Đội ngũ thiết kế thực hiện khoảng 120 bộ quần áo cho 10 diễn viên chính và cả vai phụ, chiếm 10% kinh phí sản xuất.
Tấm Cám là dự án phim mới của Ngô Thanh Vân với kinh phí lên đến 20 tỷ đồng. Trong đó, phần phục trang được đầu tư kỹ lưỡng. Tổng cộng, 120 trang phục được một ê-kíp 30 người sản xuất riêng cho phim với giá khoảng hai tỷ đồng, chưa kể những hạng mục đã được các đơn vị khác tài trợ.
Đại diện nhà sản xuất cho biết con số này không rẻ, nhưng nó xứng đáng với kỳ vọng của Ngô Thanh Vân và ê-kíp về những thiết kế phù hợp với bối cảnh phim và toát lên văn hóa Việt.
Trang phục được lên ý tưởng và vẽ mẫu bởi các nhà thiết kế như Trịnh Hoàng Diệu (em gái Trịnh Công Sơn), Mai Lâm, Tùng Vũ và được tư vấn bởi nhà thiết kế Thủy Nguyễn, giám đốc sáng tạo Hoàng Anh, stylist Lê Minh Ngọc…, bên cạnh đó là đội ngũ thợ may, thợ thêu, đính kết và cả đội phụ trách phần trang phục làm bằng sắt dành cho nam giới. Tất cả phải làm việc khẩn trương với áp lực thời gian cũng như sự cầu toàn, yêu cầu chỉnh sửa liên tục của Ngô Thanh Vân.
Tạo hình của Ngô Thanh Vân và Lan Ngọc trong phim. |
10 nhân vật chính có trung bình bốn bộ trang phục mỗi người để thay đổi. Ngoài ra, nhân vật phụ như quan, quân lính ở ngoài cung, trong cung, hầu nữ… đều được thiết kế riêng.
Váy áo lấy cảm hứng từ trang phục truyền thống của phụ nữ Việt qua các thời kỳ như áo yếm, áo tứ thân, cổ áo dài, mấn, vấn khăn, đôi hài… Họa tiết hoa cúc, hoa sen, hoa mai… được đưa vào sử dụng.
Yếu tố sáng tạo thể hiện qua sự phá cách trang phục, chẳng hạn cho bộ yếm của “dì ghẻ” Ngô Thanh Vân nằm ngoài lớp áo khoác. Điều này vấp phải phản ứng của một bộ phận công chúng cho rằng ê-kíp đã phá hủy tinh thần của váy áo truyền thống. Tuy nhiên, Ngô Thanh Vân bảo lưu quan điểm về sự cập nhật xu hướng và hòa nhập với trào lưu mốt của thế giới.
Chất liệu trang phục được tuyển chọn kỹ, ưu tiên vải truyền thống như lụa tơ tằm, gấm, cotton… với kỹ thuật thêu từ các thợ thủ công lành nghề.
Chất liệu cho từng bộ đồ dựa trên tính cách nhân vật trong phim, ví dụ nàng Tấm dịu hiền, vất vả nên trang phục có chất vải nhẹ, thô và không cầu kỳ, phức tạp bằng vai Cám và dì ghẻ. Với các nhân vật nam, chất liệu phải mạnh mẽ, cứng cáp, thể hiện uy mãnh của nam giới, nhất là khi lâm trận. Ngoài ra, vì diễn viên phải mặc nhiều lớp áo khác nhau theo bối cảnh phim thần thoại – cổ tích, yêu cầu đặt ra cho chất liệu là mỏng nhẹ, không vướng víu và tạo phom dáng đẹp khi di chuyển.
Phần phụ kiện cũng tiêu tốn một khoản kinh phí lớn vì phải sản xuất mới hoàn toàn. Chẳng hạn, mỗi chiếc mấn đồng của nhân vật Tấm khi đã là Hoàng hậu được làm bằng tay, đính ngọc và pha lê với giá khoảng 15 triệu đồng. Với nhân vật Thái tử, chiếc mão đội đầu cũng có hai lớp, chưa kể giáp ngực, giáp cổ tay, cầu vai, đai đeo phần bụng, giày và hai lớp áo trong. Điều này khiến giá thành trang phục bị đội lên.
Vải may đồ cho nhân vật Tấm lúc chưa lên ngôi Hoàng hậu được làm từ chất liệu thô sơ với những gam màu giản dị. |
Tổng thời gian từ lúc phác thảo bản vẽ đến khi hoàn thành mất khoảng ba tháng.
Để dễ hình dung về tính thực tế, toàn bộ bản vẽ tay đều được may thử và cho ê-kíp chọn lại. Sau khi vượt qua vòng tuyển chọn, các đội ngũ khác cũng mất vài tuần cho các công đoạn may, thêu, đính kết…
Là người chịu trách nhiệm về thiết kế trang phục, đạo cụ cho phim bên cạnh các nhà cố vấn chuyên nghiệp, Ngô Thanh Vân cho biết ít đạo diễn Việt nào can đảm làm phim điện ảnh thuộc thể loại cổ trang vì chi phí khâu trang phục rất tốn kém. Tuy nhiên, với quyết tâm làm một tác phẩm chỉn chu trong từng chi tiết, cô và ê-kíp đã rất cố gắng “gồng gánh” một khoản phí lớn để thỏa mong muốn.