Khoảng hơn chục năm trở lại đây, “làn sóng” trở về của nghệ sĩ hải ngoại khá rầm rộ. Nỗi nhớ quê hương, nguồn cội Có rất nhiều lý do để dẫn đến sự ra đi, nhưng khi trở về, với nhiều nghệ sỹ chỉ có một nỗi niềm, đó là nỗi nhớ quê hương nguồn cội thôi thúc. Một thực tế không thể chối cãi, nếu không có sự “đổ bộ” ấy, người Việt đã không có một gia tài âm nhạc đồ sộ ở hải ngoại đến như vậy. Lứa nghệ sĩ “đặt viên gạch” đầu tiên ấy phải kể đến Phạm Duy, Phạm Đình Chương, Trầm Tử Thiêng, Nhật Ngân, Ngô Thụy Miên, Từ Công Phụng, Lam Phương, Đức Huy, Khánh Ly, Hương Lan, Lệ Thu, Chế Linh, Elvis Phương…, làm dòng chảy âm nhạc của người Việt vẫn cuộn trào bên cạnh những rock, rap thịnh hành của phương Tây. Đó là sức mạnh tinh thần của người Việt, nuôi dưỡng tình yêu quê hương, đất nước và khát khao nguồn cội. Khác với thế hệ đầu, sự ra đi của thế hệ sau (Thu Phương, Trần Thu Hà, Nguyễn Hồng Nhung, Ngọc Anh, Minh Tuyết, Thúy Nga, Việt Hương, Tóc Tiên…) đôi khi chỉ là “theo chồng bỏ cuộc chơi” (Trần Thu Hà, Thu Phương), hay muốn trốn chạy scandal (Nguyễn Hồng Nhung), hay chỉ đơn giản là để phát triển sự nghiệp, đổi đời ở vùng đất mới (Bằng Kiều, Ngọc Anh, Thúy Nga, Việt Hương, Tóc Tiên). Chính vì vậy mà sự trở về của họ cũng khác hơn. Năm 2002, Bằng Kiều kết hôn với ca sĩ Trizzie Phương Trinh và định cư luôn tại Mỹ. Lý do tưởng chừng rất chính đáng này sẽ là cơ hội tốt để Bằng Kiều mở rộng độ ảnh hưởng tên tuổi ra cả trong và ngoài nước, nếu như anh không phạm sai lầm đến mức bị đề nghị “không sử dụng dưới mọi hình thức các tiết mục của ca sĩ Bằng Kiều và các bài hát do ca sĩ này sáng tác”. Sự việc tưởng chừng sẽ khiến Bằng Kiều vĩnh viễn không thể trở về Việt Nam biểu diễn với tư cách nghệ sĩ nữa thì tháng 9 năm 2012, Cục Nghệ thuật biểu diễn đã cấp phép thực hiện liveshow “Bằng Kiều in concert”. Để có được kết quả này, Bằng Kiều đã phải đi đi về về khá nhiều lần, nỗ lực chứng tỏ sự thay đổi của bản thân bằng những việc làm cụ thể. Nhưng sâu sa hơn, điều này còn xuất phát từ chính sách hòa hợp dân tộc, mở đường cho “những bước chân lầm lỡ” có cơ hội được quay về.
Khánh Ly đã được trở về, đứng trên sân khấu tri ân những khán giả ái mộ. Ảnh: Lê Chí Linh Nếu không có sự mở cửa này, ca sĩ Khánh Ly thật khó mà trở về nước như 2 show diễn được thực hiện trong năm 2014. Theo tiết lộ của một bầu sô, để mời được Khánh Ly về nước biểu diễn, đơn vị tổ chức đã đi về giữa Mỹ và Việt Nam không dưới 20 lần để đàm phán, lo thủ tục, giấy tờ. Kèm với đó là giá cát-sê thuộc hàng cao nhất từ trước đến nay dành cho một ca sĩ hải ngoại. Tất nhiên, cái giá đó là hoàn toàn xứng đáng với tên tuổi của Khánh Ly. Đó không đơn thuần là số tiền trả cho một ca sĩ “hot” mà còn là cái giá cho sự trở về sau bao nhiêu năm của một nhân vật thuộc về một phần của lịch sử đầy biến động. Nhưng cát-sê không phải là sức ép lớn nhất mà đơn vị tổ chức phải vượt qua. Khó khăn hơn nằm ở việc, khi ở Mỹ, Khánh Ly đã tham gia rất nhiều chương trình văn nghệ với những phát ngôn nhạy cảm về chính trị. Đã có lúc, Khánh Ly ngỡ rằng bà sẽ không bao giờ trở về quê hương được nữa nhưng cuối cùng bà cũng đã được cấp phép biểu diễn ở Việt Nam. Tuy nhiên, sự trở về của Khánh Ly cũng phải trả một cái giá không nhỏ về tinh thần. Bà gặp không ít những chỉ trích ở trong nước, cho là vì cat-sê, ham tiền mà trở về. Các phần tử quá khích ở hải ngoại gọi bà là kẻ “hai mặt”. Mãnh lực của sự trở về khiến bà chấp nhận tất cả những điều tiếng về bản thân. Giống như tại cuộc họp báo ở liveshow lần thứ 2, Khánh Ly nói, “tôi giữ kỷ niệm cho riêng mình”, bà cũng giữ lại nỗi đau riêng mình biết. Bởi trước và sau sự trở về của bà, trên các trang web hải ngoại không ít những bài viết chỉ trích Khánh Ly. Điều đó chắc chắn gây khó khăn cho bà khi vẫn còn sinh sống tại Mỹ, nơi vẫn còn rất nhiều những phần tử chống đối. Cái giá 20.000 USD cho một show diễn có đủ để bù đắp?
Ông hoàng nhạc sến Chế Linh được người hâm mộ chào đón khi về biểu diễn trên quê hương. Ảnh: T.L. Chế Linh cũng là một trường hợp khá chật vật khi trở về. Năm 2013, Chế Linh về nước kỷ niệm 30 năm ca hát. Khâu xin giấy phép chỉ được biểu diễn ở Hà Nội, còn ở Sài Gòn bị hủy. Ông đã nói rằng, sẽ không bao giờ về Việt Nam hát nữa. Nhưng rồi năm 2014, ông vẫn trở về, làm tới 5 show xuyên Việt. Đồng thời còn tuyên bố sẽ ở lại Việt Nam ăn Tết sau nhiều năm chỉ ở hải ngoại. Không đâu bằng quê hương Ca sĩ Trịnh Vĩnh Trinh, em gái Trịnh Công Sơn trong một lần trả lời phỏng vấn Báo GĐ&XH đã kể rằng, sau năm 1975, khi rất nhiều văn nghệ sĩ, trong đó có cả Khánh Ly ra đi, nhiều người cứ ngỡ, anh Sơn cũng sẽ đi. Quả thực, gia đình bà cũng đã có người di tản qua Mỹ. “Cũng có lúc anh băn khoăn về sự đi – ở, nhưng rồi anh đã cương quyết ở lại vì hơn ai hết anh yêu mảnh đất này vô cùng. Anh từng nói rằng, Việt Nam là nơi duy nhất tôi có thể sống và sáng tác. Ở nước ngoài, tôi không nghe ra tiếng nhạc trong đầu mình, tôi không nghe được câu thơ tôi viết ra. Tôi thích đi nước ngoài, nhưng nếu ở lâu, tôi sẽ khô cạn và chết mất”, ca sĩ Trịnh Vĩnh Trinh nhớ lại. Quả thực, ở thời điểm nhiều biến động mà người nghệ sĩ vốn mong manh nhạy cảm vẫn giữ được sự kiên định thật không dễ dàng. Không ai có thể hình dung, nếu Trịnh Công Sơn ra đi thì cuộc đời của ông sẽ thế nào, nhưng chắc chắn vị thế của ông sẽ không lồng lộng như sau này. Nhạc sĩ Nguyễn Cường, cùng thời với nhạc sĩ Trịnh Công Sơn (nhưng kém Trịnh 4 tuổi) cũng từng kể với chúng tôi rằng: “Cha tôi là phi công cho Hãng hàng không Pháp. Khi ông bị tử nạn (máy bay lao vào vách núi), tôi được chính phủ Pháp bảo lãnh sang Pháp học tập và sinh sống. Nhưng tôi đã từ chối vì không muốn sống với thân phận “lưu vong” nơi đất khách quê người”. Ông cho rằng, là một nghệ sĩ sáng tác, chỉ có khi được sống trong dòng chảy của tiếng mẹ đẻ mới cảm nhận và tích tụ được hồn thiêng sông núi. Sau này nhìn nhận lại, ông thấy mình quá may mắn khi đã chọn cách ở lại. Bởi lứa nghệ sĩ cùng thời với ông như Phạm Duy ra đi đều trở về với một tâm thế đầy trăn trở. Hơn nữa, làm một người sáng tác, nếu sống ở nước ngoài thì âm nhạc bản thân của mình sẽ không có tiếng nói, không có dấu ấn như trên chính quê hương mình được. Nhạc sĩ Phú Quang từng chia sẻ với chúng tôi rằng, ông đã có những show diễn rất hoành tráng ở Mỹ, sân khấu chật kín khán giả, nhưng ông vẫn thấy không thể bằng tổ chức ở trong nước. Bài hát vẫn thế, khán giả vẫn thế, nhưng hơi thở và bầu trời thì không thể thay thế được. Sau này, một số ca sĩ theo dòng nhạc quê hương ở miền Nam cũng từng nhận được lời mời qua hải ngoại gia nhập các trung tâm âm nhạc, nhưng dường như, họ quá hiểu bài học mà lớp người đi trước để lại nên chỉ chọn cách lưu diễn mà thôi. Được nhiều hơn mất Không chỉ được thỏa ước nguyện trở về quê hương sau bao nhiêu năm xa cách, cát-sê cũng là một sức hút khiến cho ngày càng nhiều nghệ sĩ tìm đường về nước. Hồi ca sĩ Dương Triệu Vũ mới rời Trung tâm Thúy Nga Paris để về nước lập nghiệp, ai cũng cho anh quá liều lĩnh khi đang là một cái tên đầy tiềm năng. Rất nhiều ca sĩ trẻ mong muốn có được vị trí ấy ở hải ngoại thì anh lại từ bỏ để về nước làm lại từ đầu. Hỏi Dương Triệu Vũ, anh cho biết: “Ở Mỹ, tuy đời sống có tốt hơn, thu nhập cao hơn, nhưng chỉ đến cuối tuần hoặc các ngày lễ thì mới có show diễn chứ không thường xuyên như ở Việt Nam. Nếu không dành để thu âm, làm đĩa thì thời gian sẽ trống rất nhiều”. Nghệ sĩ trẻ thì thừa năng lượng để biểu diễn mà thiếu “đất”, với nghệ sĩ già lại càng khó hơn. Thi thoảng mới xuất hiện ở các show, biểu diễn 1-2 bài chứ khó có cơ hội được tổ chức cả một liveshow như ở Việt Nam. Trong khi đó, trở về nước, họ được rất nhiều thứ. Được khán giả chào đón, tung hô, báo chí nhắc đến liên tục và hơn hết cả là cát-sê cao. Tuấn Ngọc, Trịnh Nam Sơn, Khánh Hà, Nguyễn Hưng, Trường Vũ, Mạnh Đình, Thanh Hà, Mạnh Quỳnh, Phi Nhung… một lần biểu diễn khoảng từ 2.000 đến 6.000 USD tùy tính chất chương trình. Ca sĩ Ngọc Anh hồi hát trong show của Phú Quang cũng có giá là 4.000 USD/show với 3 đêm diễn. Ca sĩ Bằng Kiều ổn định ở mức 6.000 USD. Đó là con số mà ở hải ngoại họ chưa chắc đã có được, mà có thì cũng phải chi phí nhiều thứ. Còn ở đây là “tiền tươi thóc thật”, ăn ở, đi lại đã được bao trọn gói. Ông bầu Hoàng Tiến, người từng đưa khá nhiều các nghệ sĩ hải ngoại về nước biểu diễn như: Tuấn Vũ, Chế Linh, Giao Linh, Quang Lê… thì mong muốn đầu tiên của các nghệ sĩ là tâm lý “lá rụng về cội”, sau đó, cũng cần phải thẳng thắn thừa nhận rằng, đó chính là cát-sê. Cũ người mới ta, nên khi về nước, họ lúc nào cũng được chào đón nồng nhiệt. Ở hải ngoại, Tuấn Vũ không còn là cái tên “hot” như hồi những năm 90, nhưng cách đây 5 năm, sự trở về của anh đã lập một kỳ tích chưa từng có ở trong nước, đó là tổ chức tới 10 đêm ở Nhà hát Lớn. Gần đây nhất, Chế Linh lần nào về nước cũng biểu diễn không dưới 3 show. Riêng năm nay, ông trở về 2 lần. Lần thứ 2 tổ chức 5 show ở 5 thành phố lớn phía Nam. Và đây chắc chắn chưa phải là show diễn cuối cùng của “ông hoàng nhạc sến”. Có thể thấy, sự trở về của những người nghệ sĩ hải ngoại đang làm cho thị trường âm nhạc Việt Nam có những chuyển biến mới mẻ và sôi động hơn. Giờ đây, chuyện nghệ sĩ trở về đã trở thành chuyện thường nhật. Họ không chỉ biểu diễn mà còn về nước làm liveshow để phát hành trong cộng đồng người Việt ở khắp nơi trên thế giới. Đến mức, khán giả không còn khái niệm họ là ca sĩ hải ngoại mà đã trở thành một phần của đời sống âm nhạc, cũng như họ là một phần của quê hương, nguồn cội.
***
Chỉ trong 9 tháng đầu năm 2014, Cục Nghệ thuật Biểu diễn đã cấp phép mới và gia hạn cho 178 nghệ sĩ người Việt định cư ở nước ngoài được biểu diễn ở Việt Nam. Con số này minh chứng cho sự hấp dẫn của thị trường âm nhạc trong nước với các nghệ sĩ hải ngoại. Điểm danh những nghệ sĩ đổi đời khi về nước định cư
Nghệ sỹ Hoài Linh: Không giống như hồi đầu mới về nước, phải đóng phim “hài nhảm” cho mùa phim Tết, cái tên Hoài Linh giờ đây đã phát triển lên một đẳng cấp cao hơn, đó là làm giám khảo, MC cho rất nhiều gameshow truyền hình thực tế. Ở thời điểm này, gần như mở bất cứ kênh giải trí cuối tuần nào cũng đều có sự hiện diện của Hoài Linh, như: “Tôi là người chiến thắng”, “Gương mặt thân quen”, “Ơn giời cậu đây rồi”, “Vietnam’s got talent”… Cùng với đó, cát-sê giám khảo của Hoài Linh cũng thuộc hàng cao nhất hiện nay.
Nhạc sĩ Đức Huy: trở về Việt Nam giữa lúc bị vỡ mộng trên đất Mỹ. Đã có thời điểm ông không thể biểu diễn được ở Mỹ, phải quay sang mưu sinh bằng nhà hàng, nhưng rồi cũng không trụ vững ở xứ người. Gia đình tan nát, ông quay trở về Việt Nam để làm lại từ đầu. Cũng như Hoài Linh, sự trở về của nhạc sĩ Đức Huy đúng vào thời điểm các chương trình gameshow đang nở rộ. Giờ đây, ông có cuộc sống khá ổn định với người vợ trẻ hơn mình 40 tuổi và một cậu con trai mới sinh.
Danh hài Chí Tài: Là người có cuộc sống thành danh khi trở về nước lập nghiệp. Đóng phim, diễn show, làm giám khảo đã giúp danh hài có một cuộc sống ổn định ở Sài Gòn. Mua được nhà, sắm được xế hộp và hàng tháng vẫn gửi tiền sang Mỹ cho vợ nuôi con. Nhưng với anh, niềm hạnh phúc nhất chính là được sống trong tình yêu thương của khán giả quê nhà, được tiếp tục cống hiến.
Minh Nhật
Theo Gia đình xã hội