Trong niềm háo hức đón xuân mới, nhiều sao Việt không tránh khỏi cảm giác bồi hồi với ký ức ngày Tết khốn khó hồi bé thơ. Đan Trường
Chia sẻ chủ đề Tết trong ký ức tuổi thơ, “anh Bo” cho biết ngày còn bé, dù gia đình còn khá khó khăn nhưng mẹ anh vẫn cố gắng mua quà mứt và may áo mới để anh đi chơi đầu năm với bạn bè: “Mẹ tôi là người phụ nữ đảm đang, tháo vát. Áo quần của anh em chúng tôi là do mẹ tự đi chợ mua vải rồi tự tay cắt may hết. Vậy mà mặc lên cũng đẹp lắm. Những lúc đó, tôi thường háo hức muốn mặc ngay và đi vòng vòng khắp xóm để khoe áo mới nhưng mẹ không cho. Mẹ dặn là đến ngày mùng một Tết mới được mặc. Vậy là từ đó, “cậu bé” Đan Trường mới bắt đầu biết đến Tết là gì”. (cười) Lớn lên trong gia đình không mấy dư dả nên ký ức Tết xưa của nam ca sĩ nổi tiếng khá giản dị. Ngày mồng một Tết, anh mới được mẹ cho mặc áo mới để đi sang nhà ông bà chúc Tết rồi đi chùa hái lộc đầu năm, sau đó mới cho phép anh “chạy đi chơi” với bạn bè cùng xóm. Nếu như con nít bây giờ được cưng chiều và tha hồ “quà bánh thả cửa” thì “cậu bé” Đan Trường ngày xưa chỉ được thưởng vài cây kẹo, miếng mứt be bé để ăn lấy hên ngày đầu năm mà thôi. Anh Bo trải lòng: “Bây giờ, người ta có nhiều thứ để vui xuân hơn chứ thời Đan Trường ngày trước Tết chỉ quanh quẩn có vài thứ để chơi thôi. Con nít đã ít thú vui chơi, người lớn lại càng ít hơn, chủ yếu những ngày xuân là để họ nghỉ ngơi sau một năm dài bận rộn với công việc. Tuy nhiên, có thể nói khoảnh khoắc đẹp mà ngày bé Đan Trường thường mong chờ để được thấy đó là chờ hoa mai nở. Không hiểu sao, việc ngắm nhìn những cánh mai vàng bung nở trong đêm giao thừa khiến tôi thích thú lắm”. Hương Giang Idol
“Vì là ca sĩ nên tôi phải chăm chút vẻ ngoài chứ gia đình Hương Giang không sang trọng như nhiều người nghĩ đâu. Ngày nhỏ, chị em tôi thích nhất là được ba mẹ lì xì Tết. Vì gia đình cũng bình thường nên tiền mừng tuổi của chúng tôi cũng ít lắm. Sau Tết, tôi thường tổng kết lại chỉ có vài trăm ngàn, đủ để đi mua thêm một ít quà vặt kiểu con gái là xong”, Quán quân Cuộc đua kì thú 2014 mở đầu câu chuyện.
Bên cạnh tiền lì xì đầu năm, Hương Giang ngày bé còn rất thích được ba dẫn đi dạo phố phường Hà Nội trong những ngày cuối năm. Nữ ca sĩ chuyển giới chia sẻ trong ký ức của cô vẫn còn nguyên vẹn những hình ảnh của Tết xưa… Nói về kế hoạch Tết năm nay, nữ ca sĩ Trong nhà kho cho biết sau khi hoàn thành tiết mục trong chương trình Bước nhảy Hoàn vũ vào tối 14.2 tới (nhằm ngày 26 Tết), cô sẽ tranh thủ đón chuyến bay sớm nhất về Hà Nội cùng Criss Lai. Đến khoảng mùng 4 Tết âm lịch 2015, cô mới vào Sài Gòn và trở lại nhịp sống bận rộn với công việc. “Người khác thường có nhiều mong muốn vào ngày Tết nhưng với tôi chỉ đơn giản là được sum họp cùng gia đình, cùng những người thân của mình ngồi ăn bữa cơm, trò chuyện vui vẻ, rồi cùng nhau đi vãn cảnh đầu năm là đủ rồi. Chưa kể là Tết này tôi có anh Criss Lai bên cạnh, có thể nói đây là mùa xuân đầu tiên mà chúng tôi ở bên nhau nên nhiều ý nghĩa lắm”, Hương Giang cười nói. Quang Lê
Là người gốc Huế nhưng Quang Lê cho biết anh chưa một lần được đón Tết trên quê hương mình nên cũng không rõ không khí mùa xuân ở “thành phố mưa buồn” này ra sao. Từ nhỏ, nam ca sĩ Đập vỡ cây đàn đã theo gia đình sang Mỹ sinh sống, chính vì vậy, cảm nhận của anh về Tết nhất ở Việt Nam, theo chính Quang Lê chia sẻ, là “rất mơ hồ”. Thế nhưng, “ba nuôi Phương Mỹ Chi” cũng cho biết dù sống ở Mỹ và tiếp xúc với văn hóa nước ngoài nhiều năm nhưng gia đình anh vẫn đón Tết rất truyền thống: “Gia đình tôi gốc Huế nên ba mẹ tôi khá cổ điển. Ông bà rất nề nếp và muốn mọi thứ vào ngày đầu năm không khác gì mọi gia đình người Việt khác ở quê nhà. Đến nhà Quang Lê chơi Tết, bạn sẽ thấy hoa mai, hoa đào, bánh, mứt, dưa, kẹo không thiếu gì. Ngoài ra còn được nhận lì xì may mắn nữa”. (cười) Anh chia sẻ: “Hồi còn nhỏ, Quang Lê rất thích ngày Tết vì đó là thời điểm được mẹ may áo quần mới. Bây giờ lớn rồi, quần áo cũng trở thành loại hàng hóa thông dụng hơn trước rất nhiều. Chỉ cần ra tiệm, bỏ chút ít tiền là tha hồ lựa chọn bao nhiêu kiểu, mẫu. Chính vì vậy mà tập tục may áo mới ngày Tết cũng không còn. Riêng đối với Quang Lê, Tết đến tôi cũng chẳng còn nô nức đi mua áo quần mới vì mình là nghệ sĩ, mặc áo quần mới quanh năm rồi”. Minh Thư
“Sinh ra và lớn lên ở Sài Gòn nên Minh Thư cũng không có dịp trải nghiệm những hương vị Tết nhất như nấu bánh chưng, bánh tét mà chỉ được đọc qua sách vở. Tôi nghĩ cái cảm giác ngồi chờ bánh chín bên bếp lửa than hồng rực cháy cùng người thân chắc là ấm áp lắm. Dù vậy, vào đêm 29, 30 Tết, tôi được mẹ dẫn đi dạo lòng vòng phố xá, đi xuống những khu bán lồng đèn ở quận 5 (TP.HCM). Những màu sắc rực rỡ của ánh đèn cho tôi biết: À thế là Tết đã về”, cháu gái nam ca sĩ Lam Trường nói về cảm nhận ngày Tết. Từ nhỏ, nữ nhạc sĩ kiêm ca sĩ Minh Thư được mẹ khá yêu chiều, đi đâu cô cũng được mẹ đi theo “hộ tống”, chăm lo. Chính vì vậy, nhắc đến Tết, hẳn là sẽ thiếu sót nếu không có “mùi vị” rất đặc trưng là “sự ân cần chăm sóc” của mẹ dành cho cô. “Với nhiều người xa quê, xa gia đình, Tết hiện hữu ở miền quê của họ. Còn với Minh Thư, Tết không ở đâu xa mà ở ngay rất gần, đó là mẹ tôi. Cả ngày dù đi đâu, làm việc gì bận rộn nhưng tối đến là nhất định hai mẹ con chúng tôi phải dùng bữa và trò chuyện cùng nhau”, Minh Thư thổ lộ. Ngọc Trinh
“Nữ hoàng nội y” cho biết mình sinh ra trong gia đình nghèo khó ở Trà Vinh nên từ nhỏ, cô và các anh chị em đều rất mong ngóng đến ngày Tết. Đó là thời điểm mà Ngọc Trinh được nhận tiền lì xì và đi mua sắm đồ Tết, còn nếu không cô phải mặc đồ cũ của người khác cho. Ngọc Trinh chia sẻ: “Tôi lớn lên trong một xóm nhỏ nhưng bà con cô bác rất tình nghĩa. Con nít tụi tôi cứ đi hết nhà này đến nhà khác để chúc Tết và “gom” tiền lì xì, không nhiều thì ít nhưng rất vui. Sau này tự kiếm tiền được rồi, tôi không còn hào hứng với cảm giác nhận tiền lì xì nữa. Ngược lại, tôi thích lì xì cho các cháu và những đứa trẻ trong xóm mà mình gặp. Tôi cũng không còn thói quen mua đồ mới dịp năm mới, vì bất cứ khi nào cần mình cũng có thể mua chứ không đợi một dịp nào cả”. Trúc Nhân
Hồi chưa vào Sài Gòn lập nghiệp, Trúc Nhân sống cùng ba mẹ và anh chị em ở TP. Vũng Tàu. Ngày ấy, gia đình của Trúc Nhân chưa mấy dư dả, phía trước nhà là con đường đất nhấp nhô chứ chưa được tráng nhựa bằng phẳng như bây giờ. Dù hoàn cảnh còn nhiều khó khăn nhưng khung cảnh đơn sơ đó đã để lại trong ký ức tuổi thơ Trúc Nhân nhiều điều đẹp đẽ. Anh kể, ấn tượng nhất trong ký ức tuổi thơ là những khóm bông cúc, thọ, mai… mà mẹ anh tự tay vun trồng trước cửa nhà. Những ngày cận Tết, “cậu bé” Trúc Nhân thường lẽo đẽo theo mẹ ra chợ để lựa những chậu hoa kiểng xinh đẹp về bổ sung vào vườn hoa nhỏ của gia đình. Mẹ Trúc Nhân là người yêu hoa cảnh, chính vì vậy mà khu vườn tuổi thơ của Trúc Nhân cũng đượm sắc màu của hoa cỏ mùa xuân. “Tình cảm là thứ không bao giờ mua được bằng tiền. Bây giờ, dù đã trưởng thành và vào Sài Gòn sinh sống nhưng Tết này, Trúc Nhân vẫn tranh thủ về quê nhà thật sớm để cùng đón Tết với gia đình. Tôi hiểu điều ba mẹ mong muốn là được sum vầy cùng con cái của mình chứ không phải là tiền gửi về hàng tháng hay quà bánh. Chắc tôi sẽ ở nhà cho đến mùng 5 mới bắt đầu đi show trở lại”, nam ca sĩ Bốn chữ lắm chia sẻ.
Hà Ngân (ghi)
Theo Thanh Niên