Chân Hoàn truyện, Võ Mị Nương truyền kỳ, Mị Nguyệt truyện, Nữ y Minh phi truyện… đều là những bộ phim nữ quyền, mang đến cho khán giả cái nhìn về người phụ nữ dưới thời phong kiến.
Chân Hoàn truyện, Võ Mị Nương truyền kỳ, Mị Nguyệt truyện, Nữ y Minh phi truyện… là những phim ăn khách trên màn ảnh nhỏ Hoa ngữ – Ảnh: Sina
Trong văn hóa, chủ nghĩa nữ quyền là một loại phê phán mối quan hệ nam nữ bất bình đẳng trong xã hội, phê phán quan niệm truyền thống nam quyền cao hơn nữ quyền.
Bài viết này dựa theo đặc điểm địa vị của phụ nữ trong những bộ phim truyền hình cổ trang với góc độ chủ nghĩa nữ quyền, từ đó phát hiện những vấn đề tồn tại trong thời phong kiến Trung Quốc.
Người nắm giữ vận mệnh
Ý thức phụ nữ có thể giải thích theo hai cách: Một là tự nhận thức bản thân với cách nhìn của phụ nữ, xác nhận bản thân, ý nghĩa cuộc sống và địa vị trong xã hội. Hai là xuất phát từ góc độ phụ nữ nhìn ra thế giới, đồng thời tăng thêm sự lý giải và nắm bắt đối với số phận của người phụ nữ.
Trong những bộ phim với vai chính là nữ, phụ nữ có tư tưởng độc lập, xuất phát từ góc độ chủ kiến, khao khát phấn đấu vì tương lai, những người phụ nữ này không còn là vật phụ thuộc bị đè ép dưới nền chính trị nam quyền, họ có linh hồn tươi đẹp của chính mình.
Bộ phim Lục Trinh truyền kỳ xoay quanh câu chuyện về nữ quan Lục Trinh thời Nam Bắc triều, cô xuất thân từ một gia đình có truyền thống kinh doanh buôn bán, từ nhỏ đã theo cha đi từ Nam chí Bắc, cô không cam tâm làm người vợ sống cuộc đời bình lặng, thi làm nữ quan trở thành mục tiêu sống của cô.
Khi Lục Trinh không ngừng bị uy hiếp, hãm hại trong triều, cô lựa chọn bị người khác lợi dụng đồng thời cũng lợi dụng người khác. Cô không còn thụ động chấp nhận hoàn cảnh xung quanh, bắt đầu tiến thêm một bước với cách nhìn của bản thân, hiểu rõ bản thân, tìm kiếm lối thoát cho mình trong chốn quan trường đầy rẫy nguy hiểm.
Lục Trinh không trông đợi người khác giúp đỡ, không ỷ lại vào quyền lực của nam giới, chú trọng cảm nhận và tình cảm của chính mình, cuối cùng trở thành nữ tể tướng quyền cao chức trọng nhất của nước Tề.
Nữ y Minh phi truyện lấy bối cảnh thời nhà Minh, nhân vật nữ chính Đàm Doãn Hiền sinh ra trong gia đình có truyền thống làm nghề y, từ nhỏ cô đã yêu thích y học.
Sau khi chứng kiến hoàn cảnh những cô gái có thân phận thấp kém trong cung bị bệnh mà không được chữa trị, Đàm Doãn Hiền đã phản kháng sự đàn áp của nam quyền, phá vỡ sự trói buộc của lễ giáo, xây dựng chế độ nữ y, trở thành nhất đại nữ quốc y, vang danh thiên hạ.
Mẫu hình “Người phụ nữ mới” như Lục Trinh hay Đàm Doãn Hiền đều dựa vào tinh thần ý thức, phấn đấu vì bản thân, khiến nội tâm người phụ nữ trở nên mạnh mẽ, đấu tranh với nam quyền và lễ giáo phong kiến, tìm kiếm mục tiêu sống của bản thân.
Theo cách nhìn của chủ nghĩa nữ quyền, họ đại diện cho người phụ nữ tự nhận thức và tự thức tỉnh trong quá trình đối thoại với nội tâm của chính mình.
Nô lệ của quyền lợi, kẻ dị hóa nhân tính
Trong thời cổ đại, hoàng đế là người đại diện cao nhất cho quyền uy của nam giới, một ánh mắt, một câu nói của người đều có thể quyết định sự hưng thịnh hay suy thoái của nữ giới, thậm chí là gia tộc của họ.
Người phụ nữ vì muốn có được sự sủng ái của người đàn ông, không tiếc hãm hại “chị em” để nhận được quyền lợi mà người đàn ông ban cho.
Trong phim Mị Nguyệt truyện, công chúa Mị Thù của nước Sở, tính tình ôn hòa điềm đạm, luôn quan tâm che chở cho em gái cùng cha khác mẹ Mị Nguyệt.
Tuy nhiên, khi chị em Mị Thù và Mị Nguyệt cùng hầu hạ hoàng đế nước Tần, cô chị đã không thể chịu nổi sự sủng ái của hoàng đế dành cho em gái mình, khi bị thất sủng cô đã xem em gái Mị Nguyệt như kẻ thù không đội trời chung. Vì muốn con trai của mình có thể ngồi vững trên ngai vàng, cô đã ba lần bốn lượt hãm hại Mị Nguyệt, tất cả những việc làm này khiến cô lầm đường lạc lối.
Trong phim Chân Hoàn truyện, hoàng hậu có tâm địa đen tối không được nhà vua sủng ái, thứ mà bà có được chỉ là cung điện xa hoa lộng lẫy mà lạnh tanh, bà xem tất cả phụ nữ trong hậu cung đều là kẻ địch đe dọa địa vị và quyền lực của bà, nên bà bất chấp thủ đoạn hãm hại họ, bao gồm cả chị ruột của bà.
Lâu thái hậu trong phim Lục Trinh truyền kỳ, Trương thái hậu trong Nữ y Minh phi truyện vì muốn nắm quyền lực lâu dài mà hãm hại cả con trai mình, mà số phận cuối cùng của họ không phải chết thảm dưới lưỡi đao, thì là cô độc đến già trong lãnh cung.
Trong cuộc chiến ở hậu cung, bất kể là Mi Thù hay Chân Hoàn, trong quá trình tranh đấu đều cố ý hoặc vô tình cuốn người khác vào cuộc chiến, trở thành con cờ trên bàn cờ của họ, để giành được chiến thắng cuối cùng họ đều bất chấp thủ đoạn.
Trong quá trình đó, họ cũng dần đánh mất nhân cách, bỏ rơi tình bạn, tình yêu thậm chí là tình thân, chỉ cầu tranh đấu thắng lợi, những nhân vật này vì tham vọng cá nhân, hãm hại người vô tội.
Vì mưu cầu quyền lợi mà bất chấp thủ đoạn, kết cuộc cuối cùng sẽ là gieo gió gặt bão tự hủy diệt bản thân.
Phụ thuộc vào nam quyền, trở thành vật hy sinh bất đắc dĩ
Trong xã hội phong kiến, tam tòng tứ đức của phụ nữ chính là khiến phụ nữ hoàn toàn tuân thủ quy chế của nam giới. Sự nhu thuận hiền lương của phụ nữ, sự phục tùng đối với nam giới được xem là phẩm chất tốt đẹp nhất.
Trong tập đầu của bộ phim Võ Tắc Thiên truyền kỳ, tất cả phụ nữ khi tiến cung gần như đều có đặc điểm này, mục đích họ vào cung là có một ngày sẽ nhận được sự sủng ái của nhà vua và sống an nhàn đến già.
An Lăng Dung trong phim Chân Hoàn truyện, vì không có bối cảnh gia thế tốt, dưới sự xúi giục của hoàng hậu và sau khi tận mắt nhìn thấy đủ kiểu đấu đá từ ngoài sáng đến trong tối ở hậu cung, cô biết chỉ có giành được sự sủng ái của nhà vua mới có thể bảo vệ bản thân và người nhà.
Số phận của những người phụ nữ này đã sớm được định đoạt từ khi đặt chân vào cung, cho dù có nhận được sủng ái hay là nhận sự trừng phạt thích đáng cho những hành vi bất chính của mình, thì họ đều ngồi trong tòa cung điện lạnh lẽo như nhà tù lặng lẽ nuốt nước mắt.
Tình bạn chân thành của phụ nữ thời phong kiến
Trong tư tưởng nam quyền, phụ nữ chỉ là vật phụ thuộc, có thể xem như món quà trao tặng lẫn nhau, phụ nữ chỉ có thể thông qua sự trả giá và hy vọng chờ đợi sự sủng ái của đàn ông.
Nhưng, khi chủ nghĩa nữ quyền chuyển động sẽ tạo ra một loại ý thức tình nghĩa chị em, một thứ tình cảm giữa phụ nữ với mục đích khắc phục sự thù hận chính mình trong tập thể, khắc phục sự thù địch của rất nhiều phụ nữ đối với người cùng giới, loại thù địch này là do sự phân ly, tranh giành sự chú ý của nam giới sản sinh ra, thiên về tâm lý tự ti mà ra.
Trong các bộ phim nữ quyền, nhân vật nữ chính dù có giành được chiến thắng cuối cùng hay không, thì bên cạnh người đó nhất định có một người bạn nữ tình nguyện nhảy vào dầu sôi lửa bỏng, thậm chí là từ bỏ mạng sống vì nhân vật nữ chính.
Trong phim Chân Hoàn truyện, nhân vật Thẩm Mi Trang đã vì Chân Hoàn mà không ngại đắc tội với nhà vua; trong phim Lục Trinh truyền kỳ, nhân vật Đan Nương vì che chở cho Lục Trinh không tiếc hy sinh bản thân…
Những nhân vật “tùy tùng” bên cạnh nữ chính là hiện thân tiêu biểu nhất của tình chị em đích thực, đã bù đắp cho khát vọng có một tình bạn chân thành trong cuộc sống của phụ nữ thời phong kiến.
Phim nữ quyền, món ăn tinh thần của phụ nữ thời hiện đại
Những năm gần đây, màn ảnh nhỏ Hoa ngữ ngày càng xuất hiện nhiều bộ phim lấy đề tài về phụ nữ, bối cảnh phim được đặt vào những thời đại khác nhau, kể về câu chuyện truyền kỳ của những người phụ nữ khác nhau.
Qua những câu chuyện này, chúng ta có thể nhìn thấy hình tượng những người phụ nữ khuất phục trước số phận bị đàn ông chèn ép, nhưng chúng ta cũng không khó phát hiện chính trong hoàn cảnh khó khăn như thế, vẫn có những người phụ nữ không cam tâm bị trói buộc trong khuê phòng mà đột phá chướng ngại xã hội.
Bất kể là đề tài câu chuyện hay là hướng về mục tiêu rating, thì những bộ phim lấy phụ nữ làm đầu mối nhân vật đều thỏa mãn cảm giác thiếu hụt trong cuộc sống thực tế của phụ nữ thời hiện đại, giúp phụ nữ thời nay tìm kiếm chỗ dựa tinh thần trong cuộc sống.
THỤC NGHI
Theo Tuổi Trẻ