Ở các thương hiệu nổi tiếng như Burberry, Dior hay Givenchy đều tồn tại bất công giới tính khi phụ nữ chiếm đa số nhưng lãnh đạo cấp cao luôn là nam giới.
Tại sao một ngành công nghiệp nhắm vào phụ nữ và thu về hàng tỷ USD từ phụ nữ nhưng lại chủ yếu vẫn do nam giới vận hành? Tờ New York Times dẫn một nghiên cứu lý giải điều này.
Vào thứ hai (21/5), chỉ vài ngày sau lễ tốt nghiệp, Viện Thiết kế Thời trang Parsons tổ chức một bữa tiệc gây quỹ, có sự tham gia của nữ ca sĩ Solange Knowles, kèm một buổi trình diễn thời trang của sinh viên, trao các giải thưởng… Khán phòng của bữa tiệc ngập tràn phụ nữ.
“Nhiều người vờ như không có bất bình đẳng giới”
Đến 85% sinh viên tốt nghiệp khóa đó là nữ giới, tương đương tỷ lệ ở các trường thiết kế khác ở New York. Chẳng hạn, Viện Thời trang Công nghệ có 86%, hay Viện Pratt, nói có 54 chuyên ngành học toàn nữ trong tổng số 58 chuyên ngành.
Và thử tưởng tượng xem, trong tương lai không xa những người phụ nữ đó sẽ gia nhập đội ngũ nhân sự nữ đông đảo của các hãng thời trang lớn và nhỏ.
Họ khởi đầu sự nghiệp với giấc mơ và khát vọng lớn. Sau đó, ở đâu đó giữa con đường vươn cao của họ, một trục trặc xảy ra và sự chênh lệch giới trong ngành thời trang thể hiện rõ rệt vai trò của nó.
Ở Mỹ, nữ chiếm xấp xỉ 80% số sinh viên học thời trang nhưng khi đi làm, nam giới vẫn lãnh đạo. Ảnh: New York Times. |
Bằng chứng là những đồng nghiệp nam giới của họ, vốn có số lượng ít ỏi hơn rất nhiều khi đi học cũng như khi khởi đầu sự nghiệp, bỗng dưng giành hết vị trí cao cấp và quan trọng trong ngành.
Vì thời trang, một ngành công nghiệp tồn tại dựa vào khách hàng nữ, thu hàng tỷ USD từ phụ nữ mỗi năm, bán hình ảnh phụ nữ lý tưởng cho những phụ nữ chưa lý tưởng, lại vẫn là một ngành cho nam giới lãnh đạo.
Sự bất bình đẳng giới ở ngay chính những hãng được coi là “kim tự tháp” trong ngành thời trang là chủ đề của nghiên cứu mang tên “Sàn catwalk thủy tinh” (The Glass Runway), sắp được công bố bởi Hội đồng Thiết kế Thời trang Mỹ (CFDA), tạp chí Glamour và công ty McKinsey & Company.
Những nữ lãnh đạo như Diane von Furstenberg đang cố gắng tạo ra thay đổi. Ảnh: Glamour. |
Thống kê trong số 50 thương hiệu thời trang lớn nhất toàn cầu cho thấy chỉ 14% thương hiệu có nhà điều hành là nữ. Dù đây vẫn chưa phải là cuộc khảo sát toàn diện nhưng vẫn đủ để cảnh báo giới thời trang và kêu gọi hành động thay đổi.
Như vậy, ngoài vấn đề về người mẫu siêu gầy, phân biệt sắc tộc, ngành thời trang còn có vấn đề bất bình đẳng giới.
“Chúng tôi không bàn về nó nhiều bởi ai cũng có cảm giác đó”, Diane von Furstenberg, chủ tịch của CFDA, bình luận, “Nhưng đôi khi bạn buộc phải lên tiếng vì nhiều người cứ giả vờ như vấn đề không tồn tại”.
100% phụ nữ được phỏng vấn trong nghiên cứu này cho rằng có tình trạng bất bình đẳng giới trong thời trang, nhưng chỉ có 50% đàn ông thừa nhận điều đó. Mặt khác, chỉ 17% phụ nữ tin rằng quản lý nam giới ở hãng của họ “sử dụng ngôn ngữ phân biệt giới tính”, trong khi ở đàn ông là 37%.
Phụ nữ bị “chặn đứng” trước khi thành lãnh đạo
Đi kèm vấn đề bất bình đẳng giới là bất công về thu nhập đối với nữ giới. “Có một khoảng cách rất xa về thu nhập giữa nam và nữ trong ngành này”, Stacey Haas, đối tác của McKinsey, nhận định.
Bất công thu nhập là một vấn đề toàn cầu và không chỉ tồn tại trong ngành thời trang Mỹ. Khi các hãng ở Anh bị yêu cầu công khai dữ liệu thu nhập nhân viên, kết quả cho thấy nữ giới bị trả lương thấp hơn hẳn nam giới.
Hãng thời trang danh tiếng Burberry và nhiều hãng khác cũng trở thành đối tượng chỉ trích vì khoảng cách quá lớn đến bất hợp lý. Thêm một điều nữa, hầu hết lãnh đạo điều hành cao cấp nhất của Burberry là nam. Hãng thời trang Pháp Dior có nhà thiết kế nữ đầu tiên vào năm 2016, còn Givenchy là năm 2017.
Burberry là một trong những hãng lớn tồn tại bất công giới tính. Ảnh: Burberry. |
Nhưng cũng thật trớ trêu khi nhớ rằng rất nhiều nhà thiết kế nữ đã có công sáng lập và xác lập nên các thương hiệu thời trang Mỹ: Claire McCardell, Bonnie Cashin, Anne Klein, Liz Claiborne… Về mặt cảm hứng và đam mê, không có rào cản nào cho phái nữ khi 17% phụ nữ có mong muốn đạt đến đỉnh cao của nghề khi mới bắt đầu sự nghiệp.
Nhưng vì sao hầu hết bị chặn đứng trước khi lên đến vị trí lãnh đạo cao cấp? CFDA tiến hành nghiên cứu sau cuộc tuần hành của phụ nữ năm 2017 ở Washington. Cindi Leive, biên tập viên của tạp chí Glamour, có mặt trong số này. Và McKinsey đã lập bảng 100 câu hỏi cho cả phụ nữ và nam giới ở mọi vị trí trong ngành để có bức tranh phản chiếu đầy đủ hơn.
Tổng cộng, có 535 người tham gia khảo sát từ 191 hãng thời trang, trong đó có 20 cuộc phỏng vấn sâu. Nhưng điều đáng tiếc là một số hãng lớn và quan trọng trong ngành lại từ chối cho nhân viên khảo sát, theo Steven Kolb, giám đốc điều hành của CFDA.
Khảo sát cho thấy phụ nữ vẫn được trọng dụng ở các cấp lãnh đạo thấp với tỷ lệ là 71%, nhưng từ cấp độ phó chủ tịch trở lên thì chỉ còn 52%. Điều gì đã chặn đứng họ?
Lý do không quá bất ngờ: gia đình, phân biệt giới, không được dẫn dắt và thiếu tự tin, thiếu tham vọng được thăng tiến so với nam giới. Nhiều phụ nữ tin rằng việc làm mẹ cũng ngăn cản cơ hội thăng tiến.
Gigi Hadid và nhà thiết kế Tommy Hilfiger hợp tác trong một bộ sưu tập. Ảnh: Just Jared. |
Công việc lãnh đạo hãng thời trang rất nhiều áp lực. Nhất là với những hãng lớn, luôn có kế hoạch toàn cầu hóa, mở thêm cửa hàng mới và những buổi trình diễn khắp thế giới.
Điều này đòi hỏi hy sinh những kỳ nghỉ dài bên gia đình, bắt buộc người lãnh đạo phải lựa chọn giữa gia đình và sự nghiệp. Còn trong quá trình sáng tạo bộ sưu tập mới, nhà thiết kế phải làm việc 24/7 là chuyện thường.
Nhưng nếu coi vấn đề là tất nhiên thì giải quyết được gì? Nghiên cứu của CFDA nhằm mục đích nâng cao nhận thức về vấn đề, từ đó tạo điều kiện cho nữ giới thăng tiến thuận lợi hơn.
Chủ tịch Diane von Furstenberg nói: “Bộ phận nhân sự của các hãng cần ý thức được vấn đề này và chấp nhận đối thoại để thay đổi”.
Còn Samantha Barry, biên tập viên của Glamour, gợi ý: “Hiện khách hàng đang trả tiền cho những hãng thời trang bền vững. Vì vậy các hãng do nữ lãnh đạo cũng nên đi theo con đường đó. Nếu họ thành công, các hãng khác cũng sẽ noi gương”.
Theo Zing