinh hoàng bị một nhiếp ảnh gia có máu mặt (không nêu tên) sờ soạng khắp cơ thể khi mới dò dẫm những bước chân vào làng mẫu. Sau đó cô gái này đã không dám xuất hiện tiếp vì sợ bị trả thù. Terry Richardson là một nhiếp ảnh gia thời trang nổi tiếng về tài năng cũng như các vụ bê bối tình ái. Terry bị hàng loạt người mẫu tố cáo đã gạ tình trắng trợn và xâm hại tình dục họ trong khi đang làm việc. Đổi lại, sau chuyện tình một đêm, các chân dài vô danh sẽ có thể được xuất hiện trên tạp chí thời trang số 1 thế giới Vogue. Mặc dù vướng vào một danh sách rất dài các cáo buộc xâm hại tình dục nhưng Terry vẫn bình an vô sự do được bao che bởi các thế lực quá lớn trong làng mốt.
Terry Richardson (trái) vẫn nhởn nhơ vì được nhiều thế lực nâng đỡ, bao bọc
Tuy nhiên, không phải trường hợp nào cũng may mắn thoát vòng lao lý như thế. Giữa năm 2014, nhiếp ảnh gia Shaun Colclough đã bị tuyên án 7 năm tù do tấn công tình dục 15 phụ nữ, trong đó đa số là người mẫu trẻ. Sau khi bị xâm phạm tình dục, nhiều người mẫu đã bị chấn động tâm lý. Họ bị hoảng loạn, thậm chí có những trường hợp đã tìm tới chuyện quyên sinh vì quá nhục nhã. Siêu mẫu Karen Mulder từng tự tử sau vì không chịu nổi quá khứ tăm tối từng bị quá nhiều người đàn ông làm việc trong ngành thời trang hãm hại. Tương tự, người mẫu Trần Lệ Bình đã nhảy lầu từ tầng 25 xuống đất sau khi cơ quan điều tra không tiếp nhận đơn thư bị nhiếp ảnh gia Aaron hãm hiếp. Cựu người mẫu Muriel Rodriquez từng chia sẻ trong cuốn hồi kỳ A model life, làng người mẫu che giấu rất nhiều sự thật kinh tởm. Chỉ có rất ít người dám đứng lên để nói sự thật. Vì thế còn nhiều điều đáng sợ xoay quanh vấn đề tình dục, giảm cân, phân biệt chủng tộc chưa được lôi ra ánh sáng. Trong trường hợp của Shaun Colclough, sau khi nạn nhân là người mẫu người mẫu Roswell Ivory đứng ra tố cáo, hàng loạt các nạn nhân khác, vốn định im lặng mãi mãi đã cảm thấy cần phải tố cáo và lôi tên yêu râu xanh ra tòa.
Chân dung nhiếp ảnh gia tà dâm Shaun Colclough
Cạm bẫy gài trên mạng internet Mạng internet phát triển là cầu nối giúp các người mẫu tìm được nhiều cơ hội nghề nghiệp hơn. Tuy nhiên, nó cũng tiềm ẩn không ít các cạm bẫy. Nhắc lại trường hợp của nam người mẫu xấu số Hạng Hải, anh gặp Đỗ Văn Bác trên một diễn đàn người mẫu. Đỗ Văn Bác giả mạo làm giám đốc công ty quảng cáo (thực tế y chỉ là phiên dịch viên) để lừa Hạng Hải với lời mời làm người mẫu cho một hãng bia. Sau đó cả hai đã tới khách sạn để “bàn công việc”. Hạng Hải bị chuốc thuốc mê, bị cưỡng hiếp và tử vong sau đó. Trước đó, Đỗ Văn Bác đã dùng internet làm công cụ tiếp cận các nam người mẫu muốn tìm việc. Y tham gia vào các diễn đàn về thời trang, lừa đảo và hãm hiếp tổng cộng 11 người mẫu nam.
Người mẫu Hạng Hải bị lừa trên mạng internet
Trường hợp của Shaun Colclough cũng tương tự. Y “đóng đô” trên diễn đàn người mẫu nghiệp dư Modelmayhem – nơi có rất nhiều người mẫu vô danh muốn tìm kiếm cơ hội trong làng mốt. Shaun mời họ làm nàng thơ cho các tác phẩm nhiếp ảnh khỏa thân của hắn. Sau đó, lợi dụng các người mẫu “thân cô thế cô” đang trong tình trạng không mảnh vải che thân, Shaun lao vào cưỡng hiếp họ. Chối tội Các “yêu râu xanh” của làng mốt cho rằng không có thứ gì được coi là cưỡng dâm ở đây mà chỉ là sự đồng thuận tới từ hai phía. Họ cho rằng chuyện lên giường với các người mẫu chỉ là sự đổi chác, mối quan hệ cộng sinh, “đôi bên cùng có lợi”. Đại diện cho thân chủ mình, luật sư riêng của NTK Anand – kẻ gây ra gần 50 vụ cưỡng dâm người mẫu biện hộ:“ Cuộc sống sau sàn biểu diễn thời trang rất phức tạp, các người mẫu muốn tiến thân nhanh cần có người dìu dắt và mối quan hệ với những người trong giới. Chính vì thế các cô người mẫu không chuyên luôn vây quanh thân chủ tôi, thậm chí có người tìm đến tận nhà riêng. Họ tự nguyện quan hệ tình dục với anh ta chứ không ai ép buộc. Và khi Anad không đưa họ lên thì tất cả quay lại cho rằng mình bị tấn công tình dục. Đây thật là một điều phi lý”. Tương tự nhiếp ảnh gia tà dâm Terry Richardson cũng lên tiếng phàn nàn về chuyện mình bị các người mẫu gạ gẫm, theo đuổi và lợi dụng ra sao. Ông này cho rằng các người mẫu muốn ngủ với mình để đổi lấy danh vọng, vì thế đây là quan hệ nam nữ bình thường, không phải cưỡng hiếp.
Terry Richardson cho rằng ông ta mới là nạn nhân khi các người mẫu luôn bao vây và tán tỉnh (ảnh minh họa)
Những rào chắn trước vấn nạn lạm dụng tình dục Cương quyết phản ứng trước những hành vi kém đứng đắn là một trong những điều người mẫu nên làm. Siêu mẫu Coco Rocha từng cộng tác với Terry Richardson và suýt bị ông này sàm sỡ. Coco Rocha đã thẳng thừng hủy buổi chụp hình và bỏ về. Sự cương quyết của siêu mẫu này đã bảo vệ cô trước nhiếp ảnh gia tà dâm. Coco Rocha cũng soạn thảo một điều luật không chụp hình khỏa thân để tạo hình ảnh đứng đắn cho bản thân. Nghiêm túc trong công việc và hình ảnh đứng đắn giúp Coco Rocha tự tạo nên cho mình một rào chắn vô hình trước những mối nguy hại xâm hại tình dục.
Coco Rocha tạo ra rào chắn tự bảo vệ mình
Các công ty quản lý người mẫu có uy tín đưa ra lời khuyên người mẫu không nên tự ý hợp tác với các tổ chức, công ty, những người có nguồn gốc không rõ ràng. Đặc biệt là phải cực kỳ cảnh giác với các mối quan hệ trên mạng, trên các diễn đàn…. Thay vào đó, người mẫu nên làm việc với nhiếp ảnh gia thời trang được công ty quản lý chỉ định và khuyến khích.
Thu Hương
Theo Khampha.vn