Nghệ sỹ piano Trang Trịnh: “Bằng mọi cách, tôi buộc mình phải sống chậm lại”

– Sau đám cưới với nghệ sỹ opera Hàn Quốc, nghệ sỹ piano Trang Trịnh đã chuyển hẳn về sống tại Việt Nam. Hiện tại, cặp đôi đã có một cô con gái nhỏ 19 tháng tuổi và một cuộc sống viên mãn khiến nhiều người ngưỡng mộ. Theo Trang Trịnh, điều khó khăn nhất trong cuộc sống của cô hiện nay có khi chỉ là vấn đề bất đồng ngôn ngữ…

ảnh 1Nghệ sỹ piano Trang Trịnh

Muốn được sống với tuổi trẻ một cách ý nghĩa

– PV: Chuyển về Việt Nam sinh sống, chị và chồng có suy nghĩ nhiều không?

– Nghệ sỹ piano Trang Trịnh: Sau tốt nghiệp luận văn Thạc sỹ Âm nhạc chuyên ngành piano tại Học viện Âm nhạc Hoàng gia Anh và đám cưới ở Hàn Quốc, tôi và chồng cũng có băn khoăn là nên dành tuổi 20 của mình ở đâu? Và sau cùng, chúng tôi đã quyết định sẽ trở về Việt Nam. Bởi đó là nơi cần chúng tôi nhất. Vợ chồng tôi muốn dùng toàn bộ tuổi 20 để góp sức cho cộng đồng. Mong muốn của chúng tôi là được sống với tuổi trẻ của mình một cách ý nghĩa.

– Khi về Việt Nam, chị đã được thỏa lòng mong ước? 

– Song song với công việc giảng dạy, biểu diễn âm nhạc, tôi và Park Sung Min còn sáng lập và điều hành “Dàn hợp xướng và giao hưởng Kỳ Diệu”, một dự án âm nhạc dành cho những em bé có hoàn cảnh thiệt thòi. Qua 5 năm hoạt động, số lượng em bé được thụ hưởng món quà âm nhạc kỳ diệu này ban đầu chỉ trên 10 em đến nay đã tăng lên 116 em. Tất nhiên, số lượng không nói lên tất cả, nhiều hay ít các em không quan trọng bằng việc phải phát triển bền vững. Dự án này không nhằm phát hiện tài năng, biến các bé trở thành nghệ sỹ hay dùng âm nhạc để kiếm sống mà muốn thông qua âm nhạc để giúp các bé nhận ra các giá trị sống tốt đẹp.

– Với Dàn hợp xướng Kỳ Diệu, chị đã dạy các em nhỏ bài học làm người với sự hỗ trợ của âm nhạc như thế nào?

– Điều tuyệt vời nhất âm nhạc mang đến cho các em bé thiệt thòi chính là việc chuẩn bị cho các bé tâm thế để trở thành công dân tốt. Tôi đã dùng âm nhạc để dạy các bé biết yêu trật tự. Tôi chơi một bản nhạc và nói với các bé: Bản nhạc này không im lặng nhưng rất trật tự, nốt này chơi xong mới đến nốt kia, giống như khi đi trên đường, đèn đỏ thì dừng, đèn xanh thì đi. Khi chúng ta lưu ý trật tự đó thì sẽ không bao giờ xảy ra tắc đường. Đó, những bài học trong âm nhạc giúp các em biết tôn trọng người khác, biết tuân thủ pháp luật được tôi dạy các học trò của mình như vậy.

ảnh 2

Vợ chồng nghệ sỹ Trang Trịnh và Park Sung Min

Mỗi ngày viết 3 điều cảm tạ

– Với chị, âm nhạc còn có tác dụng nào trong cuộc sống bên cạnh là một nghề chị đang theo đuổi?

– Tôi lấy chồng Hàn Quốc nhưng không vấp phải những khó khăn về khác biệt văn hóa. Việt Nam và Hàn Quốc có rất nhiều điểm tương đồng như truyền thống tôn sự trọng đạo, hướng về gia đình… Tuy nhiên, đôi khi, có những vấn đề cần hiểu sâu sắc thì tiếng Anh-ngôn ngữ hai vợ chồng tôi thường dùng để nói chuyện lại không diễn tả được hết. Những lúc ấy, tôi sẽ dùng đến âm nhạc. Bạn có tin không? (cười)

– Âm nhạc đã mang lại cho chị những gì? 

– Điều tuyệt vời của âm nhạc không phải đưa tôi trở thành  một  nghệ sỹ dương cầm nổi tiếng, một ngôi sao đang lên trong nghệ thuật được Forbes Việt Nam lựa chọn vào danh sách “30 gương mặt dưới 30 tuổi” nổi bật trên nhiều lĩnh vực năm 2015, mà hơn hết, âm nhạc làm tôi thấy vui. Điều kỳ diệu là bằng cách nào đó mà chính tôi cũng không rõ, niềm vui ấy có thể truyền tới trái tim của một người khác. Có lẽ vì thế mà người ta gọi tôi là nghệ sỹ dương cầm hạnh phúc.

– Một ngày của nghệ sỹ dương cầm hạnh phúc có gì đặc biệt, thưa chị? 

– Tôi không có gì khác biệt so với mọi người. Một ngày bình thường của tôi là ngủ đủ 8 tiếng bởi tôi tin, chỉ có ngủ đủ 8 giờ trong một ngày sự sáng tạo mới thức dậy, rồi sau đó tôi đọc sách, tập đàn, làm một vài công việc khác và không bao giờ quên viết 3 điều cảm tạ. Mỗi ngày viết 3 điều cảm tạ, ghi lại 3 điều tốt đẹp xảy ra với mình, để một năm  sẽ tích lũy được một nghìn điều tốt đẹp.

– Thế nhỡ ngày hôm đó chỉ toàn chuyện buồn thì sao? Chị sẽ viết gì?

– 3 chuyện buồn cũng là 3 điều cảm tạ vì chúng cho ta những bài học, nên chúng cũng chính là 3 điều may mắn. Nhưng sẽ vẫn có người thắc mắc, đã là điều buồn thì cần gì phải ghi ra và nhớ về chúng. Tôi không nghĩ thế, khi viết ra 3 chuyện buồn, tức là bạn đã dừng lại và nghĩ. Và như vậy, bạn sẽ sống chậm hơn, cảm nhận cuộc sống nhiều hơn. Bằng mọi cách, tôi luôn nhắc mình phải sống chậm lại.

– Xin cảm ơn chị về cuộc trò chuyện!

Theo ANTĐ